Xét xử vụ bố đẻ và mẹ kế bạo hành con gây xôn xao dư luận:

Ác mộng đã qua, nỗi đau ở lại…

Thứ Sáu, 07/09/2018, 13:41
Bố mẹ ly dị, phải sống với bố cùng mẹ kế, tưởng rằng đó đã là những thiệt thòi không thể đong đếm đối với một đứa trẻ. Thế nhưng, cuộc sống của đứa bé khi đó mới chỉ 10 tuổi đã phải trải qua bao trận đòn roi trong suốt một năm trời. Để rồi cháu phải tìm cách bỏ trốn khỏi người mà cháu gọi là bố, để có thể tự cứu lấy mình với những vết thương chằng chịt trên cơ thể.

Cuộc sống gia đình mà tưởng rằng cháu sẽ phải được bố và mẹ kế bù đắp tình cảm nhiều hơn, bỗng chốc như một cơn ác mộng vụt qua cuộc đời cháu bé.

Chạy trốn khỏi đòn roi

Vụ bạo hành nói trên được phát hiện vào tối ngày 5-12-2017, khi hàng xóm và gia đình ông bà nội của cháu Trần Nguyên K. (SN 2008) thấy cháu trở về nhà với tình trạng hoảng loạn, sợ hãi và sút cân vô cùng trầm trọng. Khi đó, cháu K. chỉ nặng khoảng 20kg với nhiều vết sẹo, bầm tím trên mặt và chân tay. Ông bà nội của cháu đã đưa cháu đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe và trấn an tinh thần cho cháu bé khỏi hoảng sợ.

Đến khi được mọi người dỗ dành, cháu K. mới kể rằng, những vết thương trên người của mình đều do bố đẻ là Trần Hoài Nam (35 tuổi, trú tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) và mẹ kế là Phạm Thị Tú Trinh (35 tuổi) gây ra.

Theo lời kể của người thân trong gia đình Trần Hoài Nam, được biết Nam và mẹ cháu K. là chị Nguyễn Thúy Ngân (35 tuổi, trú tại quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) quen nhau được hơn 5 năm thì đi đến hôn nhân và có hai con là cháu Trần Nguyên K. và cháu Trần Khánh Đ. (SN 2001).

Đến tháng 8-2014, do mâu thuẫn gia đình, Nam và chị Ngân đã ra tòa làm thủ tục ly hôn, mỗi người có trách nhiệm nuôi một đứa con, cháu Đ. ở với mẹ còn cháu K. chuyển về sống với bố tại nhà ông bà nội trên phố Hoàng Hoa Thám (Ba Đình, Hà Nội).

Các bị cáo Trần Hoài Nam và Phạm Thị Tú Trinh trước vành móng ngựa.

Sau khi ly dị được gần 2 năm, Trần Hoài Nam quyết định kết hôn với Phạm Thị Tú Trinh và vẫn tiếp tục sống chung với bố mẹ đẻ - ông bà nội của cháu K. Tuy nhiên, giữa bố mẹ của Nam và Trinh đã xảy ra nhiều mâu thuẫn cãi vã nên sau vài tháng, đôi vợ chồng này mang cháu K. chuyển đến sống tại một khách sạn nằm trên phố Ngọc Hà (Ba Đình).

Cũng từ thời điểm này, Nam và Trinh đã cách ly không cho ông bà nội và chị Ngân đến thăm cháu. Và rồi, tưởng chừng bố đẻ và mẹ kế sẽ phải bù đắp cho cháu nhiều tình cảm hơn nhưng đổi lại, cuộc sống của cháu bắt đầu rơi vào cơn "ác mộng" với những trận đòn cả đời không thể nào quên.

Bị cách ly, không cho gặp gỡ, nói chuyện với bất kì ai cũng đồng nghĩa với việc cháu K. bị bố đẻ cho nghỉ học. Nam và Trinh đã thống nhất với nhau, hàng ngày khi Nam đi làm, Trinh sẽ ở nhà trông cháu K... Khi cháu K. mắc lỗi, Trinh sẽ mách Nam để ông bố này tự tay đánh con mình một cách dã man.

Trung bình mỗi tuần, Nam đánh con từ 1-2 lần, phần lớn các lỗi lầm mà cháu mắc phải đều do mẹ kế mách lại với bố. Tuy nhiên, lỗi lầm ấy của cháu K. có đúng sự thật hay không thì không ai biết.

Trong một trận đòn "đánh dở", sau khi nghe bố dọa sẽ tiếp tục đánh khi đi làm về, cháu K. đã tìm đường bỏ trốn về nhà ông bà nội. Đến lúc đó mọi người mới biết, thời gian qua cuộc sống của cháu bé đau khổ đến thế nào. Một đứa bé nặng gần 40kg, sau hơn một năm chỉ còn hơn 20kg, không ai có thể nhận ra cháu bởi mái tóc lòa xòa lởm chởm và những vết thương kín khắp cơ thể.

Nhận được đơn trình báo của người dân, ngay sau khi cháu K. trở về nhà ông bà nội được một ngày, tối ngày 6-12-2017, CQĐT Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã tạm giữ hình sự và thực nghiệm hiện trường đối với Trần Hoài Nam. Ngay sau đó không lâu, người mẹ kế nhẫn tâm cũng có mặt tại Công an quận Cầu Giấy để phục vụ công tác điều tra.

Đối tượng Nam thực nghiệm lại hiện trường.

Đổ lỗi và đổ lỗi

Theo lời khai ban đầu của hai đối tượng này, thật khó hiểu về tư cách của một người bố khi mọi tội lỗi, đòn roi đã trút lên người cháu K. lại được Trần Hoài Nam đổ cho chính đứa con của mình. Nam cho biết, trong quá trình ở cùng bố và mẹ kế, cháu K. rất nghịch ngợm phá phách khiến hai người phiền lòng nên đã phải "dạy dỗ" con. Nam chỉ cho rằng, cách dạy con của mình chưa đúng "chuẩn mực" mà thôi.

Còn theo Trinh, mẹ kế của cháu K. cho biết: "Do cháu K. nghịch ngợm nên tôi và chồng phải dạy dỗ cháu. Riêng tôi có 2 lần dùng đũa ăn đánh vào tay cháu. Tôi chỉ đánh nhẹ không gây thương tích đáng kể để cháu hiểu mình bị phạt vì mắc lỗi và nhớ để lần sau không phạm lại lỗi như vậy nữa".

Sau quá trình điều tra kéo dài nhiều tháng, đã từng phải trả hồ sơ một lần để điều tra lại, ngày 31-8-2018, Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy đã mở phiên tòa xét xử hai bị cáo Trần Hoài Nam và Phạm Thị Tú Trinh về tội "Hành hạ con" và tội "Cố ý gây thương tích".

Cáo trạng của Viện kiểm sát đã nêu rõ, vào khoảng tháng 10-2017, Trần Hoài Nam đã nhiều lần dùng thìa đánh vào đầu con, dùng mắc áo nhôm duỗi ra gấp lại để tạo thành roi đánh cháu K. vào các vùng tay chân, người. Ngoài ra, Nam còn nhiều lần dùng tay tát vào mặt, dùng chân đá, đạp vào người cháu K.

Trong những lần Nam đánh đập cháu K., Trinh đều có mặt và chứng kiến. Thay vì can ngăn chồng, Trinh lại vào hùa chửi mắng, dùng đũa vụt vào mặt cháu K. Đỉnh điểm, vào ngày 29-8-2017 và cuối tháng 9-2017, phát hiện cháu K. nghịch ngợm, Trinh cầm thìa múc canh đánh vào đầu con chồng khiến cháu bị rách da, chảy máu, để lại hai vết sẹo nằm ngang thái dương và trên vành tai bên phải.

Tiếp đó, tối ngày 30-11-2017, thấy cháu K. tiểu tiện ở cửa phòng ngủ, Nam đã dồn con vào góc tường, đạp nhiều lần vào mạng sườn. Khi cháu bị đau, ngã khuỵu xuống, Nam vẫn tiếp tục đạp con nhiều lần nữa. Chiều ngày 5-12-2017, Nam phát hiện cháu K. tự ý vào phòng ngủ của hai vợ chồng nên đã tát vào mặt con. Trước khi ra khỏi nhà, Nam còn dọa khi về sẽ xử lý tiếp. Trinh cũng chứng kiến cảnh đó và cầm đũa vụt vào mặt con chồng khiến cháu bị rách da.

Ngoài những trận đòn nói trên, hai vợ chồng Nam và Trinh còn có nhiều hình phạt oái oăm như không cho cháu K. cắt tóc, không được ra ngoài, không được nói chuyện với ai. Nam còn phạt con đứng ngoài ban công, đến tối thì ngủ ở ngoài phòng khách, dưới nền nhà và thậm chí là phải uống nước mắm khi cháu K. nghịch làm vương vãi gia vị trong lúc Trinh đang nấu cơm.

Tại phiên tòa, trả lời HĐXX, Nam cho biết việc không cho cháu K. đi học là để chuyển trường cho con. Tuy nhiên, khi thẩm phán hỏi "vì sao chuyển trường mà 7 tháng không xong" thì Nam lại không thể trả lời.

Cũng trong phiên tòa này, lý giải về hành vi của mình, Trần Hoài Nam cho rằng do từ bé mình đã phải ở với ông bà, không được sự chăm sóc của bố mẹ, thiếu thốn tình cảm nên đã bị ảnh hưởng đến tâm lý và cách dạy con sau này. Tuy nhiên trên thực tế, bị cáo Trần Hoài Nam là con một trong gia đình, được nuôi dạy trong môi trường giáo dục tốt và được học hành đầy đủ.

Trước câu trả lời đổ lỗi cho hoàn cảnh ấy của Nam, ông nội cháu K. đã lặng người đi và bỏ ra về ngay sau đó do có tiền sử về bệnh huyết áp. Có lẽ, sự nhẫn tâm và vô cảm của đứa con trai khiến ông chua xót không thể dự hết phiên tòa.

Nam liên tục cúi gằm mặt trong suốt phiên tòa.

Theo kết quả trưng cầu giám định pháp y với cháu K. đã cho thấy, cháu bị tổn hại 24% sức khỏe, trên cơ thể có 69 vết sẹo và có tới 40 vết ở mặt và đầu. Đặc biệt, trên người cháu K. có 4 vết thương vùng đỉnh đầu và bị gãy 5 xương sườn.

Cuối phiên tòa, HĐXX xác định rằng, bị cáo Nam là bố nhưng không cho cháu K. đi học lại đối xử tàn ác với con, gây thương tích với tỷ lệ tổn hại sức khỏe trên 20%. Còn Trinh, là phụ nữ nhưng lại không can ngăn khi chồng đánh con mà còn ủng hộ, trực tiếp đánh cháu.

Xét thấy hành vi của các bị cáo là nguy hiểm, vi phạm chuẩn mực đạo đức xã hội, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Trần Hoài Nam 2 năm 6 tháng tù về tội "Hành hạ con", 4 năm tù về tội "Cố ý gây thương tích". Tổng hợp hình phạt chung đối với Nam là 6 năm 6 tháng tháng tù.

Tòa tuyên bị cáo Phạm Thị Tú Trinh 2 năm tù về tội "Hành hạ con", 3 năm tù về tội "Cố ý gây thương tích". Tổng hợp hình phạt chung đối với Trinh là 5 năm tù. Ngoài án phạt tù, về phần dân sự, TAND còn tuyên buộc hai bị cáo có trách nhiệm bồi thường dân sự với số tiền 194 triệu đồng cho cháu Nam.

Ác mộng qua đi

Sau khi phiên tòa diễn ra được 4 ngày, trao đổi với chị Nguyễn Thúy Ngân, mẹ ruột cháu K., chị cho biết: "Tôi thực sự cảm ơn HĐXX vì đã đưa ra bản án thấu tình đạt lý. Chính chủ tọa phiên tòa và các thành viên trong HĐXX cũng vô cùng bức xúc về hành vi đánh đập con dã man của Nam. Còn với tôi, tôi thực sự không tin được rằng, Nam lại có thể dám làm điều đó với con mình".

Chị Ngân cũng cho biết thêm, từ ngày quen Trần Hoài Nam, nhận thấy đây là một con người tốt bụng, có ăn có học nên mới quyết định đi tới hôn nhân. Trong cuộc sống, dẫu có những lúc Nam tỏ ra là một người cục tính, nhưng không bao giờ, chị Ngân lại nghĩ rằng sẽ có lúc Nam ra tay đánh người khác.

Cũng vì lý do đó, khi nhận được cuộc điện thoại từ ông bà nội, rồi lại nhìn thấy những vết thương trên cơ thể con, chị Ngân sốc không nói lên lời mà chỉ ôm con, nước mắt cứ thế tuôn trào.

"Những ngày đầu khi mới về nhà, cháu K. bị ảnh hưởng tâm lý rất nặng nề, thường xuyên giật mình và khóc. Có những lần làm việc với Công an, phải nhìn thấy ảnh của bố và mẹ kế thì cháu lại sợ hãi", chị Ngân chia sẻ.

Rất may mắn rằng, sau 8 tháng trở về sống với mẹ và ông bà ngoại, cháu K. đã dần trở lại cuộc sống bình thường. Để cho cháu quên đi những chuyện đã xảy ra, ông bà ngoại cũng cho cháu K. đi du lịch nhiều ngày. Do công việc bận rộn nên mỗi khi nghỉ, chị Ngân lại cùng hai con đi mua sắm, đi chơi ở các trung tâm thương mại. 

Còn với việc học hành của cháu, do ông ngoại cũng là giáo viên nên ngoài giờ học trên lớp, cháu K. còn được ông kèm cặp thêm ở nhà. Ngoài ra, chị Ngân cũng cho cháu tham gia các môn học ngoại khóa cháu yêu thích như vẽ, bóng chuyền và bóng đá. Tuy nhiên, do đã bước vào năm học chính quy nên cháu K. hiện tại chỉ theo học bóng đá vào những giờ nghỉ. Đến cuối tuần, cháu K. lại được mẹ đưa đi học thêm tiếng Anh để theo kịp các bạn trong lớp.

Kể đến đây, chị Ngân lại ngậm ngùi: "Ngày mới về với mẹ cháu K. có kể, những ngày không được đi học, cháu còn một quyển sách Tiếng Việt trong nhà nên thường xuyên lôi ra đọc để không quên mặt chữ. Còn môn Toán thì cháu hoàn toàn bị mất kiến thức, phải học lại từ đầu. Trước mắt, tâm lý của cháu đã ổn định, nhưng tôi không biết trong tương lai, những gì đã xảy ra có ảnh hưởng gì đến cháu hay không".

Cơn ác mộng với cháu K đã qua. Những kẻ bạo hành cháu cũng đã phải nhận bản án nghiêm minh của pháp luật. Song, những vụ xâm hại, bạo hành trẻ em như vết thương nhức nhối không bao giờ có thể hàn gắn được trong tâm hồn của những đứa trẻ thơ ngây. Ác mộng đã qua, nhưng nỗi đau vẫn còn đó…

Phong Hiền
.
.