Ai đã tổ chức giết nhà độc tài Nicaragua Anastasio Somoza Debayle?

Thứ Hai, 16/04/2007, 09:30

Anastasio Somoza Debayle, cựu Tổng thống Nicaragua, chỉ trích mạnh mẽ thái độ vắt chanh bỏ vỏ của Mỹ và đe dọa sẽ tiết lộ những hoạt động bí mật của Mỹ tại Nicaragua. Phải chăng chính sự đe dọa này đã khiến ông ta phải trả giá bằng chính sinh mạng của mình?

Đầu giờ chiều ngày 17/9/1980, trên đường từ nhà ở khu Lotentia phía nam thủ đô Asuncion của Paraguay đến tham dự cuộc họp thường niên của những cựu sĩ quan quân đội Nicaragua sống lưu vong tại Paraguay, chiếc xe chở Anastasio Somoza Debayle, 55 tuổi, cựu Tổng thống Nicaragua, đã bị những kẻ lạ mặt phục kích trong một ngôi nhà bỏ hoang bằng súng phóng lựu.

Một trong 2 quả đạn bắn trúng xe, đã giết chết Somoza Debayle cùng viên tài xế ngay tại chỗ. Có mặt tại hiện trường ngay sau khi xảy ra vụ phục kích, nhưng cảnh sát không thu giữ được bất cứ chứng cứ gì khả dĩ tố cáo tội ác của nhóm phục kích.

Thông tin về vụ nhà độc tài Somoza Debayle bị giết hại loan nhanh đến Nicaragua khiến dân chúng hân hoan. Người ta cho rằng, ông ta xứng đáng phải đền tội vì đã mang lại quá nhiều khổ đau cho đất nước Trung Mỹ này.

Hai ngày sau, một tổ chức vũ trang lạ hoắc, có tên gọi Con đường Cách mạng của Pueblo (ERP) đứng ra nhận trách nhiệm đã tổ chức phục kích giết chết Somoza Debayle mà không đưa ra bất cứ nguyên do nào. Đây là điều khiến nhiều người cho rằng có một thế lực bí mật đã đứng sau vụ giết hại nhà độc tài người Nicaragua. Vậy đâu là sự thật?

Anastasio Somoza Debayle sinh ngày 5/12/1925 tại Leon, thành phố lớn thứ hai của Nicaragua và là con trai thứ hai của Anastasio Somoza Garcia, Tổng thống Nicaragua từ năm 1937.

Buộc phải chọn con đường binh nghiệp theo truyền thống của gia đình, Somoza Debayle từng theo học tại Trường Thiếu sinh quân St. Leo ở bang Florida và Học viện Hải quân La Salle ở thành phố Long Island của Mỹ.

Sau khi tốt nghiệp Học viện Quân sự quốc gia Mỹ vào năm 1946, Somoza Debayle quay về Nicaragua và chẳng bao lâu sau được bổ nhiệm đứng đầu Lực lượng Vệ binh quốc gia rồi nhanh chóng trở thành nhân vật có quyền lực thứ hai ở Nicaragua chỉ sau người cha đương chức tổng thống của mình.

Hiện trường vụ giết hại Somoza Debayle ngày 17/9/1980.

Vào tháng 9/1956, khi Tổng thống Somoza Garcia bị một nhà văn trẻ đâm chết, Somoza Debayle không vội lên nắm quyền mà "nhường" chức vụ tổng thống cho anh trai là Luis Somoza.

Thực ra từ trong hậu trường, Somoza Debayle đã tìm cách thâu tóm hết quyền lực vào tay mình. Trong thời gian này, anh em nhà Somoza chủ trương thắt chặt bang giao với Mỹ và biến Nicaragua thành tiền đồn nhằm tạo ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực Trung Mỹ.  

Khi nhận thấy thời cơ đã chín muồi, Somoza mạnh tay thanh toán cả người anh trai đương nhiệm Tổng thống, rồi ngụy tạo thành một vụ đột tử do trụy tim. Trở thành Tổng thống Nicaragua trong một cuộc bầu cử độc diễn tổ chức vào tháng 5/1967, Somoza Debayle tiến hành nắm gọn cả quyền lực quân sự, chính trị và kinh tế, thẳng tay đàn áp các phe phái đối lập, bao che cho nạn tham nhũng, hối lộ tràn lan trong bộ máy chính quyền các cấp.

Chỉ trong vòng có 4 năm cầm quyền, Somoza đã biến các ngân hàng lớn, hãng hàng không quốc gia, các nhà máy công nghiệp, các nhà máy điện và hàng trăm ngàn ha trồng bông vải thành tài sản của riêng mình, bất chấp phản ứng của dân chúng.

Năm 1971, khi nhiệm kỳ làm tổng thống lần thứ nhất sắp chấm dứt, Somoza Debayle quyết định tu chỉnh lại Hiến pháp để có thể ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa. Tuy nhiên, ý đồ của ông ta đã gặp phản ứng dữ dội của các tầng lớp xã hội.

Vì vậy Somoza Debayle buộc phải chia sẻ quyền lực với một hội đồng điều hành đất nước cùng với Pedro Joaquim Chamorro Cardenal, chủ bút báo La Prensa và là đại diện tầng lớp trí thức, báo chí, Hồng y Miguel Obando y Bravo, đại diện Giáo hội Thiên Chúa.

Thế nhưng Hội đồng điều hành này chỉ tồn tại có mấy tháng thì Nicaragua xảy ra một sự kiện thảm khốc, đó là một trận động đất mạnh đã tàn phá thủ đô Managua vào ngày 23/12/1972 làm chết 10 nghìn người và làm 50 nghìn gia đình mất nhà cửa.

Là chỉ huy quân đội nên Somoza Debayle quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp, ra lệnh giải tán Hội đồng điều hành quốc gia và tự phong làm Tổng thống vào tháng 1/1974.

Lên nắm quyền, Somoza Debayle điều hành đất nước với bàn tay sắt. Ông ta bí mật thành lập các biệt đội mật vụ lùng sục khắp nơi để bắt bớ, giết hại, thủ tiêu bất cứ ai có thái độ, hành vi chống đối lại chế độ.

Trong tình hình như vậy xuất hiện Mặt trận Dân tộc giải phóng Sandinista (FSLN) do Augusto Cesar Sandino thành lập, chủ trương dùng vũ lực chống lại chế độ độc tài và hô hào mọi tầng lớp xã hội nổi lên lật đổ Somoza Debayle.

Từ đó, Somoza Debayle càng có cớ mạnh tay đàn áp hơn nữa. Thái độ cứng rắn của nhà độc tài này cũng gặp phải phản ứng của Mỹ, quốc gia lâu nay vẫn bảo trợ cho các đời tổng thống ở Nicaragua. Tổng thống Mỹ Jimmy Carter dọa sẽ cắt viện trợ nếu Somoza Debayle không thực hiện tiến trình dân chủ tại Nicaragua. Vậy mà, bất chấp đe dọa của Mỹ, Somoza Debayle vẫn thẳng tay đàn áp bất cứ ai chống đối lại ông ta.

Ngày 10/1/1978, người đứng đầu phe đối lập ở Nicaragua là Pedro Chamorro Cardenal bị giết chết bởi nhiều kẻ lạ mặt khi vừa bước ra khỏi tòa soạn báo La Prensa ở thủ đô Managua.

Cho rằng chính Somoza Debayle đã tổ chức giết hại Chamorro Cardenal nên dân chúng xuống đường biểu tình rầm rộ đòi nhà độc tài này phải từ chức. Somoza Debayle phản ứng lại bằng cách cho quân đội và cảnh sát thẳng tay đàn áp các cuộc biểu tình.

Trước tình hình này, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter ra lệnh cắt toàn bộ viện trợ quân sự và kinh tế cho Nicaragua. Hành động cứng rắn của Mỹ không làm chùn bước Somoza Debayle nhưng lại khiến các phong trào chống đối phát triển.

Nhân cơ hội này, FSLN triển khai các chiến dịch quân sự khắp Nicaragua, dồn Somoza Debayle vào thế bị động. Mất sự hậu thuẫn của Mỹ và bất lực không ngăn được các cuộc tấn công quân sự của FSLN ngày càng áp sát thủ đô Managua, ngày 17/7/1979, Somoza Debayle đành từ chức và bay đến Mỹ xin tị nạn chính trị nhưng không được chấp thuận.

Tức giận, Somoza Debayle quay sang cầu cứu nhiều quốc gia Nam Mỹ và cuối cùng được phép tị nạn tại Paraguay.

Lẽ ra phải biết thân phận của một kẻ sống lưu vong nơi đất khách quê người thì Somoza Debayle lại tiếp tục tập trung các tay chân thân cận, cũng tị nạn tại Paraguay và nhiều quốc gia Nam Mỹ khác, để tiến hành các hoạt động chống đối chính quyền cách mạng ở Nicaragua.

Ngoài ra, Somoza Debayle còn chỉ trích mạnh mẽ thái độ vắt chanh bỏ vỏ của Mỹ và đe dọa sẽ tiết lộ những hoạt động bí mật của Mỹ tại Nicaragua để chống phá cách mạng Cu Ba, thực hiện các vụ đảo chính ở Panama, Chile, Guatemala dưới thời các Tổng thống John Kennedy, Lyndon Johnson, Richard Nixon, Gerald Ford và cả Jimmy Carter.

Nhiều người tin rằng chính thái độ và hành động chỉ trích và đe dọa Mỹ của Somoza Debayle đã khiến ông ta phải trả giá bằng chính sinh mạng của mình. Mỹ do muốn “khóa mõm” Somoza Debayle trước khi nhà độc tài này tung ra những thông tin bí mật bất lợi cho các hoạt động của Mỹ tại khu vực Trung Mỹ nên đã mượn tay tổ chức vũ trang ERP thanh toán Somoza Debayle vào đầu giờ chiều ngày 17/9/1980.

Trong một cuốn sách có nhan đề "Nicaragua bị phản bội" (Nicaragua Betrayed) được xuất bản tại Guatemala vào tháng 10/2005, Anastasio Somoza Portocarrero, tác giả và là con trai của nhà độc tài Somoza Debayle, khẳng định chính Mỹ đã tổ chức vụ giết hại cha mình

.
.