Án chung thân cho đối tượng người Trung Quốc bắn chết đồng hương tại Đà Nẵng

Thứ Sáu, 07/04/2017, 17:45
TAND thành phố Đà Nẵng vừa đưa bị cáo Feng Long Chun (tên gọi khác là A Lãng, 29 tuổi, trú tại Đình Hồng, quận Nam Giang, TP. Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) ra xét xử công khai trong phiên xử sơ thẩm hình sự với các tội danh "giết người" và "sử dụng trái phép vũ khí quân dụng".


Vụ án chấn động

Những tình tiết của vụ án gây chấn động dư luận này được ghi lại như sau: khoảng 7 giờ 15 phút ngày 26-11-2015, Li Mu Zi (1984 - tên thường gọi là A Lý - quốc tịch Trung Quốc), quê quán ở Bắc Kinh (Trung Quốc) vừa dắt xe gắn máy ra khỏi nhà bố vợ là ông Nguyễn Dững ở số 184/22 Nguyễn Duy Hiệu - Đà Nẵng thì bị một thanh niên từ bên kia đường chạy đến, rút súng trong người ra bắn một phát vào bụng làm A Lý ngã gục xuống đường. Nổ súng xong, thanh niên kia vội vã nhảy lên xe máy tẩu thoát.

A Lãng trước vành móng ngựa.

Người thân và những người hàng xóm của ông Dững đã vội vàng gọi xe cấp cứu để đưa A Lý đến bệnh viện. Tuy nhiên, vì cự ly bắn quá gần, vết thương nghiêm trọng nên A Lý đã tử vong.

Ngay sau khi nhận được thông tin trên địa bàn xảy ra án mạng, kẻ gây án hành động rất liều lĩnh và đây cũng là lần đầu tiên ở thành phố Đà Nẵng xảy ra tình trạng thanh toán nhau bằng vũ khí nóng.

Bước đầu, nhân thân của nạn nhân trong vụ án mạng này được xác định: Li Mu Zi (có tên thường gọi ở Việt Nam là A Lý), năm 2008, A Lý thực hiện chương trình đạp xe đạp từ Bắc Kinh đến Việt Nam. Sau đó, A Lý đã đến thành phố Đà Nẵng sinh sống và hoạt động trên lĩnh vực kinh doanh du lịch. Từ thời điểm năm 2008 đến 2011, A Lý hợp tác làm ăn với Công ty Crown Plaza trên lĩnh vực du lịch và dịch vụ.

Khi đến sinh sống tại Đà Nẵng, A Lý đã kết hợp làm ăn với một người đồng hương tên là Xu Xian De (1985 - quốc tịch Trung Quốc - Tên thường gọi ở Việt Nam là A Đức). A Lý và A Đức cùng mở Công ty TNHH MTV phát triển du lịch Thiện Mỹ Hoàn Á Việt Nam, có trụ sở tại số 110 Phan Thanh-Đà Nẵng. Ở công ty, A Đức đóng vai trò phiên dịch vì trước đây A Đức từng là du học sinh tại Đại học Đà Nẵng nên rất rành tiếng Việt, đồng thời A Đức cũng có vợ là người Việt Nam, quê ở huyện Duy Xuyên (Quảng Nam).

Thời gian đầu năm 2011, A Lý ngoài công việc kinh doanh còn thường hay đến một lớp học tiếng Trung để giao lưu, trao đổi bằng tiếng Trung với những học viên trong lớp. Tại lớp học tiếng Trung này, A Lý đã quen rồi cảm mến cô Nguyễn Thị Quỳnh Nga (1991), trú tại 184/22 Nguyễn Duy Hiệu-Đà Nẵng (lúc này Nga đang là sinh viên Khoa Kế toán của Trường Cao đẳng Đông Á-Đà Nẵng).

Qua thời gian, giữa Nga và A Lý nảy sinh tình cảm. Tháng 4/2012, lúc này A Lý đã chuyển địa chỉ của công ty về số 47 Đỗ Huy Uyển - Đà Nẵng và được cấp giấy chứng nhận kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng cấp ngày 13/4/2012 do Nguyễn Thị Quỳnh Nga đứng tên. Giai đoạn này, Nga thường xuyên đến sinh hoạt tại trụ sở công ty của A Lý.

Đến tháng 8-2012 thì Nga mang thai, rồi sinh con gái đặt tên là Nguyễn Thính Lan. Bé Lan là con của Nga với A Lý nhưng do chưa có giấy đăng ký kết hôn nên phải lấy họ mẹ. Từ ngày 25-9-2012, do đang trong giai đoạn chờ làm thủ tục đăng ký kết hôn với chị Nga nên A Lý đã đến đăng ký tạm trú tại nhà ông Nguyễn Dững là cha ruột của chị Nga ở địa chỉ 184/22 Nguyễn Duy Hiệu - Đà Nẵng và được ông Dững làm giấy bảo lãnh tạm trú.

Ngày 2-10-2012 Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng cấp giấy đăng ký kết hôn số 148, công nhận chị Nga và A Lý là vợ chồng. Sau khi có giấy đăng ký kết hôn, A Lý đã làm hồ sơ thủ tục chuyển đổi tên con gái từ Nguyễn Thính Lan sang Lý Thính Lan và đứng tên là cha của cháu Lan trong giấy khai sinh.

Vợ chồng và con gái của Nga và Lý sinh sống chung trong gia đình cha ruột của Nga. Hàng ngày, mỗi buổi sáng, A Lý thường chở bé Lan đi học, rồi trở về ngồi miệt mài trên máy tính để trao đổi, làm ăn.

Do A Lý và A Đức là những người tổ chức đường dây du lịch trái phép theo quy định của nhà nước Việt Nam, nên trong quá trình ở Đà Nẵng, A Lý và A Đức đã bị Cơ quan Quản lý Xuất nhập cảnh - Công an thành phố Đà Nẵng đã xử phạt hành chính do vi phạm các quy định về "người nước ngoài nhập cảnh, hành nghề hoặc có hoạt động khác tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam" theo Điều 17, Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử lý vi phạm các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại.

Vì A Lý là người nước ngoài có vợ là người Việt Nam, nên A Lý được hưởng quyền lợi miễn thị thực mà chỉ 6 tháng một lần đến khai báo cư trú với cơ quan hữu trách. Theo thông tin từ cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh thì lần cuối cùng A Lý nhập cảnh vào Việt Nam là tháng 11-2015 và gia hạn cư trú của A Lý có hiệu lực đến ngày 26-1-2016. Trong suốt quá trình sinh sống tại Đà Nẵng, A Lý nhiều lần đi lại giữa hai quốc gia Việt Nam - Trung Quốc, nhiều lần A Lý còn đưa cả Quỳnh Nga và cô con gái xuất cảnh đi Trung Quốc để thăm gia đình…

Theo kết quả điều tra, vào khoảng thời điểm tháng 7-2015, A Lý không những chỉ kinh doanh du lịch lữ hành mà còn mở thêm dịch vụ bán sim card cho khách du lịch Trung Quốc khi họ đến tham quan du lịch, kinh doanh buôn bán ở Đà Nẵng (việc kinh doanh này thông qua hệ thống mạng Internet).

Sau khi A Lý bị bắn chết ngay trước cổng nhà của bố vợ, lãnh đạo công an các cấp ở thành phố Đà Nẵng xác định đây là một vụ trọng án hết sức nghiêm trọng nên đã huy động một lượng lớn trinh sát cùng các cán bộ nghiệp vụ khác tham gia điều nghiên để truy tìm hung thủ. Bằng những biện pháp nghiệp vụ sắc bén, chỉ trong vòng một thời gian ngắn, các trinh sát địa bàn, các điều tra viên dạn dày kinh nghiệm đã khoanh vùng và xác minh được đối tượng tình nghi số 1 có liên quan đến cái chết của A Lý.

Mâu thuẫn từ cạnh tranh kinh doanh

Kẻ tình nghi có tên họ đầy đủ là Feng Long Chun (1988 - tên thường gọi khi ở Việt Nam là A Lãng), quốc tịch Trung Quốc, quê quán ở tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).

Hiện trường nơi A Lãng ra tay bắn chết A Lý.

Năm 2012, A Lãng đến Việt Nam để làm việc tại một công trình xây dựng ở Trung Hòa (Hà Nội), đây là một công trình do người Trung Quốc làm chủ đầu tư có trụ sở nằm trên đường Hoàng Hoa Thám (Hà Nội). Trong thời gian làm việc tại đây, A Lãng có quen biết và nảy sinh tình cảm với một cô gái Việt Nam tên là H., trú tại quận Ba Đình (Hà Nội), làm công nhân trong công trình này. Đến ngày 23-8-2013, chị H. và A Lãng đã chính thức đăng ký kết hôn.

Từ năm 2012 cho đến thời điểm tháng 9-2015, A Lãng kinh doanh lĩnh vực du lịch cho khách Trung Quốc có nhu cầu du lịch tại Việt Nam và kinh doanh sim card điện thoại Việt Nam cho khách du lịch Trung Quốc khi họ đến Việt Nam. Hoạt động kinh doanh sim card của A Lãng được đăng ký trên trang web TaoBao của Trung Quốc. Thu nhập trong việc kinh doanh của A Lãng mỗi tháng có chừng 100 triệu lợi nhuận, trong số này lợi nhuận từ kinh doanh sim card là khoảng 40 triệu đồng.

Khoảng thời điểm đầu năm 2015, trong quá trình thực hiện các tour du lịch lữ hành cho người Trung Quốc, thông qua mạng Internet, A Lý cập nhật thông tin, xâu chuỗi danh sách những người Trung Quốc có nhu cầu đi du lịch tại Việt Nam nói chung và du lịch tại Đà Nẵng nói riêng. Từ đó, A Lý phát hiện thấy cửa hàng của A Lãng trên mạng chuyên bán sim card Việt Nam cho khách du lịch Trung Quốc khi họ đến Việt Nam và việc kinh doanh của A lãng có dấu hiệu vi phạm, cụ thể là việc thông tin quảng cáo sai với thực tế. A Lãng quảng cáo trên cửa hàng của mình là mua sim card của A Lãng có thể kết nối 3G, nhưng trên thực tế thì không kết nối được.

Từ đó, A Lý đã gửi đơn tố cáo về hoạt động kinh doanh của cửa hàng A Lãng đến cơ quan quản trị mạng TaoBao tại Trung Quốc và thuê người Trung Quốc thông qua các trang mạng xã hội của Trung Quốc có những bình luận xấu về chất lượng kinh doanh của cửa hàng A Lãng. Mặt khác, A Lý đăng ký cửa hàng chuyên bán sim card của Việt Nam cho người Trung Quốc khi họ đến du lịch, kinh doanh ở Việt Nam và lấy tên cửa hàng là "Ông chủ Hà".

Vào thời điểm tháng 5-2015, khi việc kinh doanh của A Lãng đang rất "thuận buồm xuôi gió" và có cơ hội phát triển tốt thì bất ngờ chủ của trang Web TaoBao thông báo gián đoạn chuyện kinh doanh của cửa hàng A Lãng. Vì vậy, A Lãng đã tốn nhiều công sức để tìm hiểu về sự cố này, qua đó, A Lãng đã phát hiện được người tố cáo hành vi gian lận của mình trong kinh doanh đến chủ trang TaoBao là một người Trung Quốc, quê ở Bắc Kinh có vợ ở Việt Nam và hiện cũng đang kinh doanh sim card trên mạng Internet.

Tháng 7-2015, A Lãng đã đến Đà Nẵng để tìm hiểu về nhân thân cũng như nơi ăn chốn ở của người Trung Quốc có cửa hàng kinh doanh trên mạng lấy tên là "Ông chủ Hà". Cũng thông qua mạng Internet, A Lãng xác định được người tố cáo mình đến chủ trang mạng là A Lý, hiện đang sinh sống tại số nhà 184/22 Nguyễn Duy Hiệu-Đà Nẵng.

Tháng 9/2015, của hàng kinh doanh của A Lãng chính thức bị trang chủ TaoBao gỡ bỏ nên không thể tiếp tục kinh doanh. Vì bị chấm dứt hoạt động nên A Lãng đã lâm vào tình cảnh nợ nần (vì mua quá nhiều sim card, nhưng giờ không bán được). Biết chắc rằng, việc cửa hàng của mình bị đóng cửa là do những lá đơn tố cáo của A Lý, nên A Lãng đã lên kế hoạch để trả thù A Lý.

Để thực hiện kế hoạch này, ngày 10-11-2015, A Lãng đã từ Trung Quốc đến Thái Lan, thông qua lời rao trên mạng Internet, A Lãng đã gặp 2 người đàn ông Thái lan để mua 1 khẩu súng mang ký hiệu M1911 (qua khám nghiệm thì nhiều khả năng đây là súng P38). Sau khi có súng, A Lãng đã từ Thái Lan đi qua Campuchia, rồi từ đây A Lãng nhập cảnh vào Việt Nam bằng đường tiểu ngạch. Sau khi qua biên giới, A Lãng đón xe đò đi đến thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam). Ở đây, A lãng đã mua một chiếc xe máy tại một tiệm cầm đồ, rồi dùng phương tiện này để đi đến Đà Nẵng.

Đêm 25/11/2015, sau khi đến Đà Nẵng, A Lãng đã chạy thẳng lên khu vực đỉnh đèo Hải Vân và loanh quanh ở đó cho đến sáng ngày 26-11-2015 thì tìm đến nơi cư trú của A Lý để hành động.

Cuộc chạy trốn bất thành

Sau khi bắn chết A Lý, A Lãng đã nhanh chóng lên xe gắn máy tẩu thoát, hắn đã chạy đến một khu chợ nằm trên đường Nguyễn Duy Hiệu để thay đổi trang phục, sau đó chạy xe máy qua cầu Trần Thị Lý. Khi đang chạy trên cầu, A Lãng đã nhanh tay vứt khẩu súng xuống sông Hàn, rồi tiếp tục chạy xe máy đến địa bàn phường Hòa Thọ Đông. A Lãng đã vứt lại chiếc xe máy sau đó hắn đón xe ôm đi vào Tam Kỳ. Từ Tam Kỳ, A lãng tiếp tục đón xe đi Quảng Ngãi, Bình Định rồi vào thành phố Hồ Chí Minh bằng nhiều loại xe khách khác nhau, sau đó lên vùng biên giới rồi trốn sang Campuchia bằng đường tiểu ngạch.

Sau đúng 1 tháng 1 ngày, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Đà Nẵng đã xác định được kẻ đã dùng súng bắn chết A Lý tại trước cửa căn nhà số 184/22 Nguyễn Duy Hiệu- Đà Nẵng chính là A Lãng.

Ngày 25-12-2015, Công an Đà Nẵng đã ra Quyết định khởi tố bị can đối với Feng Long Chun (A Lãng) về hành vi giết người, được quy định tại điều 93 BLHS. Tiếp tục xác minh, xác định đối tượng A Lãng đang lẩn trốn tại Campuchia, nên Cơ quan cảnh sát điều tra đã thường xuyên phối hợp với gia đình bên vợ của A Lãng để động viên A Lãng ra đầu thú.

Qua nhiều lần trao đổi, giải thích về tính ưu việt của pháp luật Việt Nam và chế độ khoan hồng đối với người biết ăn năn hối cải.

Chiều 28-12-2015, A Lãng đã đồng ý đến khu vực cửa khẩu quốc tế Mộc Bài để đầu thú cơ quan Công an Việt Nam. Ngay trong đêm đó, A Lãng đã được di lý về Đà Nẵng.

Trả lời HĐXX tại phiên tòa, A Lãng cho rằng rất căm tức khi bị A Lý quấy phá chuyện làm ăn vì vào thời điểm không kinh doanh được hoàn cảnh gia đình của A Lãng rất bi đát, cha già, mẹ yếu, vợ lại đang mang thai.

Xét thấy, hành vi phạm tội của A Lãng là đặc biệt nguy hiểm, không chỉ xâm hại đến tính mạng của người khác mà còn làm ảnh hưởng đến tình hình ANTT tại địa phương, nên cần phải xử phạt nghiêm để làm bài học răn đe cho người khác. HĐXX đã tuyên phạt A Lãng 2 năm tù về tội " sử dụng vũ khí quân dụng trái phép" và chung thân về tội "giết người". Tổng hình phạt mà A Lãng phải chịu là chung thân.

Ngoài ra, HĐXX còn tuyên buộc A Lãng phải đền bù thiệt hại về vật chất và tinh thần cho gia đình nạn nhân A Lý là 170 triệu đồng, phải có trách nhiệm cấp dưỡng cho cha mẹ của A Lý đến cuối đời và cấp dưỡng cho con A Lý đến năm 18 tuổi.

Quốc Anh
.
.