Án mạng từ đoạn phim quay lén

Thứ Hai, 11/10/2010, 16:20
Một ngày sau khi tìm thấy xác của Tyler Clementi dưới con sông Hudson, công tố viên Bruce Kaplan của hạt Middlesex và Cảnh sát trưởng Đại học Rutgers ở New Yersey - Rhonda Harris - thông báo họ đang tìm kiếm bằng chứng rõ ràng để buộc tội đối với Dharun Ravi và Molly Wei, hai sinh viên là bạn học của nạn nhân - tất cả đều 18 tuổi. Ravi và Wei có thể sẽ bị Tòa án Liên bang Mỹ truy tố về tội ác do lòng thù hận và bị buộc tội xâm phạm đời tư với mức án tối đa là 5 năm tù.

Vụ án mạng xảy ra chưa đầy một tháng sau khi năm học mới bắt đầu. Đoạn phim quay lén cảnh quan hệ đồng tính giữa Clementi với một sinh viên nam khác bị tung lần thứ nhất lên Internet ngày 19/9 vừa qua, và lần thứ hai vào 2 ngày sau đó.

Ngày 22/9, Clementi vì quá nhục nhã và quẫn trí đã lái xe lên cầu G. Washington rồi gieo mình xuống sông Hudson tự vẫn. Cảnh sát tìm thấy chiếc xe của Clementi đỗ trên cầu G. Washington nối liền hai thành phố New Jersey và New York, điện thoại di động và laptop trên băng ghế trước xe. Trước khi nhảy cầu tự sát, Clementi đã post thông điệp của mình lên Facebook từ điện thoại di động.

Cái chết thương tâm của Tyler Clementi đã gây căm phẫn lẫn xúc động cho mọi người trong và ngoài Đại học Rutgers. Hơn 100 người đã tiến hành cuộc mít tinh tại trường đại học vào tối 30/9 vừa qua, và một số người hô to: "Nếu phòng ngủ ký túc xá của tôi không an toàn thì Trường đại học Rutgers cũng không an toàn".

Dharun Ravi và Molly Wei không ngờ rằng hành vi đầy ác ý của họ đã đưa tên của họ vào hồ sơ trọng tội của cảnh sát. Hai người bạn thân này đến Đại học Rutgers từ New Jersey. Ravi xuất thân từ gia đình khá giả, có cha là kỹ thuật viên máy tính,  còn Wei lớn lên trong gia đình có cha là kỹ sư hóa học làm việc cho công ty dược phẩm khổng lồ Bristol Myers Squibb.

Qua câu chuyện tự sát của Tyler Clementi, bất cứ ai cũng ngay lập tức có kết luận rõ ràng: Internet phải chịu trách nhiệm về những hành vi sai trái như thế. Nói chính xác hơn, nếu không có Internet thì hai bạn chung phòng của Clementi đã không thể phạm tội ác.

3 ngày trước khi Clementi tự sát, Ravi đã post lên tài khoản Twitter của mình nói rằng, anh ta đã bí mật quay cảnh quan hệ đồng tính của Clementi; và 2 ngày sau tiếp tục đưa đoạn phim lên iChat của Apple. Trong suốt giai đoạn bị quấy rối, Clementi đã đưa thông điệp của mình lên trang web gọi là JustUsBoys, theo Gawker.com. Trong những thông điệp này, Clementi tiết lộ những mối lo lắng về bạn cùng phòng của anh và sau đó nhận được lời khuyên cũng như sự khích lệ từ những người khác. Nhưng cuối cùng thì sự giúp đỡ đó cũng không ngăn được Clementi tự sát.

Thực ra cũng có nhiều nguồn mà những người trong hoàn cảnh khắc nghiệt như của Clementi có thể sử dụng để giải quyết vấn đề. Như là, National Suicide Prevention Hotline (Đường dây nóng ngăn ngừa tự sát) với những đường dẫn đến các nguồn khác: SAVE.org, Quỹ ngăn ngừa tự sát Hoa Kỳ và Suicide.org. C.J. Pascoe, giảng viên khoa Xã hội học Đại học Colorado, nói: "Tôi cho rằng Internet là "cầu nối sinh mệnh" cho những thiếu niên (đồng tính nam - đồng tính nữ - lưỡng tính - chuyển giới tính). Chúng có thể tìm thấy cộng đồng cần thiết mà thường ở đời thật chúng không gặp được". Pascoe giảng dạy về giới tính, tâm lý xã hội, tình dục và mới đây ông vừa cho xuất bản cuốn sách về bản năng tình dục nam trong nhà trường trung học.

Dharun Ravi và Molly Wei.

Trong năm 2009, Tổng thống Barack Obama đã thông qua dự luật về tội ác do lòng thù hận. Dự luật này hình thành từ sau sự việc một thanh niên tên là Matthew Shepard bị đánh đến chết do tội phạm bắt nguồn từ lòng thù địch trong năm 1998. Và người ta bắt đầu liên kết vụ án Matthew Shepard với một loạt những cái chết mới đây cũng do loại tội phạm này.

Cụ thể đó là trường hợp của Billy Lucas 15 tuổi, Seth Walsh 13 tuổi, Asher Brown 13 tuổi, và Tyler Clementi 18 tuổi - tất cả đều đối mặt với sự quấy rối độc địa từ phía những người bạn coi họ là những kẻ đồng tính và mỗi cá nhân trẻ tuổi này đã chọn giải pháp tự kết liễu đời mình hơn là phải sống mãi với sự thù địch. Bản danh sách về những trường hợp đau lòng này không chỉ dừng lại ở vài nạn  nhân này.

Năm 2009, cô gái 19 tuổi tên là Jessica Logan đã tự sát sau khi bạn trai cũ phát tán những hình ảnh trần trụi của cô qua điện thoại di động đến các bạn học khác và sau đó những người bạn này đã liên tục quấy rối cô. Trong vụ án của Clementi, việc sử dụng Twitter và iChat dẫn đến cái chết của người khác sẽ bị truy tố tội danh "vi phạm đời tư cấp độ 3" với hình phạt tù giam đến 5 năm.

Các công tố viên ở New Yersey cũng đang xem xét buộc thêm tội phạm do thù địch chống lại Ravi và Wei nếu họ tìm được bằng chứng Clementi là mục tiêu tấn công do thù ghét những người đồng tính. Hiện thời Ravi và Wei được đóng tiền bảo lãnh tại ngoại. Cái chết của Tyler Clementi có thể là bài học về mức độ nguy hiểm của Internet đối với giới trẻ cho các khối trường đại học ở toàn nước Mỹ, cũng như sẽ là đề tài để bàn luận tại nhà, trong công sở, bệnh viện và cả phòng xử án.

Hiện nay ngày càng có nhiều người căm giận hành động của Ravi và Wei cũng như sự im lặng của họ sau cái chết của Clementi. Hơn 14.000 người đã tham gia một nhóm trên Facebook gọi là "Buộc tội ngộ sát cho Dharun Ravi và Molly Wei"

Diên San (tổng hợp)
.
.