Án mạng từ nguyên nhân xã hội: Dễ gặp, khó lường

Thứ Sáu, 24/03/2017, 08:05
Những vụ án mạng liên tiếp xảy ra trong thời gian qua tại TP Hồ Chí Minh đều xoay quanh các nguyên nhân tình, tiền, ham muốn vật chất tức thời, hoặc chỉ vì một câu nói bâng quơ gây mâu thuẫn, bực tức. Nhiều thủ phạm là đối tượng sử dụng ma túy.

Dư luận căm phẫn trước việc ra tay tàn độc của kẻ thủ ác nhưng cũng thầm trách nạn nhân, bởi đôi khi chính nạn nhân là tác nhân khiến các đối tượng ra tay sát hại. Những vụ án bắt nguồn từ nguyên nhân xã hội như thế thật khó có thể có biện pháp ngăn chặn.

1. Vụ án mạng đau lòng xảy ra tại quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh hồi tháng 1-2017, nạn nhân và hung thủ đều trong tuổi vị thành niên, còn đang ngồi trên ghế nhà trường.  Chỉ vì ham muốn tức thời, không kìm chế được bản thân mà Nguyễn Phạm Quốc Bình (16 tuổi) ra tay sát hại nữ sinh 15 tuổi chỉ để cướp chiếc điện thoại.

Điều khá đặc biệt là hung thủ dù chỉ 16 tuổi nhưng ra tay tàn độc, ranh mãnh khi khai báo và hành động một cách chuyên nghiệp trong lúc phi tang thi thể nạn nhân (bỏ vào thùng xốp). Khai báo với Công an, Bình thản nhiên đến đáng sợ. Bình khai là bạn học chung trường với nạn nhân, cả 2 thường hay lên sân thượng chung cư Hà Đô chơi. 

Thấy nạn nhân có chiếc điện thoại xịn, Bình muốn chiếm đoạt. Bị phản ứng, Bình thẳng tay sát hại nạn nhân rồi mua thùng xốp để phi tang nạn nhân. Hai đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi học, đột nhiên một đánh mất tương lai, rơi vào vòng lao lý, một mãi mãi ra đi ở tuổi trăng tròn.

Giết người cướp tài sản của người tình đồng tính.

Không có ý phân biệt người đồng tính nhưng cái cách chọn "bạn tình" của những người trong giới này quá "tạp nham" khiến nhiều nạn nhân mất mạng mà không hiểu lý do vì sao. L.P.L. (37 tuổi, ngụ quận 12) là dân đồng tính và "bạn tình" của L. đa phần là những đối tượng nam bán dâm. Cứ vài ngày L. lại đưa một người đàn ông lạ mặt về nhà của mình "mây mưa" theo kiểu "ăn bánh trả tiền" rồi đường ai nấy đi. Và rồi, cũng bởi những mối quan hệ tạp nham, L. đã bị chính bạn tình sát hại. Nguyễn Văn Phong tự Phong Paolo cao, 22 tuổi, quê quán Đắk Lắk" từng có một tiền án về tội "cướp giật tài sản". Ra tù không muốn làm việc đàng hoàng, lại thích làm "việc nhẹ lương cao", Phong dấn thân vào con đường mại dâm nam.

Trong một lần ngồi cà phê, Phong gặp L. và cả hai nhiều lần thuê khách sạn quan hệ. Bản tính của một kẻ cướp luôn có trong tiềm thức của Phong cho nên, trong một lúc túng thiếu, Phong đã nghĩ đến anh L. và lên kế hoạch trộm tài sản của anh.

Phong gọi điện kêu anh L. đón mình về nhà riêng để cả 2 mây mưa, sau đó lợi dụng anh L. ngủ say, Phong "thó" chiếc điện thoại. Anh L. tỉnh giấc nên Phong không thực hiện được hành vi của mình. Tuy nhiên vẫn muốn chiếm đoạt cho bằng được tài sản, Phong xuống bếp lấy cây búa và thẳng tay đánh bạn tình đến tử vong, sau đó cướp chiếc điện thoại và xe máy tẩu thoát.

2. Trong các vụ án thì các vụ án tình dường như xảy ra hằng ngày. Mâu thuẫn của những vụ án tình luôn bắt nguồn từ nguyên nhân ghen tuông, đôi khi là ghen tuông bóng gió. Mâu thuẫn dai dẳng dẫn đến hành động bộc phát khi một trong hai nhân vật không kiềm chế được bản thân hoặc yêu đương mù quáng dẫn đến sát hại người bạn đời, người đầu ấp tay gối hay người yêu mình.

Những vụ án như thế này xảy ra quá nhiều nhưng bài học rút ra từ các vụ án ít ai học thuộc được. Nguyễn Thái Hòa (25 tuổi, ngụ Tân Phú) là một minh chứng. Vì ghen tuông mù quáng, Hòa đã ra tay sát hại người yêu của mình. May mắn là dù bị nhiều vết đâm từ tay kẻ thủ ác nhưng chị V.H.T.T. (22 tuổi, bạn gái của Hòa) vẫn thoát được lưỡi hái thần chết. Vết thương trên cơ thể đã lành lặn nhưng dư chấn tâm lý vẫn còn hiển hiện trên gương mặt của cô sinh viên trẻ. Chỉ vì trót trao gởi tình cảm không đúng chỗ, cho một người cuồng ghen, chị T. đã nhận lấy hậu quả thương tâm.

Khi nhận ra người yêu là kẻ cuồng ghen một cách vô cớ, chị T. muốn chia tay nhưng bị Hòa liên tục tra tấn tinh thần bằng các cuộc gọi, những dòng tin nhắn khiến T. phải lánh mặt. Cơn ghen mù quáng khiến Hòa muốn sát hại người yêu rồi tự tử để hai người luôn được… bên nhau.

Một ngày cuối tháng 12 -2016, T. lên xe buýt thì thấy Hòa đã ngồi bên trên chờ sẵn. T. lảng tránh tìm một ghế khác ngồi thì Hòa áp sát dùng hung khí khống chế. Khi xe đến trạm xe buýt trên đường Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1, chị T. vội xuống khỏi xe để rời khỏi sự khống chế của Hòa. Thấy chị T. bỏ chạy, Hòa cầm hung khí đuổi theo, đâm chị T. gục tại chỗ. Sau khi người yêu gục xuống bất tỉnh, Hòa dùng dao tự đâm vào người tự sát. Chọn lối thoát sau khi gây án nhưng Hòa không được toại nguyện và phải đối mặt với những ngày dài trong trại giam.

Ông Nguyễn Đào (60 tuổi, ngụ Tân Bình) là một hung thủ gây án do ghen tuông với "người tình" của người từng đầu ấp tay gối với mình hàng chục năm trời. Về sống với nhau từ thời chạy ăn từng bữa, 4 đứa con lần lượt ra đời, vợ thu mua vải vụn, chồng làm thợ tự do nhưng trong nhà lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười. Chịu khó làm lụng, chắt chiu cuối cùng 2 vợ chồng ông Nguyễn Đào cũng có cái để gọi là "của ăn của để".

Dư dả sinh tật, Đào thường xuyên rượu chè và nổi máu ghen bất thình lình khiến vợ Đào không chịu được bỏ ra ngoài thuê nhà sống riêng. Vợ đang hồi xuân lại bỏ nhà đi, Đào càng ghen tợn. Nghĩ đến cảnh vợ mình trong vòng tay người đàn ông khác là Đào không chịu nổi nhất là khi rượu đã thấm trong người nên liên tục mắng chửi và đánh đập vợ mình. Nhưng nghi ngờ của Đào là có thật. Từ khi ly thân, vợ Đào ra thuê nhà tiếp tục công việc buôn bán vải vụn. Người chuyên chở hàng bằng xe tải cho vợ Đào là  N.V.S. (39 tuổi, quê quán Lâm Đồng). Vợ Đào dọn một chỗ ở góc nhà cho S. ở cùng. Thời điểm này Đào bị tai biến, tính khí thất thường.

Hay tin trên, Đào quyết tâm làm cho ra lẽ. Vợ Đào phải nhiều lần chuyển nhà trọ nhưng lần nào chuyển nhà Đào đều biết được địa chỉ. Đào nhiều lần tìm đến phòng trọ của vợ năn nỉ vợ quay về nhưng bất thành.

Tối 21-2, Đào tìm đến phòng trọ của vợ thì thấy S. ở đây nên nổi máu ghen. Sau khi cãi nhau, vợ Đào bỏ đi sau đó quay về đuổi Đào ra ngoài và đóng cửa lại. Nằm ngoài hiên nhà, Đào liên tưởng đến cảnh vợ mình nằm bên gã tài xế nên bực tức leo rào vào bên trong. Thấy S đang ngủ gần vợ mình, Đào đã dùng cây gỗ sát hại nạn nhân đến chết.

3. Còn những vụ án mạng khác xuất phát từ nguyên nhân do sử dụng ma túy, sử dụng rượu bia, bị ảo giác, bị thách đố dẫn đến việc tước đi mạng sống của người khác. Nguyễn Thành Công (20 tuổi, ngụ Thủ Thừa, Long An) sau khi sử dụng ma túy được một người bạn rủ đi nhậu.

Chỉ vì sử dụng ma túy đá quá liều khiến Quý trở thành kẻ sát nhân giết người vô tội.

Đi ngang nhà ông L. (lúc này nhà ông L. đang có nhóm thanh niên ngồi nhậu), một người do say xỉn nên loạng choạng huơ tay về phía Công nhưng không trúng. Nghĩ người này chặn đường đánh mình, Công rủ Lương Chí Tâm (tự Bầu, 18 tuổi) quay lại trả thù. Khi đến nơi, Công lấy con dao trong cốp xe ra kề vào cổ từng người ngồi nhậu tại nhà ông L. gằn giọng "vừa nãy đứa nào chặn đường định đánh tao?".

Thấy Công ngang tàng không nghe giải thích, ông L. chạy ra cự cãi thì bị Công dùng dao đâm tử vong. Hay Nguyễn Văn Quý (33 tuổi, ngụ Tân Phú) sử dụng ma túy đá quá liều nên khi thấy ông Trần Quang Thành (49 tuổi, ngụ Tân Phú) đang ngồi trên xe gắn máy, Quý tưởng ông Thành là người có mâu thuẫn với mình nên rút dao bấm đâm ông Thành tử vong.

Hung thủ ra tay tước đoạt mạng sống của người khác thường bao biện cho hành động của mình như nhất thời, không kiềm chế, không kiểm soát được bản thân, bị chất kích thích làm mất lý trí.

Những vụ án xuất phát từ việc ghen tuông ngày càng gia tăng nhưng khi vụ án xảy ra, đối tượng bị bắt, người thi hành pháp luật cũng rất trăn trở vì những vụ án xuất phát từ nguyên nhân này rất khó phòng ngừa. Đằng sau những vụ án ghen tuông là nỗi đau của những người ở lại. Dù bản án có nặng đến mấy, kẻ thủ ác phải đền tội trước pháp luật, nhưng hậu quả của nó để lại cho các nạn nhân thì không có gì bù đắp được.

Tội phạm giết người từ nguyên nhân xã hội chiếm một tỷ lệ cao bởi diễn biến phức tạp và khó lường. Những mâu thuẫn nhỏ mang tính bộc phát, thù tức cá nhân hay những ham muốn tức thời cũng dễ dàng khiến người ta phạm tội và tước đi mạng sống, sức khỏe của người khác.

Đánh đổi sự tự do bằng những phút giây nông nổi, thiếu kiềm chế để rồi phải trả giá bằng chính mạng sống của mình hay rơi vào cảnh tù tội, điều này ai cũng biết, ai cũng muốn mình không phải là nhân vật chính trong các vụ án đó. Rất nhiều trường hợp đối tượng là người hiền lành, chân chất nhưng khi xảy ra mâu thuẫn, diễn biến tâm lý bất thường đã ra tay một cách bộc phát và tàn độc.

Áp lực cuộc sống ngày một nặng nề khiến con người trở nên căng thẳng, cộng với việc thiếu kỹ năng ứng xử và bị ảnh hưởng bởi các ham muốn, chất kích thích đã dẫn đến hành vi thiếu suy nghĩ, thiếu kiềm chế. Nhiều đối tượng sau khi gây án, lúc bình tâm lại mới thấy được tội ác do mình gây ra là quá tàn độc.

Tìm một biện pháp để phòng ngừa những vụ án mạng xuất phát từ những nguyên nhân xã hội này quả thật là quá khó. Nếu có cũng khó ứng dụng bởi đã mang tính bộc phát thì không có biện pháp nào là "chuẩn". Cho nên qua các vụ án, mọi người tự rút ra cho bản thân mình một bài học để tự kiềm chế, để ứng xử đúng mực tránh rơi vào trạng thái bộc phát mà gây ra những hậu quả khôn lường cho người khác cũng như cho chính bản thân mình.

Huyền Đức-A. Huy
.
.