Án mạng từ sự buông lỏng quản lý hoá chất độc hại

Thứ Hai, 27/04/2020, 11:24
Những ngày qua, dư luận không khỏi bàng hoàng, phẫn nộ trước vụ án đầu độc làm Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự TP Thanh Hoá tử vong. Không chỉ thế, người ra tay đầu độc cũng đã dùng chính chất độc giết người để tự tước đi mạng sống của mình.

Trước đó, ở Thái Bình, một cô gái trẻ cũng đã nhẫn tâm đầu độc chị họ khiến một người khác chết oan. Cả 2 vụ án trên, bị hại đều chết rất nhanh chóng, kể cả trường hợp ở Thái Bình được phát hiện ngay trong bệnh viện với đầy đủ trang thiết bị cấp cứu. Điều này khiến mọi người lo lắng về một chất kịch độc là Xyanua, có thể giết người trong nháy mắt đang được bán công khai và quá dễ dàng.

Những cái chết đau đớn

Khoảng 12 giờ 20 phút ngày 20-4, tại Công ty bất động sản Á Âu, ở E16, khu 4, đô thị Bình Minh, phường Đông Hương, TP Thanh Hoá, 6 người thân quen với nhau bắt đầu cùng ăn trưa gồm ông Đặng Phạm Viên, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Thanh Hóa; anh Nguyễn Ngọc Thọ, thường trú ở Khu tập thể Đại học Sư phạm, quận Cầu Giấy, Hà Nội, hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty bất động sản Á Âu; anh Lê Chiến Thắng ở số nhà 2 Duy Tân, phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa; chị Lê Thị Hòa ở phường Ba Đình, TP Thanh Hóa; chị Trương Thị Xuyến ở đường Đỗ Đại, phường Quảng Thắng, thành phố Thanh Hóa và chị Lê Thị Phương, Giám đốc Công ty Bất động sản Á Âu.

Vào mâm cơm, anh Thọ mang bình rượu mà chồng chị Phương là Trần Xuân Minh, SN 1974, trú ở 50, Quang Trung, phường Đông Vệ, TP Thanh Hoá mang đến hôm 19-4 ra uống. Sau khi rót rượu cho mọi người, anh Thọ mời cụng ly. Do ông Viên lớn tuổi nhất nên uống trước, mọi người cũng bắt đầu đưa rượu vào miệng. Tuy nhiên, khi vừa nuốt xong ngụm rượu, ông Viên bất ngờ bị co giật rồi gục xuống mâm nên mọi người vội bỏ rượu xuống. Anh Thọ, chị Xuyến vừa cho rượu vào miệng lập tức nhổ ra. Dù đã nhổ ra nhưng hai người này cũng có biểu hiện ngộ độc.

Công an Thanh Hoá khám nghiệm, điều tra nguyên nhân vụ Chi cục trưởng chi cục Thi hành án chết do chất độc Xyanua.

Lập tức, những người trong nhà đã gọi xe đưa 3 người ngộ độc đến Bệnh viện Thanh Hà (cách địa điểm uống rượu chưa đến 1km) để cấp cứu. Được các bác sĩ tích cực cấp cứu, nhưng ông Viên bị ngộ độc rất nặng nên bệnh viện Thanh Hà đã cho xe cấp cứu cùng với y bác sỹ và trang thiết bị chuyên dụng chuyển cả 3 bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá nhưng ông Viên không qua khỏi.

Về phía chị Phương, thấy 3 người bị ngộ độc sau khi uống rượu nên đã nghĩ ngay đến chồng mình là Trần Xuân Minh cho chất độc vào rượu nên đã gọi điện về nhà cho vợ chồng cô chú của mình là Lê Văn Hợi và Nguyễn Thị Dung đang ăn cơm với Minh ở tiệm vàng Minh Phương (50 đường Quang Trung, phường Đông Vệ) bảo ông Hợi giữ Minh lại.

Nhưng phát hiện có bất thường, Minh đã đi xuống khu vực để hóa chất ở tầng 3 của nhà mình uống rượu có độc để tự tử. Khoảng 2 phút sau, ông Hợi đi xuống nhà thì phát hiện Minh nằm gục tại phòng ngủ nên đã hô hoán mọi người đưa đi cấp cứu. Mặc dù nhà khá gần Bệnh viện Đa khoa Thanh Hoá nhưng khi được đưa đến viện, Trần Xuân Minh đã tử vong trước đó.

Trước đó, tại Thái Bình, do mâu thuẫn tình ái với anh rể, Lại Thị Kiều Trang, SN 1993, trú tại huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình bỏ thuốc độc vào trà sữa nhằm giết chị Đ.T.Y., cán bộ Bệnh viện Phổi Thái Bình nhưng lại khiến chị N.T.H. trú tại phường Bồ Xuyên, TP Thái Bình - cán bộ điều dưỡng Bệnh viện Phổi Thái Bình tử vong đã khiến dư luận vô cùng phẫn nộ.

Theo lời khai của Trang thì do Trang có quan hệ tình cảm với anh rể P.V.Q. nhưng sau một thời gian anh Q. đề nghị chấm dứt mối quan hệ. Không đồng ý chia tay, Lại Thị Kiều Trang đã nảy sinh ý định đầu độc chính chị họ mình là vợ anh P.V.Q. Trang đã lên mạng đặt mua 2 lọ chất độc Natri Xyanua.

Đối tượng Lại Thị Kiều Trang trong vụ án đầu độc bằng xyanua ở Thái Bình.

Trong quá trình tiếp cận, biết chị Y. thích trà sữa nên đã mua 6 cốc trà sữa, dùng bơm tiêm bơm chất độc này vào trà sữa rồi  thuê người gửi 6 cốc trà sữa này đến Bệnh viện Phổi Thái Bình cho chị Y., gửi kèm một túi đựng hoa quả (quả quýt) và một phong bì bên trong có để 100 nghìn đồng để mọi người nhầm tưởng là quà của bệnh nhân biếu chị Y.

Do chị Y. không có ở bệnh viện nên nhờ đồng nghiệp nhận hàng và để tại phòng hành chính. Không may một đồng nghiệp của chị Y. là chị N.T.H. đã uống phải cốc trà sữa có độc và đã tử vong.

Tội ác mang tên Xyanua

Trong cả 2 vụ án, đối tượng đều dùng chất độc Xyanua để sát hại “đối thủ” của mình khiến những người vô tội phải chết đau đớn, oan uổng. Trong vụ án ở Thanh Hoá thì người mà Trần Xuân Minh “nhắm” đến  không phải là ông Phạm Đặng Viên mà là người anh ta nghi ngờ quan hệ bất chính với vợ mình. Tuy nhiên, hành động cho thuốc độc vào rượu rõ ràng anh ta đã bỏ mặc không quan tâm đến hậu quả xảy ra bởi anh ta thừa hiểu rằng, rất nhiều người có thể uống rượu độc chứ không chỉ riêng người mà anh ta coi là tình địch.

Theo lời khai của chị Lê Thị Phương – vợ Trần Xuân Minh thì hai vợ chồng chị thời gian gần đây thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, cãi nhau. Nguyên nhân của sự việc trên là do Minh nghi ngờ chị có quan hệ bất chính với anh Thọ. Cũng vì nguyên nhân này nên chị và Minh thường xuyên cãi vã, gay gắt với nhau.

“Vì ghen tuông nên anh Minh nghĩ tôi có quan hệ này nọ, gây sự với tôi. Do quá nhiều mâu thuẫn không giải quyết được nên tôi với anh Minh đã quyết định ly hôn. Cả hai đều đã nhờ luật sư để tư vấn, giải quyết ly hôn. Tôi không ngờ, anh ấy làm như vậy....” – chị Phương cho biết.

Vợ chồng Minh -  Phương từng có cuộc sống hạnh phúc, con cái đề huề, con trai lớn đang học lớp 10. Gia đình kinh tế ổn định, có nhà mặt phố lớn (số 50 phố Quang Trung) chế tác kinh doanh vàng bạc, đá quý. Thời gian gần đây, cùng phụ chồng làm vàng, chị Phương có kinh doanh thêm bất động sản nên quen anh Thọ - một người quê ở huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá nhưng đã ra Hà Nội sinh sống. Chị Phương đã góp vốn để thành lập Công ty Bất động sản Á Âu.

“Có lẽ vì việc hợp tác làm ăn giữa tôi với anh Thọ nên anh Minh nghi ngờ có quan hệ không trong sáng dẫn đến việc anh ấy hay gây sự với tôi” – chị Phương cho biết.

Theo lời của chị Lê Thị Phương thì có thể thời gian gần đây việc làm ăn của Trần Xuân Minh không được tốt, dẫn đến thua lỗ khoảng gần 1 tỷ đồng khiến Minh hay cáu gắt, gây sự, cộng với ghen tuông. Trong những lần cãi nhau, Minh đã nói rằng sẽ giết người rồi tự sát.

Chị Phương khai rằng: “Tôi chỉ nghĩ trong lúc nóng giận anh ấy nói thế thôi chứ không ngờ anh ấy làm thật. Vì thế, khi mọi người trúng độc, tôi đã nghĩ ngay đến chồng mình và biết anh ta sẽ tự sát nên đã gọi điện về nhà nhờ mọi người ngăn lại, không cho tự sát. Nhưng không ngờ, anh ta vẫn trốn tránh được tội lỗi của mình”.

Quá trình điều tra, Cơ quan công an cũng đã làm rõ chất độc Xyanua mà Trần Xuân Minh đầu độc người khác rồi tự sát là chất mà anh ta sử dụng để chế tác vàng bạc. Bản thân Minh cũng đã đe doạ chị Phương về việc sẽ sử dụng chất hoá học này để giết người.

Còn đối tượng Lại Thị Kiều Trang – kẻ gây ra vụ đầu độc chết người ở Thái Bình thì khai nhận, chất độc cô ta có được là từ nguồn mua trên mạng xã hội. Như vậy, rõ ràng, chất độc chết người này được quản lý quá lỏng lẻo, dẫn đến ai cũng có thể mua được để phục vụ mục đích không chính đáng của mình.

Cần quản lý chặt chẽ chất độc giết người

Là người trực tiếp chỉ đạo, điều tra vụ án đặc biệt nghiêm trọng khiến 2 người chết, 2 người bị ngộ độc ở Thanh Hoá, Đại tá Khương Duy Oanh, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hoá bày tỏ lo lắng, trăn trở về quản lý hoá chất. Liên quan đến hóa chất và quản lý hóa chất chúng ta đã có khá đầy đủ Luật và các Nghị định kèm theo.

Cụ thể, đó là Luật Hóa chất với Nghị định của Chính phủ mà gần nhất là Nghị định 113/2017 trong đó có hướng dẫn đầy đủ và quản lý hóa chất như thế nào. Quy định rõ trách nhiệm của ngành Công thương trong việc quản lý nhà nước liên quan đến hoá chất. Đối với kinh doanh thì đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên phải có giấy phép mới được kinh doanh.

Còn đối với người tiêu dùng, khi đến mua phải có giấy giới thiệu, có công văn, nói rõ việc mua bán, sử dụng vào mục đích gì. “Tuy nhiên, việc quản lý rất lỏng lẻo cả trong sản xuất, kinh doanh, chế biến và lưu thông” – Đại tá Khương Duy Oanh cho biết.

Nói về quản lý, sử dụng hoá chất, bà Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội cũng “sốc” khi biết rằng, suốt thời gian qua việc quản lý hóa chất quá lỏng lẻo nên hoá chất kịch độc lại có thể mua rất đơn giản và dễ dãi trên mạng. Vốn là Phó giáo sư, Tiến sỹ chuyên ngành Hóa Lý, Chủ tịch Hội hóa học Hà Nội, bà Bùi Thị An là người được đào tạo chuyên sâu về hoá chất nên hiểu rõ những tác hại mà chất hoá học có thể gây ra cho con người và những quy định về quản lý, sửa dụng những chất này.

Bà An cho biết, trong Luật Hóa chất quy định rất rõ, hóa chất độc hại có loại 1,2,3 và yêu cầu dán nhãn lên các bao bì ấy một cách rõ ràng và yêu cầu người kinh doanh, cũng như người quản lý phải thực hiện. Những hóa chất nào bán buôn phải có giấy giới thiệu, lượng bao nhiêu và khi mang về kho các đơn vị nghiên cứu cũng như sản xuất, Thủ trưởng cơ quan ấy phải quản lý. Và khi xuất kho phải có chữ ký của thủ trưởng.

“Cho nên tôi cho rằng quản lý của chúng ta rất yếu kém, không làm đúng luật và người kinh doanh cũng làm không đúng luật. Không thể nào có chuyện chất Xyanua lại có thể bán online dễ dàng như thế. Như vậy, rõ ràng đã vi phạm Luật và thực thi không đúng Luật trong quản lý hoá chất bởi Luật đã quy định rõ ràng, bên cạnh đó còn có hướng dẫn rất cụ thể của Chính phủ” – bà Bùi Thị An khẳng định.

Ngoài 2 vụ án trên, cũng từng xảy ra nhiều vụ giết người bằng hoá chất gây chấn động dư luận, như vụ “phù thuỷ”  giết người hàng loạt Lê Thanh Vân, SN 1956 ở TP Hồ Chí Minh đã  sát hại 13 người bằng Xyanua  trong thời gian 3 năm từ tháng 1-1998 đến tháng 8-2001 để cướp tài sản. Đối tượng này dùng thủ đoạn làm quen, giới thiệu việc làm, tạo tình cảm, uy tín, nhận làm con nuôi... rồi rủ nạn nhân đi ăn uống, dùng chất độc Xyanua chế vào thức ăn, nước uống sát hại tới 13 người.

Chính vì vậy, yêu cầu quản lý chất hoá học đã đặt ra bức xúc hơn bao giờ hết, không chỉ Xyanua mà hàng loạt các chất độc, chất cấm khác cũng cần phải quản lý chặt chẽ. Bà Bùi Thị An cũng cho biết thêm, mặc dù luật quy định khá chặt chẽ đối với việc mua bán, sử dụng hóa chất nhưng thực tế kiểm tra ở các địa phương lại chưa tốt, mức xử phạt quá nhẹ nên chưa đủ sức răn đe; đề nghị Chính phủ rà soát lại tất cả các điều kiện kinh doanh của các cơ sở thì phải có chế tài tương xứng, xử lý nghiêm các vi phạm. Lực lượng Quản lý thị trường có thể kiểm tra đột xuất, định kỳ các cửa hàng mua bán hoá chất, không để xảy ra tình trạng mua bán tràn lan như hiện nay.

Thu Thủy
.
.