Từ vụ vợ nhà báo đốt chồng:

Bài bạc – “Hung thủ” vào nhà bằng cửa chính

Thứ Tư, 16/03/2011, 14:45
Thật oái oăm, điều người vợ cố nhắm mắt lao vào lại chính là điều người chồng lao tâm khổ tứ dùng ngòi bút và bản lĩnh nghiệp vụ ra sức phòng chống. Trên mặt báo, Hoàng Hùng đã khá thành công, đã đạt một số kết quả nhất định, được thừa nhận bằng những giải thưởng báo chí mà anh vẫn nhận "lai rai" trong nhiều năm. Nhưng anh lại không biết, không ngăn được chuyện vợ mình mở toang cửa chính rước tệ nạn vào trú sẵn trong nhà, nằm luôn trên giường ngủ của vợ chồng anh để dần dần biến thành tội ác.

Đêm định mệnh

Theo lời khai, quá trình gây án của bà Liễu đã diễn ra khá đơn giản. Trưa ngày 18/1/2011, bà Liễu đã ghé vào một tiệm tạp hóa gần nhà mua một đoạn dây dù và 20.000 đồng tiền xăng đựng trong bịch nilon. Về nhà, bà Liễu  lấy đoạn dây ra thắt nút theo từng đoạn, sau đó cất dây và xăng vào tủ.

Đêm hôm đó, nhà báo Hoàng Hùng làm việc trên phòng riêng ở lầu 1, đến khoảng 22h thì đi ngủ. Khoảng hơn 0h ngày 19/1, bà Liễu lên lầu xem chừng. Đoán chừng chồng mình đã ngủ say, Liễu đã lấy sợi dây dù ra buộc vào lan can thả thòng từ lầu 1 xuống đất, sau đó lấy xăng tạt lên giường ngủ và người anh Hùng, bật quẹt đốt và nhanh chân chạy xuống tầng dưới, quay lại giường mình. Khi nhà báo Hoàng Hùng đã toàn thân bốc lửa phừng phừng chạy xuống, bà Liễu mới vờ hốt hoảng tỉnh dậy đẩy chồng vào nhà tắm để dập lửa và kêu cứu.

Những lời khai này khá phù hợp với kết quả khám nghiệm hiện trường. Nhưng về hung thủ vụ án, lời khai của bà Liễu vẫn có một số điểm chưa thật sự thống nhất. Ngay trong đêm ra đầu thú (20/2), bà Liễu đã khai rằng còn có một đồng phạm khác tham gia vào vụ giết chết nhà báo Hoàng Hùng. Nhưng sau đó, đối tượng lại khai chỉ thực hiện tội ác một mình.

Về động cơ, mấu chốt là do mâu thuẫn vợ chồng trong việc bán nhà trả nợ. Số nợ này, bà Liễu cho rằng do hai vợ chồng bà "bệnh sĩ mau chết hơn bệnh tim", chưa tích lũy đủ tiền vẫn xây nhà 3 tầng, một trệt hai lầu (trong khi cả nhà chỉ có 4 người). Thực tế, CQĐT đã xác định và làm rõ: áp lực nợ nần của vợ chồng bà Liễu chủ yếu do bà ham bài bạc, thua nợ nhiều gây ra. Ngoài ra, bà Liễu còn khá nhiều mối quan hệ tình cảm phức tạp khác mà vì nó, mâu thuẫn của vợ chồng bà càng thêm gay gắt.

Những mối quan hệ này, bà Trần Thúy Nga, chị ruột  bà Liễu đã tuyên bố là người trong gia đình đều biết và sẽ "huỵch toẹt". Trước đây, vì mới chỉ linh cảm chưa khẳng định em mình là hung thủ, mọi người đều giữ im lặng. Còn nay, em bà đã tự thú và nhận tội, bà sẽ cung cấp hết cho CQĐT.

Người được nhắc đến nhiều nhất là ông T., một cán bộ ở địa phương. Theo bà Nga, mỗi lần nhà báo Hoàng Hùng đi công tác vắng nhà, ông T. và bà Liễu lại tìm cách gặp nhau, rất gắn bó. Cháu Hồng Nhung cũng biết rất rõ "việc mẹ và ông T. yêu thương nhau" và đã từng phản đối quyết liệt. Vì sợ "ba mẹ ly dị, bỏ nhau, hai chị em con bơ vơ" nên cháu đã không dám tố giác chuyện này với nhà báo Hoàng Hùng. Gần đây, trả lời một số báo chí, ông T. đã phủ nhận toàn bộ quan hệ tình cảm này nên cháu Nhung đã rất bức xúc, định đích thân giáp mặt nhân vật này để hỏi cho ra lẽ. Tuy nhiên, những người dì ruột khuyên can nên cháu từ bỏ ý định gặp đối chất, chỉ trình bày cặn kẽ với CQĐT.

Casino King Crown ở Bavet.

Tội ác vào nhà bằng cửa chính

Những người quen biết gia đình nhà báo Hoàng Hùng, từng tiếp xúc và quen biết bà Liễu đều khẳng định: Trần Thúy Liễu là người hiền lành, nhỏ nhẹ, ít nói. Đôi lúc bị chồng quát, đối tượng vẫn im lặng, nhẫn nhịn, hầu như không cãi lại bao giờ. Ngay cả những người trong gia đình nhà báo Hoàng Hùng cũng đều đồng thuận với nhận xét này.

Anh Lê Hoàng Tuấn (em thứ 6 của nhà báo Hoàng Hùng) cho rằng: "Chị Liễu là người vui tính, xởi lởi, không bao giờ nặng nhẹ làm mất lòng ai. Mỗi lần chị ấy về thăm, ai cũng vui". Anh Tuấn cũng như những người khác trong gia đình chỉ đau xót cho nhà báo Hoàng Hùng và thương hai đứa cháu sớm chịu thiệt thòi chứ không ai oán hận, căm ghét gì kẻ thủ ác.

Cụ Nguyễn Thị Kim Nga, 74 tuổi, mẹ ruột nhà báo Hoàng Hùng cũng cho biết, mỗi năm, chỉ vào các dịp  giỗ chạp..., con dâu của bà mới về thăm nhà chồng làm nghĩa vụ dâu con. Mỗi lần về, Trần Thúy Liễu đều tỏ ra rất lễ phép với mẹ chồng và những người thân khác. Khi phía gia đình chồng có việc gì, Liễu cũng đều hỏi han săn sóc rất thân tình. Trong tột cùng nỗi đau mất con, cụ Nga cũng vẫn không căm ghét, chỉ trách cô con dâu sao "quá nông nổi, dại dột, có ai xui không mà làm chi chuyện tày trời!".

Thành vợ thành chồng xấp xỉ 20 năm, người đàn bà, nhân vật chính của tấn thảm kịch chính hôm nay cũng đã từng trải qua một đoạn dài bươn chải cùng chồng vun vén cho gia đình. Trần Thúy Liễu đã vất vả nhiều năm với nghề lặt đầu tôm đông lạnh, dù nghề này đồng lương cũng chẳng mấy dư giả. Sau này, khi nghề nghiệp báo chí đem lại nguồn thu nhập ổn định hơn, muốn vợ đỡ nhọc nhằn, nhà báo Hoàng Hùng đã đề nghị vợ mình nghỉ việc ở nhà nội trợ, chăm sóc gia đình.

Cũng một phần vì chăm lo cho vợ con, muốn gia đình có một cơ ngơi nở mày nở mặt nên khi xây nhà, dù còn thiếu trước hụt sau, nhà báo Hoàng Hùng cũng đã chạy vạy vay mượn thêm để xây nên một căn nhà hơi quá bề thế so với nhu cầu sử dụng. Hầu hết số tiền  nợ do xây nhà đều vay mượn từ người thân, chủ yếu là nợ của chị ruột Trần Thúy Liễu gồm nợ chị Trần Thúy Nga gần 500 triệu, nợ chị Trần Thúy Loan 170 triệu đồng. Hai người chị này đều cho vay tự nguyện. Áp lực nợ nần dẫn đến mâu thuẫn và bi kịch không đến từ phía này.

Vậy thì điều gì đã biến Trần Thúy Liễu từ một người vợ, người mẹ nhu mì, biết điều và có trách nhiệm thành thủ phạm một vụ thảm án, sát hại người thân? Câu trả lời là bài bạc.

Trần Thúy Liễu khai nhận: Chị ta bắt đầu "cùng một số chị em" sang Campuchia đánh bạc từ ngày 6/2/2010. Đỉnh điểm, tháng 12/2010, Trần Thúy Liễu đi liên tục trên 20 chuyến và toàn thua. Khi nhà báo Hoàng Hùng phát hiện và ngăn cấm, số nợ nần do bài bạc đã lên đến 1,5 tỉ đồng, các chủ nợ liên tục đòi tiền.

Sự hào nhoáng của sòng bạc. Ảnh chụp tại sòng Vegas Hà Tiên.

Ban đầu, những chuyến sang Campuchia "thăm viếng" casino chỉ diễn ra thi thoảng, được Trần Thúy Liễu ngụy trang bằng lý do sang đất bạn "bỏ mối khăn lạnh" (mỗi lần khoảng 10.000 chiếc). Hai người chị Trần Thúy Nga, Trần Thúy Loan nhanh chóng nhận ra mục đích thực của những chuyến đi, khi mà Liễu đi liên tục và mỗi lần đi đều hỏi vay mượn rất nhiều tiền mang theo. Họ ra sức khuyên can. Trần Thúy Liễu thú nhận: "Thua nhiều quá rồi, giờ phải cố gỡ. Họ (chủ nợ tại sòng bài) cho mình mượn dễ, giờ họ đòi dữ quá!".

Bà Nga và bà Loan can rằng "có lỡ thua bao nhiêu cũng phải bỏ, càng cố gỡ là nợ càng trói chặt". Nhưng Liễu không nghe. Bài bạc giống như ma túy, vào rất dễ, nhưng không có đường ra. Tất cả những con bạc tự đẩy mình vào bi kịch đều giống nhau, ban đầu chỉ là "thử cho biết", đều tự tin mình sẽ biết dừng đúng lúc. Thật ra không phải thế. Họ đang lao băng băng từ trên đỉnh dốc xuống, muốn cũng không thể dừng, chỉ có thể là một cú ngã lộn nhào xuống đáy vực.

Thật oái oăm, điều người vợ cố nhắm mắt lao vào lại chính là điều người chồng lao tâm  khổ tứ dùng ngòi bút và bản lĩnh nghiệp vụ ra sức phòng chống. Trên mặt báo, Hoàng Hùng đã khá thành công, đã đạt một số kết quả nhất định, được thừa nhận bằng những giải thưởng báo chí mà anh vẫn nhận "lai rai" trong nhiều năm. Nhưng anh lại không biết, không ngăn được chuyện vợ mình mở toang cửa chính rước tệ nạn vào trú sẵn trong nhà, nằm luôn trên giường ngủ của vợ chồng anh để dần dần biến thành tội ác.

Cách đây khá lâu, nhiều tháng trước khi xảy ra vụ thảm án, đã từng có thông tin là một số chủ sòng và những kẻ sống dựa vào các nghề ăn theo sòng bạc (đưa rước người chơi, cho vay lãi nặng tại sòng,...) từng bắn tin sẽ có ngày tìm cách đưa vợ con Hoàng Hùng vào ma trận bài bạc, mục đích là để buộc nhà báo này từ bỏ sự phanh phui, vạch mặt tệ nạn này. Sự thật đã diễn ra đúng y như thế, ở mức độ tột đỉnh của sự tàn ác. Những thông tin về "âm mưu" này, CQĐT đang xác minh làm rõ.

Những bi kịch khác đang lấp ló

Trần Thuý Liễu cũng khai nhận, người dẫn bà vào casino lần đầu là ông Nguyễn Văn Tâm, cán bộ quản lý thị trường tỉnh Long An. Ông Tâm cũng đã cùng bà vào đánh bạc 5, 6 lần. Ông Tâm đã nhiều lần cho bà Liễu vay nợ. Giữa hai người có một sự gắn bó khăng khít cả về tình cảm lẫn tiền bạc. Nhưng, tình cảm bắt đầu từ sới bạc là điều đáng khả nghi nhất và có vẻ như trước thảm án ít ngày, mối "giao tình" đã bị lật 180 độ.

Cháu Hồng Nhung khai với CQĐT: Không lâu trước khi xảy ra vụ án, ông Tâm và bà Liễu đã hẹn nhau ra quán cà phê. Cháu Nhung có đi cùng mẹ. Tại đó, ông Tâm đã yêu cầu bà Liễu viết giấy xác nhận có vay nợ của ông Tâm 150 triệu đồng, lãi suất 3%/tháng.

Tối 21/2, khi ghé nhà nhà báo Hoàng Hùng thắp hương cho người bạn lâu năm đã quá cố, ông Nguyễn Phấn Đấu, PV báo Lao Động thường trú tại Long An, đã vô tình nghe được một cuộc điện thoại của bà Liễu với một người môi giới bất động sản tên Đ. Nội dung cuộc điện thoại cho biết, dù chưa có sổ hồng, trước đó bà Liễu cũng đã bán cho ông Nguyễn Văn Tâm một lô đất trị giá 260 triệu đồng, sau đó, bà lại dùng chính mảnh đất này, nhờ ông Đ. môi giới để thế chấp vay ngân hàng được 150 triệu đồng.

Ngày 23/2, bà Liễu khai: Trước khi chết, nhà báo Hoàng Hùng đang thu thập hồ sơ về một vụ ly hôn kỳ cục, mâu thuẫn nặng trong tranh chấp phân chia tài sản. Đang bức bách vì nợ, bà Liễu được một người thuyết phục: sẽ mua nhà của bà Liễu giá 1 tỉ đồng, cho thêm vài trăm triệu đồng nếu bà tìm cách làm cho nhà báo Hoàng Hùng "im lặng", tránh xa vụ án ly hôn này.

Bi kịch của gia đình nhà báo Hoàng Hùng không phải là trường hợp đầu tiên, lại càng không là thảm trạng cuối cùng khi mà bên kia biên giới, nhất là đoạn từ An Giang đến Tây Ninh, hàng trăm casino, trường gà vẫn thi nhau mọc lên nhan nhản với các tên gọi mỹ miều và gợi cảm. Mở trên đất Campuchia nhưng hầu như chẳng có người Campuchia nào chơi. Vào sòng bạc, người ta dễ dàng nhận ra là có ít nhất 70% khách chơi là người Việt, cũng 70% là nữ.

Nếu vào sòng theo các "tour" của sòng đưa đón, hoặc đến vãng lai nhưng lỡ thua cháy túi, khách dễ dàng được cho vay nóng ngay tại sòng hàng ngàn USD để gỡ (chính xác là để thua tiếp). Điều kiện duy nhất là để giấy tờ lại và viết giấy xác nhận vay nợ. Khách vãng lai thì thậm chí không cần giấy tờ, họ sẽ bị buộc "thế chấp" chính bản thân lại (nghĩa là bị giam lỏng) và liên lạc về gia đình đưa tiền lên trả, tất nhiên là với lãi suất cắt cổ.

Bọc quanh đam mê và cay cú là những gì êm ái nhất với ghế bọc nhung, máy lạnh chạy vo vo, sự yên tĩnh... Tuyệt đối không có cảnh vừa ngồi chồm hỗm đánh bạc vừa chửi thề văng tục và nơm nớp lo bị công an ập vào như các sòng cò con ở trong nước. Nếu thua, muốn "xả xui", thượng đế (đôi khi chỉ là một bà sồn sồn hoặc một thằng bé con mép còn lún phún lông tơ) sẽ được mời sang phòng bên. Ở đó, họ được hưởng thụ, chiều chuộng bất kỳ nhu cầu nào mà một cái đầu sa đọa có thể nghĩ tới. Mọi thứ đều miễn phí, chỉ có số dư nợ trong tờ giấy xác nhận nợ vô tri sẽ càng dày thêm. Khi không còn khả năng chi trả, bi kịch xảy ra ngay tức khắc. Trường hợp cái chết tức tưởi của nhà báo Hoàng Hùng chỉ là một trong vô vàn kiểu bi kịch bắt nguồn từ sòng bạc.

Nói không ngoa, hàng trăm sòng bạc, trường gà lớn nhỏ tại Campuchia đang như những giác hút bạch tuộc ngụy trang bằng lớp vỏ sặc sỡ, lấp lánh đang vươn sâu vào nhiều địa phương của Việt Nam, tàn phá và gây nên thảm trạng xã hội. Không thể can thiệp vào sự tồn tại của những sòng bạc, trường gà được luật pháp nước bạn công nhận, nhưng chúng ta không thể làm ngơ để cho những giác hút kinh khủng ấy thỏa sức mò sang. Để đối phó với một thảm họa, cần phải có một sách lược, một kế hoạch cụ thể, chi tiết và đòi hỏi sự góp sức của toàn xã hội. Đó là việc cần làm ngay. Với thảm trạng bài bạc, đừng trông chờ vào sự hồi tâm, ăn  năn hay tỉnh ngộ của con bạc, nếu không muốn thảm kịch này lại kéo theo thêm nhiều thảm kịch khác

Nguyễn Đức
.
.