Bản án gây căm phẫn trên toàn nước Mỹ

Thứ Sáu, 29/07/2011, 08:35

Tuyên bố trắng án hôm 5/7 vừa qua của tòa án dành cho Casey Anthony, bị cáo buộc gây ra cái chết cho con gái 2 tuổi rưỡi của mình đã làm rúng động cả nước Mỹ… Vụ việc này được báo chí Mỹ khai thác còn hơn cả vụ án tấn công tình dục của cựu Tổng giám đốc IMF đang đình đám hiện nay.

Sự phẫn nộ của công luận

Sau ba năm rưỡi điều tra về một vụ án được truyền thông Mỹ đặc biệt quan tâm, vào ngày 5/7 vừa qua bồi thẩm đoàn chỉ mất 11 giờ để tuyên bố... vô tội cho Casey Anthony, 25 tuổi, từng bị cáo buộc giết người cấp độ 1 và hành hạ con gái mình. Trước tòa án Orlando, bang Florida, đám đông đứng chật cứng, phản đối bản án bằng cách hét lớn: "Công lý cho Caylee!", "Kẻ giết trẻ em!". Báo chí Mỹ cũng đã hòa vào sự phẫn nộ của dư luận, đưa tin về bản án của Casey lên trang nhất và bỏ vụ DSK lại phía sau.

Nhiều người đã nhặt nhạnh những phản ứng trên trang mạng xã hội Twitter cũng như trên các trang web khác. Một người tên Salon đã thống kê các bình luận của những ứng cử viên đảng Cộng hòa, theo đó, những người này chỉ trích sự quản lý tư pháp yếu kém dưới thời Tổng thống Obama, thuộc phe Dân chủ. Còn một người tên Slate đã ghi một câu trên Twitter, kêu gọi sự can thiệp của Dexter Morgan, anh hùng của loạt phim Dexter, người chuyên giết những kẻ tử tội thoát khỏi vòng pháp luật.

Nhiều người khác đã đứng hẳn về một phe, trong trường hợp này là phe của nạn nhân và họ đã so sánh trực tiếp vụ việc nhơ nhớp này với một vụ khác, gây sốc hơn, đó là vụ O.J. Simpson. Ngôi sao bóng bầu dục Mỹ đã bị buộc tội giết vợ cũ và người tình của vợ, sau đó, cuối cùng Simpson cũng được xử trắng án sau một thời gian tốn nhiều giấy mực của báo chí. Tờ The Daily Beast đã giật tít "Tệ hại hơn cả vụ O.J. Simpson!", đây là lời phát biểu của người đại diện phía chống lại Simpson. Tờ Bưu điện New York thì viết rằng Casey Anthony đang lặp lại trường hợp của O.J. "Trong vụ này, bồi thẩm đoàn cũng đã từ chối bản tường trình lời khai… Tờ báo này cho biết, trong vụ O.J, các luật sư biện hộ đã sử dụng quân bài phân biệt chủng tộc, còn trong vụ này, họ đã sử dụng quân bài "tình mẹ". Tờ báo này còn đi xa hơn: sau khi thực hiện một cuộc bình chọn trực tuyến xem dư luận mạng có đồng ý hay không với bồi thẩm đoàn, tờ báo này còn nói: "Chắc chắn rằng Casey Anthony là một người mẹ tồi, những đứa trẻ khác cũng sẽ chết, và liệu có ai tin rằng mẹ chúng đã giết chúng?".

Thế nhưng có một điểm chung giữa các tờ báo này là chúng đều có phần đồng ý với nữ Luật sư Nancy Grace, là người dẫn chương trình talk-show về luật pháp trên kênh truyền hình CNN. Bà cho rằng, "Cái chết của Caylee sẽ không được trả thù", "những lời dối trá của người mẹ (tự cho mình là nạn nhân của lạm dụng tình dục trong gia đình) lại có hiệu lực" và cuối cùng "quỷ dữ cũng phải hài lòng với bản án này", trên đây là những bình luận của vị nữ luật sư trên kênh truyền hình HLN, được báo Los Angeles Times trích dẫn.

Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến trái chiều trong giới truyền thông. James Wolcott, nhà bình luận của Vanity Fair đã phản đối "vở kịch thiếu chuyên nghiệp được diễn bởi các luật sư xuất hiện trên truyền hình để bình luận về một vụ việc mà họ không hiểu rõ". Nhất là Nancy Grace. Ông này đồng ý với việc bồi thẩm đoàn tuyên bố vụ án thiếu bằng chứng khoa học để buộc tội bị cáo. "Về phần mình, tôi không biết liệu Casey Anthony có phạm pháp hay không nhưng Nancy Grace và tất cả các nhà bình luận được gọi là chuyên gia cũng không biết. Nếu họ thừa nhận rằng họ không tường tận về việc gì, có thể lần sau, họ nên bớt "sốc" và bớt “choáng” đi.

4 năm tù giam cho tội… nói dối!

Nếu Casey Anthony được xử trắng án cho tội danh giết con gái, ngày 5/7, bồi thẩm đoàn cũng ghi nhận 4 tội danh chống lại Casey khi cô ta khai man với cảnh sát. Trong quá trình hỏi cung, Casey đã nhiều lần thay đổi lời khai, nhất là trong thời gian đầu, cô ta khai rằng con gái mình đã bị bắt cóc bởi một cô trông trẻ nào đó tên là Zanny và Casey đã được nói chuyện với con qua điện thoại. Cuối cùng, bản án cũng được đưa ra, Casey Anthony phải thụ án 4 năm tù và chịu phạt 4.000USD, trong đó có 1 năm tù và 1.000USD cho tội khai gian.

Vì cô ta đã trải qua 3 năm sau song sắt để đợi điều tra vụ án và vì cô này có thái độ tốt trong tù nên rất có thể Casey sẽ được trả tự do trong những tuần tới.

Kỳ án làm đau lòng nước Mỹ

Bé Caylee Marie Anthony (sinh ngày 9/8/2005) đã mất tích từ tháng 6/2008 và vụ việc đã thu hút đông đảo dư luận khắp nước Mỹ về những bí ẩn và những chi tiết mơ hồ xung quanh sự mất tích của bé và không loại trừ khả năng bé đã bị giết chết. Người đáng bị tình nghi nhất không ai khác hơn đó chính là mẹ bé - Casey Anthony (sinh năm 1986). Casey đã bị khởi tố tội giết người cấp độ 1 vào ngày 14/10/2008. Cảnh sát đã nghi ngờ hành vi của Casey vì cô đã nấn ná hơn một tháng không thông báo về sự mất tích của con gái mình với cơ quan điều tra. Casey khẳng định lần cuối cùng nhìn thấy bé Caylee là vào ngày 9/6/2008 nhưng đến 15/7/2008 vụ việc mới được tường trình đến cảnh sát.

Vào ngày 15/7/2008, bà ngoại Cindy Anthony đã gọi đến 911 báo về việc cháu ngoại mình là Caylee Anthony đã bị mất tích và Casey Anthony - mẹ của bé không chịu trình ra cháu ngoại của mình. Cindy Anthony đã không nhìn thấy mặt cháu mình cả mấy tuần và đã nghi ngờ khi bà ngửi được mùi xác người thối rữa bốc lên từ cốp xe của Casey Anthony (tuy sau này Cindy Anthony lại nói rằng đó là mùi bánh pizza để lâu ngày).

Khi cảnh sát hỏi cung Casey Anthony về con gái mình, Casey đã khai rằng, cô đã đưa Caylee đến ở chỗ người giữ trẻ có tên là Zenaida "Zani" Fernandez-Gonzalez. Cô cũng bảo rằng đã nhờ Zenaida giữ con gái mình trên 2 năm nay. Tuy nhiên vào ngày 17/7/2008, một phụ nữ địa phương có tên Zennaida Gonzalez (chứ không phải Fernandez-Gonzalez) được gọi đến lấy cung và đã phủ nhận rằng mình không quen biết cả Casey và Caylee Anthony. Khi cảnh sát hỏi bà ngoại Cindy về người giữ trẻ, bà trả lời bà không có lý do gì để nghi ngờ Fernandez-Gonzalez. Hơn nữa, trong 3 năm khi Caylee còn sống và ở tại nhà của bà, Cindy chưa bao giờ gặp mặt người được cho là "bà vú" kia cả.

Kể từ lúc bắt đầu công cuộc điều tra, cảnh sát đã gặp khó khăn phân biệt thật giả trong lời khai của gia đình Anthony. Rất nhiều những thông tin Casey đã cung cấp kể từ chi tiết người giữ trẻ trở về sau đều  không đúng sự thật. Nhưng Cảnh sát đã tìm được cuộn băng video ghi lại những hình ảnh Casey đi dự tiệc tùng, đi hộp đêm trong thời điểm Caylee mất tích và đã được báo chí tung ra rất nhiều.

Hình ảnh ăn chơi của Casey tại hộp đêm vào ngày bé Caylee mất tích.

Trong suốt quá trình điều tra, cảnh sát đã phát hiện ra mẫu tóc và dấu vết bẩn trong cốp xe của Casey. Mặc dù đã có những khẳng định đó là vết máu của nạn nhân nhưng chi tiết này vẫn chưa được công khai xác nhận. Thay vào đó, người đứng đầu điều tra về vụ án lại nói rằng chính sợi tóc mới là yếu tố quyết định chính làm cho bồi thẩm đoàn tin rằng Caylee đã thực sự chết trong cốp xe hơi của Casey. Sau đó, bồi thẩm đoàn đã làm cuộc "giám định không khí" khu vực trong cốp xe để xác định xem liệu có phải xe đã từng chứa một cái xác đang phân hủy ở trong đó. Kết quả sau đó đã được gửi đến Viện Nghiên cứu về nhân chủng học của đại học Tennessee để tiến hành kiểm tra xét nghiệm pháp y học. Kết quả sau cùng đã chứng minh rằng đã từng có một cái xác ở trong cốp xe.

Chloroform (thuốc gây mê) đã được tìm thấy trong cốp xe của Casey và bằng chứng Casey đã từng tìm kiếm trên mạng Internet về cách sử dụng chloroform.

Vào ngày 11/12/2008, cảnh sát đã phát hiện một số phần của một bộ xương người được tìm thấy gần khu rừng rậm ở Suburban Drive - cách nhà gia đình Anthony tọa lạc ở đường Hopespring Drive không tới nửa dặm. Bộ xương được khẳng định là của một đứa trẻ. Cái sọ có dấu vết của băng keo và một phần nhỏ được tìm thấy bên trong 1 cái bao. Cảnh sát trưởng tin rằng, đó rất có thể là di hài của bé Caylee Anthony.

Ngày 12/12/2008, di hài còn sót lại đã được khẳng định là của Caylee dựa vào việc so sánh giữa mẫu tóc với vết tích tìm được, cũng như sự trùng khớp giữa tuổi tác và các số đo giữa di hài đó và Caylee.

Cảnh sát đã nghi ngờ trong lúc đi hộp đêm, Casey đã bỏ lại bé Caylee trong cốp xe và bé đã chết vì sức nóng từ mặt trời trong xe hơi ở khu vực Suburban Drive

Văn Bôl (tổng hợp)
.
.