Báo động thực trạng gây án vì... thất nghiệp ở TP HCM

Thứ Tư, 11/07/2012, 22:50

Nhiều bậc cha mẹ khi cho con lên TP HCM mưu sinh gần như chẳng quan tâm chúng làm gì, ở đâu và sống ra sao. Thậm chí có nhiều đối tượng còn cho biết sở dĩ chúng gây án là từ… áp lực gia đình. Vì có nhiều cha mẹ buộc con đi làm hàng tháng phải gửi tiền về, nếu không sẽ bị la rầy, trách mắng. Nên khi bị thất nghiệp chúng rất dễ làm liều…

Tình hình kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp giải thể, phá sản dẫn đến hàng loạt người lao động bị thất nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm 2012, trên địa bàn TP HCM có hơn 5.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động, gần 90.000 lao động bị thất nghiệp là một con số rất đáng lo ngại. Càng lo ngại hơn là đối với lao động phổ thông đồng lương ít ỏi, không có tiền dành dụm nên rất dễ rơi vào túng quẫn khi không có việc làm. Trong số này không ít người thật sự bế tắc trước cuộc sống và dễ dàng lún sâu vào con đường tội lỗi. Để giải quyết thực trạng này là cả một vấn đề lớn. Riêng trong giới hạn bài viết này, chúng tôi muốn gióng lên tiếng chuông cảnh báo đến các đấng sinh thành là cần quan tâm hơn đến con cái mình khi chúng phải tự bươn chải nơi đất khách…  

1. Đối diện với tôi, một thanh niên mới bước qua tuổi trưởng thành nhưng gương mặt thì già nua, hằn nét khắc khổ. Nước da cháy đen, mái tóc rối bời bởi những tháng ngày dầm mưa dãi nắng với công việc bốc xếp ở một bãi cát nằm trên địa bàn phường Phú Mỹ, quận 7, TP HCM, Dương Văn Chơn, 18 tuổi, ngụ tại xã Tây Yên A (An Biên, Kiên Giang) buồn bã cho biết: Trước khi lên Sài Gòn, Chơn phụ cha mẹ lo chuyện đồng áng. Làm nông mỗi mùa 2-3 vụ, vài tháng mới thu hoạch một lần, lúc trúng mùa thì mất giá nên thu nhập chẳng được bao nhiêu, phải tằn tiện lắm cha mẹ Chơn mới trang trải đủ cái ăn cái mặc. Vì vậy mà mỗi lúc cần tiền để đi chơi với bạn bè, mua sắm chút ít vật dụng cá nhân thì Chơn phải kìm lòng chờ đến mùa gặt lúa.

Mấy năm nay thời tiết thất thường, nước mặn xâm nhập ruộng đồng, cây lúa chưa trổ bông đã chết, gia đình lâm cảnh bần hàn. Buồn đời, Chơn rủ 3 người bạn là Trần Chí Linh (19 tuổi), Phan Chí Nguyện (22 tuổi) và Sơn Văn Thanh (18 tuổi) lên thành phố để tìm kế mưu sinh. Nhưng với trình độ học vấn chưa hết tiểu học, 4 thanh niên mới lớn chẳng thể xin vào làm công nhân như dự tính ban đầu. Sau nhiều ngày "ăn bờ ngủ bụi", Chơn và đám bạn tìm đến bãi cát nói trên xin làm bốc vác cho các chủ hàng từ ghe lên bờ. Do công việc không ổn định, làm ngày nào "xào" hết ngày ấy nên 4 chàng trai chẳng thể lấy đâu ra tiền để thuê phòng trọ nên đêm đến họ cứ lăn ra bãi cát mà ngủ và… ngày mới lại bắt đầu như bao ngày đã qua…

Sáng ngày 2/4/2012, trời mưa tầm tã nên chẳng có chiếc ghe nào cập bến. Không bốc vác thì chẳng có tiền, lấy đâu ra để mua cơm ăn, nước uống? Thế là họ đành nhịn đói buổi cơm trưa. Xót ruột không chịu được, Chơn sực nhớ có người bạn đồng hương ở trọ gần đó nên sang mượn 100 ngàn đồng rồi mua 4 hộp cơm mang về bãi cát vừa ăn vừa bàn tính… tương lai! Thằng Linh bảo, ngày mai mà không có việc làm nữa thì mình lại đói, thôi thì đường nào cũng chết, hay là mình tìm xe ôm để cướp, kiếm tiền xài?

Linh vừa dứt lời, đám bạn đã đồng thanh hưởng ứng chẳng chút đắn đo, sợ sệt. Để rồi sau đó không lâu bọn chúng đã gài bẫy cho anh xe ôm Nguyễn Hùng Sơn (44 tuổi; ngụ ấp 4, xã Phú Xuân, Nhà Bè) đến khu dân cư Vạn Phát Hưng để ra tay giết người, cướp của. Khi Chơn bị bắt đưa về Đội trọng án (PC 45, Công an TP HCM) tôi hỏi Chơn cuộc sống quá khó khăn sao không trở lại quê nhà vì dẫu sao ở đó cũng còn cha mẹ? Chơn nói mà như khóc rằng, y cũng đã nhiều lần dự định sẽ về quê nhưng ngặt nỗi chẳng có tiền xe. Nhưng hơn hết, ở đây (TP HCM) còn có nơi để mà làm thuê làm mướn, còn ở quê những lúc nông nhàn cũng chẳng biết phải làm gì, tương lai cũng vô định.

"Giá mà ở quê có việc làm kiếm vài ba chục ngàn mỗi ngày thì có lẽ em đã không bỏ lên thành phố và trở thành kẻ giết người" - Chơn rơm rớm nước mắt nói.

Một số đối tượng gây án vì thất nghiệp.

2. Đầu năm 2011, hai anh em song sinh Trần Công Chơn và Trần Công Chất (22 tuổi, ở Châu Thành, Tiền Giang) từ quê lên thành phố và xin vào làm nhân viên phục vụ cho quán nhậu Thảo Nguyên Xanh ở ấp 2A, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP HCM. Tại đây Chơn quen biết rồi sống như vợ chồng với cô gái tên Tuyết cũng là nhân viên phục vụ của quán này. Do buôn bán ế ẩm, cuối tháng 4/2011, quán Thảo Nguyên Xanh đóng cửa. Chơn, Chất cùng Tuyết đến ấp 4, xã Phong Phú (Bình Chánh) thuê phòng trọ ở. Tuyết đi làm công nhân, còn Chơn và Chất thì xin làm thợ sơn nước cho một công ty xây dựng. Nhưng chỉ được khoảng 2 tháng thì cả 3 đều thất nghiệp do công ty giải thể. Số tiền ít ỏi mà Tuyết dành dụm được cũng chỉ giúp ba người cầm cự cơm cháo qua ngày chờ xin việc, còn tiền phòng trọ thì đành phải khất. Bà chủ đòi quá gắt, Tuyết bảo Chơn phải nghĩ ra cách để kiếm tiền.

Nhiều đêm liền thức trắng, Chơn và Chất nghĩ mãi cũng chẳng có cách nào, cuối cùng họ quyết định đi… cướp! Mà cướp ở đâu? Chơn sực nhớ ở quán Thảo Nguyên Xanh kể từ khi đóng cửa, chủ quán giao lại cho đứa con trai là Lê Minh Tâm (29 tuổi; ngụ tại Đắk Lắk) trông giữ. Tâm còn nhỏ tuổi lại nhỏ con sẽ dễ dàng khống chế nhưng để chắc ăn, hai anh em song sinh Chơn - Chất rủ thêm một người bạn mới quen là Hồ Lê Minh Lộc (17 tuổi; ngụ xã Vĩnh Lộc A, Bình Chánh) cùng tham gia.

Hơn 1h, Chơn lấy xe gắn máy của Tuyết chở Chất đến ngã tư Gò Mây (Bình Tân) để đón Lộc rồi cả ba cùng đi đến quán Thảo Nguyên Xanh. Trên đường đi, Lộc hỏi dự định cướp thế nào thì Chất bảo đánh cho Tâm ngất xỉu xong thì cướp. Tuy nhiên, Chơn nói, do Tâm đã biết mặt, nếu không giết chết thì khi tỉnh lại Tâm sẽ báo công an, cả bọn bị bắt. Thế nên cả ba quyết tâm sát hại Tâm trước rồi cướp sau. Đi đến cổng quán Thảo Nguyên Xanh đã gần 2 giờ sáng. Chơn lấy di động gọi vào số bàn của quán thì Tâm bắt máy, Chơn nói ngay: "Tao Chơn đây, mày mở cửa cho tụi tao ngủ nhờ một đêm coi!".

Lúc này Tâm đang chơi game có một mình, thấy có bạn tới hí hửng ra mở cửa. Vào lại nhà, Tâm tiếp tục ngồi vào ghế chơi game còn Chơn đứng phía sau, Chất và Lộc đứng hai bên giả đò xem Tâm chơi game để chờ thời cơ hành động. Chừng 10 phút trôi qua, thấy Tâm đang say sưa với trò chơi thì Chơn dùng tay siết cổ Tâm, hai tên còn lại thì giữ tay chân cho đến khi Tâm không còn cựa quậy…

Giết người xong, cả 3 khiêng xác Tâm bỏ xuống hố gas rồi quay vào nhà lấy 2 bộ máy tính, 1 ĐTDĐ, 300.000 đồng trong túi của Tâm cùng chiếc xe Best rồi ung dung  rời khỏi hiện trường. Sau đó cả bọn đem số tài sản cướp được đi bán được 3,2 triệu đồng. Số tiền này Tuyết giữ hết để trả tiền thuê phòng trọ 2,6 triệu đồng, còn lại chi tiêu ăn uống… cho đến ngày bị bắt!

3. Một băng cướp đặc biệt nguy hiểm thường xuyên dùng hung khí tấn công người đi đường trên Đại lộ Võ Văn Kiệt để cướp tài sản bị Công an TP HCM bắt giữ gồm Hồ Tường Duy (20 tuổi; quê quán Bến Tre, tạm trú xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP HCM), Trần Bửu Hiếu (18 tuổi; quê An Giang), Đặng Hoàng Vũ (22 tuổi; quê Tây Ninh) và Đỗ Hoàng Sang (20 tuổi; quê Vĩnh Long). Trong số này, ngoại trừ Đặng Hoàng Vũ là kẻ sống lang thang chuyên nghề cướp bóc, các đối tượng còn lại đều xuất thân từ nông dân và trước khi phạm tội là những công nhân trong các công ty, xí nghiệp.

Hồ Tường Duy sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo  ở huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Do cuộc sống lam lũ, vất vả nên mới 13 tuổi Duy và đứa em gái  đã theo cha mẹ đến TP HCM kiếm sống bằng nghề mua bán trái cây dạo. Khi Duy đến tuổi trưởng thành, mẹ Duy muốn con có nghề nghiệp ổn định để còn lấy vợ, sinh con nên bà nghỉ bán hàng rong cùng con về ấp 3, Tân Kiên (Bình Chánh) thuê nhà trọ ở. Mẹ Duy bán trái cây ở chợ, còn Duy thì đi làm công nhân. Thu nhập tuy không nhiều nhưng nhờ biết gói ghém nên mẹ Duy tích lũy được ít tiền, dự định sau này để cưới vợ cho con.

Cách nơi Duy ở trọ không xa là nhà thuê của Trần Bửu Hiếu (18 tuổi; quê quán An Giang), quen biết với Duy từ hơn 1 năm qua. Trước khi phạm tội, Hiếu cùng mẹ và chị ruột làm công nhân, còn cha làm bảo vệ trong một công ty may ở Bình Chánh. Hiếu và Duy cho biết, do lương công nhân chỉ vừa đủ tiêu chẳng dành dụm được gì nên khi bị thất nghiệp thì chỉ còn hai bàn tay trắng. Dẫu biết con mình không một xu dính túi, trong khi thi thoảng phải đi đây đi đó với bạn bè nhưng cha mẹ của Hiếu lẫn Duy chẳng ai quan tâm, chẳng màng xem con lấy tiền đâu ra để tiêu xài. Để rồi vì quá túng quẫn chúng đã lập thành băng cướp, giết người không gớm tay. Khi con bị bắt, các bà mẹ tìm đến Cơ quan Công an nước mắt lưng tròng, bảo mình có lỗi vì không quan tâm đến con cái nhưng tất cả đều đã quá muộn…

Trên đây chỉ là ba vụ án điển hình trong rất nhiều vụ án xảy ra trên địa bàn Tp HCM mà động cơ phạm tội xuất phát từ không có tiền do thất nghiệp. Nhưng chẳng lẽ ai thất nghiệp cũng trở thành người xấu? Điều tra viên Nguyễn Thế Vinh (Đội trọng án, PC 45, Công an TP HCM) trầm ngâm cho biết, trong các vụ án có động cơ nói trên mà anh được giao nhiệm vụ điều tra thì hầu hết các hung thủ đều thiếu sự quan tâm, giáo dục của gia đình. Nhiều bậc cha mẹ khi cho con lên TP HCM mưu sinh gần như chẳng quan tâm chúng làm gì, ở đâu và sống ra sao. Thậm chí có nhiều đối tượng còn cho biết sở dĩ chúng gây án là từ… áp lực gia đình. Vì có nhiều cha mẹ buộc con đi làm hàng tháng phải gửi tiền về, nếu không sẽ bị la rầy, trách mắng. Nên khi bị thất nghiệp chúng rất dễ làm liều…

"Chỉ cần điện thoại hỏi thăm, quan tâm chia sẻ về việc làm, cuộc sống của con thì có lẽ khi bị thất nghiệp chúng sẽ tìm về với gia đình để có sự chở che chứ không đến nỗi phải liều mình để tìm cái ăn nơi đất khách" - Điều tra viên Nguyễn Thế Vinh bộc bạch

P.Tuyền
.
.