Bao nhiêu người đang “chết chìm” ở Dự án B5 Cầu Diễn?

Thứ Hai, 19/01/2015, 16:30
Cho tới thời điểm này, thông tin chính thức từ Cơ quan CSĐT Bộ Công an về việc khởi tố bị can, bắt, khám xét đối với bà Châu Thị Thu Nga, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Xây dựng nhà đất (Housing Group) vì có hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Từ năm 2008 đến nay, dự án xây dựng khu nhà CT5 và HH2 tại B5 Cầu Diễn, Hà Nội chưa được UBND TP Hà Nội phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, chưa cấp Giấy phép xây dựng nhưng bà Châu Thị Thu Nga và đồng bọn tự lập mô hình, ký hiệu, vị trí, diện tích các căn hộ rồi sử dụng để ký 752 hợp đồng góp vốn và thu 377.287.934.482 đồng của nhà đầu tư, đến nay không còn khả năng chi trả.

Hành vi của bà Châu Thị Thu Nga đã phạm vào tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điều 139 Bộ luật Hình sự". Nhưng, có một câu hỏi là hàng trăm tỉ đồng mà bà Nga đã huy động từ khách hàng đã bị sử dụng như thế nào?

Chân dung bà chủ tịch của dự án tai tiếng

Bà Châu Thị Thu Nga sinh ngày 29/4/1965 tại phường Thuận Thành (thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế), hiện cư trú tại phố Hồng Mai (phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Theo thông tin đăng tải trên trang "Đại biểu Quốc hội" thì bà Nga có trình độ Trung cấp lý luận chính trị; Trình độ chuyên môn là Tiến sĩ Quản trị kinh doanh. Không chỉ là Đại biểu Quốc hội khóa XIII (ứng cử tại Hà Nội), bà Nga còn là đại biểu HĐND TP. Hà Nội (2011-2016).

Trong lý lịch trích ngang, ngoài chức Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc (TGĐ) Housing Group, bà Nga còn giữ rất nhiều chức vụ: Phó trưởng ban điều hành mạng các sàn giao dịch bất động sản (BĐS) Việt Nam khu vực miền Bắc - Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS - Bộ Xây dựng, Chủ tịch CLB Vườn ươm doanh nhân - Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố Hà Nội, Ủy viên Ban Thường trực nhóm nữ ĐBQH Việt Nam; Thành viên Tổ chuyên gia liên ngành - Ban chỉ đạo trung ương về chính sách nhà và thị trường BĐS; Ủy viên thường vụ Ban chấp hành Hiệp hội BĐS Việt Nam; Ủy viên Tổ chức Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Cộng hòa LB Đức; Phó chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi TP Hà Nội; Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.

Tuy nhiên, khoảng 3 năm trở lại đây, tên bà Nga luôn gắn với những dự án tai tiếng, trong đó bê bối nhất là dự án B5 Cầu Diễn. Cuối năm 2013, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Tuẫn, nguyên Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng nông lâm nghiệp (HAIC) vì đã ký hợp đồng góp vốn với khoảng 200 khách hàng mua nhà tại dự án với số tiền gần 100 tỉ đồng.
Dự án B5 Cầu Diễn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án B5 Cầu Diễn có một lai lịch khá lằng nhằng. Ngày 1/8/2008, tại trụ sở Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng nhà đất, ông Nguyễn Văn Tuẫn, Giám đốc Công ty HAIC và bà Châu Thị Thu Nga, TGĐ Housing Group đã ký Hợp đồng Hợp tác đầu tư số 309/CT - 2008 "Về việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình khu chung cư và biệt thự nhà vườn tại B5 Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội".

Theo hợp đồng này, diện tích thực hiện dự án là 22.352,5m2, dự kiến quy mô gồm 3 chung cư 21 tầng và 36 nhà vườn. Tổng mức đầu tư (tạm tính) là hơn 279,3 tỉ đồng. Phía Công ty HAIC góp 40% vốn trên tổng mức đầu tư bằng giá trị quyền sử dụng đất, tài sản trên đất và tiền mặt; 60% còn lại do Housing Group góp.

Phía Công ty HAIC có trách nhiệm liên hệ, hoàn tất các công việc với các cơ quan chức năng, sở chủ quản về việc xin thống nhất chủ trương hợp tác, liên doanh lập và thực hiện dự án. Được quyền tham gia xây chung một phần hạng mục của dự án khi được phê duyệt. Được toàn quyền kinh doanh khai thác phần diện tích quỹ nhà được phân chia theo tỷ lệ góp vốn.

Housing Group chịu trách nhiệm tổ chức, điều hành và phối hợp để thực hiện toàn bộ công tác tư vấn lập dự án và làm các thủ tục với các cấp có thẩm quyền để dự án được phê duyệt. Được quyền tham gia xây chung một phần hạng mục của dự án khi được phê duyệt. Được toàn quyền kinh doanh khai thác phần diện tích quỹ nhà được phân chia theo tỉ lệ góp vốn. Hợp đồng này xác định tiến độ thực hiện dự án là năm 2008 - 2011…

Tuy nhiên, ngày 23/11/2010, UBND TP Hà Nội có quyết định về việc phê duyệt điều chỉnh chủ đầu tư công trình xây dựng nhà ở tại ô đất CT5 thuộc Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội từ Sở Giao thông vận tải Hà Nội sang liên danh: Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng nhà đất và Công ty HAIC.

Do phát sinh thêm một số nội dung mới nên ngày 3/1/2012, ông Nguyễn Văn Tuẫn, lúc này là Chủ tịch - TGĐ Công ty HAIC và bà Châu Thị Thu Nga, Chủ tịch HĐQT - TGĐ Housing Group ký hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Trong đó, tổng diện tích đất thực hiện dự án là 22.099m2 bao gồm 2 ô đất ký hiệu HH2 và CT5. Tổng mức đầu tư tạm tính để trình các cơ quan chức năng phê duyệt là hơn 1.700 tỉ đồng với quy mô gồm 6 tòa chung cư, có độ cao 29 - 33 tầng. Căn cứ trên tổng mức đầu tư sau khi được UBND TP Hà Nội phê duyệt điều chỉnh quy mô dự án, tỉ lệ góp vốn vẫn giữ nguyên 40/60.

Ngày 24/4/2013, tại trụ sở HAIC, lãnh đạo HAIC và Housing Group đã tổ chức cuộc họp về việc triển khai Dự án B5 Cầu Diễn. Lúc này, ông Tuẫn không còn giữ chức danh Chủ tịch - TGĐ HAIC nữa mà là ông Trần Quang Vinh. Tại cuộc họp này, hai bên đã thống nhất lập quy hoạch tổng mặt bằng trên ô đất CT5 công ty đang quản lý (phần đất sạch) để điều chỉnh chức năng dự án gồm: nhà ở xã hội, thương mại và tái định cư…

Tuy nhiên, điều đáng nói là trong khi quy hoạch này chưa hề được UBND TP. Hà Nội phê duyệt thì trước đó, cả ông Tuẫn và bà Nga đã huy động vốn của khách hàng.
Bức xúc vì không đòi được tiền, khách hàng đã từng treo băng rôn đòi nợ trước trụ sở Housing Group.

Hàng trăm tỉ đồng của khách hàng đang ở đâu?

Vào thời điểm năm 2010 - 2011, khi thị trường BĐS đang "sốt nóng", chủ đầu tư chỉ cần có quyết định giao đất là đã có thể ung dung thu tiền bởi khách hàng chấp nhận chi tiền chênh từ vài chục triệu tới vài trăm triệu/ suất để được mua nhà.

Thời điểm ấy, B5 Cầu Diễn là dự án rất "hot" theo quảng cáo từ Housing Group: "Dự án Khu chung cư B5 nằm trong tổng thể quy hoạch Khu đô thị Thành phố Giao lưu nằm trên mặt đường Hoàng Quốc Việt (kéo dài), được thiết kế với 6 tòa nhà hiện đại.

Được tư vấn thiết kế và quản lý dự án bởi các chuyên gia danh tiếng trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, kỹ thuật và xây dựng đồng bộ, mang lại một phong cách hoàn toàn mới về một khu đô thị với không gian xanh - sạch, cảnh quan đẹp, tạo nên một quần thể kiến trúc hài hòa, hiện đại.

Với những lợi thế riêng có của mình, Dự án Khu chung cư B5 hướng tới mục tiêu tạo nên một công trình đa chức năng, đáp ứng hiệu quả những nhu cầu về nhà ở và trung tâm thương mại của người dân thủ đô". Vì thế, ngoài mức giá trong hợp đồng khoảng 15 triệu đồng/m2, khách hàng còn chấp nhận trả tiền chênh.

Theo tài liệu chúng tôi có được thì dù UBND TP Hà Nội chưa phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, chưa cấp Giấy phép xây dựng nhưng Housing Group đã huy động tiền của nhiều khách hàng có nhu cầu mua nhà tại dự án B5 Cầu Diễn bằng các "Hợp đồng góp vốn", "Thỏa thuận vay vốn".

Trong các bản "Thỏa thuận vay vốn" này, Housing Group cam kết với khách hàng rằng: "Bên B (khách hàng) được quyền mua các sản phẩm nhà ở thuộc dự án do bên A làm chủ đầu tư theo vị trí, diện tích và hướng do bên B lựa chọn và đăng ký với bên A.

Cụ thể tại dự án "Khu chung cư B5" tại B5 Cầu Diễn - Từ Liêm - Hà Nội. Sản phẩm mà bên B được quyền mua theo quy định tại thỏa thuận này là nhà ở đã hoàn thiện phần ngoại thất (bao gồm: trát, láng, chống thấm, dây điện, nguồn, đầu chờ…) theo mẫu thiết kế do chủ đầu tư đưa ra. Giá trị sản phẩm được tính như sau: đơn giá: 15 triệu đồng/m2; thời gian khởi công: năm 2010; thời gian hoàn thành: quý IV/2015".

Thỏa thuận cũng quy định nếu người cho vay đồng ý mua nhà của Housing Group thì khi sản phẩm của Housing Group đủ điều kiện góp vốn hoặc mua bán theo quy định thì số tiền này sẽ chuyển thành tiền ứng trước của hợp đồng góp vốn hoặc mua bán nhà ở trong tương lai, và người cho vay sẽ không được hưởng lãi. Housing Group cũng đặt ra tiến độ nộp tiền thành 5 đợt, đợt đầu là ngay sau khi ký "Thỏa thuận vay vốn", các đợt tiếp theo sẽ chuyển theo tiến độ xây dựng.

Sau 12 tháng cho vay, nếu người cho vay không có nhu cầu góp vốn hoặc mua nhà thì Housing Group sẽ thanh toán đầy đủ cả gốc và lãi….

Kèm theo "Thỏa thuận vay vốn" này là "Đơn đề nghị" có đóng dấu treo của Housing Group với nội dung in sẵn: "Căn cứ theo thỏa thuận vay vốn số… tôi tham gia tự nguyện góp vốn xây dựng căn hộ thuộc dự án "B5 Khu đô thị Thành phố Giao lưu". Nay tôi làm đơn này xin đăng ký căn hộ chi tiết, gồm diện tích căn hộ, tên căn hộ, tầng, tòa nhà…".

Trong các năm 2010, 2011, nhiều khách hàng đã ký "Thỏa thuận vay vốn" và cho Housing Group vay từ 300 triệu đến 500 triệu đồng. Tuy nhiên, sau một thời gian dài, thấy dự án vẫn chỉ là bãi đất trống, nhiều khách hàng yêu cầu Housing Group trả lại toàn bộ tiền gốc nhưng vẫn không được chấp nhận.

Thậm chí, trong công văn trả lời khách hàng đề nghị được rút vốn, Housing Group còn đưa ra điều kiện kiểu đánh đố rằng: "Công ty chỉ giải quyết nguyện vọng rút vốn của nhà đầu tư khi dự án dừng không triển khai hoặc có văn bản của cơ quan chức năng yêu cầu dừng thi công; hoặc khách hàng tự tìm được người góp vốn thay thế, hoặc công ty tìm được bên thứ ba góp vốn theo nội dung thỏa thuận này".

Sáng ngày 8/1 vừa qua, ghi nhận của chúng tôi tại Dự án B5 Cầu Diễn vẫn chỉ là bãi đất trống. Câu hỏi đặt ra là trong khi dự án đã "án binh bất động" suốt một thời gian dài như vậy thì số tiền hàng trăm tỉ đồng mà khách hàng đã nộp cho Housing Group đang ở đâu hay đã bị bà Nga tiêu như thế nào? Giờ đây, khi bà Nga đã bị bắt, ai sẽ là người trả khoản nợ này?

Quốc hội đình chỉ đại biểu Châu Thị Thu Nga

Chiều tối 7/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 866 về việc tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội với bà Châu Thị Thu Nga, đại biểu Khóa XIII thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội.

Nghị quyết được ban hành căn cứ vào Điều 58 Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi năm 2007) và đề nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với đề nghị của Viện Kiểm sát về việc truy cứu trách nhiệm hình sự với bà Nga vì có dấu hiệu phạm tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 Bộ luật Hình sự. Bà Nga hiện cũng bị đình chỉ tư cách đại biểu HĐND TP. Hà Nội.

Trước bà Nga, Quốc hội đã từng 2 lần đình chỉ đại biểu vì vi phạm pháp luật. Tháng 11/2005, ông Lê Minh Hoàng, nguyên Giám đốc Công ty Điện lực TP HCM bị đình chỉ vì đã ký hợp đồng mua và cho sử dụng 312.000 điện kế điện tử giả. Ông Hoàng sau đó bị phạt 4 năm tù về tội Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Cuối năm 2006, trong một phiên họp, 83% đại biểu Quốc hội đồng ý bãi nhiệm ông Mạc Kim Tôn do ông này có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ. Ông Tôn sau đó bị phạt 7 năm tù vì trong thời gian làm Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình đã giúp Trần Thị Ánh thực hiện "dự án ma", lừa mua hàng trăm máy tính và thiết bị của 5 công ty, chiếm đoạt hơn 4 tỉ đồng.

Nguyễn Thiêm
.
.