Bẫy lừa cũ, nhiều nạn nhân mới

Thứ Ba, 21/05/2019, 17:30
Những cuộc điện thoại giả mạo cơ quan cảnh sát điều tra, những cuộc chát messenger tình cảm với "người nước ngoài", những tin nhắn ngọt ngào nhờ chuyển tiền giúp trong lúc bận đột xuất…

Đó là các thủ đoạn khác nhau của nhiều đối tượng lừa đảo nhằm vào lòng tham, vào sự nhẹ dạ cả tin và đánh vào tâm lý thiếu thốn tình cảm của phụ nữ. Dù đã có nhiều vụ việc xảy ra, dù đã có đối tượng lừa đảo bị bắt, nhưng vẫn không ít người tự đưa mình vào tròng, trở thành nạn nhân của trò lừa đảo cũ rích.

Những cuộc điện thoại giả mạo cơ quan điều tra

Bà Hoàng Thị Ngọc Hoa ở phường An Phú, quận 2 nhận được điện thoại của một người xưng là nhân viên bưu điện báo bà có đứng tên mở thẻ tín dụng tại ngân hàng Sacombank ở Hà Nội và nợ số tiền trên 16 triệu đồng. Ngoài ra, người này cho biết bà còn mở rất nhiều tài khoản tại Hà Nội cho bọn tội phạm rửa tiền hoạt động?

Tiếp theo đó, người này chuyển máy cho nhiều người khác nói là cơ quan điều tra Bộ Công an đang điều tra chuyên án rửa tiền, đã bắt được đối tượng cầm đầu và nhiều đối tượng khác. Hiện Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đang có hai lệnh bắt giam đối với bà Hoa về hành vi giúp bọn tội phạm rửa tiền, yêu cầu bà Hoa ra Hà Nội gấp để hợp tác điều tra.

Lãnh đạo Công an Thành phố Hồ Chí Minh họp thông báo về tình hình lừa đảo qua mạng.

Bà Hoa tưởng thật nên lo sợ và nhờ đối tượng giúp đỡ. Đối tượng yêu cầu bà chuyển số tiền tiết kiệm để kiểm tra là tiền sạch hay tiền bẩn và yêu cầu giữ bí mật, nếu không thì đến 17h cùng ngày sẽ bị bắt. Bà Hoa mê muội làm theo, chuyển cho đối tượng 150 triệu đồng. Về nhà định thần lại, bà Hoa mới nghi mình bị lừa nên đến cơ quan công an trình báo…

Trung tá Khương Sỹ Kiên, Đội trưởng Đội Cảnh sát Kinh tế Công an quận 2, TP Hồ Chí Minh cho biết, các đối tượng ma mãnh làm sẵn các tiếng động như còi hụ, cuộc đối thoại xét hỏi giữa "cán bộ điều tra" với người phạm tội… mở đoạn âm thanh này để người gọi điện đến nghe thấy sẽ tin đây là cuộc gọi từ cơ quan điều tra và thực hiện theo yêu cầu của chúng. Nhiều người đã bị lừa bằng hình thức này.

Bà Nguyễn Thị Thuý Minh ở phường Thạnh Mỹ Lợi mất trên 500 triệu đồng; anh Trương Anh Tuấn ở phường Cát Lái bị lừa 50 triệu đồng; chị Lê Thị Nương ở phường An Phú bị lừa 36 triệu đồng...

Các đối tượng lừa đảo gọi điện thoại vu vơ cho nhiều người, nếu may mắn chúng sẽ gọi đúng một số người không có thông tin, người đang cô đơn, ít chia sẻ với người thân, bạn bè, có người không hiểu biết pháp luật nên khi nói đến công an là sợ.

Bà Nguyễn Thị Thuý Minh ở phường Thạnh Mỹ Lợi cho biết: "Thấy nói tôi liên quan đến vụ án ma tuý, tôi tưởng thật nên lúc đó sợ và run, chân tay bủn rủn, nói chuyện lắp bắp. Họ nói mạnh tôi càng sợ".

Chiếm tài khoản facebook để lừa

Một thủ đoạn lừa đảo "cũ xì" nữa là đối tượng chiếm tài khoản facebook và nhắn cho bạn bè của chủ tài khoản để lừa. Nhiều người đã biết và cảnh giác với thủ đoạn này, tuy nhiên vẫn không ít người mắc bẫy. Chị Phạm Thanh Thuỷ ở phường Bình Trưng Tây, quận 2 nhận được tin nhắn trong Messenger (ứng dụng nhắn tin của facebook) của một người bạn.

Hỏi han mấy câu, sau đó "người bạn" nhờ nạp thẻ điện thoại mạng Viettel mệnh giá 200 ngàn đồng, với lý do đang bận họp. Không nghi ngờ gì, chị Thuỷ giúp ngay, chuyển mã thẻ cho "bạn". Khoảng hơn một tiếng sau, chị Thuỷ mới nhận ra mình bị lừa khi chủ tài khoản đó mới nhắn tin cho bạn bè thông báo tài khoản facebook bị hack.

Trường hợp này xảy ra khá phổ biến. Kẻ lừa đảo hack tài khoản mạng xã hội facebook của một số người, sau đó vào tìm hiểu thông tin chủ tài khoản và những bạn bè trên mạng, nhắn tin hỏi thăm mấy câu, rồi mượn tiền (chuyển vào tài khoản ngân hàng) hoặc nhờ nạp thẻ điện thoại.

Chúng đưa lý do đang bận đi công tác, bận họp… không đủ tiền, quên không mang theo tiền, nhưng đang cần hoặc cần liên hệ công việc mà không thể đi rút tiền, không thể đi mua thẻ… Một số người không để ý kỹ, đọc sơ qua tin nhắn tưởng bạn nhắn tin thật nên đã "giúp đỡ".

Người dân cần cảnh giác để không bị mắc bẫy lừa đảo.

Chị Trần Thị Dung ở phường Thạnh Mỹ Lợi quận 2 cũng bị lừa, nhưng theo cách khác. Một người đàn ông tầm trên 30 tuổi, nói giọng miền Bắc xưng là nhân viên công ty Viettel, thông báo chị trúng giải nhất là xe máy SH Mode trị giá 64 triệu đồng, là giải thưởng nhân kỷ niệm 20 năm thành lập công ty Viettel.

Để nhận giải thưởng, chị gửi 2 triệu đồng vào số tài khoản 0116… làm lệ phí mới chuyển xe SH vào tổ chức trao giải tại quận 1, TP Hồ Chí Minh.

Ban đầu chị Dung cũng không tin, nhưng ngay lúc đó đối tượng nói lần trước đã có người trúng giải thưởng và cho chị số điện thoại người đã trúng thưởng để chị liên hệ xác minh. Đối tượng còn gửi hình ảnh buổi lễ trao giải thưởng xe máy, ô tô, Iphone… vào Zalo cho chị xem.

Sau khi xem hình ảnh đối tượng gửi và điện thoại hỏi người đã trúng thưởng, chị Dung cả tin đã gửi tiền và liên hệ thông báo với số điện thoại ban nãy. Đợi mãi không thấy người đến trao giải thưởng, chị Dung liên hệ số điện thoại cũ thì điện thoại báo "thuê bao không hoạt động".

Về thủ đoạn này, cơ quan công an khẳng định, hình ảnh đối tượng gửi cho nạn nhân thường là hình ghép. Nếu nạn nhân cảnh giác, không tham lam thì phải biết nếu bản thân không tham gia giải thưởng nào thì không bao giờ có chuyện trúng thưởng. Khi được báo trúng thưởng thì ít nhất cũng phải gọi đến số tổng đài của công ty hỏi, chứ không thể hỏi số điện thoại đối tượng cho.

Có những người còn cả tin chuyển số tiền lớn để mua hàng hoá trên mạng, khi biết bị lừa thì đã quá muộn. Anh Trần Minh Luận ở phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 lên mạng tìm hiểu để mua xe máy, thấy có người đăng tin cần tiền bán gấp xe Exciter với giá 40 triệu đồng, rẻ hơn giá bán tại cửa hàng (giá cửa hàng bán 47 triệu đồng).

Liên hệ qua điện thoại, người bán xe nói ở Long An, nếu đồng ý mua thì chuyển một số tiền trước rồi mới chạy xe lên TP Hồ Chí Minh giao để đỡ mất công nếu lỡ người mua đổi ý.

Anh Luận tin tưởng chuyển trước 34 triệu đồng, thông báo chủ xe hẹn 15h chiều sẽ nhận xe. Đến giờ hẹn không thấy chủ xe đâu, anh liên hệ với số điện thoại trước nhưng không thể điện thoại liên lạc được. Lúc đó anh mới biết mình bị lừa nên đến cơ quan công an trình báo.

Miếng mồi từ bạn tình ảo

Việc đối tượng "nước ngoài" lên mạng xã hội facebook tìm và làm quen với phụ nữ Việt Nam để lừa xảy ra khá nhiều. Chị Nguyễn Thanh Th. ở phường Thảo Điền, quận 2 bị lừa mất 35 triệu đồng. Chị Th. lên mạng và kết bạn với một tài khoản có ảnh đại diện là người nước ngoài.

Chủ tài khoản này nói rằng anh ta là thuỷ thủ trong quân đội Mỹ và gửi cho chị Th. xem nhiều hình ảnh về bản thân cùng đồng đội. Hắn nói sắp tới phải đi công tác dài ngày ngoài khơi, muốn tặng chị một món quà làm kỷ niệm và kêu chị nhắn địa chỉ để gửi quà. Ngoài khơi không có phương tiện liên lạc, không được phép nên khi nào quà đến, hải quan hoặc bưu điện sẽ báo.

Mấy ngày sau, có một giọng nam giới gọi điện thoại tự xưng là nhân viên hải quan sân bay Nội Bài thông báo có món quà gửi từ Mỹ, trong đó rất nhiều tiền, theo quy định của Nhà nước, khi chuyển tiền vào Việt Nam thì người nhận phải đóng thuế. Mức thuế chị Th phải đóng là 35 triệu đồng.

Đấu tranh tư tưởng mãi, cuối cùng chị Th. cũng ra ngân hàng chuyển tiền vào số tài khoản của "nhân viên hải quan" và sau đó mất luôn tiền đã gửi.

Theo nhận định của cơ quan điều tra, các đối tượng thường tìm và làm quen với phụ nữ cô đơn để lừa. Chúng vào trang cá nhân của phụ nữ tìm hiểu và biết được thông tin, sau đó tiến hành đưa "con mồi" vào tròng. Gặp phải người nữ đang có nhu cầu tâm sự, chia sẻ buồn vui, chúng dùng lời đường mật rót vào tai làm cho nhiều phụ nữ xiêu lòng, giấu người thân chuyển tiền cho đối tượng.

Trung tá Khương Sỹ Kiên cho biết, tất cả tài khoản đối tượng rút tiền là tài khoản không chính chủ, người đứng tên tài khoản cũng là nạn nhân. Đối tượng có thể lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để thuê làm tài khoản ngân hàng banking.

Một trường hợp sau khi bị hại phát hiện bị lừa đã đến công an quận 2 trình báo. Qua xác minh, Công an quận 2 phát hiện đối tượng rút tiền ở Huế, lập tức các trinh sát được cử ra Huế. Đến địa chỉ đăng ký tài khoản ngân hàng, đó là một người già gần 70 tuổi, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn.

Ông cho biết, có lần đi trên xe khách, một thanh niên nói ông đăng ký trên 10 tài khoản ngân hàng Internet banking, mỗi tài khoản người này trả cho ông 2 triệu đồng. Đối tượng nói có người nhà gửi số tiền lớn để mua nhà, nhưng do ngân hàng quy định mỗi tài khoản chỉ nhận được số tiền nhỏ, do đó nhờ ông sử dụng chứng minh nhân dân để làm tài khoản.

Ông lão không biết Internet banking là gì và đang trong lúc khó khăn, lại được đối tượng trấn an là "không sao", ông được tiền chứ có mất đồng nào đâu nên ông đưa chứng minh nhân dân cho đối tượng tự tạo tài khoản ngân hàng online.

Lần khác, qua xác minh, cơ quan điều tra Công an quận 2 thấy số tài khoản rút tiền ở gần cửa khẩu Lạng Sơn, các trinh sát cất công đến nơi mới biết, đối tượng rút tiền xong và đổi sang ngoại tệ Trung Quốc tại một điểm đổi tiền.

Cơ sở đổi ngoại tệ cho biết, hàng ngày họ đổi rất nhiều tiền, từ tiền Việt sang ngoại tệ và ngược lại nên không thể biết được đâu là tiền lừa đảo. Đó là khó khăn cho công tác điều tra.

Người dân cảnh giác, ngân hàng siết quản lý tài khoản online

Thượng tá Nguyễn Lê Hùng, Phó trưởng Công an quận 2 cho biết, Công an quận đã chỉ đạo cảnh sát khu vực ở công an các phường phải tuyên truyền đến tận người dân, phối hợp với các tổ dân phố để tuyên truyền tại các cuộc họp dân, rồi đưa thông tin cảnh báo các hình thức lừa đảo lên mạng xã hội, vậy mà vẫn có nhiều người bị lừa.

Thượng tá Hùng khuyến cáo, nếu phát hiện bất cứ dấu hiệu nào liên quan đến hành vi lừa đảo, người dân cần nhanh chóng báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để có biện pháp ngăn chặn kịp thời và bắt giữ đối tượng.

Cơ quan công an cũng đề nghị ngân hàng cần xem lại cách cho đăng ký tài khoản internet banking. Vì hiện tại khách hàng đăng ký tài khoản online không cần đến trực tiếp ngân hàng nên đây cũng là kẽ hở cho đối tượng lấy giấy CMND của người khác để đăng ký tài khoản.

Khi người dân đến đăng ký tài khoản tại ngân hàng, cần lấy vân tay bằng máy, hoặc yêu cầu kiểm tra giấy CMND xem có trùng hay không, tránh trường hợp đối tượng thay hình ảnh vào giấy CMND khác.

Đồng thời các ngân hàng phải có cách quản lý tài khoản của người dân hoặc có biện pháp ngăn chặn kẻ xấu lợi dụng giấy tờ cá nhân của người khác để mở tài khoản nhằm mục đích phạm tội.

Trung tá Khương Sỹ Kiên, Đội trưởng Đội Cảnh sát Kinh tế Công an quận 2, Công an TP Hồ Chí Minh cho rằng, các câu chuyện, tình huống mà đối tượng dựng lên để lừa đảo ngày càng tinh vi, nội dung cũng phong phú hơn khiến những người nhẹ dạ cả tin "sập bẫy".

Các thủ đoạn lừa đảo không phải mới, nhưng vẫn có nhiều người bị lừa. Đối với trường hợp mạo danh cơ quan công an, người dân cần phải biết, cơ quan công an không bao giờ làm việc qua điện thoại. Trường hợp người có liên quan đến vụ việc thì cơ quan Công an sẽ có giấy mời đến trụ sở làm việc.

Để tránh mắc bẫy lừa, người dân không nên đưa thông tin cá nhân lên mạng xã hội, mạng internet. Khi nhận được nhắn tin của bạn bè, người thân hỏi mượn tiền hoặc nhờ nạp thẻ điện thoại, phải điện thoại hỏi cụ thể trước khi chuyển tiền...

Nguyễn Cảnh
.
.