Bí ẩn của vụ thảm sát trường trung học Columbine

Thứ Tư, 27/05/2009, 08:30
Lúc 11h10' ngày 20/4/1999, Eric Harris và Dylan Klebold đột nhập Trường trung học ở Columbine, bang Colorado, gần DenverLittleton. Cả hai tên đều mặc áo măngtô đen, đầu đội mũ, tay đeo găng. Chúng mang theo súng ngắn, súng trường carabine và dao đi săn.

Chúng nổ súng khi bước vào trường, đầu tiên là trong căngtin, sau đó đến các hành lang và thư viện. Tất cả 12 học sinh và 1 thầy giáo bị bắn chết và 23 người khác bị thương. 10 năm sau vụ thảm sát, những hình ảnh kinh hoàng vẫn còn ám ảnh nước Mỹ.

Eric Harris đã phơi trần mục đích của hắn trên Internet: làm biến mất trường trung học và tất cả những ai tìm thấy trong đó! Vụ thảm sát đã được chuẩn bị chu đáo từ trước đó. Harris và Klebold muốn cho nổ 2 quả bom trong căngtin và thư viện trong trường học. Sau đó những người còn sống sót sẽ bị bắn chết trong khu đỗ xe của nhà trường. Nhưng 2 quả bom đã không nổ theo kế hoạch và 2 tên giết người đang ngồi chờ trong xe của chúng quyết định quay vào căngtin. Sau khi ném một quả bom cháy, chúng bắt đầu nổ súng.

Cuộc thảm sát kéo dài chưa đến 1 giờ và kết thúc trong thư viện. Lúc 12h8', cả 2 tên tự sát.

Nhà báo Andrew Grumbel cho biết “hai sát thủ nhỏ tuổi này thực ra rất khác biệt nhau”. Eric Harris, 18 tuổi, nổi bật với tính bạo lực. Các trang nhật ký của Harris chi chít những lời hô hào giết người. Còn Dylan Klebold, 17 tuổi, thì mắc chứng trầm uất. Xuất thân trong một gia đình khá giả  song Klebold bị ám ảm bởi ý nghĩ thất bại. Cả hai tên đóng cặp với nhau, kẻ này nuôi dưỡng ảo tưởng của kẻ kia.

Nhiều nhà quan sát tiết lộ vụ giết người hàng loạt diễn ra vào đúng ngày sinh của Hitler – 20/4. Nhưng tờ Guardian của Anh cho đó “chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên”. Một giả thuyết cho rằng ngày được chọn để giết người là 19/4, song do công việc chế tạo bom bị chậm trễ nên 2 tên sát thủ phải dời sang ngày 20/4. Nên biết rằng 19/4 là  ngày kỷ niệm vụ tấn công khủng bố vào Oklahoma City năm 1994, làm 168 người chết và hơn 800 người khác bị thương.

Ảnh trích từ bộ phim trên kênh KCNC-TV, ở đó cho thấy một học sinh được lực lượng an ninh cứu thoát.

Cả 2 tên Harris và Klebold đều đam mê các trò video game như là “Doom” và “Wolfenstein 3D”. Một số nhà phân tích lập luận rằng một phần vấn đề của Harris và Klebold là do chúng thường xuyên tiếp xúc với những hình ảnh bạo lực trong các video game, cũng như trong âm nhạc và phim ảnh rồi từ đó dẫn đến hiện tượng mất nhân cách. Chúng mê phim “Sinh ra để giết người” đến mức đã sử dụng từ viết tắt NBK trong phim làm mật mã riêng cho báo chí và phim ảnh ở nhà chúng.

Những dấu hiệu cảnh báo sớm bắt đầu xuất hiện vào năm 1996, khi Harris và Klebold tạo trang web riêng trên America Online. Cảnh sát tìm thấy trên blog của Harris những entry bộc lộ suy nghĩ của hắn về cha mẹ, trường học và bạn bè. Cuối năm 1996, trang web của chúng chứa đựng những chỉ dẫn cách chế tạo bom. Đầu năm 1997, trên blog của Harris bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu cho thấy tư tưởng căm giận xã hội của hắn đang tăng dần lên.

Người ta cũng phát hiện website của Harris chứa những lời đe dọa bạo lực nhằm đến học sinh và giáo viên ở Trường trung học Columbine. Harris còn cho biết hắn khát khao giết chết bất cứ ai làm hắn khó chịu. Gần đến ngày gây án, Harris thông báo trên trang web của mình về danh sách những cá nhân được chọn làm mục tiêu tấn công cũng như về sự hoàn thành quả bom tự chế, nhưng không hề đề cập chi tiết về âm mưu khủng khiếp của hắn.

Sự kiện Columbine được đánh giá là vụ thảm sát trường học gây chết chóc nhất hàng thứ 4 trong lịch sử Mỹ, sau vụ thảm sát trường Bath năm 1927, vụ Virginia Tech năm 2007 và vụ Đại học Texas năm 1966. Vụ thảm sát Columbine đã làm bùng phát các cuộc tranh cãi về luật kiểm soát súng ở Mỹ, cũng như tình trạng bạo lực súng liên quan đến tuổi trẻ nước này.

Nhiều cuộc tranh luận cũng tập trung vào vấn đề văn hóa của nhóm tuổi thiếu niên, sự phân biệt đối xử trong trường học cũng như vai trò của phim ảnh và game bạo lực trong xã hội Mỹ. Sự kiện cũng đặt ra vấn đề về an ninh trong trường học, sự sử dụng thuốc chống trầm uất ở tuổi thiếu niên.

Sau vụ Columbine, các trường học trên khắp nước Mỹ bắt đầu lập ra một số biện pháp an ninh mới, như là lục soát cặp học sinh, sử dụng máy dò kim loại và thuê nhân viên an ninh bảo vệ nhà trường v.v... – tất cả tạo nên một cụm từ gọi là “Hiệu ứng Columbine”.

Về phía mình, các cơ quan cảnh sát bắt đầu huấn luyện nhân viên chương trình phản ứng nhanh trước những tình huống như sự kiện Columbine. Một đài kỷ niệm để tưởng nhớ những nạn nhân của vụ thảm sát Columbine ngày 20/4/1999 được khánh thành ở Công viên Clement ngày 21/9/2007

Trần Thanh Phong (tổng hợp)
.
.