Bí ẩn quanh vụ mưu sát Robert Kennedy

Thứ Tư, 13/01/2010, 20:50
Đêm 5/6/1968, Thượng nghị sĩ (TNS) Robert Kennedy bị một thanh niên trẻ ám sát ngay tại khách sạn Ambassador ở Los Angeles. Một phát đạn được bắn ra từ khẩu súng lục 22 ly đi xuyên qua lần vải lót áo veston và không chạm tới người ông, viên thứ hai trúng cổ và viên thứ ba vào giữa đầu gây tử vong. Kẻ ám sát R.Kennedy là Sirhan Bisar Sirhan, 24 tuổi, người gốc Jordan - trước đấy 11 năm đã cùng gia đình sang định cư tại Mỹ.

Cuộc điều tra sau đó cho thấy, chính tay Sirhan đã dùng khẩu súng lục với 8 viên đạn bắn vào R.Kennedy từ khoảng cách gần 1m: 3 viên nhắm vào Kennedy và 5 viên còn lại làm bị thương 5 người khác. Các chuyên gia y tế sau khi tiến hành phẫu thuật tử thi đã kết luận rằng, R.Kennedy bị bắn từ phía sau, nhưng chi tiết này không được người ta "lưu ý" tới trong cả quá trình điều tra, cũng như khi lập hồ sơ truy tố S.Sirhan. Hung thủ lĩnh án tử hình. Tới năm 1972 được chuyển thành án chung thân, bởi theo luật đang áp dụng tại nhiều tiểu bang Mỹ: án tử hình chỉ được quy cho những kẻ tội phạm gây nên cái chết của ít nhất từ 1 người trở lên (!).

Mọi việc tưởng chừng đã "êm xuôi", nếu như cũng trong năm 1974, báo giới Mỹ không đăng tải những thông tin, theo đó S.Sirhan không phải là hung thủ duy nhất trong vụ án ám sát R.Kennedy và hơn nữa: hắn không phải là kẻ duy nhất bóp cò súng hướng về vị TNS. Tháng 12/1974, cựu dân biểu thuộc tiểu bang New York A.Lowenstein đã dày công nghiên cứu nguồn tin từ các nhân chứng, cũng như phân tích các thông tin về đường đạn một cách khoa học nhất, khiến ông đưa ra 3 điều khẳng định chủ chốt:

1/ Ba phát đạn nhằm vào người R.Kennedy, thực ra được bắn từ phía sau; trong khi các nhân chứng của vụ ám sát lại khẳng định là Sirhan đứng trước mặt nạn nhân.

2/ Các viên đạn đi vào thân thể R.Kennedy dưới một góc độ mà kẻ bóp cò phải trong tư thế nằm dưới sàn; còn theo các nhân chứng thì Sirhan lại đứng bắn.

3/ Theo đánh giá của bác sĩ Thomas Noguchi, chuyên viên y khoa nổi tiếng ở Los Angeles, người đã từng tiến hành phẫu thuật tử thi tìm nguyên nhân cái chết của "người đàn bà đẹp nhất hành tinh" M.Monroe, thì phát đạn tử thần bắn sát người Kennedy, hay nói một cách khác là chỉ cách vài xentimét; trong khi các nhân chứng khẳng định là Sirhan đứng cách nạn nhân  từ 70-90cm.

"Hung thủ" S.Sirhan tái hiện lại hiện trường.

Như công luận vẫn chờ đợi, câu trả lời từ những lời khẳng định trên đã ẩn chứa nhiều mâu thuẫn khác thường. Những người phản bác lại nhận định của Lowenstein thì cho rằng: Đúng lúc bị bắn, R.Kennedy đang ngoảnh lại phía sau để chào ai đó trong đám người ủng hộ ông; rồi thì Sirhan đứng bắn, nhưng do chiều cao thấp bé 1,52m của hắn, cũng như hắn hơi khom người xuống khi nhả đạn, đã tạo ra những đường đạn đi từ dưới lên; và rồi điều cuối cùng: lúc chuẩn bị bóp cò súng, Sirhan đã bước một chân lên phía trước, làm giảm khoảng cách giữa hung thủ và nạn nhân.

Nhưng bất chấp tất cả những điều trên, không ai có thể lý giải nổi tại sao và bằng cách nào mà 8 viên đạn bắn ra chỉ từ một khẩu súng lục nhỏ bé đã trúng 6 người và gây ra 7 vết thương cho họ; đồng thời gây ra 3 lỗ khoan trên tường gạch men cũng như trên khung gỗ cánh cửa nhà bếp? 7 đầu đạn đã được phẫu thuật lấy ra từ cơ thể các nạn nhân, song song là sự có mặt của 3 lỗ đạn khác trên tường, trần nhà và trên khung cửa hoàn toàn không thể lý giải được một cách logic - theo như người ta từng mô tả trong biên bản hiện trường chính thức. Vậy sự thật nằm ở đâu?

Một điều cần nói thêm: Cuối tháng 12/1972, nghĩa là 4 năm rưỡi sau cái chết của R.Kennedy, một Ủy ban đặc biệt về đường đạn học thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ đã đưa ra kết luận rằng, viên đạn đã gây ra vết thương trên cổ R.Kennedy không thể được bắn ra từ khẩu súng mà S.Sirhan sử dụng!

Điều cuối cùng: cựu dân biểu A.Lowenstein đã có dịp gặp và nói chuyện với một người (đương sự phải giấu tên thật của mình vì lý do an ninh) - nguyên là một cựu nhân viên thuộc CIA, người từng đứng gần R.Kennedy khi vụ ám sát ông xảy ra. Người này khẳng định là Sirhan không hề bước đến gần R.Kennedy, và mặc nhiên không thể bắn ông từ phía sau được.

Khi đã định cư yên ổn tại châu Âu sau vụ án R.Kennedy, K.Woker báo cho A.Lowenstein biết, rằng "tôi đã thông báo điều này với giới hữu trách ngay sau khi R.Kennedy thiệt mạng. Nhưng một kẻ "có thực lực" đã phán: "Sirhan đã được "ấn định" là thủ phạm rồi và điều này không thể khác đi được!". Hai năm sau khi nêu ra những nguồn tin cùng nhận định của mình, đến lượt A.Lowestein bị bắn chết tại New York vào tháng 12/1976 (?!).

Vậy ai là thủ phạm giết R. Kennedy? Chỉ mình S.Sirhan thôi hay còn những kẻ giấu mặt khác? Công luận đòi hỏi mọi việc phải được đưa ra ánh sáng rạch ròi, nhưng đến bao giờ? Hay là vụ ám sát TNS R. Kennedy sẽ lại "chìm vào quên lãng" như nhiều vụ án nổi tiếng khác trong lịch sử? Hoặc đơn giản hơn là vụ án của chính anh trai ông ta - đương kim Tổng thống thứ 35 của nước Mỹ J.F.Kennedy - sau gần nửa thế kỷ vẫn chưa xác định rõ thủ phạm chính thức

Trần Hồng (theo Historia)
.
.