Bình Dương: Vì sao nguyên GĐ Sở Tài nguyên và Môi trường bị bắt giam?

Thứ Tư, 04/11/2009, 20:15
Sáng ngày 29/10/2009, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (C37 - Bộ Công an) đã tiến hành lệnh bắt tạm giam ông Cao Minh Huệ (SN 1954) - nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Bình Dương để điều tra về hành vi "lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ".

Theo thông tin chúng tôi có được, ông Cao Minh Huệ - nguyên Giám đốc Sở TN&MT (trước đây là Sở Địa chính) tỉnh Bình Dương cùng 3 cán bộ khác đã bị bắt giam để điều tra về việc bán hàng trăm hécta đất rừng cao su. C37- Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Huệ. Sau khi đọc lệnh bắt ông Cao Minh Huệ, tổ công tác của C37 đã tiến hành khám xét tại nhà riêng ông Huệ tại phường 24, Q.Bình Thạnh (TP HCM).

Cùng bị bắt tạm giam đối với ông Huệ còn có 3 bị can khác gồm: Đỗ Văn Sâm (cán bộ Phòng TN&MT huyện Bến Cát), Phan Văn Trung (Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bến Cát) và Nguyễn Thanh Hải (nguyên Giám đốc Công ty Chế biến cây công nông nghiệp xuất khẩu tỉnh Sông Bé cũ, nay là tỉnh Bình Dương (gọi tắt là SOBEXCO).

Tiến hành khám xét tại nhà riêng ông Huệ, Cơ quan Điều tra (CQĐT) thu giữ được nhiều hồ sơ tư liệu liên quan đến những sai phạm của ông Huệ khi còn đương chức Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Dương. Ngoài ra, C37 còn tiến hành niêm phong 600 triệu đồng trong két sắt tại nhà riêng của bị can này.

Theo nhiều nguồn tin, ông Huệ và các bị can khác bị bắt giam do có liên quan đến vụ SOBEXCO, lật lại hồ sơ, cơ quan chức năng đã xác định do làm ăn thua lỗ, nợ kéo dài nên UBND tỉnh Bình Dương cho phép Công ty SOBEXCO bán vườn cây cao su gần 700 hécta để thanh toán nợ. Ông Cao Minh Huệ là người đứng đầu về quản lý đất đai ở tỉnh Bình Dương, có trách nhiệm tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Bình Dương ra các văn bản về quản lý đất đai đảm bảo đúng pháp luật.

Ông Huệ không đề xuất với UBND tỉnh chỉ đạo thuê đất mà chỉ nêu "giao cho UBND huyện Bến Cát xem xét và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật" và đưa thêm "giá trị đất" vào giá bán vườn cây cao su để các cơ quan chức năng hiểu rằng SOBEXCO bán cây cao su và quyền sử dụng đất nên người mua được giao đất nông nghiệp không thu tiền sử dụng đất.

Từ chỉ đạo này dẫn đến việc UBND huyện Bến Cát cấp 40 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) trái luật, ông Huệ cũng đề xuất với UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo UBND huyện Bến Cát lập thủ tục giao đất và cấp GCNQSDĐ nông nghiệp cho người sử dụng đất.

Trước đó, các cơ quan chức năng đã làm sáng tỏ vụ sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh (nổi cộm là vụ liên quan đến gần 700 hécta đất công tại huyện Bến Cát). Sau đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã yêu cầu Bộ Công an tiến hành làm rõ các sai phạm trong vụ sai phạm liên quan đến gần 700 hécta này.

Vụ việc bắt đầu từ tháng 11/2001, khi Công ty SOBEXCO do Nguyễn Thanh Hải làm Giám đốc tiến hành giải thể do làm ăn thua lỗ, nợ nần. Trước khi cho SOBEXCO giải thể, để giải quyết công nợ, các cơ quan chức năng Bình Dương đã tạo điều kiện cho ông Nguyễn Thanh Hải được phép bán đấu giá tài sản trên đất, trong đó có 700 hécta cao su ở xã An Tây (Bến Cát). Lợi dụng việc này, ông Huệ cùng các bị can trên tổ chức thâu tóm số đất công nói trên, biến chủ trương chỉ bán cao su, vật kiến trúc trên đất thành việc bán luôn đất, kèm theo quyền sử dụng đất cho người mua.

Trong hợp đồng chuyển nhượng vườn cây cao su kiến thiết cơ bản giữa SOBEXCO và các cá nhân nhận chuyển nhượng thì tổng diện tích trúng đấu giá là 352 hécta (bình quân mỗi người chuyển nhượng 10 hécta) cho 36 người. Đến khi UBND huyện Bến Cát cấp GCNQSDĐ cho các cá nhân thì chỉ còn 31 người, trong đó có 3 cá nhân tăng diện tích 48,46 hécta, đồng thời có 5 cá nhân giảm diện tích tương ứng mà không thấy hồ sơ thể hiện việc sang nhượng giữa các cá nhân sau khi mua.

Trong 3 cá nhân tăng diện tích 16 hécta là Hà Thị Lan (vợ ông Cao Minh Huệ từ 10 lên 26,04 hécta) cùng hai con Cao Thị Ngọc Quỳnh, Cao Thị Ngọc Chinh. Như vậy, với vai trò là thành viên Hội đồng bán đấu giá (theo QĐ 4106/QĐ.UB của tỉnh Bình Dương) thì ông Cao Minh Huệ đã "can thiệp" bán cao su thanh lý cho chính người thân trong gia đình mình với số lượng lớn...

Trong một diễn biến khác, trước đó, vào năm 2007, lãnh đạo tỉnh đã quyết định thay giám đốc Sở TN&MT. Ông Cao Minh Huệ - nguyên Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Dương đã được điều về Ban Tổ chức Tỉnh ủy chờ công tác mới. Theo đó, có sự thay đổi này là do những sai phạm liên quan đến quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh; trong đó có vai trò, trách nhiệm tham mưu của lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Bình Dương, mà cụ thể là trách nhiệm của ông Cao Minh Huệ.

Theo thông tin từ trang Web thanhtra.gov.vn, vào tháng 8/2007, đoàn Thanh tra Chính phủ, Cục Phòng chống tham nhũng đã được thành lập để làm rõ những dấu hiệu sai phạm trong vụ việc liên quan 700 hécta đất cao su ở huyện Bến Cát, Bình Dương. Đây là vụ việc có dấu hiệu sai phạm lớn đầu tiên do Thanh tra Cục Phòng, chống tham nhũng tiến hành kể từ khi thành lập. Theo nhiều nguồn tin, năm 2007, UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận quy hoạch cho Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương đầu tư xây dựng khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ, với diện tích 1.350 hécta, thuộc 2 xã An Điền và An Tây, huyện Bến Cát.

Hiện CQĐT vẫn đang tiếp tục điều tra vụ án, khi có thông tin đầy đủ, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc

T.Nguyên
.
.