CIA bị cự tuyệt thành lập cơ sở tại Pakistan

Thứ Sáu, 15/02/2008, 16:30
Hai nhân vật chóp bu trong ngành tình báo Mỹ đã bí mật đến Pakistan hồi đầu tháng 1/2008 để thúc ép Tổng thống Pervez Musharraf cho phép Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) mở rộng phạm vi hoạt động ở những khu vực thuộc bộ lạc - nơi Al-Qaeda, Taliban và các nhóm nổi loạn khác hoạt động mạnh.

Theo một số quan chức Mỹ, trong cuộc họp kín hôm 9/1 với hai quan chức Mỹ - Mike McConnell, Giám đốc Tình báo quốc qia, và tướng Michael V. Hayden, Giám đốc CIA – Tổng thống Musharraf đã cự tuyệt lời đề nghị mở rộng lực lượng quân sự Mỹ đang hiện diện tại Pakistan, cũng như che đậy các sứ mệnh đơn phương của CIA hoặc những chiến dịch kết hợp với lực lượng an ninh nước này.

Thay vào đó, Pakistan và Mỹ đang thảo luận một loạt nỗ lực kết hợp, bao gồm tăng cường số lượng và phạm vi tuần tra bằng máy bay không người lái có vũ trang Predator trên những khu vực thuộc bộ lạc và đồng nhất hóa các phương pháp mà Mỹ dùng để thông tin nhanh về kẻ tình nghi là quân nổi loạn cho lực lượng an ninh Pakistan.

Vài tháng gần đây, các quan chức Mỹ - Pakistan đã chất vấn nhau về chất lượng và thời hạn thông tin mà Mỹ đã chuyển cho Pakistan để dùng trong việc phát hiện những kẻ cực đoan. Các quan chức Mỹ than phiền rằng người Pakistan không thực sự nghiêm túc truy lùng Al-Qaeda trong khu vực.

Theo giới chức Mỹ, cuộc họp này diễn ra do tình trạng cấp bách ngày càng tăng với những động thái mà Al-Qaeda và Taliban đang cố gây bất ổn cho Chính phủ Pakistan.

CIA đã bắn tên lửa từ máy bay không người lái Predator vài lần vào khu vực thuộc bộ lạc ở Pakistan. Các quan chức tình báo Mỹ cho biết, họ tin rằng trong cuộc không kích hồi tháng 2/2006 tại làng Damadola đã suýt hạ được Ayman al-Zawahri – thủ lĩnh thứ nhì của Al-Qaeda.

Các nhà chức trách Pakistan cho biết, họ đã triển khai 100.000 binh lính hoạt động trong các khu vực thuộc bộ lạc, ngoài ra còn có một lực lượng khá lớn làm nhiệm vụ tại Nam Waziristan. Nhưng Nhà Trắng, Lầu Năm Góc và CIA vẫn tỏ ra chưa hài lòng và cảnh báo rằng các vấn đề chính trị sẽ làm ông Musharraf sao lãng những điều đáng quan tâm khác.

Mặc dù các quan chức Mỹ quả quyết rằng Mỹ và Pakistan có chung mục tiêu là tiêu diệt Al-Qaeda, nhưng ông Musharraf tuyên bố trước công chúng điều này chưa phải là ưu tiên hàng đầu của ông.

Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos (Thụy Sĩ) tuần trước, ông Musharraf đã đề cập vài lần rằng Pakistan hiện đang triển khai 100.000 binh lính dọc biên giới để truy lùng những kẻ cực đoan Taliban và “bọn tà giáo”.

Tuy nhiên, ông này cũng cho biết quân đội Pakistan chưa có nỗ lực riêng biệt nào cho việc truy lùng phiến quân Al-Qaeda.

Chuyến đi của ông McConnell và tướng Hayden,  xảy ra chỉ 5 ngày sau khi các quan chức cao cấp Chính phủ Mỹ tranh luận những chiến lược mới về Pakistan. Được biết, không có quyết định nào được lập tại cuộc họp Hội đồng An ninh quốc gia đó – quy tụ toàn bộ quan chức an ninh chóp bu của ông Bush.

Trong 3 tuần kế tiếp, tranh luận trở nên căng thẳng hơn khi giới chức cấp cao Mỹ cho rằng lực lượng Mỹ - gồm cả binh sĩ và sĩ quan huấn luyện – có thể làm tăng nỗ lực của quân đội Pakistan ở miền núi và những khu vực không có luật pháp thuộc các bộ lạc. Một quan chức cấp cao nói: “Mục đích của sứ mệnh là làm cho Musharraf nhận thức rằng thời gian đang lặng lẽ trôi qua và các cuộc tấn công ngày càng gia tăng ở Pakistan sẽ phá hoại nỗ lực bám giữ chiếc ghế của ông ta”.

Theo những quan chức khác, phân tích tình báo mới đây cho thấy Al-Qaeda hiện đang hoạt động tự do ở những khu vực bộ lạc mà không bị trừng trị tương tự như ở Afghanistan trước vụ tấn công 11/9/2001.

Trong cuộc họp hôm 9/1, ông Musharraf đã cự tuyệt việc Mỹ yêu cầu cho phép họ mở rộng chiến dịch và trong vòng vài ngày sau, ông này trả lời phỏng vấn một tờ báo Singapore rằng mọi chiến dịch mở rộng của Mỹ sẽ được xem là hành động xâm lược. Tại diễn đàn Davos, ông Musharraf bác bỏ ý kiến cho rằng Mỹ sẽ hoạt động hiệu quả ở khu vực bộ lạc.

Hôm 25/1, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert M. Gates cho biết, Mỹ sẽ sẵn sàng gửi quân tới Pakistan kiểm soát các chiến dịch kết hợp chống Al-Qaeda và quân phản loạn khác nếu Chính phủ Pakistan yêu cầu giúp đỡ.

Sơ đồ tấn công của quân đội pakistan.

Theo ông Gates, Pakistan đã không yêu cầu Mỹ trợ giúp và bất kỳ binh lính Mỹ nào được gửi đến Pakistan sẽ chỉ được phân công nhiệm vụ huấn luyện lực lượng Pakistan. Chỉ huy hàng đầu của Mỹ tại khu vực, Đô đốc William J. Fallon, đã thăm Pakistan hôm 22/1 để thảo luận vấn đề chống khủng bố với các quan chức cao cấp Pakistan, gồm cả tướng Kayani.

Phát ngôn viên Mỹ -Pakistan khẳng định rằng, các cuộc họp giữa ông Musharraf và quan chức tình báo Mỹ là có thật nhưng họ từ chối cung cấp thông tin chi tiết. Chỉ huy chống khủng bố của Bộ Ngoại giao Mỹ, Trung tướng Dell L., người đã rời khỏi quân đội Mỹ với kinh nghiệm dồi dào về lực lượng Chiến dịch đặc biệt, cho biết: “Chúng ta không có đủ thông tin về những gì đang diễn ra ở khu vực thuộc bộ lạc, thiếu tin tức về Al-Qaeda, phiến quân nước ngoài và Taliban”.

Các quan chức Mỹ chắc rằng, hiện nay và hơn bao giờ hết, ông Musharraf nhận thức sự cần thiết của cuộc chiến chống những kẻ cực đoan đang chực chờ lật đổ chính phủ của ông này.

Theo các quan chức Mỹ, kết quả có thể là: ông Musharraf sẽ chấp nhận được Mỹ trợ giúp kỹ thuật, trang thiết bị và huấn luyện nhưng không để cho người Mỹ dính vào các chiến dịch quân sự

Lê Hiếu (tổng hợp)
.
.