Cái chết bí ẩn của Giám đốc nhân sự Uỷ ban Tình báo Hạ viện Mỹ

Thứ Hai, 22/05/2006, 08:00

Ngày 4/6/2000, John Millis, 52 tuổi, Giám đốc nhân sự Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ (HPSCI), được phát hiện chết tại căn phòng số 29, khách sạn Breezeway ở thành phố Fairfax, bang Virginia. Cho đến nay, vụ tự sát vẫn còn là một bí ẩn và được xem là một vết đen trong hoạt động tình báo của nước Mỹ.

Khai báo với cảnh sát, bà Nicole Carter, quản lý khách sạn cho biết, ông Millis có mang theo một cái hộp màu nâu lớn vào phòng. Còn một cảnh sát tuần tra khu vực xung quanh khách sạn cho biết, đã nhận được cú điện thoại từ một người đàn ông giấu tên cho biết có một người đàn ông tên Millis đang có dấu hiệu căng thẳng, thậm chí dọa sẽ tự sát. Một phụ nữ trọ phòng số 30 bên cạnh khai báo có nghe một tiếng súng nổ vào lúc 7 giờ 45 phút.

Kiểm tra hiện trường, ngoài xác của Millis nằm chết trong phòng tắm, cảnh sát còn tìm thấy một hộp đạn mở sẵn và một tờ giấy viết tay nhưng không tiết lộ nội dung. Liên lạc với gia đình ông Millis, cảnh sát cho biết đến ngày 3/6/2000, ông ta vẫn còn sống bên vợ. Còn theo thanh tra Sean Burke, phát ngôn viên của Cục Điều tra liên bang (FBI) thì FBI được thông báo về cái chết của Millis vào ngày 5/6/2000 nhưng vì đây là một vụ tự sát đơn thuần nên FBI không muốn dính líu, trừ phi tại hiện trường có các tài liệu mật để lại, còn nhiệm vụ điều tra tiếp theo thuộc thẩm quyền của Cảnh sát liên bang. Có điều lạ là Sean Burke cũng không đề cập gì đến bức thư viết tay bí mật được cho là của Millis để lại mà cảnh sát tìm thấy tại hiện trường.

Cách đó vài tháng, John Millis bị đình chỉ công tác và cả chức vụ vì là đối tượng đang được điều tra do chính HPSCI tiến hành. Lý do điều tra không được Porter Goss, Chủ tịch Ủy ban công bố (người sau này được Tổng thống Bush bổ nhiệm làm Giám đốc CIA và mới xin từ chức vào ngày 5/5/2006). Nhưng do Millis là cựu điệp viên của Cơ quan Tình báo trung ương (CIA) và là một nhân vật quan trọng trong cộng đồng tình báo Mỹ, người được phép tiếp cận với các bí mật nhạy cảm của nước Mỹ, kể cả về những hoạt động mật đang diễn ra. Vì vậy thông tin về cái chết khó hiểu của Millis đã khiến dư luận phải đặt câu hỏi là liệu cái chết của ông ta có liên quan gì đến an ninh quốc gia Mỹ không? Có phải Millis tự tử hay bị bức tử nhằm che đậy một bí mật nào đó có liên quan đến CIA?

Trước phản ứng của dư luận về cái chết của Millis, tại một cuộc họp báo được tổ chức vào ngày 20/6/2000, Giám đốc CIA George Tenet và Chủ tịch HPSCI Porter Goss khẳng định là không. Chẳng hạn như không có văn kiện mật nào được tìm thấy tại hiện trường nhưng lại không đề cập đến nội dung bức thư tay để lại của nạn nhân.

Cuộc điều tra làm sáng tỏ về cái chết của Millis cũng không do CIA và FBI thực hiện mà là do Cảnh sát liên bang đảm nhiệm. Tại cuộc họp báo, cả Tenet và Goss đều khẳng định: tự sát là vấn đề cá nhân và yêu cầu các phương tiện truyền thông không nên làm rùm beng. Có lẽ vì vậy mà rất ít báo chí đưa tin về cái chết của Millis. Việc làm này trái hẳn với chiến dịch đưa tin rầm rộ lúc Vince Foster, một cố vấn của Tổng thống Bill Clinton, tự sát vào năm 1993.

Tuy nhiên, vẫn có một số nhân vật, kể cả trong CIA và Quốc hội Mỹ tin rằng Porter Goss có các lý do riêng để muốn vụ Millis lui nhanh vào bóng tối càng sớm càng tốt. Với tham vọng sẽ kế vị Tenet vào chức vụ Giám đốc CIA (nếu George W. Bush đắc cử Tổng thống Mỹ), Goss không muốn các phương tiện truyền thông làm ầm ỉ về cái chết của thuộc cấp mình.

Theo điều tra của một số phương tiện truyền thông thì Millis gặp các rắc rối nghiêm trọng về nghề nghiệp và cá nhân trước khi tự sát. Ralph Millis, anh trai của Millis, tiết lộ là tâm trạng của em mình như của “một người đang ngồi trên đỉnh một ngọn núi nhìn hai chiếc xe lửa từ hai hướng đối nghịch sắp đâm sầm vào nhau mà không sao cứu vãn nổi”.

John Millis có lúc quẫn trí đến nỗi vợ ông ta, cũng là một nhân viên CIA, phải đích thân báo cáo với George Tenet cho biết là chồng mình có lúc để quên cả các hồ sơ mật trong nhà và trong xe hơi. Nhưng Tenet không quan tâm tìm hiểu vấn đề mà lại cho rằng vấn đề là do vợ chồng Millis có xích mích với nhau. Bản thân Millis có lúc nói bóng gió với Tenet là ông ta muốn trở lại làm việc cho CIA và làm việc ở nước ngoài hơn là làm Giám đốc nhân sự của HPSCI. Một cương vị khác mà Millis nhắm vào là làm cố vấn tình báo cho Chủ tịch Hạ viện.

Theo nhiều nguồn tin thì thoạt đầu mối quan hệ giữa Millis và Goss rất tốt đẹp khi Millis được bổ nhiệm chức vụ Giám đốc HPSCI vào năm 1997. Nhưng sau đó Goss bày tỏ sự không bằng lòng khi Millis có quá nhiều sáng kiến riêng không qua ông ta và đó là lý do để Goss nghi ngờ Millis là tay chân của Tenet cài vào HPSCI nhằm lật đổ Goss. Nhìn chung Goss có vẻ ghen tức trước uy tín ngày càng tăng của Millis. Rạn nứt giữa Goss và Millis lên cao khi tại Viện Smithsonian, Millis công khai chỉ trích cựu Giám đốc CIA John Deutch, người đỡ đầu cho Goss là “Giám đốc CIA tệ hại nhất mọi thời”. Thậm chí Millis đã vi phạm luật bảo mật bằng cách tiết lộ một số thông tin về cuộc điều tra liên quan đến cách John Deutch hành xử các tài liệu mật.

Căng thẳng giữa Goss và Millis lên đến tột đỉnh khi Goss đình chỉ chức vụ Giám đốc nhân sự của Millis để mở cuộc điều tra về những tố cáo là Millis có dính dáng đến vụ tai tiếng buôn lậu ma túy liên quan đến CIA khi còn là một điệp viên CIA hoạt động ở Afghanistan với nhiệm vụ cố vấn cho tổ chức Chiến binh tự do vào thập niên 80 của thế kỷ XX. Cuộc điều tra về Millis kéo dài đến 4 tháng và mặc dầu chịu sức ép của Goss nhưng HPSCI đã kết luận là Millis không dính dáng đến vụ tai tiếng này. Theo một số chuyên viên tình báo thì Millis không làm gì quá đáng để Goss phải cho mở cuộc điều tra riêng làm mất danh dự ông ta như vậy.

Còn theo nhận định của một số nhà điều tra độc lập thì cái chết bí ẩn của Millis có dấu hiệu của sự bức tử rồi  ngụy trang thành một vụ tự sát. Một số thành viên của Ủy ban tình báo Hạ viện cho biết trước khi tự sát, Millis vẫn tiếp xúc với các thành viên ủy ban, các trợ lý và phóng viên báo chí. Ngay trước ngày chết, Millis vẫn nói chuyện với các đồng nghiệp ở CIA, các viên chức chính phủ. Vậy thì chẳng có lý do gì để Millis tự sát trong khi kết quả điều tra cho biết ông hoàn toàn vô can với mọi điều tố cáo. John Millis tự sát hay bị bức tử vào sáng ngày 4/6/2000 cho đến nay vẫn còn là một bí ẩn và được xem là một vết đen trong hoạt động tình báo của nước Mỹ

Văn Hòa (theo Spy Eyes)
.
.