Cái chết bí ẩn của Nhà vua Thái lan Ananda Mahidol

Thứ Năm, 16/11/2006, 08:00
Vào lúc 9h20’ ngày 9/6/1946, But Pathamasarin, một nhân viên hầu cận của Nhà vua Ananda Mahidol khi đem bộ lễ phục có đính huân chương vào phòng ngủ của nhà vua, đã hết hồn khi phát hiện ông nằm chết trên giường, máu tràn đầy nệm, trên tay trái còn nắm một khẩu súng ngắn.

Người này vội chạy đến phòng bà Sangwal - thân mẫu nhà vua - và la lên: “Nhà vua đã tự tử chết!”. Chỉ vài phút sau, cả Hoàng cung Barompiman ở thủ đô Bangkok náo động lên về tin Nhà vua Ananda Mahidol tự tử bằng súng.

Thủ tướng Pridi Phanomyong có mặt ngay tại hiện trường, ra lệnh cho tướng Phra Chankadi, chỉ huy Cảnh sát Thái Lan, phải mở ngay cuộc điều tra để xác định nguyên nhân cái chết của nhà vua trẻ tuổi. Hỗ trợ cho cuộc điều tra của cảnh sát còn có một nhóm chuyên viên pháp y, có sự tham gia của Giáo sư Keith Simpson, chuyên gia pháp y hình sự hàng đầu của Anh.

Kiểm tra hiện trường, cảnh sát thu giữ 1 khẩu súng ngắn loại Colt 45 do Mỹ sản xuất, được cho là vũ khí mà nhà vua đã sử dụng để tự tử bằng cách bắn vào đầu ở vùng trán bên trái, nhưng có điều lạ là không tìm thấy vỏ đạn. Dựa vào lời khai của các nhân chứng, cảnh sát tạm kết luận là Nhà vua Ananda đã tự tử bằng súng. Được sự chấp thuận của hoàng gia, vào ngày 10/6/1946, Chính phủ Thái Lan chính thức thông báo cho nhân dân Thái Lan về cái chết bất ngờ của Nhà vua Ananda là do tự tử và quyết định để quốc tang suốt một tháng liền.

Thế nhưng, chỉ đến hôm sau, dư luận Thái Lan lại râm ran loan truyền rằng Nhà vua Ananda không phải chết do tự tử mà là do bị sát hại khi một thông tin từ hoàng cung lọt ra ngoài loan truyền rằng các chuyên gia pháp y đã phát hiện ra sau gáy của nhà vua còn có một vết thương do đạn bắn từ phía sau. Một ai đó đã dùng súng bắn chết nhà vua rồi ngụy tạo thành một vụ tự tử. Từ đó, dư luận Thái Lan lên tiếng yêu cầu Chính phủ của Thủ tướng Pridi Phanomyong phải làm sáng tỏ cái chết bí ẩn của Nhà vua Ananda.

Nhà vua Ananda có tên là Phrabat Somdej Phra Para Menthara Maha Ananda Mahidol, sinh ngày 20/9/1925 tại thành phố Heidelberg của Đức. Ông là con trai đầu của Hoàng tử Mahidol Adulyadej. Năm 1928, sau khi tốt nghiệp bác sĩ tại Đại học Harvard, Mỹ, Hoàng tử Mahidol Adulyadej đưa cả gia đình về lại Thái Lan.

Tại quê nhà, ông qua đời vào năm 1929 vì bạo bệnh. Lúc đó Hoàng tử Ananda Mahidol mới được 4 tuổi. Năm 1932, do tình hình chính trị trong nước xáo trộn bởi các cuộc đảo chính, Hoàng tử Ananda cùng 2 em là Công chúa Galyani Vadhana và Hoàng tử Bhumipol Adulyadej (nhà vua Thái Lan hiện nay) được đưa sang Thụy Sĩ để học tập và sinh sống.

Năm 1935, khi Nhà vua Prajadhipok từ chức do bệnh tật, Hội đồng Hoàng gia, Quốc hội và Chính phủ Thái Lan quyết định chỉ định Hoàng tử Ananda Mahidol trở thành Nhà vua Thái Lan vào ngày 2/3/1935, lấy vương hiệu là Rama VIII. Lúc đó tân vương mới được 10 tuổi và đang theo học tại thành phố Lausanne của Thụy Sĩ. Do nhà vua còn nhỏ tuổi và đang theo học ở nước ngoài nên Quốc hội Thái Lan chỉ định các hoàng tử Anuwatjaturong và Artit Thit-apa (đều là sĩ quan quân đội) cùng tướng Chao Phraya làm nhiếp chính.

Tháng 12/1945, sau khi tốt nghiệp Đại học Luật ở Lausanne, Nhà vua Ananda Mahidol quay về lại Thái Lan. Mặc dù còn trẻ và chưa có kinh nghiệm điều hành đất nước, nhưng ông nhanh chóng chiếm được tình cảm của dân chúng Thái Lan. Đầu năm 1946, nhà vua đã hòa giải thành công mối hiềm khích vốn tồn tại nhiều đời trước đó giữa cộng đồng người Hoa sinh sống tại thủ đô Bangkok và người dân bản địa. Ông được xem là niềm hy vọng của nhân dân Thái Lan để có thể đưa đất nước ngày càng giàu mạnh và đoàn kết hơn.

Vậy tại sao một vị vua trẻ được nhân dân hết lòng tôn kính và yêu thương lại tự tử (theo nhận định ban đầu) hay bị sát hại (theo nhận định sau đó)? Vậy đâu là sự thật về cái chết bí ẩn của Nhà vua Ananda?

Theo một cuộc điều tra phối hợp giữa cảnh sát và pháp y triển khai sau đó, có sự tham gia tích cực của chuyên gia pháp y Keith Simpson, thì giả thuyết Nhà vua Ananda tự tử nhanh chóng bị loại bỏ mà thay vào đó là nhận định rằng ông đã bị giết chết dựa theo 4 yếu tố sau đây:

1- khẩu súng được cho là sử dụng để tự tử lại nằm trong tay trái của nhà vua, trong khi ông là người thuận tay phải;

2- hướng bắn của viên đạn không phải là từ trán mà là từ sau gáy;

3- vỏ đạn không được tìm thấy tại hiện trường;

4- một người không thể nào dùng súng để tự tử bằng cách tự bắn vào sau gáy. Vậy ai đã ra tay sát hại nhà vua?

Nghi vấn tập trung vào 3 người, đó là 2 nhân viên hầu cận tên But Pathamasarin và Chit Singhaseni cùng viên thư ký của nhà vua tên là Chaleo Patoomros, đều có mặt tại hiện trường khi xảy ra cái chết bí ẩn của nhà vua. Chứng cứ để buộc tội But là dấu vân tay của anh ta được tìm thấy trên báng khẩu súng Colt 45 trong tay nhà vua khi chết.

Tuy nhiên, But khai báo với các nhân viên điều tra rằng anh ta phải lấy khẩu súng ra khỏi tay trái của nhà vua do lo ngại khẩu súng vẫn còn đạn lên nòng (Colt 45 là loại súng ngắn lên đạn tự động) có thể nổ trúng thân mẫu của nhà vua, khi thấy bà cứ ôm lấy thi thể của con mà lay mãi. Riêng Chit và Chaleo bị buộc tội đồng phạm với But sát hại nhà vua.

Tại phiên tòa đặc biệt mở ra vào tháng 10/1946 ở thủ đô Bangkok, do 3 nghi can đồng loạt kêu oan nên tòa án quyết định tạm tha để tiếp tục điều tra.

Tháng 11/1947, khi Thống chế Plaek Pibulsongram lên làm Thủ tướng, But, Chit và Chaleo lại bị bắt giữ về tội tổ chức sát hại Nhà vua Ananda. Mãi đến tháng 2/1955, sau khi trải qua 3 phiên xét xử, Tòa án tối cao Thái Lan quyết định xử tử hình cả 3 và họ bị hành hình sau đó một tháng.

Tuy vụ sát hại Nhà vua Ananda được xếp lại sau vụ hành hình 3 bị can But, Chit và Chaleo, được cho là thủ phạm, nhưng bí ẩn vẫn bao trùm lên cái chết của nhà vua trẻ tuổi này. Một giả thuyết được cho là đáng tin cậy và xác thực nhất về cái chết của Nhà vua Ananda được nhà báo William Stevenson đưa ra trong cuốn sách có nhan đề "Một nhà vua cách mạng" (được phát hành vào năm 2001), có sự cộng tác của Nhà vua Bhumipol Aduladej, thì thủ phạm ra tay giết hại Nhà vua Ananda là Tsuji Masanobu, một nhân viên tình báo Nhật làm việc nhiều năm tại Thái Lan và là tay chân thân tín của Thủ tướng Plaek Pibulsongram khi ông này còn đương chức Tổng Tư lệnh quân đội Thái Lan từ năm 1940 đến năm 1947.

Tsuji Masanobu.

Khi Chiến tranh thế giới lần thứ 2 chấm dứt, Anh và Mỹ đều muốn bành trướng uy lực tại Thái Lan. Trong khi thế lực quân sự do tướng Pibulsongram cầm đầu lại muốn dựa vào Mỹ thì Nhà vua Ananda, một người từng được đào tạo tại châu Âu lại muốn Anh giúp đỡ để tái thiết lại đất nước. Nhà vua từng tỏ rõ quan điểm của mình nhân chuyến viếng thăm Thái Lan của tướng Mounbatten, Tư lệnh Quân đội Anh tại châu Á vào tháng 3/1946. Vì vậy, tướng Pibulsongram quyết định loại bỏ Nhà vua Ananda bằng cách ra lệnh cho Tsuji Masanobu, tổ chức sát hại Nhà vua Ananda rồi ngụy tạo thành một vụ  tự tử.

Có thể Tsuji đã không trực tiếp ra tay mà đã tổ chức cho But hoặc Chit hay Chaleo giết hại nhà vua hoặc có thể đây là một âm mưu do cả Tsuji, But, Chit và Chaleo đồng thực hiện. Vậy thì ai đã trực tiếp giết hại Nhà vua Ananda? Đây vẫn là một bí ẩn mà cho đến nay chưa có lời giải đáp

V.H (Theo Historia)
.
.