Cái chết bí ẩn của danh hoạ Andy Warhol

Chủ Nhật, 15/02/2009, 21:55
Vào 18h30' ngày 22/2/1987, danh họa người Mỹ gốc Tiệp Khắc Andy Warhol được phát hiện nằm chết trong căn hộ của mình ở thành phố New York, Mỹ. Theo điều tra của cảnh sát, Warhol qua đời đột ngột sau một cơn đột quị do trụy tim.

Tuy nhiên, theo Paige Powell - anh trai và là người quản lý của Warhol cùng bạn bè và người thân, thì Warhol không phải bị đột tử do trụy tim mà đã bị giết chết.

Một số vật dụng, đồ đạc có dấu hiệu bị xáo trộn trong phòng làm việc, nơi phát hiện xác chết của Warhol, cho thấy nạn nhân đã cố vùng vẫy khi bị một hay nhiều người giết chết. Dư luận Mỹ vào lúc đó quá bất ngờ về cái chết của một họa sĩ nổi tiếng nhất nước Mỹ cũng đã đặt nghi vấn về cái chết của Warhol vì trước đó vào tháng 6/1968, Warhol từng thoát chết sau khi bị một nhà hoạt động xã hội cực đoan tên Valerie Solanas, bắn thẳng nhiều phát súng vào người.

Andrew Warhola, còn gọi là Andy Warhol, sinh ngày 6/8/1928 tại thành phố Pittsburg, bang Pennsylvania của Mỹ trong một gia đình người Tiệp Khắc di cư đến Mỹ vào năm 1910. Warhol sớm bộc lộ tài năng hội họa khi còn là học sinh tiểu học. Và cũng nhờ tài năng này mà vào năm 1949, Warhol nhận được học bổng theo học ngành mỹ thuật công nghiệp tại Viện Kỹ thuật Carnegie ở thành phố Pittsburg. Sau khi tốt nghiệp đại học, Warhol làm việc tại thành phố New York và bắt đầu thành công trong lĩnh vực vẽ quảng cáo và xuất bản truyện tranh. Năm 1950, Warhol được công ty phát hành đĩa nhạc hàng đầu của Mỹ là RCA mời phụ trách thiết kế cho các album nhạc.

Andy Warhol được đánh giá là họa sĩ hàng đầu thuộc trường phái hội họa nghệ thuật - đại chúng (pop-art) vốn ra đời và phát triển tại phương Tây vào thập niên 60, 70 thế kỷ trước. Warhol có cuộc triển lãm tranh nghệ thuật đầu tiên vào tháng 7/1962 tại Phòng tranh Ferus ở thành phố Los Angeles, bang California và liền gặt hái thành công. Theo yêu cầu của người xem, cuộc triển lãm đã kéo dài suốt hai tháng.

Tại cuộc triển làm này, Warhol đã cho trưng bày nhiều bức tranh vẽ theo phong cách pop-art vẽ chân dung của nhiều nghệ sĩ và nhân vật nổi tiếng như đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy (vợ của Tổng thống John Kennedy), nữ diễn viên điện ảnh Marilyn Monroe... Đến thập niên 70 thế kỷ XX, Warhol còn tiến hành vẽ chân dung của nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới cùng nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như chân dung của nhà lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông (bức tranh này được bán với giá 17,5 triệu USD vào ngày 15/11/2006), của nam ca sĩ phản chiến John Lennon của ban nhạc The Beatles...

Chân dung của Mao Trạch Đông được vẽ vào thập niên 70 và của Marilyn Monroe được vẽ vào năm 1962.

Andy Warhol không chỉ là một họa sĩ nổi tiếng mà còn là một nhà kinh doanh đa tài rất thành công trong các lĩnh vực sản xuất phim, kinh doanh bất động sản, phát hành sách... Tuy nổi danh và giàu có nhưng Warhol là một con người yêu chuộng hòa bình và có tấm lòng nhân ái. Khi chính quyền Mỹ xua quân gây chiến tranh tại Việt Nam vào thập niên 60 thế kỷ XX, Warhol cùng các nghệ sĩ khác như Liza Minelli, John Lennon, Diana Ross... tham gia tích cực các phong trào phản chiến đòi Mỹ phải rút quân khỏi Việt Nam. Và đây cũng chính là lý do khiến Warhol bị mưu sát bằng súng bởi Valerie Solanas, một tên chống cộng cực đoan, vào ngày 3/6/1968 tại thành phố New York.

Biện hộ cho hành động giết người của mình, Solanas cho rằng Warhol đáng bị giết chết vì có những hành động phản chiến đi ngược lại quyền lợi của nước Mỹ. Tuy gây ra vụ mưu sát đối với một nhân vật nổi tiếng như Warhol, nhưng Solanas chỉ bị xử có 18 tháng tù giam. Một bản án quá nhẹ mà dư luận cho rằng là do chính quyền Mỹ can thiệp với ngành tư pháp.

Không quên nguồn gốc Tiệp Khắc của mình, Warhol không chỉ có những hành động tương trợ thiết thực đối với cộng đồng người Tiệp Khắc sinh sống tại Mỹ mà còn có những đóng góp tích cực bằng chính việc cho xây dựng trường học, mua sắm trang thiết bị y tế và giáo dục cho dân chúng tỉnh Mikova. Chỉ từ  năm 1980 cho đến khi qua đời, Warhol đã có 3 lần về lại quê hương Tiệp Khắc mặc cho chính quyền Mỹ tìm mọi cách ngăn cản. Đây cũng chính là lý do khiến Warhol bị Cục Điều tra liên bang (FBI) bí mật lập hồ sơ theo dõi cả về thời gian tham gia phong trào phản chiến và các hoạt động tương trợ đối với Tiệp Khắc.

Theo Paige Powell thì Warhol đã nhiều lần nhận được cảnh báo từ FBI là phải chấm dứt các hoạt động tương trợ đối với Tiệp Khắc dưới bất cứ hình thức nào. Bộ Ngoại giao Mỹ còn đe dọa sẽ không cấp giấy thông hành cho Warhol đến châu Âu. Trong tình hình căng thẳng như vậy đã xảy ra cái chết bí ẩn của Warhol vào ngày 22/2/1987. Powell khẳng định rằng FBI hay Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã tổ chức giết hại Warhol, do chính quyền Mỹ không muốn chứng kiến cảnh một họa sĩ nổi tiếng thế giới như Warhol lại có quan hệ với một quốc gia XHCN như Tiệp Khắc, một hành động được đánh giá là gây nguy hại đến an ninh nước Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh lạnh.

Có thể cả FBI và CIA còn lo ngại rằng một ngày không xa, Warhol có thể giác ngộ tư tưởng cộng sản và bí mật cộng tác với Nhà nước Tiệp Khắc nên đã quyết định trừ khử Warhol. Một hay nhiều sát thủ đã đột nhập vào căn hộ của Warhol và sử dụng khí monoxyd carbon gây ngạt chứa trong túi nhựa để giết hại Warhol mà theo các chuyên viên pháp y sẽ gây nên cái chết giống như trụy tim.

Tuy nhiên, đó cũng chỉ là giả thuyết và cho đến nay cái chết của Warhol vẫn còn là một bí ẩn. Dư luận thương tiếc một họa sĩ tài năng, nổi tiếng và có tấm lòng nhân hậu như Warhol lại qua đời một cách khó hiểu khi mới 59 tuổi

Văn Hòa (theo Crime Library)
.
.