Cạm bẫy phía sau lời đường mật

Thứ Tư, 23/10/2019, 09:15
Thời gian qua, Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an TP Hà Nội liên tiếp triệt phá 2 đường dây chuyên lừa bán các cô gái trẻ ra nước ngoài để làm gái mại dâm. Các đối tượng nhằm vào những cô gái trẻ, nhẹ dạ rủ đi chơi, rủ ra nước ngoài làm “việc nhẹ lương cao”.

Thực chất chúng đã bán thẳng cho “tú bà, tú ông” kiếm một mớ tiền rồi ung dung ăn chơi hưởng thụ. Các cô gái thân cô thế cô ở xứ người, chỉ biết nuốt nước mắt vào trong cam chịu số phận.

Chuyến picnic bất thành và hơn 700 ngày đau khổ

Thượng úy Bùi Quang Huy, cán bộ điều tra Đội Chống tội phạm buôn bán người, Phòng Cảnh sát hình sự cho chúng tôi biết đầu tháng 6-2019 chị Phạm Thị H. (SN 1994, trú tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa) lên Cơ quan công an trình báo về việc chị bị lừa bán sang Trung Quốc từ năm 2015.

H. cũng kể lại quãng đời tủi nhục mà chị phải trải qua trong nhiều năm. Và dù về nước từ năm 2017, song mãi đến năm 2019 chị mới đủ dũng khí để lên tiếng tố cáo các đối tượng đã đẩy chị và nhiều cô gái khác vào con đường tăm tối tưởng như không có lối thoát.

Năm 2015, chị H. khi đó đang làm giúp việc cho một gia đình trên địa bàn quận Đống Đa, Hà Nội. Qua mạng xã hội, H. quen với đối tượng Lê Nguyên Tùng (SN 1994, trú tại Thạch Đồng, Thạch Thành, Thanh Hóa). Ở quê ra gặp được đồng hương, lại trông Tùng có vẻ ngoài khá dễ coi, mặc đồ sành điệu nên H. bị cuốn hút, nảy sinh tình cảm. Rồi một ngày nọ Tùng rủ chị H. đi picnic cùng hội bạn. Không chút nghi ngờ, chị liền đồng ý.

Đầu tháng 8-2015 chị H. bí mật cùng Tùng lên đường mà không hề nói một câu với chủ nhà. Tùng chở H. đi về bến xe Giáp Bát. Tại đây đã có một đối tượng nam chờ sẵn. Cả ba lên xe khách nhằm hướng TP Móng Cái, Quảng Ninh. Buổi tối cùng ngày, chị H. được các đối tượng đưa lên một chiếc thuyền rồi sang Trung Quốc. Hành trình tiếp tục kéo dài, khi các tuyến xe khách cứ thế đi sâu vào nội địa.

Phải cho đến khi gặp đối tượng Th. - một “mẹ mìn” chính cống thì H. mới vỡ lẽ mình đã bị “người yêu” lừa bán. Th. cho biết đã mua chị H. với giá hàng vạn nhân dân tệ và bắt chị H. phải tiếp khách làng chơi. Chị H. không đồng ý, đòi về Việt Nam thì bị đánh đập thậm tệ và tiếp tục bị sang tay cho một đối tượng khác. Đối tượng này dùng đủ mọi cách ép chị H. phải bán dâm.

Không ít cô gái trẻ bị lừa ra nước ngoài làm tại sòng bạc, song thực chất là bị bán vào nhà chứa.

Không thể kể xiết những nỗi đau đớn, tủi cực của chị H. nơi xứ người, suốt hơn 2 năm ròng. Phải cho đến tháng 8-2017, chị H. may mắn được công an Trung Quốc giải cứu và cho về Việt Nam.

Ngay từ năm 2015, khi biết tin chị H. mất tích, Cơ quan công an đã vào cuộc tìm kiếm và có được thông tin về hai đối tượng tình nghi bán chị H. ra nước ngoài. Song, khi ấy chị H. đang ở sâu nội địa Trung Quốc nên việc đấu tranh với các đối tượng gặp rất nhiều khó khăn. Sau đó, Lê Nguyên Tùng tiếp tục thực hiện một phi vụ buôn bán người khác và bị Công an tỉnh Thanh Hóa phát hiện, bắt giữ. Tùng sau đó phải thụ án 8 năm tại trại giam Thanh Cẩm” - Thượng úy Huy cho chúng tôi biết thêm.

Tiếp nhận đơn trình báo của chị H., Cơ quan công an khẩn trương tổ chức điều tra và làm rõ hành vi phạm tội của Tùng đối với chị H. Qua đấu tranh, Tùng khai do thiếu tiền ăn chơi nên đã liên hệ với một đối tượng khác tên là Y. (SN 1992, trú tại Thạch Thành, Thanh Hóa) và bàn nhau bán chị H. để lấy tiền. Hành trình diễn ra như chúng tôi đã nêu ở trên.

Sau khi bán chị H. được 6.500 nhân dân tệ (khoảng 21,5 triệu đồng), Tùng chia cho Y. 3.000 nhân dân tệ. Gã cũng lấy luôn điện thoại của chị H. khiến chị không thể liên lạc về cho gia đình hay báo cho ai đó để giải cứu.

Hiện, cơ quan Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Nguyên Tùng.

Từ sòng bạc đến “nhà thổ”

Tháng 7-2019 Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã có quyết định khởi tố vụ án buôn bán người, khởi tố bị can và ra lệnh truy nã đối với Nguyễn Thị Ngọc Ánh (SN 2001, trú tại xã Tinh Nhuệ, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ). Ngọc Ánh đã lừa rủ chị Nguyễn Thị Thanh Hoa (SN 2002, trú tại Ứng Hòa, Hà Nội) ra nước ngoài làm “việc nhẹ lương cao”, song thực chất chị Hoa bị ép buộc làm gái mại dâm.

Theo tài liệu điều tra ban đầu từ Cơ quan công an, trước đó Ngọc Ánh có quen với Huyền A. (SN 1998, trú tại Thái Nguyên). Huyền A. đã có thời giam làm gái mại dâm ở Myanmar và được chủ chứa ở đây tên là Hóa (quốc tịch Trung Quốc) gợi ý tìm thêm “đồng nghiệp”.

Mỗi cô gái trẻ đẹp người Việt Nam khi đưa được sang đây, Hóa sẽ trả công cho 5.000 nhân dân tệ. Mờ mắt trước tiền, Huyền A tìm gặp Ngọc Ánh và rủ sang Myanmar làm gái nhằm hưởng lợi số tiền trên.

Cùng thời điểm đó, do muốn có người đi cùng nên Ngọc Ánh đã rủ thêm chị Hoa sang Myanmar, nói dối là làm nhân viên chia bài tại sòng bạc với mức lương 15 triệu/tháng.

Tháng 11-2018 Huyền A. thuê taxi đưa Ngọc Ánh và Hoa đi từ Thái Nguyên về bến xe Mỹ Đình, Hà Nội rồi tiếp tục bắt xe khách lên TP Lào Cai. Tại đây Huyền A. ở lại, chỉ có Ngọc Ánh và chị Hoa được người của Hóa đưa sang Trung Quốc. Từ Trung Quốc, nhóm này tiếp tục vượt biên sang Myanmar. Chị Hoa sau đó bị Hóa ép làm gái bán dâm. Huyền A. được Hóa trả trước 1.300 nhân dân tệ.

Việc làm quen, yêu đương qua mạng xã hội đôi khi khiến các cô gái phải trả giá.

Chị Hoa sau đó đã tìm cách liên lạc với người nhà tại Việt Nam và thông tin này nhanh chóng được chuyển lên Cơ quan công an để tổ chức giải cứu. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, đầu năm 2019 khi Huyền A. và Ngọc Ánh vừa về tới Việt Nam thì bị cơ quan Công an bắt giữ. Sau đó chị Hoa được giải cứu về Việt Nam. Trong thời gian chờ bị hại trở về nước, Huyền A. và Ngọc Ánh đã bỏ trốn.

Được biết, đường dây buôn người sang Myanmar của Hóa và Ngọc Ánh được khép kín khá chuyên nghiệp. Mỗi khi tìm được cô gái nào, Ngọc Ánh sẽ chụp ảnh rồi gửi sang cho Hóa, Hóa đồng ý thì sẽ tổ chức vượt biên. Trong quá trình di chuyển, Ngọc Ánh thường xuyên cung cấp thông tin về vị trí cho Hóa. Còn Hóa sẽ căn thời gian và cử người về khu vực biên giới để đón “hàng”.

Cũng theo lời khai của các đối tượng, những cô gái trẻ người Việt luôn là những món hàng mà các ông chủ ở Myanmar ưa thích. Bởi vậy, dù quãng đường di chuyển xa xôi, nhiều bất trắc song Hóa vẫn quyết làm.

Cũng theo chỉ huy Đội, việc giải cứu chị Hoa không hề đơn giản. Cuối năm 2018 chị này đã dùng điện thoại nhắn về cho mẹ để xin giúp đỡ, song không dễ để cảnh sát nước bạn mở cuộc tấn công vào hang ổ của bọn tội phạm. Lực lượng phá án đã hướng dẫn gia đình “tương kế tựu kế” để các đối tượng cho chị Hoa về nước.

Có một điểm khá đặc biệt trong vụ án này là đối tượng Ngọc Ánh dù là gái mại dâm song lại nảy sinh tình cảm yêu đương với Hóa. Và dưới tác động của Ngọc Ánh, chị Hoa đã được thả về Việt Nam. Bản thân Ngọc Ánh vốn là con út trong một gia đình có hai anh em. Bố mẹ Ánh ly hôn đã nhiều năm. Hai anh em Ánh sống cùng bố.

Ánh chỉ học đến lớp 9 rồi nghỉ và đi làm ăn xa nhà, rất ít khi có mặt tại địa phương. Thông tin Ánh là đối tượng bị truy nã về hành vi mua bán người khiến rất nhiều người quen biết đối tượng này sửng sốt.

Cảnh giác với những lời đường mật

Thượng úy Bùi Quang Huy cảnh báo, qua những vụ án trên, Cơ quan công an khuyến cáo các cô gái mới lớn cần hết sức cảnh giác khi đặt quan hệ với các đối tượng qua mạng, trước những lời rủ đi chơi xa hoặc đi làm “việc nhẹ lương cao”. Không ít trường hợp sinh ra trong các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thiếu sự chăm sóc nuôi dạy của các bậc phụ huynh, phải bươn bả kiếm sống nên kiến thức kinh nghiệm còn ít, dễ bị các đối tượng lừa phỉnh.

Sau khi bị bán ra nước ngoài, hầu hết các cô gái đều bị chủ chứa đối xử hết sức tàn ác. Hằng ngày các cô phải tiếp khách từ sáng đến đêm cho đến mệt nhoài. Cũng vì bị bán sang tay nhiều lần mà số tiền “tú bà” phải chi ra để mua càng lớn nên càng ra sức bóc lột lao động nhằm gỡ lại vốn đầu tư.

Các đối tượng Nguyễn Thị Ngọc Ánh và Lê Nguyên Tùng.

Về phía các đối tượng buôn người, bọn chúng đều là những kẻ ham ăn chơi hưởng lạc, không có việc làm ổn định. Khi bán những cô gái Việt Nam sang Trung Quốc, hầu như bọn chúng đều có tâm lý rất yên tâm là “hết đường về quê mẹ”. Bọn chúng cho rằng sau khi đã vào tay “tú ông, tú bà”, những cô gái này không có tiền, không có người quen, không biết đường đi lối lại... thì “còn khuya” mới trở về Việt Nam để tố cáo.

Khi mà thoát về được thì tuổi cũng đã cao, mặc cảm thân phận cũng như cú sốc trải qua khiến các cô ít khi nghĩ đến việc ra trình báo với Cơ quan công an. Thậm chí, một số còn quay lại trở thành “mẹ mìn”, là cánh tay nối dài cho “tú ông” ở Trung Quốc tiếp tục tuyển lựa gái sang bán dâm.

Nhiều vụ buôn bán người bị triệt phá

Theo báo cáo từ Bộ Công an, trung bình hằng năm, các lực lượng chức năng Việt Nam phát hiện khoảng 400 vụ mua bán người. Trong đó, số vụ án mua bán người ra nước ngoài chiếm khoảng 80%. Năm 2018, phát hiện 211 vụ mua bán người với 276 đối tượng, 386 nạn nhân. Riêng 6 tháng cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người đã phát hiện 104 vụ, với 164 đối tượng, xác định 160 nạn nhân.

Các lực lượng chức năng đã khởi tố 200 vụ, 261 bị can phạm tội về mua bán người. VKSND các cấp đã truy tố 109 vụ, 194 bị can. TAND các cấp thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 130 vụ, 233 bị cáo phạm các tội về mua bán người. Các đơn vị chức năng của Việt Nam đã xác minh, giải cứu, tiếp nhận 449 nạn nhân bị mua bán, trong đó trên 80% nạn nhân được hỗ trợ ban đầu, tư vấn tâm lý, hỗ trợ sức khỏe, trợ giúp về pháp lý... nhiều nạn nhân được trợ cấp khó khăn, học nghề, tạo việc làm, ổn định đời sống, tái hòa nhập cộng đồng...

Minh Tiến
.
.