Canada: Bùng phát làn sóng giết người vì "danh dự"

Thứ Sáu, 01/04/2011, 20:35

Hàng năm trên thế giới có khoảng 5.000 phụ nữ trẻ bị người thân giết chết nhân danh "danh dự gia đình". Từ năm 2002, Canada bắt đầu bùng nổ hiện tượng này...

Amandeep Atwal, 17 tuổi, bị đâm đến chết năm 2003 ở Kitimat, Colombie-Britanique. Khatera Sadiqi, 20 tuổi, bị bắn chết trong tháng 9/2006 ở Ottawa. Aqsa Parvez, 16 tuổi, và Amandeep Kaur Dhillon, 22 tuổi, bị siết cổ và đâm chết ở Mississauga, Ontarion, trong tháng 12/2007 và tháng 1/2009. Tất cả 4 phụ nữ trẻ này đều có một điểm chung: nạn nhân của "danh dự gia đình".

Hiện những thành viên gia đình đã ra tay sát hại họ đang ngồi sau song sắt nhà tù. Cha của Amandeep Atwal, ông Rajihnder Singh Atwal, lãnh án 16 năm tù. Kamilar Singh Dhillon ngồi tù 25 năm vì tội giết chết con dâu Amandeep Khaur Dhillon. Muhammad và Waqas Parvez - cha và anh trai của Aqsa Parvez - lãnh 18 năm tù. Còn Hasibullah, anh trai của Khatera Sadiqi, phải chịu án tù chung thân.

Tại tòa án, Kamikar Singh Dhillion bào chữa rằng, ông ta "không có sự lựa chọn" và buộc phải giết con dâu, người mà theo ông đã gây ra "sự hổ thẹn vô cùng cho gia đình". Ông ta đã buộc tội con dâu có quan hệ ngoại hôn trong khi không có bằng chứng thuyết phục nào.

Shahrzad Mojab, nữ giáo sư Đại học Toronto, được mời ra tòa làm chứng trong 2 vụ mới nhất liên quan đến tội ác nhân danh "danh dự" - hiện tượng đã cướp đi sinh mạng của 5.000 phụ nữ trẻ mỗi năm trên thế giới, theo số liệu thống kê của Liên Hiệp Quốc (LHQ). Trung Đông và phần lãnh thổ phía nam dãy núi Hymalaya là những nơi lan tràn hiện tượng này. Người ta ghi nhận tội ác diễn ra trong các gia đình cộng đồng người Sikh, Hindu, Cơ đốc cũng như Hồi giáo.

Nữ giáo sư giải thích với bồi thẩm đoàn: Tội ác "danh dự" là một dạng đặc biệt của bạo lực nam giới chống phụ nữ, và thường trừng phạt những ai không tuân theo những chuẩn mực văn hóa do gia đình áp đặt. Những động cơ phạm tội ác rất khác nhau: họ có thể quy tội cho người phụ nữ trẻ đã chọn người yêu được coi là "không thích hợp", hoặc vì tội không mang khăn choàng, hoặc dám đi đến rạp chiếu phim, hay có lối sống quá "phương Tây".

Hiện tượng này được coi là khá hiếm xảy ra ở Canada - theo số liệu thống kê chỉ có khoảng chục trường hợp được ghi nhận từ năm 2002, trong đó trung bình 15 phụ nữ Canada bị người bạn đời của họ giết chết mỗi năm. Tuy nhiên, Shahrzad Mojab cảnh báo nên nhận thức rõ rằng loại tội phạm giết người vì danh dự đang ngày càng trở nên phổ biến ở Canada, trong những gia đình có truyền thống văn hóa khắt khe.

Mohammad Shafia - người cha của gia đình gốc Afghanistan sống ở Saint-Leonard, con trai và người vợ thứ hai của ông ta bị buộc tội cố ý giết chết 3 cô con gái (19, 17 và 13 tuổi) cùng với người vợ thứ nhất của ông ta là Rona Amir Mohammed. Xác của tất cả 4 nạn nhân này được tìm thấy bị vứt dưới  một con kênh ở Kingston trong tháng 6/2009.

Sau nhiều lần trì hoãn, dự kiến vụ án sẽ bắt đầu được đưa ra xét xử trong tháng 10/2011. Nhưng người dân phản ứng ra sao trước sự xuất hiện của loại bạo lực này ở Canada?

Từ năm 2010, vấn đề đã trở thành đề tài tranh cãi sôi nổi. Rona Ambrose, Bộ trưởng Điều kiện phụ nữ, nói rõ bà đang nghiên cứu khả năng sửa đổi luật để đưa tội ác này vào Luật Hình sự Canada. Thế nhưng đề xuất của Rona đã bị gạt bỏ một cách nhanh chóng như khi bà đưa ra khiến mọi người phải thở dài.

Pascale Fournier, giáo sư luật học ở Đại học Ottawa và chuyên gia về quyền phụ nữ trong bối cảnh đa văn hóa, nói: "Luật pháp hiện nay cho phép phán xét những người phạm tội ác vì danh dự và cho phép các thẩm phán đưa ra bản án thích đáng dành cho họ. Về mặt tư pháp, sẽ có nguy cơ đụng chạm đến những điều luật hiện hành. Nhưng, về mặt xã hội, mọi người cần chấm dứt ý nghĩ cho rằng loại tội ác này không tồn tại".

Nhiều người không đồng tình với cách gọi "tội ác vì danh dự", cho rằng như thế là phân biệt đối xử đối với một số nhóm người thiểu số, bao gồm cộng đồng người Hồi giáo. Anna Korteweg, nữ giáo sư khoa Xã hội học - Đại học Toronto, người đã soạn một báo cáo về vấn đề gửi đến LHQ, hiểu được phản ứng này, đồng thời ca  ngợi Canada có hành động ít phân biệt chủng tộc hơn so với những quốc gia châu Âu khác về tội ác “vì danh dự”.

Bà cũng nhấn mạnh: "Tuy nhiên, nếu sợ sự lên án đến mức không làm gì cả thì đó cũng là một vấn đề. Chúng ta phải nhìn nhận rằng, tội ác “vì danh dự” cũng là một vấn đề của Canada, đòi hỏi phải có giải pháp của người Canada".

Hiện thời, các giải pháp đang được đem ra xem xét ở Canada. Nước Anh - nơi ghi nhận 13 tội ác này xảy ra trong một năm - đã có những tổ chức chính quyền và cảnh sát xử lý loại bạo lực liên quan đến danh dự. Trong khi ở Canada vẫn chưa làm được điều đó. Sadiqa Seddiqui ở Trung tâm Montreal về cộng đồng phụ nữ Nam Á nói: "Nếu một cô gái tìm đến chúng ta và cần được giúp đỡ, chúng ta không biết sẽ đưa cô ấy đến nơi đâu".

Thực tế cho thấy tại Canada chưa có những nơi trú ẩn dành riêng cho những phụ nữ trẻ là nạn nhân của bạo lực trong gia đình như thế này. Trong khi đó, "người ta thường gửi trả những cô gái đau khổ về lại gia đình của chính họ". Đó chính là điều đã xảy đến cho Aqsa Parvez. Trước khi bị cha và anh trai giết chết, Asqa Parvez đã đi cầu cứu ở nhà trường cũng như bạn bè nhưng đều vô ích.

Mới đây nữ Bộ trưởng Rona Ambrose đã cho giải ngân khoản tiền 2 triệu đôla Canada để cứu chữa tình thế. Bà nói trong một cuộc tiếp xúc với tờ La Press:  "Thông điệp mà chúng tôi muốn chuyển đến các cộng đồng (bị tác động bởi tội ác vì danh dự) là chúng tôi sẽ giúp đỡ các bạn. Hãy thành lập những chương trình và chúng tôi sẽ tài trợ cho các bạn".

Hiện nay chỉ có tổ chức Edmonton của Nam Á nhận được tài trợ. Những dự án khác sẽ được thông báo trong thời gian sắp tới

Diên San (tổng hợp)
.
.