Cảnh giác với giao dịch nhà đất bằng giấy tờ giả: Miếng pho mát trong... bẫy chuột!

Chủ Nhật, 14/06/2020, 09:16
Theo cơ quan Công an, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói chung và tội phạm làm giả giấy tờ tài liệu của các cơ quan tổ chức nhằm chiếm đoạt tài sản luôn có những thủ đoạn tinh vi, khó lường. Do đó, các tổ chức cá nhân cần tự trang bị cho mình kiến thức, tinh thần cảnh giác kỹ năng phòng tránh.

Những cú bắt tay "kinh điển"

Cuối tháng 5/2020, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã khám phá một đường dây chuyên làm giấy tờ giả để mở thẻ tín dụng, vay tín chấp tại các ngân hàng rồi rút tiền, chiếm đoạt với những thủ đoạn rất tinh vi. Chủ mưu cầm đầu đường dây này là đối tượng Phạm Thu Diệu (sinh năm 1991, trú tại huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa). Hai đồng phạm của Diệu là Đào Mỹ Linh (sinh năm 1993, trú tại phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội) và Nguyễn Phú Đạt (sinh năm 1995, trú tại thị xã Tam Điệp, Ninh Bình).

Nhiều tháng trước, trinh sát phát hiện một đường dây chuyên làm giả giấy tờ để mở thẻ tín dụng, vay tín chấp tại một số ngân hàng. Tổ chức thu thập tài liệu, chứng cứ, cơ quan điều tra xác định được nhóm đối tượng đã thực hiện trót lọt nhiều hồ sơ, chiếm đoạt hàng tỷ đồng của các ngân hàng. Chuyên án bóc gỡ đường dây này đã được Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, Công an TP Hà Nội xác lập.

Tang vật cơ quan Công an thu giữ của nhóm đối tượng Phạm Thu Diệu.

Trưa 20/5/2020, nhóm Diệu, Linh, Đạt đang chuẩn bị sử dụng các giấy tờ giả để làm thủ tục vay vốn ngân hàng thì bị các trinh sát bất ngờ ập vào bắt giữ trong sự ngỡ ngàng của cả ba đối tượng.

Thông qua Đạt, Đào Mỹ Linh (đối tượng có 1 tiền án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị xử phạt 30 tháng tù giam nhưng đang được tại ngoại do nuôi con nhỏ) quen với Diệu. Do cần tiền tiêu xài, trong khi bản thân lại đang là con nợ xấu của các ngân hàng, không thể làm thủ tục vay vốn nên Linh đã nhờ Diệu làm giả giấy tờ để "biến" mình thành một người khác để vay tiền.

Bản thân đối tượng Diệu từng vay tiền theo dạng tín chấp nên biết rõ quy trình làm hồ sơ cho đến giải ngân của các ngân hàng; cũng như những sơ hở trong công tác thẩm tra tài sản tại đây.

Vì chỉ tiêu, một số nhân viên tín dụng đã bỏ qua quy định về thẩm định tài sản của ngân hàng. Đây là kẽ hở để Diệu và các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội. Diệu lên mạng xã hội quảng cáo rằng có thể làm được hồ sơ và giải ngân nhanh. Lập tức có rất nhiều con nợ xấu liên hệ với Diệu. Diệu thỏa thuận giá từ 1,2 đến 2,5 triệu đồng với hồ sơ chứng minh thu nhập gồm một xác nhận bảng lương và một bảng sao kê. Còn muốn có hộ khẩu và chứng minh nhân dân giả thì khách phải chi 30-50 triệu đồng.

Nhóm đối tượng Phạm Thu Diệu, Đào Mỹ Linh, Nguyễn Phú Đạt tại cơ quan điều tra.

Sau khi nhận đơn đặt hàng Diệu làm giả nhiều chứng minh nhân dân mang nhiều tên khác nhau, trong đó có hai tên chính là Phạm Thu Diệu và Phạm Ngọc Diệp. Đào Mỹ Linh cũng có một tên khác là Lê Quỳnh Trang. "Nữ quái" này cũng cam kết sẽ giúp khách hàng vay được từ 600-700 triệu đồng và thỏa thuận tỷ lệ ăn chia với họ. Tùy thuộc vào số tiền vay được của các ngân hàng, Diệu sẽ được hưởng từ 8-10% tổng số tiền vay được của khách.

Đối tượng Đạt có vai trò liên hệ với nhân viên ngân hàng để trao đổi, bàn giao thủ tục, giấy tờ và với vai trò này, Đạt được nhận từ 3 đến 5% số tiền "hoa hồng" của mỗi bộ hồ sơ. Bước đầu, các đối tượng khai nhận đã thực hiện trót lót nhiều bộ hồ sơ giúp khách hàng vay tín chấp và mở thẻ sau đó rút được số tiền hàng tỷ đồng của các ngân hàng.

Theo một chỉ huy Đội Kinh tế nông nghiệp, Phòng CSKT, Công an TP Hà Nội với việc sử dụng tên và địa chỉ giả để làm hồ sơ vay tín chấp, các ngân hàng sẽ rất khó khăn trong việc xác định người vay tiền trong trường hợp phát sinh nợ xấu. Các khoản vay trong trường hợp này cũng sẽ rất khó được thu hồi do không xác định được địa chỉ và tên tuổi cụ thể của khách hàng.

Nếu như ở vụ việc trên, nhóm đối tượng đã dùng thủ đoạn rất tinh vi để "qua mặt" cán bộ nhân viên ngân hàng thì cũng có những vụ án mà chính nhân viên ngân hàng đã tiếp tay cho các đối tượng phạm tội. Theo một điều tra viên Phòng CSHS, tháng 12/2018, cơ quan Công an nhận được đơn trình báo từ ngân hàng H. chi nhánh Yên Viên (huyện Gia Lâm, Hà Nội) về việc bị một nhóm đối tượng sử dụng hai thẻ tiết kiệm giả để chiếm đoạt số tiền lên đến hơn 13 tỷ đồng.

Sau quá trình khẩn trương điều tra, truy bắt, cơ quan công an đã làm rõ nhóm đối tượng gồm  Chu Thị Thu Hường (sinh năm 1980 trú tại Trần Quý Kiên, quận Cầu Giấy, Hà Nội - trưởng một phòng giao dịch của ngân hàng M.), Đỗ Đăng Trung (sinh năm 1985) và Nguyễn Bá Anh (sinh năm 1984, cùng trú tại xã Gia Đức, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng).

Nhóm đối tượng làm giả sổ tiết kiệm của một ngân hàng, chiếm đoạt hơn 13 tỷ đồng.

Tài liệu điều tra của cơ quan công an cho thấy cuối năm 2018, Đỗ Đăng Trung lâm vào tình cảnh khốn khó, do công việc làm ăn không thuận lợi, lại chi tiêu ăn chơi vô tội vạ. Trước đó Trung có quen biết Chu Thị Thu Hường khi Hường còn là nhân viên tại ngân hàng H. Biết Hường đã là trưởng phòng giao dịch của một chi nhánh, Trung đã bàn với Hường cùng làm sổ tiết kiệm giả để chiếm đoạt tiền của ngân hàng H. - nơi Hường đang công tác. Để công việc thuận lợi, Trung rủ thêm Bá Anh cùng tham gia.

Với vị trí là Trưởng phòng giao dịch, Hường đã lấy được thông tin về 2 cuốn sổ tiết kiệm từ một khách hàng VIP rồi chuyển cho Trung. Để có thể có được "phôi" của sổ tiết kiệm, Trung đã bảo Bá Anh ra ngân hàng H. lập một cuốn sổ trị giá thấp mang về cho hắn. Từ đó Trung dùng máy scan màu chỉnh sửa, lắp thông tin của chủ nhân sổ tiết kiệm. Đồng thời đối tượng cũng sử dụng phần mềm chỉnh sửa ảnh, máy in màu, máy ép... để làm giả giấy CMND của chủ nhân sổ tiết kiệm nhằm hoàn thiện hồ sơ để rút tiền.

Sau khi các loại giấy tờ được làm giả đã đầy đủ, chiều ngày 19/12/2018, Trung đã gọi điện đến ngân hàng H. chi nhánh Yên Viên để yêu cầu rút tiền vào ngày 20/12. Sáng ngày hôm sau, Trung bắt taxi đến ngân hàng, làm thủ tục rút 2 sổ tiết kiệm với số tiền hơn 13 tỷ đồng.

Các nhân viên của ngân hàng đã làm thủ tục cho Trung rút đủ số tiền. Trung chuyển tiền lên taxi yêu cầu tài xế đưa đến điểm hẹn với đối tượng Bá Anh đang chờ sẵn tại địa bàn tỉnh Bắc Ninh, chuyển hết bao tải tiền lên chiếc xe Mercedes GLK của Trung rồi biến mất...

Để không phải nhận trái đắng

Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng văn phòng Luật sư Trung Hòa, thuộc Đoàn luật sư Hà Nội cho biết, thời gian qua các ngân hàng, tổ chức tín dụng, siêu thị điện máy và một số cá nhân có nhu cầu cho vay đã bị các đối tượng sử dụng giấy tờ giả để lừa đảo.

Với nhiều tổ chức, cá nhân chỉ cần những giấy tờ tùy thân như CMND, CCCD, sổ hộ khẩu, hợp đồng lao động… là đã có thể thực hiện thủ tục vay tín chấp, mở thẻ tín dụng tại các ngân hàng hoặc vay của cá nhân, tổ chức khác. Bởi vay tín chấp chủ yếu dựa vào sự tin tưởng giữa hai bên dựa trên một số giấy tờ cá nhân. 

Vay tín chấp không cần tài sản thế chấp không giống như thủ tục vay thế chấp, vì thế mà rủi ro cho vay với loại hình này rất cao. Các đối tượng lừa đảo tiến hành làm giả các giấy tờ nêu trên, sử dụng các giấy tờ giả để tiến hành vay tín chấp, vay tiền của các cá nhân, tổ chức sau đó chiếm đoạt số tiền đó.

Do đó, khi thực hiện việc cho vay bằng tín chấp thì các ngân hàng, tổ chức tín dụng hoặc cá nhân cần phải thận trọng trong các khâu kiểm tra hồ sơ. Bên cạnh đó, một số nhân viên của ngân hàng và tổ chức tín dụng do phải hoàn thành chỉ tiêu doanh số mà thả lỏng các bước thẩm tra tài sản, thông tin cá nhân người vay dẫn đến dễ bị sa vào bẫy lừa của các đối tượng. Đối với các cá nhân thì đôi khi vì cả nể, quen biết hoặc đôi khi vì lợi nhuận cho vay mà bỏ qua các bước xác định cơ bản.

Để tránh những "trái đắng" khi cho vay tín chấp, bên cho vay cần hết sức chú ý, thận trọng trong quá trình cho vay. Cần tuân thủ đầy đủ các quy trình đã được quy định đối với các ngân hàng, tổ chức tín dụng để đảm bảo tốt hơn các hợp đồng cho vay. Đối với các cá nhân thì nên xem xét kỹ lưỡng, đảm bảo các yếu tố để bảo đảm cho khoản vay của mình, tránh rủi ro.

Đặc biệt qua một số vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ vay tín chấp xảy ra thời gian qua, Công an TP Hà Nội đã phát hiện có những nhóm đối tượng ở trong các tỉnh thành phía Nam đã lấy được "phôi" thật của các loại giấy tờ như sổ hộ khẩu, giấy CMND. Từ đó, các đối tượng người miền Bắc  có "tay nghề cao" sẽ dùng kỹ thuật in phun khiến việc xác định thật giả là vô cùng khó khăn. Điều này hết sức nguy hiểm khi các đối tượng sử dụng với mục đích lừa đảo.

Một điều tra viên Phòng CSĐT tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, Công an TP Hà Nội cảnh báo, người dân khi tiến hành các giao dịch mua bán nhà đất cần kiểm tra kỹ giấy tờ, tình trạng pháp lý của nó đồng thời nhanh chóng thực hiện việc sang tên đổi chủ. Chính vì sự chủ quan, không kiểm tra tính pháp lý của mảnh đất, căn hộ, "lười" nộp thuế đất hoặc làm thủ tục sang tên của người mua đã tạo điều kiện cho đối tượng lừa đảo .

Theo một chuyên viên tư vấn chuyển nhượng nhà đất, tính pháp lý của bất động sản là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định việc giao dịch. Tuy nhiên, nhiều người mua nhà chưa nâng cao cảnh giác nên phải nhận rủi ro. Theo đó để không biến mình thành nạn nhân, người mua cần thực hiện các công đoạn sau trước khi chuyển tiền:

Thứ nhất, kiểm tra hồ sơ, giấy tờ cần cẩn thận, kỹ lưỡng xem độ cũ, mới của giấy tờ; những vết tích tẩy, xóa; lỗi chữ, chữ ký, con dấu... Thứ hai, người mua không nên nóng vội mà cần dành thời gian để tìm hiểu về bên bán.      Thứ ba, khi thấy nhiều dấu hiệu nghi vấn về tính pháp lý, người mua cần tới tận cơ quan cấp sổ hồng, sổ đỏ để xác minh về những giấy tờ đó...

Làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức có thể bị phạt tù đến chung thân

Đối với hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự có thể bị phạt tù tới 7 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174. Tùy từng trường hợp mà có khung hình phạt khác nhau. Mức phạt cao nhất lên đến 20 năm hoặc tù chung thân. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

M. Tiến - M. Trí
.
.