Cảnh sát Môi trường đã phát hiện Tungkuang vi phạm như thế nào?

Thứ Năm, 29/04/2010, 08:45

"Hồ sơ về vi phạm của Tungkuang đã được Thượng tá Trần Quốc Tỏ, Phó cục trưởng C36 chỉ đạo từ cuối năm 2009 và đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ của Công an tỉnh Hải Dương" - Trung tá Lê Quang Đồng, Phó phòng phụ trách Phòng 2, Cục Cảnh sát PCTP về môi trường (C36) nói với chúng tôi: "Chỉ đạo của lãnh đạo Cục với anh em Phòng 2 rất rõ là phải làm thật kỹ vụ này, tìm cho ra được hệ thống xả thải ngầm của Tungkuang để đánh một trận là họ không còn đường chối cãi".

"Mật phục" bên cống nước thải

Các trinh sát đã phải mất rất nhiều công sức, thời gian để mật phục quan sát, dầm nước chịu ngứa, chịu bẩn nơi miệng cống xả thải ra sông Giẽ của Tungkuang chỉ để nắm được quy luật, giờ giấc xả nước thải của công ty. Chứng kiến nước sông Giẽ hết đỏ, lại xanh, vàng, rồi lại đục ngầu lên như nước vo gạo là biết Tungkuang đang xả trộm nước thải không qua xử lý.

"Biết thì biết thế nhưng chưa làm gì được vì phải chờ củng cố chắc chứng cứ - anh Đào Hữu Lực, anh Nguyễn Văn Anh, anh Nguyễn Xuân Hùng và Đoàn Khắc Tăng, những trinh sát Phòng 2 "nằm vùng" lâu nhất bên miệng cống thải Tungkuang nói - chúng tôi chỉ thu lại mẫu nước thải rồi đem đi phân tích, giám định để xem có những chất độc hại gì, vượt bao nhiêu lần quy định cho phép và đến khi được anh em ở Trung tâm Kiểm định môi trường của Cục (C36) trả lời hầu hết các chỉ số môi trường đều vượt, trong đó nhiều nhất là ô nhiễm kim loại nặng thì kế hoạch vào bắt quả tang Tungkuang lúc đang xả thải đã được vạch ra, vấn đề chỉ còn chờ xác định chắc chắn vị trí ống thải ngầm nằm ở đâu?".

Gian nan tìm ống thải ngầm

Nếu không biết đích xác  cống thải ngầm đặt ở đâu, khó khăn sẽ đặt ra cho trinh sát khi ập vào bắt quả tang mà công nhân nhà máy kịp thời bấm nút đóng cửa cống xả nước thải trộm không qua xử lý. Kinh nghiệm qua nhiều lần kiểm tra của trinh sát cho biết: hầu hết các doanh ngiệp lớn bây giờ đều xây dựng song song 2 hệ thống xả thải, khi có đoàn kiểm tra là đóng hệ thống xả ngầm, mở hệ thống xả thải có qua xử lý để nếu cơ quan chức năng có thu mẫu làm bằng chứng thì các chỉ số cũng không bị vượt.

Đại diện Công ty Tungkuang, ông Hsu Chin Cheng - Phó Giám đốc, ký tên vào biên bản làm việc với C36, thừa nhận những sai phạm của Công ty.

"Qua nguồn tin từ cơ sở là các công nhân trong nhà máy, chúng tôi biết được chỉ có Ban Giám đốc công ty; ông Nguyễn Văn Nhiệm, Quản đốc phân xưởng xi, mạ, sơn tĩnh điện và khu xử lý nước thải cùng 2 công nhân vận hành trực tiếp hệ thống xả thải là biết rõ về đường cống ngầm này - Trung tá Võ Anh Tuấn, Đội trưởng Đội 1 - Phòng 2, C36 kể. Tuy nhiên, việc tiếp cận những người này để lấy thông tin về hệ thống cống thải ngầm là "nhiệm vụ bất khả thi" vì kể cả 2 công nhân vận hành cũng được trả lương khá cao và đều rất mực trung thành với Ban Giám đốc vì nghe đâu cùng là người nhà ông Nguyễn Văn Nhiệm".

Mất bao công phu, áp dụng cả biện pháp nghiệp vụ, rốt cuộc trinh sát cũng biết được đích xác cống ngầm nằm ở đâu. Công lớn trong việc tìm ra vấn đề mấu chốt này phải kể đến Trung tá Võ Anh Tuấn - Đội trưởng, Trung tá Đào Hữu Lực - cán bộ Đội 1, Phòng 2, C36, những người đã xây dựng được cả một mạng lưới nguồn tin từ cơ sở trong chính nhà máy Tungkuang.

Phá án

Một kế hoạch chi tiết vào bắt quả tang Tungkuang được vạch ra do Đại tá Lương Minh Thảo, Phó Cục trưởng C36 chỉ đạo trực tiếp.

16h ngày 13/4/2010, 2 cán bộ của Trung tâm Kiểm định tiêu chuẩn môi trường, Cục C36 và một số cán bộ tăng cường của Phòng 2 được lệnh lên đường mà không rõ đi đâu, đến địa giới Hải Dương mới biết là đi tăng cường "đánh" vụ Tungkuang. Đa số cán bộ Đội 1 đã cắm chốt ở quanh Tungkuang suốt mấy ngày qua để chuẩn bị cho giờ phá án.

Đúng 18h ngày 13/4, trinh sát báo về: "Có khó khăn" - lực lượng bảo vệ của Công ty Tungkuang hôm nay khá đông, 10 người, khu xử lý nước thải luôn có người gác và được chiếu đèn cao áp sáng liên tục. Một phương án được đặt ra, yêu cầu phải áp sát nhanh và bắt quả tang lúc công nhân đang vận hành hệ thống xả thải không qua xử lý.

20h30', tin trinh sát: "Tungkuang đang xả thải trộm", lệnh tấn công được phát ra. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, gần chục chiến sĩ Công an đã nhanh chóng khống chế số bảo vệ cổng để một mũi tấn công khác tiếp cận khu xử lý nước thải. Kết quả, họ đã bắt quả tang công nhân vận hành hệ thống xả thải của Tungkuang tên là Nguyễn Quang Chiến đang đấu nối đường ống từ bể lớn chứa nước thải chưa xử lý ra đường ống ngầm để chuẩn bị xả trộm ra sông Giẽ.

Đội trưởng Võ Anh Tuấn,  Nguyễn Tuấn Quảng và Phạm Hồng Sơn lập tức áp sát, khống chế Nguyễn Quang Chiến, yêu cầu giữ nguyên hiện trường và mời đại diện Công ty Tungkuang đến chứng kiến việc thu mẫu nước thải cùng hành vi xả trộm nước thải qua đường cống ngầm. Quá trình làm việc với trinh sát C36, Nguyễn Quang Chiến đã thừa nhận: Nhận được sự chỉ đạo từ Ban Giám đốc Công ty Tungkuang để không vận hành hệ thống xử lý nước thải mà  bơm xả nước thải sản xuất trực tiếp qua đường cống ngầm ra sông Giẽ.

Trung tá Lê Quang Đồng, Phó Trưởng phòng Phụ trách Nhóm 2 đang mô tả về quá trình xả thải trộm của Tungkuang.

Mới đầu đại diện Công ty Tungkuang, ông Liu Chen Lin, Phó giám đốc chối bay chối biến việc xả trộm nước thải qua đường cống ngầm, nhưng đến khi Trung tá Võ Anh Tuấn yêu cầu công nhân nhà máy đào ngay đường ống (đoạn sau tủ điều khiển và dưới rãnh thoát nước của khu xử lý nước thải) thì lộ diện ngay đoạn cống ngầm. Đến đây thì ông Liu hết đường chối cãi và lập tức... im lặng.

Ngày 14/4, việc đào đoạn cống ngầm vẫn được tiếp tục, đại diện Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường TP Hà Nội cũng được mời đến để thu mẫu nước thải đưa đi giám định. Lúc này đại diện Công ty Cổ phần Công nghiệp Tungkuang, ông Hsu Chih Cheng và ông Liu Chen Lin, 2 Phó giám đốc người Đài Loan đã có thái độ hợp tác, thừa nhận hành vi xả nước thải sản xuất không qua xử lý ra môi trường bằng đường cống ngầm chôn dưới đất và đề nghị được tự nguyện đào, tháo dỡ đường ống trên...

Một chiến công nữa của CBCS Cục Cảnh sát PCTP về môi trường, phá vỡ thủ đoạn gian dối của doanh nghiệp lớn, làm giàu bất chính bằng sự đầu độc môi trường Việt Nam. Vụ việc được dư luận mấy ngày qua đánh giá nghiêm trọng như Veđan về mức độ tinh vi và phạm vi gây nguy hại đến môi trường.

Ngày 19/4/2010, ông Bùi Cách Tuyến, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã khẳng định với báo chí về quyết tâm chung của các cơ quan chức năng về xử lý vụ Tungkuang: "Phải xử phạt thật nghiêm Tungkuang với tình tiết tăng nặng bởi công ty này đã có hành vi gây ô nhiễm môi trường có tính chất nghiêm trọng, kéo dài và tái phạm"

Ngọc Lân
.
.