Cảnh sát hình sự CA Hà Nội: Cuộc truy tìm thủ phạm bắt cóc bé gái 4 tuổi

Thứ Bảy, 01/11/2008, 13:00

5 ngày căng thẳng của gia đình anh Dương Lê Lâm và cháu Dương Diệu Vy đã được các chiến sĩ Đội điều tra trọng án, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về TTXH, Công an TP Hà Nội phối hợp hóa giải một cách xuất sắc. Kẻ bắt cóc cháu Diệu Vy chính là người bác ruột trong gia đình lâu ngày không gặp. Bản chất của tội phạm, sẵn sàng làm tất cả mọi việc vì tiền, đã thể hiện rõ. Nhưng sự việc còn là bài học cảnh giác cho các gia đình có con nhỏ.

Tai họa bất ngờ

Nhớ lại những ngày vừa qua, vợ chồng anh Dương Lê Lâm và chị Nguyễn Thị Thu Hiền vẫn chưa hết bàng hoàng và kinh hãi. Cho đến giờ phút này, anh Lâm và chị Hiền vẫn không thể tưởng tượng được rằng, mối đe dọa tới hạnh phúc và sự bình yên của họ lại xuất phát từ chính người ruột thịt trong gia đình như thế.

Mọi việc bắt đầu trưa ngày 12/10/2008. Thấy chị gái đến chơi khá bất ngờ, chị Hiền mừng lắm. Nguyên gia đình Hiền có 3 chị em, Nguyễn Thị Thu Hà là chị cả. Mẹ mất sớm, năm 16 tuổi, cảnh nhà khó khăn, Hà phải bỏ nhà, một mình lên Đồng Đăng, Lạng Sơn làm thuê kiếm sống. Nghe tin chị gái sang và lấy chồng bên Trung Quốc đã lâu nay, nhưng gia cảnh cũng chẳng khấm khá gì. Căn hộ 303 nhà CT9, khu tập thể Định Công của vợ chồng Hiền – Lâm ngày hôm ấy náo hoạt hẳn lên. Ông bà nội của cháu Diệu Vy, ở cùng với gia đình Hiền – Lâm cũng vui lây. Cô con dâu của ông bà mới sinh cháu nội thứ 2 được 3 tháng, nếu có thêm bác ruột về đây ở chơi đỡ đần cho thì còn gì bằng. Trong số các thành viên trong gia đình, bé Diệu Vy, mới 4 tuổi, là người bắt thân với bác nhanh nhất. Bởi tuy mới gặp nhau, nhưng bác đã có vẻ rất quan tâm tới cháu, hay mua kẹo bánh cho cháu ăn...

Thực tế là về sau này, khi cháu Diệu Vy được giải cứu an toàn về với gia đình, anh Lâm, chị Hiền mới biết rằng, việc bắt cóc cháu còn được người bác ruột Nguyễn Thị Thu Hà âm mưu thực hiện từ trước đó. Theo các cô giáo ở trường mầm non nơi cháu Diệu Vy học, thì từ chiều ngày 14/10, đã có một người phụ nữ tầm trung tuổi, dáng người “hộ pháp” đến tự xưng là bác của cháu Diệu Vy, và đề nghị được đón cháu về. Tuy nhiên, vì gia đình anh Lâm, chị Hiền đã đăng ký với nhà trường rằng chỉ có bố, mẹ hoặc ông, bà của cháu mới được đón cháu, và ngày hôm ấy cũng không thấy gia đình có dặn dò ngoại lệ, nên các cô giáo đã cương quyết không cho Hà đón cháu Diệu Vy... Đây cũng sẽ là một biện pháp phòng ngừa rất đáng lưu ý cho các gia đình đang có con nhỏ gửi trẻ cũng như bài học quý giá cho các trường mầm non trước những tình huống tương tự có thể xảy ra.

Khi ý định bắt cóc cháu Diệu Vy ngay từ cổng trường mầm non không thành, Hà nảy sinh âm mưu tiếp theo.Hôm sau, tức là chiều ngày 15/10, nhằm lúc cháu Diệu Vy đã được ông bà đón về nhà, Hà bèn xin phép ông bà nội cho Diệu Vy xuống đường đi mua sắm quần áo. Vừa xuống đến tầng 1, Hà bế thốc Diệu Vy vào một chiếc taxi chờ sẵn và dong thẳng một mạch hướng Đồng Đăng, Lạng Sơn. Tối muộn ngày hôm ấy, mãi không thấy cháu Diệu Vy về, anh Lâm, chị Hiền tất tưởi lên phường trình báọ Tuy nhiên, phải đến chiều ngày hôm sau, 16/10, sau khi Hà chủ động liên hệ với Hiền để thỏa thuận về việc đòi tiền chuộc cháu Diệu Vy, gia đình mới biết đích xác chính Nguyễn Thị Thu Hà, bác ruột, là người đã bắt cóc cháu Diệu Vy...

5 ngày phá án

Ngay sau khi nhận được đơn trình báo của gia đình, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về TTXH (PC14), Công an TP Hà Nội đã giao nhiệm vụ cho Đội điều tra trọng án phối hợp với Công an quận Hoàng Mai tổ chức điều tra, xác minh nguồn tin. Lãnh đạo PC14 đã cử nhiều tổ công tác đi theo nhiều mũi khác nhau, trong đó có cả mũi về làng Nậm, xã Hóa Trung, Đồng Hỷ, Thái Nguyên, là quê nhà của hai chị em Hiền và Hà để xác minh thêm về nhân thân của Hà. Từ những thông tin qua các mũi xác minh báo về, Ban chuyên án nhận định có thể Hà sẽ đưa cháu Diệu Vy qua biên giới theo đường tiểu ngạch Lạng Sơn. Thứ nhất, để đi qua biên giới, thì Lạng Sơn là con đường ngắn nhất. Ngoài ra, trong những lần trước về Việt Nam, Hà đều đi qua đường này.

Với phán đoán chính xác như vậy, PC14 Công an TP Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với PC14 Công an tỉnh Lạng Sơn, Công an TP Lạng Sơn, Công an huyện Cao Lộc và huyện Văn Lãng của tỉnh Lạng Sơn cùng Bộ Chỉ huy Biên phòng, Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn tiến hành rà soát, kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động xuất nhập cảnh qua biên giới, kể cả đối với các đường mòn, tiểu ngạch để kịp thời ngăn chặn việc Hà đưa cháu Diệu Vy qua biên giớị Đồng thời, PC14 Công an TP Hà Nội cũng đề xuất với Công an tỉnh Lạng Sơn có sự liên lạc với Công an Bằng Tường, Trung Quốc, cung cấp nhân dạng để phối hợp tổ chức rà soát theo đặc điểm đối tượng. Công an hai nước đã thường xuyên trao đổi với nhau về những thông tin thu thập được, về những phán đoán để ngày càng đi đến khẳng định Hà vẫn đang loanh quanh ở khu vực biên giới chứ chưa sang được đất Trung Quốc.

Sau khi đưa cháu Diệu Vy đến Đồng Đăng, Hà liên tục thay đổi địa điểm cư trú, lúc thì ở nhà trọ này, lúc lại ra nhà trọ khác. Có điều ai hỏi, Hà đều nhận bé Diệu Vy là con mình, và “hai mẹ con đang đợi bố đến đón!”. Được cái bé Diệu Vy cũng ngoan, không khóc lóc gì, trừ lúc đi ngủ có nhớ mẹ, nhưng Hà dỗ được. Mỗi lần phải di chuyển, Hà đều xõa tóc, đội nón che sụp xuống mặt để khỏi bị phát hiện. Cháu Diệu Vy cũng bị Hà cho mặc áo chống nắng khoác ra ngoài, bịt khẩu trang để tránh người quen nhận dạng.

Trong những ngày đầu, đến bữa ăn Hà lại thuê xe ôm đi mua cơm để hai bác cháu ăn. Nhưng đến ngày cuối, kẻ bắt cóc hết tiền, bé Diệu Vy phải ăn mỳ tôm. Bản thân Hà còn “bùng” tiền phòng trọ của mấy cơ sở nhà trọ trong khu vực. Cho đến khi bị bắt tại nhà nghỉ Tân Tân ở số 137 phố Lò Rèn, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, Cơ quan công an khám xét trong túi Hà chỉ còn đúng 5.000 đồng.

Khi Hà mới đến nhà chơi, chị Hiền đã cho Hà một simcard điện thoại của Việt Nam. Tuy nhiên, khi bắt cháu Diệu Vy đi, Hà đã lập tức vứt simcard này đi và mất liên lạc hoàn toàn để đánh lạc hướng Cơ quan điều trạ Đến chiều ngày 16/10, khi đã đưa cháu Diệu Vy đến được sát biên giới Trung Quốc, Hà mới dùng một số thuê bao của Trung Quốc điện về cho em gái để thông báo chính thức đã bắt cóc cháu. Ban đầu, Hà còn giả bộ không nói đến chuyện tiền nong, chỉ nói về hoàn cảnh của mình đang gặp khó khăn. Nhưng, bản chất của thủ phạm, bắt cóc tống tiền chỉ đến lần thứ hai là đã bộc lộ. Hà yêu cầu nhà Hiền phải nộp 10 vạn NDT, tương đương 250 triệu đồng Việt Nam thì mới thả cháu Diệu Vy. Hình thức giao nhận, theo yêu cầu của Hà, phải do gia đình Hiền mang qua biên giới, nạp vào tài khoản của Hà ở ngân hàng Trung Quốc và không chấp nhận hình thức giao dịch nào khác.

Trong lúc này, nhất cử nhất động cũng như mọi liên hệ giữa Hà và gia đình Hiền đều được Ban chuyên án cập nhật từng giờ. Nhận thấy sự vòng vo của Hà nhằm mục đích đánh lạc hướng sự chú ý, và cũng là yêu cầu phải đặt sự an toàn của cháu Diệu Vy lên hàng đầu, Ban chuyên án quyết định anh Lâm sẽ giao trước 2 vạn NDT để Hà nói ra phương thức giao nhận cũng như địa điểm giao nhận cháu tại Bằng Tường, Trung Quốc.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ và sự phối hợp nhịp nhàng của Công an tỉnh Lạng Sơn, Công an Bằng Tường, Trung Quốc, đến tối ngày 19/10 Ban chuyên án đã có thông tin về việc Hà đang giam giữ cháu Diệu Vy ở khu vực giáp ranh giữa xã Tân Mỹ của huyện Cao Lộc, xã Tân Mỹ của huyện Văn Lãng và thị trấn Đồng Đăng của Cao Lộc. Đến 7h30' ngày 20/10, các trinh sát xác định chính xác Hà đang ở nhà nghỉ Tân Tân. Khi các trinh sát đạp cửa xông vào, bé Diệu Vy cũng vừa ngủ dậy, còn đang ngơ ngác lắm. Nhưng khi các trinh sát nối máy điện thoại với gia đình, nghe tiếng bà nội, tiếng mẹ ở đầu dây bên kia, bé Diệu Vy òa khóc. Nhiều anh em trinh sát có mặt lúc ấy thương bé, cũng rơm rớm nước mắt...

Đại diện phòng CSĐT tội phạm về TTXH CATP Hà Nội trao cháu Vy an toàn khoẻ mạnh cho gia đình.

Bài học đắt giá

Như đã nói ở trên, Hà và Hiền vốn là hai chị em ruột. Hà sinh năm 1974, hơn Hiền đúng 14 tuổi. Khi Hiền mới 2 tuổi, Hà đã phải đi làm thuê, tự bươn chải cuộc sống. Có lẽ chính vì cuộc sống tự lập sớm đã hình thành nên con người Hà, một người đàn bà trông bề ngoài khá thô kệch với đôi mắt lạnh như dao. Làm thuê ở Đồng Đăng được ít lâu, Hà bắt đầu tham gia các hoạt động buôn bán giữa hai bên đường biên và rồi, theo lời khai, đã lấy chồng bên Trung Quốc và có một con trai. Tuy nhiên, có một điểm đáng lưu ý là khi sự việc xảy ra, mặc dù Cơ quan Công an Việt Nam đã cung cấp đầy đủ thông tin về xuất xứ, đặc điểm nhân dạng của Hà cho Công an Trung Quốc, song lực lượng chức năng nước này không thể tìm ra được người nào có những dấu hiệu trùng khớp.

Khám người Hà, Cơ quan công an còn thu được một chứng minh thư Trung Quốc giả. Và theo lời khai nhận của Hà, thì Hà lấy chồng cũng chẳng có hôn thú gì. Ban đầu, ở Trung Quốc, Hà còn có một vài mối buôn bán nhỏ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc đi lại khó khăn, cộng với tình hình hàng họ ế ẩm, Hà gần như rơi vào tình trạng thất nghiệp.

Tại Cơ quan Công an, Hà khai nhận sau khi đến chơi nhà em gái, thấy gia đình em khá giả nên đã nảy sinh ý định bắt cóc cháu gái để tống tiền. Về lý do cần tiền, có lúc Hà giải thích rằng vì con trai Hà cũng đang bị bắt cóc đòi tiền chuộc, không có tiền nên làm liều. Nhưng sau đó, Hà lại khai rằng do chồng mắc bệnh hiểm nghèo, không có tiền nên muốn “vay tạm” của em gái một ít. Tuy nhiên, theo lời chị Hiền kể lại rằng, khi Hà gọi điện thông báo đang giữ cháu Diệu Vy, chị Hiền đã hỏi rằng chị em với nhau, nếu cần tiền cứ nói một tiếng, tại sao làm thế, thì Hà đã trả lời: “Tao đang cần tiền, tao không còn cách nào khác!”. Có lúc Hà còn dọa em gái “không được đi báo công an. Báo công an là tao ôm con Vy nhảy xuống sông mà chết”.

Nội tình sự việc vẫn còn đang tiếp tục được làm rõ. Tuy nhiên, qua vụ án này, Cơ quan công an khuyến cáo các gia đình, đặc biệt là các gia đình có con nhỏ hoặc làm ăn buôn bán thường xuyên có tiền mặt lưu giữ tại gia đình cần hết sức cảnh giác trong các mối quan hệ chưa được thẩm định. Kể cả đối với người có quan hệ trong gia đình hoặc đã từng thân thiết nhưng lâu ngày không gặp nhau, hoặc giả có gặp nhau thường xuyên nhưng lại xuất hiện các yếu tố bên ngoài gây tác động thay đổi tới cuộc sống của họ như buôn bán thua lỗ, vỡ nợ chứng khoán... đều phải có ý thức tự bảo vệ mình.

Bản chất của tội phạm luôn là sẵn sàng làm tất cả vì tiền. Vì thế, tự bảo vệ mình trong các mối quan hệ không có nghĩa là dè chừng, mà chính là ngăn ngừa mọi ý đồ xấu có thể gây ra sự tổn hại, thậm chí có thể là mất hoàn toàn đối với mối quan hệ đó. Đã có không ít vụ án mạng xảy ra mà nạn nhân và thủ phạm là những người có quan hệ mật thiết với nhau, thậm chí là có quan hệ huyết thống. Vụ án cướp tiệm vàng Kim Sinh; vụ giết người tại nhà nghỉ 921 nằm trên phố Ngô Gia Tự, Gia Lâm, Hà Nộị.. là những ví dụ cụ thể.

Còn trong trường hợp vụ án này, mặc dù là chị em ruột, song thực tế Hà đã đi khỏi gia đình từ khi Hiền mới 2 tuổi. Chị em có thể nói là không biết về nhau nhiều. Vậy mà chị Hiền đã quá tin tưởng vào Hà ngay khi gặp nhau, đồng ý để Hà và cháu Diệu Vy đi mua sắm với nhau. Sơ suất đó đã suýt nữa khiến gia đình phải trả giá đắt

Việt Anh
.
.