Chân dung "tỷ phú lưu kho" Hoàng Quang Dụ

Thứ Sáu, 07/10/2016, 11:55
Sau nhiều lần được giảm án nhờ thành tích cải tạo tốt trong tù, dự tính ngày ra tù của cựu tỷ phú hàng đầu Trung Quốc Hoàng Quang Dụ là ngày 16-2-2021.

Nhớ lại ngày 17-11- 2008, thông tin tỷ phú Hoàng Quang Dụ (Wong Kwong Yu), Chủ tịch Tập đoàn điện tử gia dụng Quốc Mỹ (Gome) bị lực lượng công an bắt đưa đi đã làm chấn động dư luận trong và ngoài Trung Quốc.

Mới chỉ tháng 10 năm ấy, Hoàng Quang Dụ còn được xếp đứng đầu bảng danh sách những người giàu nhất đại lục Trung Quốc với tổng giá trị tài sản khoảng 6,3 tỷ USD. Vì là nhân vật đặc biệt, việc tỷ phú Hoàng bị bắt luôn được cơ quan chức năng giữ kín, chỉ biết hành vi phạm tội là "thao túng thị trường chứng khoán", cụ thể là thao túng giá trị cổ phiếu ST Kim Thái (số hiệu 6003865 của sở giao dịch Thượng Hải) và những bất hợp lệ khác về tài chính.

Tỷ phú Hoàng Quang Dụ.

Trước đó, năm 2006, Hoàng Quang Dụ và anh trai là Hoàng Tuấn Khâm cũng đã bị bắt để điều tra về vụ vi phạm các khoản tiền vay ngân hàng liên quan đến Công ty đầu tư Tân Hoàng Cơ của Hoàng. Sau đó cả hai đều thoát tội. Cũng năm 2006, Tạp chí Forbest trụ sở tại Thượng Hải đã xếp Hoàng Quang Dụ đứng đầu danh sách "Những người giàu nhất Trung Quốc" với tổng giá trị tài sản là 18,9 tỷ nhân dân tệ.

Cùng bị bắt một lượt với Hoàng Quang Dụ là giám đốc tài vụ Châu Á Phi. Riêng vợ Hoàng là Đỗ Quyên và một số nhân viên tài vụ khác đã bỏ trốn.

Tay trắng làm nên

Hoàng Quang Dụ tên thật là Hoàng Tuấn Liệt, sinh ngày 9-5-1969 tại thôn Phụng Hồ, khu Triều Dương, thành phố Sán Đầu, tỉnh Quảng Đông trong một gia đình nông dân nghèo. Lúc nhỏ, Hoàng cùng anh trai phải đi nhặt nhạnh đồ phế thải về dùng. Chưa học hết cấp 1, năm 16 tuổi Hoàng đã bắt đầu lưu lạc mưu sinh.

Người anh trai là Hoàng Tuấn Khâm có thiên tư về điện tử, tự mày mò lắp ráp các thiết bị điện tử gia dụng. Những năm 1980, chính sách kinh tế Trung Quốc vẫn chưa thông thoáng, buôn hàng điện tử còn bị coi là "đầu cơ", theo làn sóng buôn ngầm, hai anh em họ Hoàng quyết định đi buôn lậu các mặt hàng như đồng hồ điện tử, máy nghe nhạc… từ Quảng Đông chuyển lên các tỉnh miền bắc bán kiếm lời. Đây là hành vi phạm pháp nên mỗi lần hai anh em lên đường là người mẹ ở nhà lo thắt ruột.

Rồi nỗi lo cũng thành sự thật, trong một chuyến hàng lên bán ở Hô Hoà Hạo Đặc, Hoàng Tuấn Khâm bị bắt. Sau khi được thả ra, hai anh em bèn hùn vốn với một người bạn mở một cửa hàng vô tuyến điện, chuyên chế lắp các thiết bị khuếch âm.

Chỉ trong 3 năm, kinh tế đã trở nên khá giả, hai anh em họ Hoàng bèn quyết định lên Bắc Kinh lập nghiệp. Năm 1987, Tuấn Khâm và Quang Dụ lập Công ty điện khí Quốc Mỹ. Hoàng Tuấn Khâm chỉ nhờ vào tự học mà trở thành chuyên gia trong lĩnh vực máy tính và kỹ thuật vô tuyến cao cấp. Năm 1988, Quốc Mỹ đã sử dụng máy vi tính để thu tiền, phần mềm sử dụng là do Tuấn Khâm viết ra. Lúc ấy ở Bắc Kinh chuyện này vẫn còn rất hiếm.

Năm 1993, hai anh em bắt đầu chia ra, Hoàng Tuấn Khâm thành lập Tập đoàn Tân Hằng Cơ, chuyển sang kinh doanh bất động sản, dần dần mở ra hàng loạt cơ sở lớn ở Bắc Kinh và xung quanh như Toà nhà kỹ thuật cao Tân Hằng Cơ; Nhà hàng Lis Hoàng Gia; Trung tâm Tân Hằng Cơ Thẩm Dương; Toà nhà Quốc tế Tân Hằng Cơ; Công viên biệt thự Hoà Lai; Toà nhà Bằng Nhuận (sau chuyển nhượng cho Hoàng Quang Dụ)…

Còn Hoàng Quang Dụ tiếp quản lý Tập đoàn điện khí Quốc Mỹ (Gome Electrical Appliances), dần dần phát triển thành một trong những tập đoàn phân phối hàng điện tử gia dụng lớn nhất Trung Quốc với hàng loạt chuỗi cửa hàng bán lẻ (hơn 1.200 cửa hàng), số lượng nhân công lên đến khoảng 300.000 người. Đến năm 2007, Tập đoàn Quốc Mỹ của ông chủ Hoàng đã làm thay đổi hoàn toàn bản đồ phân phối hàng điện tử Trung Quốc.

Ngoài ra, Hoàng Quang Dụ còn vươn ra lĩnh vực bất động sản, sáng lập Công ty TNHH đầu tư Bằng Nhuận Bắc Kinh, Quốc Mỹ đệ nhất thành, Minh Thiên đệ nhất thành, Gia viên Bằng Nhuận… Người ta vẫn nhớ câu nói của Hoàng Quang Dụ: "Năm 2008, doanh số bán lẻ của công ty sẽ đạt 120 tỷ nhân dân tệ". Nhưng chưa hết năm thì ngài chủ tịch đã ngã ngựa.

Chân dung "ông trùm"

Từ một chủ hiệu buôn nhỏ với số vốn không tới 400 nhân dân tệ, sau 21 năm, Hoàng Quang Dụ trở thành tỷ phú Trung Quốc với trị giá tài sản hơn 43 tỷ nhân dân tệ. Một thời gian dài, người ta xem Hoàng Quang Dụ như là "Sam Walton của Trung Quốc" - người sáng tạo ra hệ thống Wal Mart. Sự thành công của Quốc Mỹ và con đường làm giàu của Hoàng Quang Dụ là một kỳ tích đáng nể.

Quang Dụ và vợ con.

Giới tài phiệt coi Hoàng Quang Dụ là "cao thủ về tích lũy tư bản" dù trình độ vị tỷ phú này chỉ mới cấp 1. Từ năm 1999 khi bắt đầu đưa Quốc Mỹ bành trướng toàn Trung Quốc, Hoàng Quang Dụ lập ra Công ty đầu tư Bằng Nhuận với 5 tỷ NDT tiền vốn, tiến hành kiểu vận hành tư bản. Năm 2000, trong khi Tập đoàn điện khí Quốc Mỹ đang ăn nên làm ra thì bất ngờ Hoàng lại quyết định rút bớt cổ phần của mình tại Quốc Mỹ.

Đến tháng 4-2006, Hoàng lại tuyên bố với tư cách cá nhân bỏ ra 1,2 tỷ đô la Hồng Kông mua cổ phần của Tập đoàn điện khí Quốc Mỹ. Về sau mọi người mới hiểu Hoàng đang chơi trò "xiếc tư bản": đổ tiền từ tay trái sang tay phải.  Liên tục 3 năm 2006, 2007, 2008, Hoàng Quang Dụ luôn đứng đầu bảng danh sách những tỷ phú Trung Quốc của Hồ Nhuận xếp (Hurun China Rich List).

Lạnh lùng vô tình

Người ta nói rằng ở con người Hoàng Quang Dụ luôn tìm thấy những điểm đối lập, một tính cách đa dạng. Cho đến trước năm 2001, khi Hoàng Quang Dụ đứng hạng thứ 3 trong danh sách những người giàu nhất Trung Quốc, thì vẫn rất ít người biết đến tên tuổi anh ta.

Thư ký của Hoàng thì nói rằng Hoàng là con người nhân hậu, ngay thẳng, mỗi khi tan sở thường chào hỏi các nhân viên bảo vệ, vệ sinh. Nhưng với những đối tác làm ăn với Hoàng thì đều nhận xét rằng con người này làm cho họ "vừa thương vừa hận", vì sự tính toán chi li đến mức tàn nhẫn.

Trong tổng bộ của Tập đoàn Quốc Mỹ tại toà nhà Bằng Nhuận 18 tầng, Hoàng Quang Dụ là ông chủ đáng sợ. Thậm chí em rể của Hoàng là Trương Chí Minh, từng là Tổng giám đốc Quốc Mỹ, khi vào phòng làm việc của Hoàng cũng "cúi đầu cụp mắt như cô dâu mới".

Một vị từng làm quản lý cấp cao ở Quốc Mỹ tiết lộ rằng khi Hoàng quyết định làm một chuyện gì hoặc đang chuẩn bị kế hoạch làm gì thì tất cả phải phục tùng không điều kiện, không ai được cãi.

Có người từng dự thi chức vụ giám đốc chuyên nghiệp một bộ phận trong tập đoàn Quốc Mỹ, được Hoàng Quang Dụ phỏng vấn, kể lại rằng: "Ông ấy cùng một số vị tổng giám đốc đến phỏng vấn trực tiếp tôi. Ông ấy chẳng nói chẳng rằng, cứ ngồi trên ghế cao nhìn chằm chằm vào tôi, tôi có cảm giác như con vật bị săn, không có quyền đối thoại trực tiếp với ông ấy. Tôi từng đi nam về bắc mấy chục năm, tiếp xúc biết bao ông chủ lớn, nhưng với Hoàng Quang Dụ thì thật đáng sợ".

Hoàng Quang Dụ tất nhiên là rất bận rộn. Trong cuộc trả lời phỏng vấn tạp chí "Anh tài" ở Bắc Kinh, Hoàng nói rằng: "Có người khuyên tôi rằng, ông làm chủ một tập đoàn lớn như vậy thì đi đứng nên chậm một chút thì tốt hơn chứ? Nhưng tôi thấy rằng như vậy thì quá lãng phí thời gian". Khi được hỏi rằng "Ông thấy ông làm việc gì là hoang phí nhất?" Hoàng trả lời: "Thấy thứ gì ngon thì ăn mà không cần hỏi giá tiền trước".

Hoàng Quang Dụ đối với cấp dưới yêu cầu rất nghiêm khắc. Số tiền bán hàng mỗi năm của Quốc Mỹ tăng trưởng đến kinh khủng nhưng những người làm quản lý trong tập đoàn đều lo ngay ngáy vì họ chưa bao giờ đạt được mục tiêu mà ông chủ Hoàng đề ra.

Chẳng hạn, năm 2003, sản lượng tiêu thụ của Quốc Mỹ đạt đến 17,8 tỷ nhân dân tệ, nhưng so với mục tiêu Hoàng Quang Dụ đề ra vẫn còn thiếu 4,2 tỷ. Hoàng thường nói với các nhân vật quản lý cấp cao rằng: "Nếu chẳng phải tôi tạo cơ hội để bồi dưỡng cho các vị mà tự tôi đi làm thì chắc chắn Quốc Mỹ còn tốt hơn hiện nay". Nhưng vị tỷ phú này đã không còn cơ hội để bồi dưỡng cho ai được nữa.

Kiếm tiền là trên hết

Dù thế nào thì Hoàng Quang Dụ cũng là người giải quyết được việc làm cho 300.000 nhân công, mỗi năm nộp thuế 2 tỷ nhân dân tệ, và rất nhiều người nhờ anh ta mà mua được sản phẩm điện gia dụng giá rẻ. Tuy là người giàu có nhất nhì Trung Quốc, nhưng trong danh sách những nhà làm từ thiện lớn ở đại lục do Hurun bình chọn lại không có tên của Hoàng Quang Dụ.

Trả lời về sự hoài nghi "vi phú bất nhân" này của phóng viên, Hoàng chống chế rằng: "Làm chuyện từ thiện là nên lắm, nhưng tôi không muốn công bố tên tuổi, vì làm từ thiện là tu tâm chứ không phải tu danh".

Hoàng Quang Dụ cho rằng là một nhà kinh doanh đừng có nhấn mạnh quá mức trách nhiệm xã hội, nhưng cũng không nên tránh né. Ở một mức độ phát triển nhất định thì sẽ gánh vác một phần trách nhiệm. "Sự cống hiến lớn nhất của chúng ta đối với xã hội là đưa hết nguồn vốn vô hình và hữu hình của mình vào vận hành một cách tích cực trong xã hội".

Sau thời gian xét xử với các tội danh kinh doanh phi pháp, thao túng giao dịch và đưa hối lộ, ngày 30-8-2010 Tòa án trung cấp số 2 TP Bắc Kinh tuyên án Hoàng Quang Dụ 14 năm tù, phạt tiền 600 triệu nhân dân tệ, tịch thu tài sản 200 triệu nhân dân tệ.

Tỷ phú họ Hoàng thụ án tại Trại giam giữ số 2, TP Bắc Kinh. Nhờ cải tạo tốt, năm 2012, Hoàng được giảm án 10 tháng, năm 2015 được giảm 1 năm, tháng 5-2016 lại được giảm thêm 11 tháng, tổng cộng là 33 tháng. Nếu không có gì thay đổi thì Hoàng Quang Dụ sẽ được xuất ngục vào đầu năm 2021.

Thiên Tường (tổng hợp)
.
.