Chile: Phiên toà lớn nhất trong lịch sử xét xử những tội ác thời Pinoche

Thứ Năm, 05/06/2008, 13:30

Chile vừa mở một phiên tòa lớn nhất trong lịch sử nước này nhằm xét xử  gần 100 cựu quan chức quân sự và nhân viên Cục tình báo quốc gia (DINA) vì những tội ác bắt cóc và sát hại hàng chục thành viên của các tổ chức và đảng phái đối lập dưới thời nhà độc tài Augusto Pinochet.

Theo trát của Thẩm phán Victor Montiglio, các nhà chức trách Chile ngay từ hôm 26/5 đã tổ chức bắt giữ tổng cộng 98 người, phần lớn trong số này từng là nhân viên của Cơ quan Cảnh sát bí mật DINA và Bộ Quốc phòng dưới thời kỳ cầm quyền của nhà độc tài Augusto Pinochet (từ năm 1973 đến 1990).

Một ngày sau, Tòa án tối cao Chile chính thức đưa ra lời buộc tội, theo đó các cựu chiến binh và cơ quan mật vụ bị cáo buộc đã bắt cóc và sát hại hàng chục người chống đối vào tháng 7/1975 trong khuôn khổ chiến dịch thanh trừng đẫm máu mang tên Colombo. 

Khi đó, đích thân Pinochet đã ra lệnh triển khai chiến dịch này. Hai năm sau khi lên nắm quyền kể từ cuộc đảo chính đẫm máu lật đổ chính quyền hợp hiến của Tổng thống Salvador Allende, tại Chile vẫn còn không ít các chính trị gia đối lập được nhìn nhận như một “mối đe dọa” đối với chế độ độc tài của Pinochet. Trong khuôn khổ chiến dịch Colombo do DINA trực tiếp điều hành, đã có tổng cộng 119 chính trị gia đối lập bị bắt cóc.

Một thời gian dài sau đó, tất cả những nạn nhân trên được xếp vào danh sách những người bị mất tích. Còn các phương tiện truyền thông đại chúng tại Chile khi đó (tất nhiên dưới sự điều hành của chính quyền độc tài) lại cho rằng, những người này tham gia vào một âm mưu đảo chính, nên sau khi thất bại đã bỏ chạy ra nước ngoài.

Nhiều người trong số này được “giải thích” đã chết trong một số vụ xung đột với các băng nhóm tội phạm hay những vụ tranh giành quyền lực giữa các phe nhóm cánh tả ở ngoài biên giới Chile. 

Những nỗ lực đầu tiên nhằm điều tra chiến dịch Colombo đã bắt đầu được triển khai ngay sau khi chế độ độc tài sụp đổ vào năm 1990, nhưng không thể thu thập đủ các bằng chứng. Chẳng hạn như cho tới thời điểm này vẫn chưa thể phát hiện ra hài cốt của 42 trong tổng số 119 nạn nhân bị mất tích. Chiến dịch Colombo là một trong không nhiều vụ việc có thể giúp truy tố đích thân nhà cựu độc tài Pinochet (trong cam kết đặc xá cho viên tướng này vào năm 1990 không nhắc tới vụ này).

Tuy nhiên, do quá trình điều tra vụ này quá chậm chạp, Pinochet đã tránh được việc không phải ra tòa trước khi qua đời vì tuổi già vào ngày 10/12/2006.

Sau cái chết của Pinochet, nhóm điều tra do thẩm phán Victor Montiglio đứng đầu đã cam kết vì công lý sẽ đưa toàn bộ những kẻ tham gia vào chiến dịch Colombo ra trước tòa. Trong vòng một năm rưỡi qua, các điều tra viên đã nỗ lực thu thập được một số lượng lớn bằng chứng. Họ còn chứng minh được rằng, chiến dịch Colombo là điểm mở đầu cho quá trình hợp tác chặt chẽ giữa một số quốc gia độc tài tại châu Mỹ Latinh vào thời điểm đó.

Với chiến dịch thanh trừng này, các cơ quan mật vụ của một loạt nước thuộc châu Mỹ Latinh đã phối hợp thủ tiêu hàng ngàn chính trị gia cánh tả cũng như các thành viên cốt cán công đoàn.

Ngồi trên ghế bị cáo trong phiên tòa lịch sử lần này có nhiều nhân vật nổi tiếng là tàn ác dưới thời Pinochet, đáng chú ý nhất trong số này là cựu Giám đốc DINA Manuel Contreras. Tên này đã bị bắt giữ từ tháng 1/2005 và bị xét xử bởi một loạt tội ác trong quá khứ. Chưa kể phiên tòa lần này, tổng hình phạt tù của Contreras hiện đã lên tới 144 năm.

Nhiều họ hàng những nạn nhân trong chế độ Pinochet cũng hy vọng, phiên tòa lần này sẽ là điểm mốc quan trọng để tiếp tục triển khai các hoạt động điều tra liên quan đến cái chết của gần 3.000 người trong những năm cầm quyền của chính phủ độc tài

Quỳnh Lai (Tổng hợp)
.
.