Chính quyền Mỹ nói dối 935 lần về tình hình Iraq

Thứ Tư, 20/02/2008, 15:00
Vào năm 2003, khi phát động cuộc chiến chống Iraq, nhà cầm quyền Mỹ nêu lên 2 lý do chính: một là, chế độ Hussein ở Iraq sở hữu vũ khí sát thương hàng loạt, và hai là, chế độ Hussein có liên hệ với tổ chức khủng bố quốc tế Al-Qaeda...

Nhưng cho tới nay, mặc dù hết sức cố gắng, quân đội Mỹ vẫn không thể tìm thấy bất kỳ loại vũ khí sát thương hàng loạt nào ở Iraq và cũng chẳng phát hiện được mối liên hệ nào giữa chính quyền Hussein với Al-Qaeda. Và câu chuyện dối trá mà nhà cầm quyền Mỹ dựng lên để viện cớ tấn công Iraq không những được cả thế giới biết đến mà còn được chứng minh bằng các con số.

Vừa qua, 2 tổ chức phi thương mại của Mỹ – "Quỹ vì sự độc lập của báo chí" ("Found for Independence in Journalism", viết tắt là TFIJ) và "Trung tâm vì sự trung thực của chính quyền" ("The Center for Public Integrity") – trong một công trình nghiên cứu phối hợp đã thống kê số lượng những lời tuyên bố dối trá về Iraq mà chính quyền Mỹ đã đưa ra trong quãng thời gian từ tháng 9/2001 đến tháng 9/2003, quãng thời gian Mỹ chuẩn bị dư luận cho việc phát động và tiếp đó là tiến hành cuộc chiến tại Iraq vào tháng 3/2003.

Trong "tầm ngắm" của các tác giả công trình nghiên cứu nói trên là những lời tuyên bố và phát biểu của Tổng thống Bush cùng 7 quan chức cao cấp của chính quyền Mỹ hồi đó gồm Phó tổng thống Dick Cheney, Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell, Cố vấn của Tổng thống về an ninh quốc gia và hiện nay là Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Paul Wolfowitz và 2 thư ký báo chí của Tổng thống là Ari Fleischer và Scott McClellan.

Kết quả nghiên cứu cho thấy trong số 8 quan chức cao cấp đó, Tổng thống Bush đứng đầu bảng với 259 lời tuyên bố dối trá (231 về vũ khí hủy diệt hàng loạt của Iraq và 28 về mối liên hệ của chính quyền Hussein với Al-Qaeda), tiếp đó là cựu Ngoại trưởng Powell với 254 lời tuyên bố dối trá (244 về vũ khí hủy diệt hàng loạt của Iraq và 10 về mối liên hệ của Hussein với Al-Qaeda).

Để có được những số liệu thống kê chính xác, các nhà nghiên cứu đã sưu tầm và xem xét các tài liệu có chứa đựng những lời phát biểu của 8 chính khách nói trên về 2 vấn đề: chế độ Hussein có sở hữu vũ khí sát thương hàng loạt và có liên hệ với tổ chức khủng bố Al-Qaeda.

Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã xem xét các bản báo cáo của chính phủ, các bài diễn văn chính thức, các biên bản tốc ký các cuộc họp báo, các bài trả lời phỏng vấn, các lời điều trần có tuyên thệ và nhiều nguồn tư liệu khác, tất cả là 532 tài liệu với tổng số 935 lời tuyên bố dối trá (khẳng định Iraq có sở hữu vũ khí sát thương hàng loạt hoặc có liên hệ với Al- Qaeda). Để kết quả nghiên cứu có thêm sức thuyết phục, các nhà nghiên cứu quy định tài liệu thích hợp phải dài tối thiểu là 50 từ.

Trong bài bình luận về kết quả công trình nghiên cứu nói trên, 2 nhà báo thuộc TFIJ là Charles Lewis và Mark Reading Smith đi đến kết luận rằng những lời tuyên bố và phát biểu dối trá của các quan chức hàng đầu Mỹ về Iraq trong khoảng thời gian 2 năm kể từ tháng 9/2001 là "một bộ phận của một chiến dịch được tổ chức kỹ lưỡng nhằm chuẩn bị dư luận và lôi kéo đất nước vào cuộc chiến với những lý do hiển nhiên là giả tạo".

Nguy hiểm hơn nữa, những tuyên bố và phát biểu dối trá ấy còn được nhân rộng bởi các phương tiện thông tin đại chúng cả bên ngoài nước Mỹ.

Thực ra, trước đây đã có một số công trình nghiên cứu chính thức khẳng định những lý do mà chính quyền của Tổng thống Bush nêu lên để phát động cuộc chiến chống Iraq là không có cơ sở. Trong đó, đáng chú ý nhất là bản báo cáo của "Ủy ban 9-11" do một tiểu ban đặc biệt của Thượng viện Mỹ thực hiện và công trình nghiên cứu của Nhóm Quốc tế "Iraq Survey Group".

Những công trình nghiên cứu mới được công bố vẫn đặc biệt có giá trị. Nó là một bằng chứng hùng hồn cho thấy, ở Mỹ người ta có thể tạo nên một "trường thông tin" giả dối để thao túng dư luận xã hội rồi qua đó tiến hành gây khó khăn đối với một số nước

Vũ Việt (theo báo chí Nga)
.
.