Chuẩn bị xét xử vụ gian lận thi cử tại Hòa Bình

Chủ Nhật, 10/05/2020, 09:35
Dự kiến từ ngày 11 đến 18-5, 15 đối tượng liên quan đến sai phạm trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 xảy ra tại tỉnh Hòa Bình sẽ được đưa ra xét xử. Trước đó, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự với các tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và tội “Nhận hối lộ”, “Đưa hối lộ”.

Với việc tác động trực tiếp vào bài thi của các thí sinh, các đối tượng trong vụ án đã làm sai lệch kết quả kỳ thi. Có thí sinh từ chỗ “toàn điểm liệt” đã nghiễm nhiên đủ điều kiện xét tuyển vào các trường đại học với số điểm nổi trội...

15 cán bộ, giáo viên vướng vòng lao lý

Xuất phát từ những dấu hiệu bất thường về điểm số, ngay sau khi kết thúc kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, Bộ giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Bộ Công an đã vào cuộc. Từ đây, những hành vi, thủ đoạn “chạy điểm”, sửa chữa, can thiệp, nâng điểm của các đối tượng đã dần được làm rõ. Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 và năm 2018 tại tỉnh Hòa Bình có 65 thí sinh được các đối tượng can thiệp, nâng điểm bài thi. Gồm có 64 thí sinh tham gia kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, 1 thí sinh tham gia kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017. Các thí sinh này đã sử dụng kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường đại học. Trong đó, có 62 thí sinh sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.

Quá trình điều tra, Cơ quan ANĐT đã xác minh, làm rõ trong số các bài thi trắc nghiệm thì có 145 bài thi của 58 thí sinh bị can thiệp, tẩy xóa, chỉnh sửa đáp án. Căn cứ vào kết quả điều tra, Bộ GD&ĐT đã chấm thẩm định số bài thi này. Kết quả xác định 145 bài thi trắc nghiệm của 58 thí sinh được can thiệp nâng số điểm từ 0,2 điểm đến 9,25 điểm/môn thi. Trong đó, thí sinh được nâng nhiều nhất là 26,45 điểm, thí sinh được nâng ít nhất là 1,8 điểm.

15 đối tượng bị Cơ quan ANĐT Bộ Công an ra quyết định khởi tố hình sự gồm Nguyễn Quang Vinh (SN 1966) nguyên Trưởng phòng Khảo thí, Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình; Diệp Thị Hồng Liên (SN 1974) Phó Trưởng phòng Khảo thí; Đỗ Mạnh Tuấn (SN 1979) nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Lạc Thủy; Nguyễn Khắc Tuấn (SN 1981) chuyên viên phòng Khảo thí; Nguyễn Thị Thu Loan (SN 1979), giáo viên Trường THPT Lạc Long Quân; Nguyễn Thị Hồng Chung (SN 1980) giáo viên Trường THPT Ngô Quyền; Bùi Thanh Trà (SN 1980) giáo viên Trường THPT Lương Sơn; Khương Ngọc Chất (SN 1975), Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hòa Bình; Quách Thanh Phúc (SN 1969) Phó Hiệu trưởng Trường THPT 19/5; Nguyễn Tân Hưng (SN 1979) cán bộ phòng Khảo thí; Nguyễn Đức Hoàng (SN 1979) thanh tra viên Sở GD&ĐT; Đào Ngọc Thuật (SN 1980) giáo viên Trường THPT Mường Bi; Phùng Văn Thụ (SN 1966) Trưởng phòng Giáo dục từ xa.

6 bị can bị khởi tố trong vụ án.

Trong vụ án này, Cơ quan ANĐT đã xác định Nguyễn Quang Vinh (SN 1966) nguyên Trưởng phòng Khảo thí, Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình là chủ mưu, chỉ đạo đồng phạm thực hiện hành vi can thiệp, nâng điểm bài thi cho các thí sinh.

“Vở kịch” hoàn hảo cho môn thi trắc nghiệm...

Để chuẩn bị cho “màn kịch”, Nguyễn Quang Vinh với cương vị là ủy viên ban chỉ đạo kỳ thi, ủy viên thường trực hội đồng thi (HĐT), Trưởng Ban thư ký HĐT, Phó trưởng Ban chấm thi, phụ trách tổ chấm bài thi trắc nghiệm đã đề xuất đưa Đỗ Mạnh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Lạc Thủy vào làm thành viên tổ chấm bài thi trắc nghiệm. Dù trước đó, tại thời điểm trình cấp có thẩm quyền ký quyết định thành lập HĐT THPT Quốc gia năm 2018 của tỉnh, chưa có văn bản giới thiệu Tuấn vào làm ủy viên của tổ chấm bài thi trắc nghiệm.

Sau khi “đưa” Tuấn vào làm ủy viên tổ chấm bài thi trắc nghiệm, Nguyễn Quang Vinh đã bàn bạc, chỉ đạo Tuấn can thiệp, nâng điểm bài thi trắc nghiệm cho một số thí sinh. Cả hai thống nhất sẽ sửa trực tiếp bài thi của thí sinh trước khi quét file ảnh gửi về Bộ GD&ĐT. Để thực hiện được việc này, Vinh có trách nhiệm cung cấp thông tin thí sinh cần nâng điểm như họ tên, số báo danh, số điểm cần nâng; chuẩn bị chìa khóa phòng chứa/chấm bài thi; bố trí niêm phong cửa phòng chấm thi dễ bóc, khó bị phát hiện. Còn Tuấn sẽ trực tiếp can thiệp, nâng điểm bài thi trắc nghiệm.

Sau khi bàn bạc, thống nhất, Mạnh Tuấn đã có trao đổi với Khắc Tuấn là chuyên viên phòng Khảo thí, thành viên tổ thư ký BCĐ kỳ thi, ủy viên Ban thư ký HĐT, ủy viên tổ chấm bài thi trắc nghiệm về việc can thiệp, nâng điểm cho các thí sinh theo yêu cầu.

Khi Bộ GD&ĐT công bố đáp án các môn thi trắc nghiệm trên mạng internet, Mạnh Tuấn đã chuẩn bị bút chì, tẩy, dao rọc giấy, in đáp án các môn thi trắc nghiệm; tập hợp danh sách các thí sinh cần nâng điểm để mang vào địa điểm tổ chức chấm thi. Buổi tối các ngày từ 30-6 đến 3-7-2018 Mạnh Tuấn cùng Khắc Tuấn bóc niêm phong, sử dụng chìa khóa do Vinh cung cấp mở khóa vào phòng chứa/chấm để thực hiện hành vi sửa chữa, nâng điểm bài thi.

Cơ quan công an đã xác định Nguyễn Quang Vinh, Đỗ Mạnh Tuấn, Nguyễn Khắc Tuấn đã can thiệp, sửa chữa 142 bài thi trắc nghiệm của 57 thí sinh với số điểm được nâng từ 0,2 điểm đến 9,25 điểm/môn thi.

Không dừng lại ở việc sửa chữa, tác động trực tiếp vào các bài ở môn thi trắc nghiệm, Nguyễn Quang Vinh còn chỉ đạo và giao cho Đỗ Mạnh Tuấn (là người không có nhiệm vụ thực hiện việc “sinh mã phách” (là số phách được sinh ngẫu nhiên từ phần mềm quản lý thi nhằm đảm bảo mỗi bài thi tương ứng duy nhất với một mã phách), thực hiện việc “sinh mã phách” trái quy định để lấy thông tin mã phách của thí sinh cần nâng điểm môn Ngữ văn sau đó sẽ chấm điểm theo yêu cầu.

Kết quả điều tra của Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã xác định có 20 bài thi của 20 thí sinh được 18 giám khảo nhận mã phách, trực tiếp chấm nâng điểm và ký hợp thức. Sau khi phát hiện sai phạm trong phần chấm thi môn Ngữ văn, cơ quan ANĐT đã đề nghị Bộ GD&ĐT thành lập hội đồng và tiến hành chấm thẩm định các bài thi có dấu hiệu được can thiệp, nâng điểm. Kết quả chấm thẩm định của Bộ GD&ĐT đã xác định 20 bài thi được chấm nâng điểm từ 1,25 đến 4,5 điểm.

Ngô Thủy
.
.