Kết cục của những kẻ làm tay sai cho bọn phản động ở nước ngoài:

“Chương trình trợ giúp xã hội cho Việt Nam” và tổ chức “Vì dân”

Thứ Ba, 09/10/2007, 11:50
Sinh năm 1960 tại Sài Gòn, Trịnh Ngọc Anh qua mạng Internet quen với một người Mỹ tên Stephen Bailey - là nhân viên làm việc cho tổ chức NATO tại Đức. Sau một thời gian e-mail, "chát chít", gần giữa năm 2000, Bailey nhập cảnh Việt Nam, tổ chức kết hôn với Trịnh Ngọc Anh rồi tháng 1/2001, Bailey đưa Ngọc Anh sang Đức sinh sống...

Tháng 11/2002, đột ngột có một người Việt điện thoại cho Ngọc Anh, tự xưng tên là Hùng, hiện đang ở Mỹ, hỏi chị ta có muốn về Việt Nam thăm nhà không, tất cả mọi chi phí Hùng sẽ lo hết. Thoạt đầu, Ngọc Anh thắc mắc vì cái lòng tốt từ... trên trời rơi xuống.

Nhưng khi được Hùng giải thích, rằng để đổi lại, lúc về đến Việt Nam, Ngọc Anh chỉ cần mua điện thoại di động, mua simcard rồi trả lời phỏng vấn của “Chính phủ Việt Nam tự do” – y như người dân đang sống ở Việt Nam thì Ngọc Anh nhận lời.

(Sau này, khi bị bắt, Ngọc Anh biện minh rằng thời gian đó, chị ta vì ngôn ngữ, phong tục, tập quán bất đồng, lại thường xuyên bị chồng đánh đập nên chị ta chỉ muốn về thăm nhà cho khuây khỏa).

Đặc biệt hơn, Ngọc Anh còn viết hàng chục bản tường trình, nói rõ về nhân vật tên Hùng (là gã đại bịp Nguyễn Hữu Chánh, kẻ cầm đầu “Chính phủ Việt Nam tự do”), đồng thời tha thiết xin Nhà nước Việt Nam mở lượng khoan hồng, tha thứ tội lỗi.

Ngày 5/12/2002, Trịnh Ngọc Anh từ Đức bay sang thành phố Houston, bang Texas, Mỹ. Tại đây, Ngọc Anh được Nguyễn Hữu Chánh đưa về nhà, ở chung với 3 người nữa.

Trong một bản tường trình, Ngọc Anh kể rõ: “Được mấy bữa, một tối ông Chánh mời riêng tôi đi ăn. Trong khi ăn, ổng nói huyên thuyên về chính phủ, về tổ chức rồi lúc ăn xong, ổng đưa tôi vào... khách sạn, đòi tôi phải cho ổng “quan hệ”! Phần vì sợ không được về Việt Nam thăm nhà, phần nữa do không có tiền, sợ ổng bỏ rơi trên đất Mỹ nên tôi đành nhắm mắt...”.

Sau đó, Ngọc Anh được Nguyễn Hữu Chánh cho học thuộc lòng bài “phỏng vấn”, nội dung chị ta tự nhận là một người dân, hiện đang sống ở Việt Nam, là thành viên của “Chính phủ Việt Nam tự do”, xuyên tạc, vu khống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, kêu gọi người dân Việt Nam đứng lên, theo Chánh “tổng khởi nghĩa”.

Ngày 12/1/2002, Trịnh Ngọc Anh nhập cảnh Việt Nam, mang theo 4.500 USD. Ngọc Anh mua 4 điện thoại di động, 4 simcard. Đúng hẹn, Nguyễn Hữu Chánh từ Mỹ gọi sang, để thu âm phần “trả lời phỏng vấn”, tung lên mạng Internet.

Sợ bị phát hiện, Trịnh Ngọc Anh nhờ người nhà dẫn lên cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh, toan tính chuồn sang Campuchia. Tuy nhiên, tại đồn biên phòng cửa khẩu, cơ quan chức năng phát hiện chị ta có tới 4 máy điện thoại di động và một số đôla Mỹ, nên đã tạm giữ vì nghi ngờ là dân buôn lậu.

Qua điều tra, cơ quan chức năng biết Trịnh Ngọc Anh là thành viên của tổ chức khủng bố Nguyễn Hữu Chánh, thì chị ta vội vàng khai tất tần tật: “Tôi hiểu rõ việc tôi làm là sai, là nghe theo lời dụ dỗ của thằng Chánh để chống lại đất nước. Tôi xin chính quyền Việt Nam khoan hồng cho tôi được trở về với chồng. Tôi cam đoan sẽ không bao giờ còn có hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam...”.

Thế nhưng, lúc  được Nhà nước Việt Nam khoan hồng, cho trở về Đức, thì Ngọc Anh lại chạy sang Mỹ, rồi cùng Nguyễn Công Bằng tiếp tục bắt liên lạc với một số tay chân trong nước, âm mưu chống phá Tổ quốc.

Nguyễn Công Bằng sinh năm 1955 tại Rạch Giá, là hạ sĩ thuộc Tiểu đoàn 456 Địa phương quân của chế độ Sài Gòn cũ. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, năm 1977 Bằng chôn giấu 2 khẩu súng, âm mưu tập hợp lực lượng, tổ chức bạo loạn.

Bị bắt và bị đưa đi tập trung cải tạo, lợi dụng sự nhân đạo của trại cho Bằng về dự đám tang người thân vào tháng 10/1978, Bằng lẩn trốn rồi vượt biên sang Malaysia. Sau đó, Nguyễn Công Bằng định cư tại Mỹ. Với quyết tâm chống nhà nước đến cùng, trên đất Mỹ, Nguyễn Công Bằng tham gia nhiều tổ chức phản động. Năm 1982, Bằng là thành viên của nhóm “Nguyệt san hành trang”.

Đến năm 1987, Nguyễn Công Bằng thành lập và cầm đầu cái gọi là “Thanh niên Việt Nam”, đồng thời hai lần sang Thái Lan, tiếp xúc với Hoàng Cơ Minh (Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam), nghiên cứu cách vượt qua đất Lào để tìm đường thâm nhập Việt Nam, vũ trang bạo loạn lật đổ chính quyền.

Bị Hoàng Cơ Minh khinh bỉ ra mặt, cho là kẻ hữu dũng vô mưu, không thực lực, không tiền bạc, Bằng quay lại đất Mỹ, tìm kế khác.Thời điểm này, Nguyễn Thanh Vân,  kẻ lãnh đạo tổ chức phản động “Nhân dân Việt Nam” – sau đổi tên thành “Liên minh hùng gia Đại Việt” ở Mỹ, rủ Nguyễn Công Bằng liên kết.

Tháng 1/1990, Vân chi cho Bằng 4.000 USD, yêu cầu Bằng nhập cảnh Việt Nam dưới danh nghĩa thăm thân nhân, để xây dựng tổ chức. Có tiền trong tay, Bằng về nước, ăn chơi nhảy múa, nhưng lại báo cáo láo với Vân, rằng mọi việc tiến triển thuận lợi, cơ sở xây dựng được ngày càng nhiều.

Để củng cố lòng tin của Nguyễn Thanh Vân, từ TP HCM, Nguyễn Công Bằng viết một tài liệu có tên “Phong trào dân chủ cho Việt Nam”, rồi fax cho Vân. Tài liệu này được tờ báo Người Việt xuất bản tại California, do Đỗ Ngọc Yến làm chủ nhiệm, đăng toàn văn, coi như đó là thắng lợi lớn của những nhà “dân chủ” trong nước!--PageBreak--

Tháng 6/1991, tin lời Bằng, Nguyễn Thanh Vân nhập cảnh Việt Nam để kiểm tra. "Thiên bất dung gian", Nguyễn Thanh Vân bị bắt, rồi bị kết án 8 năm tù giam vì âm mưu lật đổ chính quyền. Còn Nguyễn Công Bằng chạy thoát về Mỹ.

Vẫn không từ bỏ âm mưu chống phá đất nước, Nguyễn Công Bằng quay sang gia nhập tổ chức “Chính phủ Việt Nam tự do” của Nguyễn Hữu Chánh, rồi được Chánh phong làm “phát ngôn viên” của “chính phủ” dưới cái tên Lê Chí Thức.

Tới chừng những trò bịp bợm của Nguyễn Hữu Chánh như “mật cứ quốc nội”, “đảo quốc dành riêng cho người tị nạn” bị cộng đồng người Việt hải ngoại vạch trần, bị Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) chú ý vì mờ ám trong việc quyên góp tiền bạc, vì liên quan trực tiếp đến các vụ đánh bom khủng bố Đại sứ quán Việt Nam ở Bangkok, Thái Lan, Manila, Philippines, thì Nguyễn Công Bằng rủ Trịnh Ngọc Anh, bỏ của chạy lấy người rồi lập ra một tổ chức cho riêng mình với tên gọi: “Chương trình trợ giúp xã hội cho Việt Nam” (gọi tắt là SAP-VN), dùng chiêu bài “từ thiện” làm vỏ bọc.

Thành lập tổ chức SAP-VN, tháng 7/1992 – và nhiều lần sau đó, Nguyễn Công Bằng cùng đồng bọn là Nguyễn Phương Châu, Phan Quang Vinh, Nguyễn Ngọc Thanh, Lê Duy Hùng vào Việt Nam với danh nghĩa “Chương trình trợ giúp xã hội cho Việt Nam” rồi tiến hành tiếp xúc với một số trường đại học, trung học, tiểu học, các cơ quan từ thiện ở TP HCM, An Giang, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước cùng một số tỉnh miền Trung  với lời hứa hẹn rằng sẽ xây dựng tặng cho nơi này một trung tâm vi tính, nơi kia một khu thí nghiệm, nơi nọ hàng chục phòng học, cấp hàng trăm học bổng..., trị giá hàng trăm nghìn USD.

Đặc biệt, Bằng lợi dụng “nhóm bác sĩ trẻ” của một trường đại học y khoa, chi tiền cho nhóm này để tiến hành các đợt khám bệnh, phát thuốc từ thiện mà mục đích không ngoài việc tuyển chọn thành viên.

Ngày 14/41994, trong khi đang hoạt động tại TP HCM, Nguyễn Công Bằng bị cơ quan chức năng phát hiện. Bằng thừa nhận trước đây có tham gia vào tổ chức “Liên minh hùng gia Đại Việt” của Nguyễn Thanh Vân, tham gia “chính phủ” của Nguyễn Hữu Chánh nhưng đã từ bỏ.

Trong bản tự khai của Bằng – cũng như của Trịnh Ngọc Anh, Bằng “thành khẩn nhìn nhận tội lỗi và xin được khoan hồng”.

Được tha cho về Mỹ, Nguyễn Công bằng biết SAP-VN không còn tác dụng gì nữa. Tháng 1/2006, gã cùng Trịnh Ngọc Anh lập ra một tổ chức mới, lần này mang tên “Vì dân”.

Tháng 6/2006, một nhân vật trong Hội thánh Tin Lành Menmonite của Nguyễn Hồng Quang là “thầy Tâm” đến nhà Đoàn Văn Diên tại Định Quán và yêu cầu Diên tập hợp hình ảnh của tất cả mọi tín đồ đạo Tin Lành thuộc khu vực Định Quán, giao cho Nguyễn Hồng Quang để Quang tổ chức khóa học gọi là “Luật nhân quyền”.

Kiểm đi đếm lại mãi, cuối cùng Đoàn Văn Diên chỉ tìm được... chính mình, nhân tình của mình là Trần Thị Lệ Hồng và con trai là Đoàn Huy Chương. Bị nhân dân khu vực đường  Trần Não, quận 2 phản đối, lớp “Luật nhân quyền” do Nguyễn Hồng Quang chủ xướng, không thực hiện được.

Thời điểm ấy, Diên vẫn giữ liên lạc với Nguyễn Công Bằng, Trịnh Ngọc Anh, và được Bằng, Anh cho biết về những hoạt động của tổ chức “Vì dân”. Sốt sắng tham gia, Đoàn Văn Diên (bí danh là Bảy) đưa con trai mình là Đoàn Huy Chương (lấy bí danh là Nguyễn Tấn Hoành) và nhân tình là Trần Thị Lệ Hồng (bí danh Nguyễn Thị Lệ Hồng) vào tổ chức.

Bên cạnh đó, thông qua Trịnh Ngọc Anh, Đoàn Văn Diên còn bắt liên lạc với Đỗ Thành Công (tức Đỗ Công Thành, Trần Nam) ở Mỹ, kẻ cầm đầu nhóm phản động “Dân chủ nhân dân”.--PageBreak--

Để chứng minh thực lực, một bữa Đoàn Văn Diên dẫn Trần Thị Lệ Hồng và Đoàn Huy Chương ra khu đất vắng ở Định Quán, dùng điện thoại di động trả lời phỏng vấn của Đài Phát thanh Á châu tự do (RFA), do Trịnh Ngọc Anh thiết kế.

Trong khi trả lời những câu hỏi của RFA, Đoàn Huy Chương tự xưng tên mình là Nguyễn Tấn Hoành, lu loa rằng vì sợ Cơ quan An ninh Việt Nam phát hiện nên đây là buổi phỏng vấn cực kỳ bí mật, trong một... khu rừng hoang vắng, được nhiều thành viên của tổ chức “Vì Dân” cảnh giới kỹ lưỡng. Nội dung những câu hỏi và trả lời đều nhằm mục đích xuyên tạc, vu khống Nhà nước Việt Nam.

Ngày 1/7/2006, Trịnh Ngọc Anh thông báo cho Đoàn Văn Diên, rằng đã gửi 6.000 USD để Diên mua sắm điện thoại di động, máy vi tính, máy in, nhằm mục đích in tờ rơi, tuyên truyền cho sự ra đời của tổ chức “Vì Dân”, cũng như xuyên tạc đường lối, chính sách Nhà nước rồi tán phát.

Nhưng phần lớn số tiền ấy, Đoàn Văn Diên và Trần Thị Lệ Hồng dùng vào việc ăn chơi, du hí ở nhiều nơi. Để đánh lừa, Diên báo cáo với Nguyễn Công Bằng, Trịnh Ngọc Anh là đã in xong một số truyền đơn và dự định sẽ rải ở quốc lộ 20 và khu vực Tân Vạn, tỉnh Bình Dương. Tiếp theo, Diên... xin thêm tiền để thực hiện kế hoạch.

Giữa tháng 7/2006, Cơ quan Công an tỉnh Đồng Nai mời Đoàn Văn Diên lên làm việc. Biết là đã bị lộ, Đoàn Văn Diên thề sống thề chết, xin được tha thứ. Sau đó, Diên nằm im.

Tháng 10/2006, biết rằng nếu tiếp tục tham gia trong tổ chức của  Nguyễn Công Bằng, Trịnh Ngọc Anh thì cũng chẳng xơ múi gì vì Bằng không chịu chi thêm tiền. Hơn nữa, sự liên hệ giữa Diên với Bằng, Anh thì Công an cũng đã nắm rõ nên Đoàn Văn Diên (lấy bí danh là Hoàng Thanh Thủy) bắt liên lạc với Đỗ Thành Công, rồi cung cấp cho Công danh sách một số người mà Diên cho rằng đã móc nối được và sẵn sàng gia nhập tổ chức “Dân chủ nhân dân”.

Lập tức, Đỗ Thành Công phong cho Đoàn Văn Diên làm “khu bộ trưởng” của cái gọi là “Dân chủ nhân dân”, đồng thời chỉ đạo Diên thành lập “Hiệp hội đoàn kết công nông”, thu thập tin tức về các cuộc đình công ở Việt Nam chuyển sang Mỹ, để tuyên truyền, tung tin đồn gây mâu thuẫn trong giới công nhân với chủ doanh nghiệp.

Để moi tiền của Đỗ Thành Công, Đoàn Văn Diên viết báo cáo về việc cử Nguyễn Tấn Ninh làm “bí thư dân chủ nhân dân” tại tỉnh Đồng Nai, cùng những khó khăn về tài chính trong công tác. Tổng cộng, Đỗ Thành Công gửi cho Đoàn Văn Diên 3.000 USD, để Diên hoạt động.

"Hiệp hội đoàn kết công nông" ra đời được Đỗ Thành Công tuyên truyền rầm rĩ trên mạng Internet. Một số cuộc đình công tự phát của công nhân ở vài khu công nghiệp tại TP HCM, Đồng Nai được Đoàn Văn Diên, Đoàn Huy Chương, Trần Thị Lệ Hồng nhận vơ là do tài tổ chức của mình rồi được Đỗ Thành Công thổi phồng, y như tại Việt Nam đã có một tổ chức công đoàn  đối lập thật sự.

Bên cạnh chức vụ “khu bộ trưởng” của Đoàn Văn Diên, Đỗ Thành Công còn phong cho Phùng Quang Quyền, Trần Duy Thơ làm “khu bộ phó”, cho Trần Thị Lệ Hồng, Đoàn Huy Chương  làm đại diện... công nhân!

Gần giữa tháng 11/2006, Đoàn Văn Diên cùng Trần Thị Lệ Hồng tổ chức in tờ rơi tại nhà trọ số 319/26 đường Lạc Long Quân, quận 11, TP HCM theo mẫu do Đỗ Thành Công chuyển sang, nội dung kêu gọi giới công nhân đình công, phá nhà máy, hủy hoại tài sản của chủ doanh nghiệp – nhất là các doanh nghiệp có vốn nước ngoài để tạo dư luận xấu, ngăn cản đầu tư.

1 giờ sáng ngày 14/11/2006, khi đang tiến hành rải tờ rơi ở khu vực xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, Đoàn Văn Diên và Trần Thị Lệ Hồng bị bắt với tang vật gồm 42 tờ, ký tên Đỗ Thành Công. Tiếp theo, đến lượt Đoàn Huy Chương vào nhà đá.

Từ đó, "Hiệp hội đoàn kết công nông” tay chân của bọn phản động người Việt lưu vong ở nước ngoài với nhân sự chỉ gồm cặp mèo mả gà đồng Đoàn Văn Diên, Trần Thị Lệ Hồng cùng Đoàn Huy Chương bị xóa sổ

PV
.
.