Cô gái Kiên Giang với chuỗi ngày đắng cay, tủi nhục tại Malaysia

Chủ Nhật, 11/11/2007, 11:25
Đối diện với tôi là cô gái có nước da trắng trẻo, giọng nói chân chất vùng U Minh Thượng. Phương kể, vào khoảng giữa năm 2005, cô có biết tin về việc ngày càng có nhiều cô gái Việt Nam tới Malaysia làm việc trong các nhà máy và kiếm được nhiều tiền. Một người bạn của anh trai cô đã giới thiệu cho cô gặp người đàn ông nói tiếng Trung Quốc tên là Ah Wei, tuổi khoảng 40.

Theo lời giới thiệu, đây là người  từng "giúp"  khá nhiều cô gái đạt được nguyện vọng sang Malaysia  lao động (?). Khi tiếp xúc với người đàn ông này, Phương còn được gợi ý là khi sang làm việc tại Malaysia, nên tìm một "tấm chồng" ở nơi sở tại để có được nhiều tiền, giúp đỡ gia đình.

Lấy chồng ngoại gấp đôi tuổi mình

Theo yêu cầu của Ah Wei, Phương chạy đến tiệm ảnh tại thị xã Thủ Dầu Một chụp để gửi cho Văn phòng môi giới kết hôn tại Malaysia. Phương cũng khẩn trương về quê Kiên Giang lo nhờ người làm hộ chiếu.

Ngày 10/1/2006, có được hộ chiếu trong tay, Phương kể: “Thật ra, khi nghe chuyện em định đi lấy chồng xa tận Malaysia, mẹ em cũng buồn lắm. Bà sợ rằng, giống như nhiều cô gái lấy chồng ngoại khác, em cũng bị đối xử không tốt. Tuy nhiên, khi nghe em nói sẽ thử và quyết tâm quá nên bà mẹ đành nghe lời em”.

Hai tháng sau đó, Phương nhận được điện thoại của Ah Wei yêu cầu cô lên Sài Gòn gặp một người đại diện của Trung tâm môi giới kết hôn người Malaysia tên là Ah Kien. "Ah Kien khoảng 50 tuổi. Khi nghe em nói muốn kết hôn với người khoảng 40 – 50 tuổi, Ah Kien nói, không có ai ở độ tuổi này đang có nhu cầu tìm vợ, chỉ có một người tuổi 63.

Ông này đã góa vợ và rất giàu có, ông ta là chủ của một đồn điền cao su, sầu riêng. Em có hơi giật mình nhưng cố bình tĩnh nói để suy nghĩ lại”. Trong lần gặp này, Ah Wei nói có một số thủ tục cần dùng tới nên đã đề nghị Phương giao hộ chiếu cho ông ta giữ. Sau 3 ngày ở lại TP HCM, Phương trở về quê An Biên. Trong đầu cô hoang mang với ý nghĩ sắp lấy người chồng xấp xỉ tuổi cha mình.

Phương kể tiếp: “Để tiếp tục thuyết phục em lấy Lee làm chồng, cả 2 người đàn ông này dẫn em tới một nhà hàng sang trọng. Họ vừa ăn, vừa nói, khi sang nhà của Lee, em chỉ phải nấu ăn, giặt giũ quần áo, dọn dẹp nhà cửa. Mỗi tháng, Lee sẽ trả cho em 600 RM để gửi về nhà”.

PV Báo CAND và Chuyên đề ANTG tiếp xúc với cha con ông Kiệm.

Phương kể: “Đêm đó, họ đưa em tới một cửa hàng mua sắm quần áo, vali để chuẩn bị đi Malaysia. Người sốt sắng chạy lo vé máy bay và thủ tục cho em là Ah Kien. Em cũng chẳng ngờ, chuyện đến nhanh quá không cho em kịp suy nghĩ. Ngày hôm sau, khi làm xong thủ tục, vào nhà chờ lên máy bay, em đã khóc và lo nghĩ lung tung và không biết đến khi nào mình mới được trở về”.

Những cơn ác mộng đêm đêm

Ngày đầu tiên tới Malaysia, Phương được Ah Kien đưa tới ở tạm trong một khu tập thể của nhà máy. Ngày hôm sau, Lee đến rước cô tới Kuala Kangar bằng xe đò. Nhà của Lee là một ngôi nhà gỗ, nằm dọc theo đường lớn. Trong nhà chẳng có gì đáng kể ngoài 2 căn phòng. Ngoài sân, có 2 chiếc ôtô cũ, chỉ có một chiếc còn sử dụng được.

Có lần Lee kể, vợ ông ta bị bệnh và chết; 6 người con của ông ta đều ở riêng. Phương bắt đầu những công việc của ngày đầu tiên nơi xứ lạ quê người là nấu ăn, lau dọn nhà cho Lee. Đêm đầu tiên, Lee đề nghị cô ngủ chung cùng ông ta. Phương khóc sụt sùi và viện cớ chưa chính thức kết hôn... nên ông ta không làm gì được.

Ngày nào cũng như ngày nào, Phương thức dậy từ lúc 3 giờ sáng; sau đó đi cạo mủ cao su đến xế chiều mới được về. “Đây từng là đồn điền cao su của Lee theo như lời ông ta nói nhưng sau đó, ông ta đã bán lại và trở thành người làm thuê ngay trên chính những lô cao su của mình”. Sau khi trở về từ vườn cao su, Phương lại lo cơm nước, giặt giũ.

Có lẽ do sợ bị cảnh sát địa phương phát hiện ra sự có mặt của một cô gái Việt Nam trong nhà, nên ngày 13/3/2006 – hai tháng kể từ ngày đưa Phương sang đây, Ah Kien, Lee và một người bạn của họ tên là Ah Choong đưa cô tới JPN Wilayah Persekutuan để đăng ký kết hôn.

Từ trước đó khoảng 1 tháng, Lee đã ép buộc cô phải quan hệ tình dục. Tuổi đã cao nhưng Lee rất hăng trong chuyện ấy. Sau này, cô mới biết Lee đã dùng thuốc Viagra. "Nếu tôi không đồng ý ông ta dùng vũ lực để ép buộc. Có lần, tôi ngất xỉu vì bị trúng đòn vào mặt và tay. Đau đớn nhưng tôi không hề được đi khám bác sĩ. Không dừng lại ở chuyện đánh đập, Lee còn hăm dọa sẽ giết chết tôi nếu không đáp ứng nhu cầu của ông ta” - Phương thổ lộ.

Nỗi đau thể xác và tâm hồn càng ngày càng lớn dần và đè nặng lên Phương. Cô khóc rất nhiều và vẫn nuôi hy vọng sẽ được Lee trả tiền công nhưng điều đó đã không bao giờ xảy ra.

Chẳng bao lâu sau đó, Phương nhận được tin cha cô đang bệnh nặng. Cô chạy liều sang bà hàng xóm vừa mới quen mượn thêm ít tiền kèm theo số tiền 600 RM mà Lee trong một lần trúng xổ số cho cô tìm cách gửi về nhà cho cha chữa bệnh.

Phương nhớ  nhà, nhớ người thân dữ dội. Chợt cô nghĩ đến hộ chiếu mà Ah Wei cất giữ, Phương hỏi thì ông ta nói đã giao cho Ah Kien. Hỏi Ah Kien thì lúc ông ta nói: “Phải giữ nhằm đảm bảo an toàn cho ông ta”; lúc ông ta lại nói “đã mất” (?).

Ngày 30/3/2007, Ah Kien và Lee đã đưa Phương đến đồn Cảnh sát Puchong trình báo rằng, cô đã làm rớt mất bóp và hộ chiếu tại phố IOI, Puchong. Ah Kien nói với cô chỉ sau một tháng sẽ có hộ chiếu cho cô nhưng điều này đã không bao giờ xảy ra. “Chính mắt em đã thấy Lee trao một bọc tiền 20.000 RM cho Ah Kien và họ xầm xì chuyện gì đó với nhau” – Phương kể. --PageBreak--

Những ngày kế tiếp, Phương sống mà như người vô hồn. Cô đã tìm cách học tiếng Hoa với hy vọng có thể lân la được với người địa phương. Phương quen được với một phụ nữ tên là Ah Chun, cũng là công nhân cạo mủ cao su sống ở Ipoh và gia đình bà Wong cách đó vài nhà. “Nếu không nhờ mối quan hệ này chắc em không sống nổi nhất là mỗi khi có chuyện cãi vã, đánh đập”.

Khoảng 8 giờ tối hôm đó, Lee vào phòng và đòi “quan hệ” với Phương. Phương cảm thấy mệt mỏi và từ chối. Bất thình lình, ông ta lao vào ôm lấy Phương...”. Phương đã chạy ra khỏi nhà, nhưng Lee vẫn đuổi theo tới tận nhà bà Wong. Lee túm tóc. Gia đình bà Wong hôm đó che chở cho cô, động viên cô.

Sau đó, đích thân bà Wong đã điện cho Ah Chun. Ah Chun đã liên hệ cho YB Fong Po Kuan và người tốt bụng này đã gọi điện khẩn đến cảnh sát. Cảnh sát lập tức đến nhà bà Wong và nghe tường trình của Phương. Sau đó họ đưa Lee và Phương về đồn để thẩm vấn.

Chứng cứ của Phương mang theo là chiếc quần bị xé rách. Cô cũng được đưa đến bệnh viện để kiểm tra tình trạng sức khỏe. Lee chỉ bị cảnh sát cảnh cáo và buộc viết cam kết rằng, nếu tái phạm sẽ xử lý nghiêm. H

ôm đó, Phương trở về nhà lúc 3 giờ sáng. Lee lạnh lùng nói với cô rằng, nếu muốn rời khỏi căn nhà của ông ta thì phải trả cho ông 4.000 RM. Phương chỉ biết ôm mặt khóc. Nhớ đến chuyện hộ chiếu, Phương càng tức giận và thất vọng cho ngày về.

 "Ta về ta tắm ao ta..."

 Đến sáng hôm sau, Phương tìm đến đồn cảnh sát trình bày sự việc và cô đã bị tạm giữ trong một trại giam tại Balai Kuala Kangsar. Phương kể: “Những người hàng xóm đã liên hệ với YB Fong Po Kuan và cô đã đến thăm em vào ngày thứ 3. YB Fong đã gửi cho em nhiều đồ dùng lặt vặt, giày dép, túi xách và 200 RM; đồng thời nài nỉ để xin thả em ra nhưng không thể vì em không có giấy tờ gì trong người cả”.

Và YB Fong đã liên lạc với Aegile – Giám đốc Trung tâm hỗ trợ nạn nhân là người nước ngoài nhập cư thuộc tổ chức Tenaganita (Kuala Lumpur). Ngay sau khi nhận được thông tin về trường hợp của Phương, ông Aegile đã liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia để bàn bạc việc giải thoát cho Phương khỏi nơi giam giữ.

Cán bộ Đại sứ quán Việt Nam và người thông dịch của Tòa án Richard Quah đã đến trại giam đưa cho lãnh đạo trại này một lá thư chứng minh rằng Phương là công dân Việt Nam. Phương được xem xét và ra khỏi trại giam vào ngày thứ 10 kể từ khi xảy ra đêm kinh hoàng. Cảnh sát và những người có trách nhiệm khác cũng chu đáo tổ chức cho cô quay lại nhà Lee, lấy quần áo, tài sản của mình.

Ông Cao Minh Quyền – Giám đốc điều hành Các chương trình Hành động vì phụ nữ có nguy cơ (viết tắt là AFESIP), cho biết, Phương (và 3 cô gái được đưa về cùng chuyến bay VN 756 mà Báo CAND đã thông tin) được xác nhận là nạn nhân bị buôn bán ra nước ngoài.

 Sau khi được Bộ Ngoại giao cấp giấy thông hành thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại Kuala Lumpur vào ngày 26/9 vừa qua, Phương và 3 cô gái còn lại được đưa về trong khuôn khổ chương trình hợp tác và tài trợ của AFESIP.

Có mặt ngay sau ngày Phương về đến Rạch Giá, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện An Biên, Trần Minh Sao, kể: “Hầu hết gia đình có các em đi làm ăn xa đều khó khăn, ít học và họ phó mặc cho số phận đẩy đưa. Hội có rất ít thông tin về chị em. Như trường hợp này, khi có thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia báo về, địa phương mới hay”.

Chị Chưởng, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kiên Giang cho biết, chuyện phụ nữ đi làm ăn xa, đặc biệt là kết hôn với người nước ngoài đã trở thành "phong trào" tại các huyện thuộc bán đảo Cà Mau của Kiên Giang.

An Biên có hơn 1.500 phụ nữ đi làm ăn xa; còn Gò Quao có đến 144 phụ nữ lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc. Tính đến nay, ngành chức năng của Kiên Giang đã “đón” 6 trường hợp trở về từ Malaysia và Campuchia; trong đó có 3 trường hợp là chị em ruột.

Ngoài ra, cũng thông qua sự trợ giúp của AFESIP, đã có 8 cô gái (đều là dân Định Hòa, Gò Quao) được gia đình bảo lãnh trở về; 18 trường hợp khác tự trốn thoát những “động quỷ” trở về. Hiện nay, hằng tháng, chúng tôi đều thăm hỏi, chăm sóc sức khỏe, tìm hiểu nhu cầu để giúp chị em hòa nhập trở lại cộng đồng

Thái Bình
.
.