Vụ sát hại nhà khoa học Masoud Ali Mohammadi:

Có một cuộc chiến bí mật chống lại chương trình hạt nhân của Iran?

Thứ Sáu, 22/01/2010, 11:55
Một vụ đánh bom táo bạo ngay tại thủ đô Tehran vào ngày 12/1/2010 vừa qua đã sát hại chuyên gia hạt nhân nổi tiếng Masoud Ali Mohammadi, người đang đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển chương trình hạt nhân của nước này. Chính quyền Iran ngay sau đó đã công khai buộc tội về cái chết của nhà khoa học này cho các cơ quan mật vụ Mỹ và Israel.

Lời buộc tội trên không phải là không có cơ sở nếu biết rằng, đã có một loạt chuyên gia hạt nhân hàng đầu của Iran bị thiệt mạng trong những tình huống đáng ngờ từ vài năm gần đây.

Vụ nổ kinh hoàng diễn ra ngay tại khu phố trung tâm phía bắc của Tehran vào lúc 7h30' sáng (giờ địa phương), khi Giáo sư 50 tuổi Masoud Ali Mohammadi của Trường đại học Tổng hợp Tehran vừa rời khỏi nhà ngồi lên chiếc xe hơi của mình. Theo đánh giá ban đầu của cảnh sát, thủ phạm đã đặt một quả bom có sức công phá mạnh trong chiếc xe máy đặt gần đó, trước khi kích hoạt bằng một thiết bị điều khiển từ xa.  Giáo sư  Mohammadi chết ngay tại chỗ vì một loạt các chấn thương nặng.

Theo các phương tiện truyền thông đại chúng Iran, Giáo sư Mohammadi giảng dạy chuyên ngành vật lý neutron tại Trường đại học Tổng hợp Tehran trong vài năm gần đây. Tuy nhiên các chuyên gia độc lập lại cho biết, ngoài công tác giảng dạy, ông Mohammadi còn rất tích cực tham gia vào việc phát triển chương trình hạt nhân quốc gia, thực chất theo khẳng định của phương Tây là nhằm chế tạo vũ khí hạt nhân. 

Ngay sau vụ khủng bố, chính quyền Iran lập tức khẳng định đây là một âm mưu của các thế lực nước ngoài. "Theo kết quả điều tra ban đầu, vụ khủng bố trên là một âm mưu tay ba của Chủ nghĩa phục quốc Do Thái, Mỹ và những tay chân do họ thuê mướn - đại diện chính thức Ramin Mehmanparast của Bộ Ngoại giao Iran khẳng định -  Tuy nhiên những hành động trên cùng âm mưu sát hại các nhà khoa học hạt nhân không thể ngăn cản chương trình hạt nhân của Iran, mà ngược lại chỉ thúc đẩy thêm tiến trình này".

Trước đó, Iran đã không ít lần buộc tội Israel và Mỹ âm mưu sát hại và bắt cóc các chuyên gia vật lý hạt nhân của mình. Hồi tháng 2/2009, một loạt các báo của Anh và Italia đã cho công bố những bài báo nói về "một cuộc chiến bí mật" được phía Israel và Mỹ khởi xướng để chống lại các nhà khoa học hạt nhân Iran. Cụ thể hai tờ Daily Telegraph và La Republica còn trích dẫn lời của đại diện tình báo Mỹ Reva Bhalla, trong đó khẳng định các cơ quan mật vụ Israel và Mỹ đã quyết định ngăn cản chương trình hạt nhân của Iran bằng cách tiêu diệt các chuyên gia vật lý hạt nhân của họ, trong điều kiện các đòn tấn công quân sự vào những cơ sở hạt nhân không thể thực hiện được vì các lý do chính trị.

Đại diện phía Israel và Mỹ ngay sau đó đã phủ nhận sự dính líu của mình trong vụ ám sát này. Dù chưa có những bằng chứng rõ ràng, nhưng lời buộc tội của Tehran thực ra hoàn toàn có cơ sở nếu biết rằng, lĩnh vực hạt nhân của Iran trong vài năm gần đây đã mất một loạt những nhân vật chủ chốt trong nhiều hoàn cảnh đáng ngờ. Như vào năm 2007, chuyên gia hàng đầu tại cơ sở hạt nhân Esfahan là Ardeshire Hassanpour đã qua đời trong một tình huống bí ẩn.

Vào năm ngoái, trong một chuyến hành hương tới Arập Xêút, đến lượt nhà vật lý hạt nhân 30 tuổi Shahram Amiri (đang được đánh giá là nhà khoa học rất có triển vọng của Iran) cũng bị mất tích. Khi đó, đại diện Tehran khẳng định, Amiri đã bị mật vụ Arập Xêút bắt cóc và chuyển giao cho người Mỹ.

Còn theo ý kiến của các chuyên gia, Israel hoàn toàn có thể đứng đằng sau tất cả những vụ việc trên. Tehran trước đó từng không ít lần công khai tuyên bố về mong muốn xóa sổ quốc gia Do Thái, và đó là lý do khiến sự phát triển chương trình hạt nhân của Iran được Israel đánh giá là mối đe dọa sống còn đối với quốc gia. Ngoài khả năng sử dụng sức mạnh quân sự mang nhiều rủi ro cũng như dễ bị cộng đồng quốc tế chỉ trích, việc loại bỏ những nhân vật chủ chốt trong chương trình hạt nhân của Iran có thể coi là biện pháp hiệu quả nhất vào thời điểm này. Còn thủ đoạn thủ tiêu hay bắt cóc từ trước tới nay vẫn được coi là "đặc trưng" của Mossad.

Trước đây, mật vụ Israel cũng sử dụng những thủ đoạn tương tự để phá hoại các chương trình hạt nhân và tên lửa của Ai Cập. Cũng có giả thuyết cho rằng, phe đối lập đứng đằng sau vụ ám sát. Nhưng đại diện phe này đã lên tiếng bác bỏ sự dính líu với lý do, nhà khoa học này là người thuộc phe của họ. Trong cuộc bầu cử tổng thống Iran năm ngoái, chính vị giáo sư này đã ký vào lá đơn thỉnh nguyện bày tỏ sự ủng hộ đối với ứng cử viên đối lập Mir Hussein Moussavi. Cũng vì chuyện này, phía báo chí phương Tây lại khẳng định, Mohammadi là "nạn nhân tiếp theo của chế độ Mahmoud Ahmadinejad".

Vụ sát hại nhà khoa học Iran diễn ra trong bối cảnh tình hình căng thẳng xung quanh chương trình hạt nhân của Tehran. Trước đó, Iran đã không có câu trả lời trước đề xuất của nhóm bộ sáu - gồm Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức - về việc làm giàu uranium ở nước thứ ba với thời hạn cuối cùng là cuối năm 2009. Cũng vì lý do trên, tại New York vào cuối tuần này sẽ diễn ra cuộc họp 6 bên cấp thứ trưởng ngoại giao, trong đó sẽ bàn bạc về khả năng tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Tehran mới đây đã tuyên bố sẽ tạm ngừng quá trình làm giàu uranium trong 2 tháng để "thể hiện thiện chí". Tuy nhiên các nước thuộc nhóm 6 bên này - ngoại trừ Nga và Trung Quốc - đều cho rằng đây chỉ là một thủ đoạn tiếp theo nhằm kéo dài thời gian của Iran.

Còn chỉ mới vài ngày trước, Tổng tư lệnh quân đội Mỹ - tướng David Petraeus - khi trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNN đã lên tiếng cảnh báo quân Mỹ đã có sẵn kế hoạch dự phòng tấn công các cơ sở hạt nhân Iran trong "tình huống khẩn cấp"

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.