Cuộc đấu trí ngoài khơi

Thứ Tư, 07/04/2021, 18:03
Thượng tá Hoàng Văn Định - Phó trưởng Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Quảng Ninh, cho biết cuộc kiểm tra vũ trường đêm ấy không đơn giản là một hoạt động quản lý hành chính, mà mang tầm vóc là điểm đột phá của một chuyên án thực sự ly kỳ nhằm vào các băng nhóm cưỡng đoạt tài sản trên biển...


Đêm 17-12-2020, hàng trăm cảnh sát bất ngờ đột kích vào vũ trường New Hạ Long Club, phát hiện bắt giữ tại chỗ 78 đối tượng dương tính với chất ma túy. “Dân chơi” Quảng Ninh choáng váng, rồi cho rằng cuộc kiểm tra ấy chỉ là “hú họa”. Họ đâu biết đó là “điểm nổ” mang tính “đột phá khẩu” của một chuyên án dày công do Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Quảng Ninh chủ trì. Điều thú vị là mục đích thực sự của trận đánh ấy không chỉ là việc liên quan đến ma túy.

Đột kích 

New Hạ Long Club (ở khu 6, phường Yết Kiêu, TP Hạ Long, Quảng Ninh) là một "siêu" vũ trường, được xếp vào loại hiện đại bậc nhất Việt Nam hiện nay. Vũ trường đạt tiêu chuẩn quốc tế với sức chứa lên đến 1.500 người. Sự đặc sắc tại chốn ăn chơi này là sân khấu được thiết kế hết sức độc đáo khi được đẩy từ dưới tầng âm lên, khiến ca sĩ, DJ có thể "thoắt ẩn thoắt hiện". Chưa hết, diện tích của sân khấu này đủ lớn để có thể trình diễn được siêu xe.

Thượng tá Hoàng Văn Định - Phó trưởng phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Quảng Ninh.

Đêm 17-12, khi hàng trăm nam nữ thanh niên đang cuồng nhiệt lắc lư theo tiếng nhạc kích động, không gian vũ trường mịt mờ khói thuốc, thì lực lượng “liên quân” Phòng CSĐT tội phạm về ma túy, cảnh sát cơ động (CSCĐ) Công an tỉnh Quảng Ninh cùng Công an TP Hạ Long bất ngờ ập vào tiến hành kiểm tra hành chính. Đèn điện bật sáng, quá choáng váng trước sự hiện diện không ngờ của cơ quan chức năng nên từ bảo vệ, quản lý đến dân chơi đều không kịp phản ứng.

Cũng bởi trước đó kế hoạch tác chiến phối hợp trong ngoài đã được chuẩn bị kỹ càng nên bàn nào có người sử dụng ma túy đã nằm trong tầm ngắm của các trinh sát. Khi lực lượng công khai từ bên ngoài ập vào thì gần như mọi hành vi tẩu tán tang vật đều bị “bạn nhảy” đứng cạnh khống chế, ngăn chặn. Toàn bộ số dân chơi tại vũ trường nhanh chóng được kiểm soát chặt chẽ. Cùng lúc ấy, ở bên ngoài, lực lượng CSCĐ đã giăng kín các đoạn đường ra vào vũ trường, nội bất xuất, ngoại bất nhập.

Tại 6 bàn rượu, lực lượng kiểm tra đã phát hiện, thu giữ nhiều gói nhỏ nghi chứa chất ma túy. Tiến hành test nhanh, xác định có 78 người phản ứng dương tính với ma túy. Ngay trong đêm, số người này cùng các đối tượng liên quan đã bị đưa về trụ sở cơ quan điều tra để làm việc. Sau đó, nhiều người đã bị khởi tố về hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.

Khám xét vũ trường New Hạ Long Club và các đối tượng được đưa về trụ sở cơ quan điều tra.

Bảo kê biển cả

Thượng tá Hoàng Văn Định - Phó trưởng Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Quảng Ninh, cho biết cuộc kiểm tra vũ trường đêm ấy không đơn giản là một hoạt động quản lý hành chính, mà mang tầm vóc là điểm đột phá của một chuyên án thực sự ly kỳ nhằm vào các băng nhóm cưỡng đoạt tài sản trên biển.

Tháng 7-2020, qua công tác nắm tình hình, trinh sát nhận được thông tin về hoạt động của một số băng nhóm tội phạm ở ngoài khơi thuộc vùng biển tỉnh Quảng Ninh. Trong đó nổi lên hành vi cưỡng đoạt tài sản của những người chuyên cung cấp nhu yếu phẩm trên biển cho các tàu viễn dương, tàu đánh bắt cá xa bờ. Vì hoạt động dài ngày trên biển nên các tàu này cần phải bổ sung thường xuyên những mặt hàng thiết yếu như nước ngọt, gạo, muối, thịt, rau, rượu bia, thuốc lá... cho thủy thủ đoàn vài chục người. Thông qua môi giới hoặc tìm hiểu trên mạng Internet, các tàu này thiết lập quan hệ mua bán hàng hóa với người dân ven biển. Theo các đơn hàng đặt trước, hằng ngày người dân chở hàng hóa ra khơi, đến địa điểm tàu khách đang đỗ để cập mạn chuyển giao hàng hóa. Hàng bán trên biển nên lãi khá cao, từ 30-40% trên mỗi sản phẩm.

Hoạt động giao thương này không thoát khỏi những cặp mắt “cú vọ” của các băng nhóm tội phạm. Từ năm 2011, chúng đặt ra “luật” muốn bán hàng thì phải “nộp phế”, không nghe thì “vào bờ”. Ban đầu một số chủ tàu không chịu “xuống tiền” liền bị chúng đánh dằn mặt, sau đó lại có đối tượng đến rỉ tai từng người khuyên ngoan ngoãn chấp hành mệnh lệnh của những kẻ bảo kê biển cả.

Vì mưu sinh nên dần dà tất cả các chủ tàu bán hàng trên biển đều coi việc “đóng phế” như một lẽ đương nhiên, là “luật bất thành văn” nên không ai có khiếu kiện, thắc mắc gì.

Hằng ngày, khi giao hàng, nhận tiền của khách, các chủ tàu chủ động báo cáo doanh thu với nhóm bảo kê ngày hôm đó và tự giác chuyển tiền vào tài khoản của chúng. Mức “phế” được quy định từ 10-20% doanh thu. Chẳng hạn đơn hàng trị giá 1.000 USD thì chủ tàu phải nộp cho chúng 3 triệu đồng. Việc nộp “phế” không có phiếu thu hay hợp đồng kinh tế (khác thủ đoạn của các nhóm bảo kê trên sông thường núp dưới danh nghĩa hợp đồng cứu nạn, cứu hộ).

Cơ quan điều tra Khám xét nơi ở của đối tượng Nguyễn Văn Hùng.

Đi sâu nắm tình hình, trinh sát xác định có 6 băng nhóm bảo kê hoạt động trên biển. Trong đó ở vùng biển Hạ Long có 5 nhóm, biển Cẩm Phả có 1 nhóm. Trong số những tên “đầu cánh” có Phương Mậu, Hương Hùng là người Hạ Long, Vương Quốc Tiến ở Cẩm Phả, khá có tiếng trong giới giang hồ.

Để tránh mâu thuẫn, tranh chấp nhau, các nhóm đã “ngồi lại” và thỏa thuận phân chia quyền “thu phế” theo ngày. Đến ngày của băng nào thì băng đó được thu. Hết 24 giờ lại đến băng khác. Chúng bám sát hoạt động của Cảng vụ Quảng Ninh, theo dõi trang web của cơ quan này để biết số lượng tàu thuyền ra vào vùng biển tỉnh này, tính ra số lượng hàng hóa nhu yếu phẩm cần tiêu thụ hằng ngày làm căn cứ cho việc “thu phế”.

Theo số liệu của Cảng vụ Quảng Ninh, tàu lớn hoạt động trên vùng biển thuộc tỉnh này năm 2020 là 15.200 chiếc, năm 2019 là 21.500 chiếc. Qua đây có thể hình dung số tiền mà chúng đã cưỡng đoạt của người bán hàng trên biển cho số tàu thuyền này rất lớn.

Hoạt động bảo kê đã diễn ra 10 năm, trở thành một “thông lệ”. Các chủ tàu hàng ngoan ngoãn nộp phế như một sự tất yếu, đương nhiên, không phàn nàn hay kiện cáo gì, thậm chí thỉnh thoảng còn giao lưu vui vẻ với các nhóm bảo kê. Vì vậy, trong suốt những năm qua, không có một lá đơn trình báo tội phạm nào được gửi đến cơ quan chức năng.

Lênh đênh trên biển tìm chứng cứ

Ngoài hành vi cưỡng đoạt tài sản, trinh sát phát hiện các băng nhóm này còn hoạt động mua bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, đánh bạc, gian lận thương mại (buôn lậu hàng hóa). Sau khi kiểm tra thông tin, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy đã đề xuất xác lập chuyên án trinh sát để tiến hành đấu tranh triệt phá.

Đối tượng Nguyễn Nam Phương cầm đầu một nhóm bảo kê.

Tháng 7-2020, chuyên án chính thức được khởi động, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của Giám đốc và Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh. Toàn bộ cán bộ, chiến sĩ của Phòng được huy động vào trận. Để “mục sở thị” hành vi phạm tội trên biển của các đối tượng, đơn vị đã chọn các chiến sĩ xuất thân từ miền biển Quảng Yên, Vân Đồn có gia đình, người thân là dân đi biển, có sẵn quan hệ với ngư dân, hiểu biết về biển... để “xuống tàu”.

Người được chọn cho chuyến đi biển đầu tiên là Thượng úy Dương Văn Cường (B). Cường được “cắt” toàn bộ công việc cơ quan để trở về quê Quảng Yên, đi theo tàu cá cùng gia đình. Lúc này mọi thông tin được bảo mật tuyệt đối nên ngay cả Cường cũng không hiểu lãnh đạo cử mình xuống biển để làm gì.

Sau nửa tháng trở lại với sóng nước, Thượng tá Định mới cho anh hay về lý do công việc và định hướng hoạt động. Khi Cường đã “nhẵn mặt” với ngư dân thì nhiệm vụ tiếp theo là dẫn các trinh sát khác ra khơi. Cùng lúc đó, một mũi trinh sát khác được cử đi cùng nhân viên cảng vụ, biên phòng với vai trò công khai...

Để nắm sâu hơn về hoạt động của nhóm bảo kê, Thượng tá Định đã phải mất nhiều công sức mới thuyết phục được một số nạn nhân cho trinh sát của anh lên tàu làm “cửu vạn”, vì họ rất sợ bị trả thù. “Thời gian này chúng tôi chịu áp lực công việc rất lớn. Có những lúc tưởng chừng bế tắc vì 2-3 tuần liền không có tin gì, tình hình không có những chuyển động cần thiết để phá án. Chúng tôi tính nếu chỉ “phang” 1-2 nhóm thì có thể kết thúc chuyên án vào tháng 10 hoặc 11 năm ngoái nhưng yêu cầu trên giao là phải hốt trọn, làm sạch biển nên anh em phải tính toán rất nhiều, chọn đột phá khẩu thế nào để đạt được mục tiêu bắt được toàn bộ cả 6 nhóm bảo kê. Nếu chỉ bắt quả tang được 1 nhóm thì các nhóm còn lại sẽ bỏ trốn.

Nghĩ mãi, cuối cùng một ý tưởng rất hay xuất hiện. Chúng tôi quyết định bắt những tên cầm đầu vì thứ chúng không thể ngờ tới, đó là việc tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”, Thượng tá Định nhớ lại.

Phá án

Thời cơ phá án đã đến khi có tin một đối tượng “đầu cánh” sẽ tổ chức sinh nhật tại vũ trường New Hạ Long Club. Tại đây chúng sẽ có một bữa tiệc ma túy để thể hiện đẳng cấp. Và rồi cuộc đột kích ngoạn mục vào vũ trường đêm 17-12 đã diễn ra đúng kế hoạch, trong số gần 100 đối tượng đưa về Cơ quan công an đêm đó, có 3 tên “đầu cánh” của 5 nhóm bảo kê trên biển. Ngày 16-1-2021, ban chuyên án quyết định bắt tiếp 10 đối tượng cầm đầu các băng nhóm bảo kê còn lại.

Lúc này một tình huống phức tạp phát sinh, đó là có 2 đối tượng cần bắt đã đi tàu ra biển từ hôm trước chưa về. Nếu không bắt ngay, chúng nghe tin từ đất liền sẽ bỏ trốn, Thượng tá Định cùng các trinh sát lập tức hành quân ra biển để truy bắt. Kết thúc chuyên án, toàn bộ 16 đối tượng cầm đầu của 6 nhóm bảo kê đã sa lưới pháp luật. Việc khép lại 10 năm lộng hành ngoài khơi của các băng nhóm tội phạm đã ghi thêm chiến công cho lực lượng CSĐT tội phạm ma túy Quảng Ninh anh hùng.

Ai là nạn nhân trong vụ án, đề nghị liên hệ với Phòng CSĐT TP về ma tuý, Công an tỉnh Quảng Ninh. SĐT: 0692808195; 0692808492.

Đào Trung Hiếu
.
.