Cuộc vượt ngục táo bạo nhất trong lịch sử nước Anh

Thứ Tư, 11/06/2008, 09:00

Maze không chỉ nổi tiếng bởi sự hà khắc, bạo lực mà còn được xem là một trong những nhà tù được bảo vệ nghiêm ngặt nhất châu Âu với các bức tường bảo vệ cao đến 4m cùng hàng rào dây kẽm gai bao bọc xung quanh. Nhà tù Maze cũng được giám sát ngày đêm bởi 15 vọng gác có đèn pha cùng binh lính Anh túc trực sẵn sàng bắn hạ bất cứ tù nhân nào định vượt ngục.

Vậy mà tại đây, vào sáng sớm ngày 25/9/1983 đã xảy ra cuộc vượt ngục táo bạo của 38 tù nhân. Đây được xem là cuộc vượt ngục lớn nhất trong lịch sử nước Anh.

Để trấn áp các cuộc đấu tranh vũ trang của các tổ chức bán quân sự như Quân đội Cộng hòa Ireland (IRA), Quân đội bảo hoàng Ulster (RUC), Tổ chức Quốc phòng Ulster (UDA)... chống lại sự chiếm đóng của quân đội Anh tại Bắc Ireland, vào ngày 1/3/1975, Chính phủ Anh đã cho xây dựng tại hạt Long Kesh gần Tp Belfast một nhà tù rộng lớn được đặt tên là Maze, có thể giam giữ đến 5.000 tù nhân thuộc các phe phái khác nhau cùng một lúc.

Lô 7, một trong 3 khu của nhà tù Maze, là nơi giam giữ 257 tù nhân, toàn là thành viên IRA phạm các tội giết người và đánh bom khủng bố. Bobby Storey và Gerry Kelly, 2 thành viên cốt cán của IRA,  bị tuyên phạt mỗi người 12 năm tù giam về tội tổ chức đánh bom một xe quân sự  Anh ở ngoại ô Tp Belfast vào tháng 2/1983, là đại diện tù nhân phụ trách Lô 7.

Từ tháng 4/1983, sau khi hội ý với Kelly, Storey tìm cách liên lạc với các chỉ huy IRA bên ngoài nhà tù để bàn về việc thực hiện một cuộc vượt ngục khỏi nhà tù Maze cho một số tù nhân là thành viên cốt cán của IRA.

Sau khi đạt được thỏa thuận, Storey và Kelly tuyển lựa 36 tù nhân từ nhiều buồng giam rồi tìm cách chuyển những người này về sinh hoạt chung một buồng giam để tổ chức vượt ngục.

Theo kế hoạch, các tù nhân sẽ bí mật đào một đường hầm từ buồng giam đến phòng trực của giám thị Lô 7 có khoảng cách 70m để bất ngờ khống chế giám thị trực lấy chìa khóa mở cửa chạy đến phòng bếp, trốn lên xe giao nhận thực phẩm đào thoát ra ngoài nhà tù. Ở bên ngoài, IRA sẽ tổ chức những toán vũ trang hỗ trợ để đưa ngay các tù nhân vượt ngục đến nhiều nơi ẩn nấp khác nhau trên lãnh thổ Bắc Ireland.

Theo lời khai của Storey, sau khi bị bắt lại vào năm 1991 tại Mỹ, IRA đã tuồn các vật dụng cần thiết như đèn pin, xẻng gấp, bao đựng đất, đèn điện, dây điện vào bên trong nhà tù cho nhóm tù nhân vượt ngục để đào đường hầm. Được triển khai từ ngày 27/5/1983 và phải đến ngày 24/9/1983, đường hầm có chiều dài 70m nối liền buồng giam và phòng trực giám thị Lô 7 mới hoàn tất. Cũng trong thời gian này, IRA đã tuồn cho nhóm vượt ngục 8 khẩu súng ngắn cùng đạn dược, dao và 11 bộ đồng phục của giám thị nhà tù Maze.

Lô 7 của nhà tù Maze, nơi xảy ra cuộc vượt ngục vào sáng sớm ngày 25/9/1983

Sau khi mọi công việc chuẩn bị cho cuộc vượt ngục táo bạo đã hoàn thành, vào lúc 2 giờ 30 phút ngày 25/9/1983, Storey và Kelly bò theo đường hầm bất ngờ trèo lên phòng giám thị Lô 7 và khống chế viên giám thị trực James Andrew Ferris sau khi đã đâm ông này bị thương nặng (viên giám thị xấu số này qua đời vào ngày hôm sau vì các vết thương quá nặng).

Nhận được tín hiệu của Storey và Kelly, số tù nhân còn lại bò theo đường hầm để tập trung tại phòng trực giám thị Lô 7. Sau đó cả nhóm mở cổng sắt bảo vệ Lô 7, lặng lẽ tiến về phía nhà bếp nhà tù và tìm cách ẩn náu vào bên trong. Tại đây, Storey ra lệnh cho một số tù nhân mặc đồng phục giám thị nhà tù và chờ đợi chuyến xe giao nhận thực phẩm thường đến nhà bếp vào lúc 3 giờ sáng.

Đến 3 giờ 10 phút, khi chiếc xe tải giao nhận thực phẩm tiến vào khu vực nhà bếp, Storey liền ra lệnh cho các tù nhân mặc đồng phục giám thị khống chế và đánh bị thương nặng 3 nhân viên nhà bếp. Sau đó nhóm vượt ngục trấn áp người lái xe tải và ra lệnh cho người này lái chiếc xe chở đầy tù nhân chạy ra khỏi nhà tù Maze.

Tuy nhiên, khi chiếc xe tải chạy đến gần cổng chính bảo vệ nhà tù thì bị chết máy, không biết do viên tài xế cố tình tắt máy xe hay xe chết máy thực sự. Lập tức Storey liền bắn bị thương viên tài xế khi người này cố lao ra cửa chạy thoát thân và ra lệnh cho nhóm vượt ngục tấn công vào phòng trực ở cổng chính mở cửa thoát ra ngoài nhà tù.

Hai giám thị trực tối hôm đó là Jerry McAuliffe và Liliam Avenill tìm cách ngăn chặn nhóm vượt ngục và phát lệnh báo động nhưng đều bị bắn bị thương nặng. Một lính Anh làm nhiệm vụ bảo vệ trên vọng gác gần cổng chính nhà tù phát hiện ra vụ lộn xộn nên liền chiếu pha đèn và bắn chỉ thiên bằng nhiều loạt đạn. Ngay sau đó, người lính Anh này liền bị bắn bị thương bởi nhóm vượt ngục.

Các loạt súng bắn chỉ thiên của người lính Anh đã cảnh báo cho toàn bộ giám thị nhà tù. Lệnh báo động lập tức được phát ra. Tuy nhiên, trong một nỗ lực cuối cùng, nhóm vượt ngục cũng đã kịp mở được cổng chính nhà tù và chạy ra ngoài. Tại đây, IRA đã bố trí một lực lượng gồm cả 100 tay súng để hỗ trợ cho nhóm tù nhân vượt ngục thoát thân. Đây là cuộc vượt ngục lớn nhất lịch sử nước Anh.

Vào lúc 4 giờ 55 phút, quân đội Anh và Cảnh sát Bắc Ireland phát lệnh báo động trên toàn lãnh thổ để truy bắt nhóm vượt ngục. Các phương tiện như trực thăng, máy bay tuần tra, tàu chiến và hàng trăm xe quân sự, xe cảnh sát cùng 1.000 lính nhảy dù, lính đặc nhiệm SAS và 200 cảnh sát Bắc Ireland triển khai một chiến dịch lùng sục quy mô.

Ngay trong ngày, 15 tù nhân vượt ngục đã bị bắt lại, trong đó có 2 tù nhân ẩn mình dưới một con sông gần nhà tù Maze và chỉ thở bằng ống nhựa. Đến ngày 27/9/1983, thêm 4 tù nhân khác bị bắt lại sau một cuộc chạm súng làm bị thương 2 lính dù Anh cùng 2 cảnh sát Bắc Ireland tại một nông trại bỏ hoang gần thành phố Belfast.

Tuy nhiên, số tù nhân còn lại đã kịp trốn thoát biệt tăm, trong đó có một số được IRA thay đổi họ tên đưa đến Mỹ để ẩn náu. Hai chỉ huy cuộc vượt ngục là Storey và Kelly cũng nằm trong số trốn đến Mỹ.

Cho đến tháng 9/2003, nhân kỷ niệm 20 năm sự kiện vượt ngục táo bạo tại nhà tù Maze vào tháng 9-1983, số phận của 19 tù nhân vượt ngục còn lại đã được định đoạt theo nhiều cách khác nhau, trong đó có 6 tù nhân bị lính đặc nhiệm SAS của Anh bắn chết trong các cuộc truy lùng từ năm 1983 đến năm 1997, số tù nhân còn lại lần lượt bị bắt giữ, trong đó có cả Storey và Kelly.

Cuộc vượt ngục táo bạo này cũng làm sút giảm uy tín Chính phủ của Thủ tướng Margaret Thatcher. Dư luận Anh và nhiều đại biểu Quốc hội còn yêu cầu Thủ tướng Thatcher phải từ chức.

Cuộc vượt ngục táo bạo này cũng làm tiêu tan sự nghiệp chính trị của Nicholas Scott, Bộ trưởng Các trại giam của Anh; James Brown, Bộ trưởng Các vấn đề Bắc Ireland của Anh; James Prior, Giám đốc nhà tù Maze. Tất cả 3 người này đều bị buộc phải từ chức, riêng James Prior còn bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm để xảy ra vượt ngục của một số lượng lớn tù nhân

Hoà Văn (Theo Crimonologist)
.
.