Giải mật hồ sơ các cuộc thử vũ khí hạt nhân của Mỹ:

Dân thường trở thành vật thí nghiệm

Thứ Hai, 21/01/2008, 08:15
Tờ Người quan sát đã chỉ ra rằng, chính trong những năm từ 1955 tới 1970, đã có khoảng 6.000 xác trẻ em các nước như Anh, Australia, Canada, một số nước Nam Mỹ... đã được chuyển tới các bệnh viện để tiến hành thử nghiệm hạt nhân.

Đến bây giờ, loài người không còn xa lạ gì với vũ khí hạt nhân và tác hại của nó. Hiện tại cũng đã có nhiều nước sản xuất được vũ khí hạt nhân. Nhưng trong những năm 50 của thế kỷ XX, chỉ có một số nước sản xuất được loại vũ khí nguy hiểm này.

Trước khi đưa vào sử dụng, tất cả các loại vũ khí hạt nhân đều phải trải qua quá trình thử nghiệm. Có thể do thiếu những hiểu biết cần thiết và không lường hết hậu quả mà các vụ thử hạt nhân gây ra, nên các vụ thử này đã để lại nỗi đau cho không ít những thường dân.

Trong những năm 50 của thế kỷ XX, vào thời kỳ đó khi mà khoa học còn chưa tính toán hết được sự nguy hại của vũ khí hạt nhân, chính nước Mỹ đã từng 8 lần đưa binh sĩ tham gia diễn tập trong môi trường hạt nhân. Tất cả những thông tin vào thời kỳ đó đều bị các nhà chức trách giấu nhẹm đi.

Còn tờ báo Độc lập của Anh lại đưa tin rằng, nước Anh cũng đã từng đưa binh sĩ vào các cuộc thử nghiệm hạt nhân tại sa mạc miền Nam của Australia.

Cũng như Mỹ, tất cả “chuột thí nghiệm” này đều không hề hay biết họ đã nhiễm xạ, để rồi sau đó biến khỏi thế giới mà không để lại dấu vết gì.

Tờ Người quan sát còn chỉ ra rằng, chính trong những năm từ 1955 tới 1970, đã có khoảng 6.000 xác trẻ em các nước như Anh, Australia, Canada, một số nước Nam Mỹ... đã được chuyển tới các bệnh viện để tiến hành thử nghiệm hạt nhân.

Các vụ thử hạt nhân của Mỹ trên các đảo quốc tại khu vực Thái Bình Dương cũng đã gây ra nỗi lo lớn đối với người dân sống ở đây.

Trong thời gian vài năm gần đây đã có nhiều đảo quốc tại Thái Bình Dương  đâm đơn kiện đòi nước Mỹ phải bồi thường thiệt hại về những gì họ đã gây ra cho các đảo quốc này khi tiến hành các vụ thử hạt nhân tại đây và các khu vực lân cận.

Trong quãng thời gian từ năm 1946 tới năm 1958, nước Mỹ bất chấp sự an nguy của cư dân trên các đảo quốc, đã cho tiến hành 67 vụ thử vũ khí hạt nhân trên quần đảo Marrhall.

Những vụ thử vũ khí hạt nhân của Mỹ đã biến cảnh đẹp của hòn đảo được mệnh danh là “thiên đường nhiệt đới” này thành “địa ngục chôn các loại vũ khí hạt nhân” của nước Mỹ. Ngoài ra, việc thử trên còn phá hoại nghiêm trọng môi trường sinh thái biển của cả một khu vực rộng lớn tại Thái Bình Dương.

Vào tháng 8/1945, sau khi nước Mỹ thả bom nguyên tử xuống Nhật Bản, Liên Xô cũng đã nhanh chóng chế tạo thành công bom nguyên tử.

Tin tức này lập tức được truyền tới nước Mỹ, đã khiến toàn bộ Nhà Trắng cũng như các quan chức trong Lầu Năm Góc giật mình lo lắng.

Từ thời điểm đó diễn ra một thực tế hết sức rõ ràng là, ưu thế sở hữu vũ khí hạt nhân độc nhất vô nhị của Mỹ đã không còn nữa. Nước Mỹ đã cảm thấy không thực sự an tâm, họ muốn vượt lên Liên Xô. Vậy là, nước Mỹ lại dốc toàn lực vào việc chế tạo các loại vũ khí hạt nhân.

Muốn chế tạo thành công loại bom này để có thể đưa vào sử dụng thì cần phải có một loạt cuộc thử nghiệm để nắm chắc các thông số hoạt động cũng như mức độ công phá của nó. Quần đảo Marrhall ngoài khơi Thái Bình Dương đã được lựa chọn để tiến hành các vụ thử.

Ngay từ tháng 3/1944, nước Mỹ đã tiến hành thử một quả bom được cho là tiền thân của bom nguyên tử, địa điểm vụ thử tại một địa điểm có tên “con đường chết” nằm trong khu vực hoang mạc của bang New Mexico.

Vào tháng 1/1946, sau nhiều cuộc họp và thương thảo tại Ủy ban Năng lượng và nguyên tử, cuối cùng Mỹ đã đi đến quyết định sẽ thử các loại vũ khí hạt nhân trên quần đảo Marrhall ngoài khơi Thái Bình Dương, một nơi có rất nhiều cư dân đang sinh sống.

Trước và sau khi các vụ thử diễn ra, quân đội Mỹ đã không nói cho người dân biết về những nguy hiểm mà họ sẽ gặp phải khi họ tiến hành các vụ thử hạt nhân. Do vậy, người dân nơi đây đã phải trả một cái giá vô cùng đắt cho những vụ thử vũ khí hạt nhân của quân đội Mỹ.

Do chủ quan không lường hết uy lực của các quả bom nguyên tử, quân đội Mỹ đã không kịp thời di dời hết những cư dân quanh khu vực cũng như tàu thuyền đánh cá của ngư dân, vì vậy đã gây ra một thảm họa ô nhiễm hạt nhân trên biển.

Cụ thể, một diện tích 20.000km2 mặt nước biển đã bị ô nhiễm vĩnh viễn, đồng thời gây ra hàng loạt hiện tượng kỳ quái về môi trường tại khu vực này.

Nhiều người dân tại đây sau khi bị nhiễm phóng xạ cũng đã bị chết non hoặc mắc các căn bệnh lạ, rất nhiều người đã qua đời ở tuổi 40. Quả là những người dân đã trở thành những vật hy sinh cho những mục đích chính trị, quân sự của nước Mỹ.

Năm 1955, các chuyên gia Mỹ đã tiến hành một cuộc khảo sát, kết quả kiểm tra 241 người đã có 12 ngư dân bị chết vì bệnh xơ gan, ung thư; 1 năm sau, 61 người khác đã bị chết vì bệnh máu trắng, xơ gan và ung thư. Sau vụ thử bom khinh khí, các cư dân quần đảo Marrhall đã gửi kiến nghị lên Liên Hiệp Quốc, yêu cầu Mỹ dừng ngay các vụ thử vũ khí hạt nhân trên quần đảo này, nhưng Mỹ đã phớt lờ tất cả.

Mãi cho đến tháng 7/1958, dưới sức ép của quốc tế, nước Mỹ đã chấm dứt chương trình thử vũ khí hạt nhân trên quần đảo Marrhall. Với 67 lần thử vũ khí hạt nhân tnước Mỹ đã phá hủy quần đảo Marrhall.

Với hàng nghìn vụ thử vũ khí hạt nhân, chỉ nội trong năm 1954, tổng số lượng chất nổ mà quần đảo hứng chịu trong các vụ thử đã lên tới con số 10.000.000 tấn, bụi phóng xạ của  các quả bom còn theo mây và gió tán phát tới nhiều nơi trong quần đảo gây ra những căn bệnh lạ cũng như các bệnh nguy hiểm cho người dân sống trên quần đảo.

Ngoài ra, môi trường và thổ nhưỡng của quần đảo cũng có những thay đổi theo chiều hướng xấu đi.

Theo đánh giá của các chuyên gia phóng xạ Liên Hiệp Quốc thì cách duy nhất để làm cho quần đảo này “sạch” trở lại là phải hốt hết đất bề mặt của cả quần đảo, thay vào đó là một lớp đất khác. Còn những chỗ có thử vũ khí thì không bao giờ còn cơ hội để khắc phục nữa.

Trải qua mấy chục năm, tất cả lực lượng quân sự, tàu chiến, vũ khí Mỹ hiện đã không còn ở đây nữa, nhưng hậu quả nặng nề mà quân đội Mỹ để lại cho quần đảo và khu vực Thái Bình Dương là không giải quyết trong một sớm một chiều

Nguyễn Hòa (Thời báo Hoàn cầu)
.
.