Đánh chết kẻ trộm cũng là có tội

Thứ Ba, 02/06/2009, 13:05
“Giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha” là một nét đẹp truyền thống trong ứng xử của người Việt. Truyền thống tốt đẹp ấy đã và đang được phát huy và sự xuất hiện của những chàng “Lục Vân Tiên thời hiện đại” đã góp phần không nhỏ vào phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Sẽ là có công nếu các tập thể, cá nhân phát hiện các hành vi phạm pháp và bắt giữ kẻ phạm tội để các cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý. Nhưng nếu thay vì giao nộp cho công an mà lại tự xử kẻ phạm tội bằng hành hung, làm nhục thì lại là vi phạm pháp luật. Thời gian gần đây, ở nhiều địa phương trên cả nước, xuất hiện khá nhiều những vụ đánh chết trộm và những người tham gia vào các vụ đánh trộm hội đồng này đã bị khởi tố, bắt giam, thậm chí phải chịu mức án nhiều năm tù giam...

“Nó ăn trộm thì chúng tôi đánh” (!)

Đó là biện bạch của hầu hết những thành viên “tích cực” trong các vụ đánh chết trộm kiểu hội đồng tại Cơ quan Công an. Theo nhận thức pháp luật đơn giản và sai lầm của một bộ phận người dân, đặc biệt là ở các vùng quê xa thành phố, thì “kẻ ăn trộm phải chịu đòn là đáng đời” hoặc “nó vào làng tôi trộm cắp, chúng tôi không đánh thì làm ngơ à?”. Cũng chính bởi vậy mà hàng loạt các vụ cố ý gây thương tích dẫn đến chết người trong đó nạn nhân là... kẻ trộm và thủ phạm lại là những người... bắt trộm đã xảy ra ở nhiều địa phương.

Mới đây nhất là vụ việc xảy ra tại thôn Võ Lăng, xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, một huyện ngoại thành trước thuộc tỉnh Hà Tây  nay nhập về Hà Nội chỉ cách thủ đô chừng 20 km. Tối 21/4, vợ chồng anh Nguyễn Văn Vinh dựng chiếc xe máy trước cửa còn cả nhà thì ngồi ăn cơm ở trong nhà. Đang ăn bỗng anh Vinh phát hiện thấy có một thanh niên tay cầm một vật gì đó giống như chiếc kìm đi lại loanh quanh rồi tiến sát đến chiếc xe máy định mở khóa.

Biết là kẻ trộm, anh Vinh vội buông bát, xô ra ngoài cửa. Chột dạ, thanh niên này vờ vĩnh luống cuống hỏi: “Nhà anh có gỗ bán không?”. Không trả lời, anh Vinh hất hàm hỏi tiếp: “Mày cầm cái gì trong tay thế kia”. Chỉ kịp nghe có thế, biết là đã bị phát hiện, người thanh niên bỏ chạy thục mạng. Anh Vinh đuổi theo vừa đuổi vừa hô hoán: “Cướp, cướp”.

Nghe tiếng anh Vinh kêu, anh Nguyễn Tiến Hùng, hàng xóm chạy ra cùng đuổi bắt kẻ gian. Người thanh niên kia bỏ chạy ra cánh đồng rồi mất hút. Trời tối lại sợ đối tượng chạy mất, hai người hô hào bà con trong thôn ra bắt trộm. Rất đông người dân Võ Lăng đã chạy ra, quây lấy khu ruộng trên cánh đồng.

Sau khi chia nhau lùng sục, người dân đã bắt được đối tượng khi hắn đang lẩn trốn trong ruộng lúa. Nhưng thay vì giao nộp cho công an tiếp tục điều tra thì khá đông bà con xô ngay vào đánh, đá khiến đối tượng gục xuống chết ngay tại ruộng. Trận đòn hội đồng này đã khiến người thanh niên bị nghi là trộm cắp này bị vỡ tim, vỡ gan, dập lá lách. Sau đó thi thể của nạn nhân còn bị người dân lôi lên đường 21B vứt ở khu vực giáp ranh giữa xã Dân Hòa và xã Phương Trung (Thanh Oai, Hà Nội).

Sau khi nhận tin báo, Công an huyện Thanh Oai phối hợp với Phòng CSĐT tội phạm về TTXH CATP Hà Nội tổ chức lực lượng xuống hiện trường đưa xác nạn nhân về Bệnh viện huyện Thanh Oai. Nạn nhân là Phùng Văn Tú (25 tuổi, trú ở thị trấn Phú Minh, Phú Xuyên, Hà Nội) có 1 tiền án về tội trộm cắp và là đối tượng nghiện ma túy.

Qua điều tra, đến sáng 21/4, Cơ quan CSĐT Công an huyện Thanh Oai đã ra lệnh bắt khẩn cấp 5 người  thuộc thôn Võ Lăng có dấu hiệu đã tham gia vào trận đòn hội đồng gây ra cái chết của nạn nhân Phùng Văn Tú gồm: Nguyễn Văn Vinh, Nguyễn Tiến Hùng, Nguyễn Văn Cương, Nguyễn Văn Quynh và Lê Văn Tưởng.

Trước đó, cũng tại địa bàn Hà Tây cũ đã xảy ra hàng loạt các vụ việc tượng tự. Tại thôn Vài, xã Hợp Thanh, Mỹ Đức, Hà Tây, một người khách đến chơi nhà ông Vũ Văn Sơn đã bị mất xe đạp, dù đã khóa cẩn thận ở trong sân. Mất của, ông Sơn hô hoán nên rất đông người dân cùng làng đã giúp ông vào cuộc truy lùng kẻ trộm. Nhưng trong khi chưa thấy tăm hơi kẻ trộm đâu thì các anh Huyên, Cường, Hai, Đông phát hiện chiếc xe được cất giấu ở bờ sông, cách nhà ông Sơn 100m.

Vì thế, mọi người bàn nhau mai phục ở gần đó bởi theo phán đoán của họ một lúc nữa nhất định kẻ trộm sẽ mò đến để lấy xe đi. Quả vậy, chừng 15 phút sau, một số người thấy Lê Công Thức, người xã Hợp Tiến cùng huyện Mỹ Đức bơi chiếc thuyền nan ghé bờ. Đến chỗ cất giấu, Thức định đưa chiếc xe đạp lên thuyền thì những người dân mai phục đồng thanh hô bắt kẻ trộm. Sợ hãi, Thức vứt xe lại, nhảy lên thuyền bơi sang bờ sông bên kia thuộc xóm Đảo, xã Hợp Thanh lẩn trốn.

Nghe thấy tiếng hô bắt trộm, mọi người trên xóm Đảo thức dậy đổ ra bờ sông cùng vây bắt. Nhìn thấy Thức chạy từ dưới sông lên đê, Nguyễn Văn Long vừa hô, vừa đuổi theo. Đuổi theo đến giếng nước, Long nắm được lưng Thức giằng lại, dùng tay trái túm đầu đập vào thành giếng. Long tiếp tục dùng chân đá tiếp vào mông Thức. Vừa ngồi bệt xuống nền giếng, Thức tiếp tục bị Nguyễn Văn Sứng chạy tới vừa hỏi ở đâu vừa đạp vào bả vai. Lúc này mọi người kéo đến rất đông để xem trộm.

Thấy Thức vẫn ngồi bệt ở đó, Nguyễn Văn Kiên xông vào đấm liên tiếp hai phát vào lưng nhưng nhận ra người quen nên dừng tay. Thức bò từ giếng ra sân được khoảng 4m thì mọi người dùng tay, chân, gậy xông vào đánh. Và, giống như đa số nạn nhân của các trận đòn hội đồng khác, Thức chết do các chấn thương làm vỡ tụy, vỡ lá lách.

Cũng ở Hà Tây cũ, tại xã Cổ Dương thuộc TP Sơn Tây, 3 đối tượng Ngô Đông Quyến, Lê Văn Lưỡng, Nguyễn Văn Lượng cùng trú tại thôn Đông A, xã Sơn Đông, TP Sơn Tây sau khi bắt trộm một con chó của nhà anh Vũ Quốc Hưởng ở thôn La Gián, xã Cổ Dương, TP Sơn Tây, trong lúc đang đem con chó ra ngoài thì bị anh Hưởng phát hiện, hô hoán. Bà con trong xóm bắt được Lưỡng và Quyến nhưng không giao nộp cho Công an ngay mà lại đánh Quyến trọng thương rồi mới chuyển lên Công an xã Sơn Đông giải quyết. Quyến được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Sơn Tây nhưng đã bị tử vong sau đó vài giờ.

Không còn là cá biệt, những vụ đánh chết trộm tương tự như vậy đã ngày một xảy ra nhiều. Riêng tại địa bàn Hà Tây cũ, theo một thống kê chưa đầy đủ của Cơ quan Công an, mỗi năm xảy ra hàng chục vụ việc kiểu này, trong đó có những vụ đặc biệt nghiêm trọng. --PageBreak--

Nhưng không chỉ ở Hà Tây cũ mà tại Đông Anh, một huyện ngoại thành Hà Nội những vụ đánh chết trộm cũng xảy ra khá nhiều. Như vụ ở thôn Lệ Pháp, xã Tiên Dương chẳng hạn. Do người dân trong thôn bị mất trộm chó nhiều quá nên Phó trưởng thôn là Lê Công Tôn đã tổ chức cho lực lượng dân phòng tăng cường tuần tra canh gác ban đêm để mai phục bắt giữ kẻ gian. Đến đêm 10/9 thì bắt được 2 kẻ trộm chó là Trần Văn Hùng và Đinh Xuân Thắng, đều ở Cổ Dương, Tiên Dương, Đông Anh.

Nhưng lẽ ra sau khi bắt giữ được kẻ trộm phải đưa đến Cơ quan Công an thì một số người dân ở thôn này lại đánh đòn hội đồng làm cả 2 bị chết. Công an  huyện Đông Anh sau đó đã khởi tố vụ án cố ý gây thương tích dẫn đến chết người và bắt giữ 9 người có liên quan trong vụ việc này.

Hay như trong một vụ việc khác mới xảy ra cách đây 2 tháng. Tối hôm đó, một đối tượng trộm chó tại xã Tàm Xá sau khi trộm cắp trót lọt đã chở bao tải chó đi bán. Khi đi qua thôn Vĩnh Thanh, xã Vĩnh Ngọc, Đông Anh thì bị sa vào một bãi cát khiến bị ngã xe, bao tải chó lăn xuống đường. Thấy tiếng chó kêu loạn xạ, nhiều người dân trong thôn đã đổ ra vây bắt đối tượng. Đặng Văn Miền cũng nằm trong số đó.

Nhưng sau khi đối tượng bị bắt giữ, nhận được tin báo, Công an xã Vĩnh Ngọc đã tới hiện trường, dẫn giải đối tượng và thu giữ tang vật để xử lý thì Đặng Văn Miền lại xông ra cản trở công an và cướp tang vật là bao tải chó để về nhà làm thịt ăn. Công an huyện Đông Anh sau đó đã khởi tố, bắt giam Miền vì các tội danh chống người thi hành công vụ và cướp tài sản.

Còn tại TP HCM cũng không hiếm những vụ đánh chết trộm kiểu hội đồng như vậy. Vụ giết người mà thủ phạm là Trần Chí Dũng sau này đã bị Tòa án nhân dân TP HCM tuyên phạt 9 năm tù giam là một ví dụ. Số là đêm ấy đang ngồi nhậu trước nhà thì Dũng nghe thấy tiếng một người hàng xóm hô bắt trộm. Thế là Dũng bèn vớ ngay một cây gỗ lao đi, hòa vào đám người truy đuổi.

Tới nơi, thấy người hàng xóm đang vật nhau với một thanh niên, Dũng bèn xông vào dùng gậy đập thật lực khiến cho thanh niên này chết ngay tại chỗ. Sau này, đến khi bị bắt giam về tội giết người, Dũng mới biết thanh niên bị Dũng đánh chết là Chu Quan Công. Công cùng với 4 thanh niên khác đã bắt trộm 2 con gà của một người ở gần nhà Dũng và bị truy đuổi.

Hay như vụ một tốp thợ xây tại một công trường xây dựng ở phường An Phú, quận 2 bị vào tù chỉ vì đã đánh trộm quá tay dẫn đến tử vong. Đêm hôm ấy, đang ngủ ở công trường thì một người trong số họ phát hiện thấy có một tên trộm lẻn vào chỗ họ ngủ để trộm cắp điện thoại di động. Người thợ xây này lập tức hô hoán lên khiến tất cả tốp thợ xây gồm gần chục người bật dậy.

Công an tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc ở vùng sâu vùng xa.

Tất nhiên, họ bắt giữ tên trộm một cách dễ dàng. Chỉ đáng tiếc là họ đã không dẫn giải kẻ phạm tội đến nộp cho công an mà lại tự xử bằng cách đánh kẻ phạm tội cho đến chết.

Bắt kẻ trộm là có công nhưng đánh chết là có tội

Theo quy định của pháp luật, việc xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật là thuộc thẩm quyền của các cơ quan bảo vệ pháp luật, gồm: Cơ quan Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát. Khi phát hiện kẻ phạm tội, mọi công dân đều có quyền bắt giữ hoặc báo tin tố giác đến Cơ quan Công an. Nhưng sau khi phát hiện, bắt giữ kẻ phạm tội thì quần chúng nhân dân phải bàn giao lại cho cơ quan pháp luật có thẩm quyền tiếp nhận và xử lý theo đúng pháp luật chứ không được tự xử bằng cách làm nhục hoặc hành hung.

Tất cả những ai làm nhục, hành hung gây thương tích hoặc dẫn đến chết người dù người đó là kẻ trộm cắp thì đều là vi phạm pháp luật và tùy theo mức độ, tính chất, hành vi phạm tội mà sẽ bị khởi tố về các tội làm nhục người khác, cố ý gây thương tích hoặc giết người theo các điều khoản đã được quy định tại Bộ luật Hình sự.

Theo đánh giá của Cơ quan CSĐT CATP Hà Nội, nguyên nhân dẫn đến hàng loạt các vụ án đánh chết trộm xảy ra trong thời gian vừa qua là do hiểu biết pháp luật của người dân, đặc biệt là ở các vùng quê, còn hạn chế. Họ cho rằng, họ được quyền đánh kẻ trộm. Rằng, đánh chán cho hả giận rồi đưa đến công an cũng chưa muộn. Thậm chí, ở một vài nơi, không chỉ một bộ phận nông dân có nhận thức sai lầm như vậy mà cả phó thôn, cả dân phòng cũng vậy. Vụ án đánh chết trộm ở xã Tiên Dương, huyện Đông Anh là một ví dụ. Trong số 9 đối tượng tham gia đánh trộm và dẫn đến cái chết cho nạn nhân có tới 6 người là dân phòng và 1 người là phó thôn.

Trên thực tế, những công dân tốt, những dân phòng tích cực tham gia phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa phương (như tham gia bắt trộm, bắt cướp...) hoạt động như một cánh tay nối dài của Cơ quan Công an, đã đang và sẽ được khen thưởng, được động viên cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhưng nếu họ làm không đúng với các quy định  của pháp luật thì sẽ phải bị xử lý bằng pháp luật.

Các biện pháp tuyên truyền pháp luật ở cơ sở, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt ở các vùng khó khăn, nơi vẫn còn đói nghèo và thất học sẽ là một trong những biện pháp quan trọng nhất để hạn chế những vụ án đánh chết trộm đau lòng đã từng xảy ra ở nhiều địa phương trong thời gian qua.

Một kinh nghiệm hay đã và đang được triển khai ở huyện Đông Anh, Hà Nội. Đó là sau khi tiến hành điều tra các vụ án đánh chết trộm, Cơ quan Công an sẽ chủ động viết các bản thông báo gửi về Đảng ủy, Ủy ban xã, thôn và yêu cầu chính quyền xã cho tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh.

Trong bản thông báo này, Cơ quan Công an không chỉ thông báo kết quả điều tra mà còn phân tích một cách chi tiết từng hành vi phạm tội để thông qua đó giáo dục pháp luật cho người dân. Khi nhận thức pháp luật được nâng cao, người dân sẽ tự biết điều chỉnh hành vi của mình cho đúng với các quy phạm pháp luật

T.N.H.T.
.
.