Đạo tặc ăn theo mùa dịch bệnh

Thứ Năm, 19/03/2020, 11:23
Thời gian vừa qua, dù đang trong mùa dịch bệnh song không vì thế mà các vụ trộm cắp tài sản giảm đi. Điều tra các vụ án này, cơ quan Công an khám phá những thủ đoạn ranh ma, dị thường của các đối tượng. Không phải ngẫu nhiên mà nhóm đạo chích gây ra tới hàng chục vụ trộm cắp khác nhau rồi mới sa lưới...


Trộm cắp tại các đình, chùa

Nếu gặp Phạm Văn Phương (sinh năm 1987, trú tại xã Nga Thành, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) trong hoàn cảnh khác, có lẽ ít ai dám nghĩ gã ta lại là một "siêu trộm". Phương thường diện những bộ cánh rất bảnh bao. Gã còn được trời phú cho khuôn mặt dễ coi, vóc hình cân đối của dân mê thể thao. Thế nhưng nhiều người sẽ phải ngã ngửa khi biết rằng, chỉ ngoài 30 tuổi nhưng Phương đã gây án khắp trong Nam ngoài Bắc.

Siêu trộm Phạm Văn Phương.

Năm 2010, Phương gây ra một vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại TP Quy Nhơn (Bình Định) phải lĩnh 12 tháng tù giam. Ít năm sau, Phương mò lên tận Tuyên Quang để trộm cắp tài sản, và tiếp tục phải "bóc thêm ba cuốn lịch" nữa. 

Tưởng rằng Phương đã biết hối cải, song đầu năm 2020 Phương vẫn chứng nào tật nấy, lượn lờ khắp phố phường Hà Nội để rình mò trộm cắp. Song lần này, gã "rút kinh nghiệm sâu sắc" nên chỉ chuyên đột nhập vào các đình, chùa để giở trò. Phương đã thực hiện trót lọt rất nhiều vụ, cho đến một ngày...

Ngày 26/2/2020, sư thầy Thích Đàm Phương, trụ trì chùa Bồ Đề (phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cùng bà Tăng Thị Tám đến Công an quận Bắc Từ Liêm trình báo về việc bị mất trộm tài sản với tổng số tiền lên đến hơn 40 triệu đồng tại phòng ngủ của mình ở chùa Bồ Đề.

Khẩn trương tiến hành xác minh, thu thập các chứng cứ, cơ quan công an có được thông tin thời gian gần đây sư thầy đi điều trị bệnh tại bệnh viện. Trong ngày xảy ra vụ trộm, bà Tám - một phật tử siêng năng - thay mặt trụ trì trông coi chùa phát hiện một nam thanh niên ăn vận khá bảnh bao đi taxi đến và ngồi uống nước tại sân chùa.

Khi bà Tám từ nơi thờ tự đi ra đã thấy anh ta bước lên thềm của ngôi chùa và hỏi sư thầy Thích Đàm Phương, tự nhận là người quen của sư thầy. Bà Tám cho anh ta biết sư thầy đi điều trị bệnh, có việc cần thì ngồi đợi. Anh ta đồng ý và tiếp tục ngồi đợi ở sân chùa. Bà Tám đi vào làm việc thường ngày, khi quay ra không thấy nam thanh niên đâu và ít phút sau sư thầy về phát hiện mất tài sản.

Công an quận Bắc Từ Liêm dẫn giải đối tượng Phạm Văn Phương đến hiện trường vụ án.

Có điểm đáng lưu ý là nơi bị mất trộm tài sản là khu vực nghỉ ngơi của sư thầy, nằm rất sâu phía trong chùa, phải qua nhiều cánh cửa và thông thạo nơi đây mới biết được. Sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, đặc biệt là những hình ảnh được trích xuất từ camera do nhà chùa ghi lại, các trinh sát đã xác định được đối tượng thực hiện vụ trộm cắp tài sản trên là Phạm Văn Phương và triệu tập về cơ quan công an để làm rõ. Thời điểm bắt giữ Phương, gã đang cùng bạn gái mua vé tàu hỏa về tỉnh Kon Tum.

Phương khai, chiều 25/2, Phạm Văn Phương cùng bạn gái là Trần Thị H. từ Thanh Hóa đi Hà Nội, để hôm sau mua vé tàu về Kon Tum. Phương và chị H. thuê nhà nghỉ ở khu vực Xã Đàn, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội ngủ qua đêm. Do không có tiền chi trả chuyến đi, Phương nảy sinh ý định trộm cắp tài sản tại các chùa để lấy tiền ăn tiêu.

Sáng 26/2, Phương thuê taxi đến chùa Bồ Đề. Lý do để Phương chọn địa điểm này, bởi anh ta đã đến đây nhiều lần và biết chỗ sư thầy Thích Đàm Phương cất tiền. Khi đến nơi, Phương đề nghị người lái taxi đợi trong sân chùa, còn Phương đi vào sân uống nước thì gặp bà Tăng Thị Tám.

Quan sát thấy không có ai, Phương liền đi vào phòng của sư thầy, nhanh chóng phát hiện nơi sư thầy cất tiền và khi đó tủ không khóa. Phương lấy túi vải màu xanh trong phòng, rồi cho tất cả những cọc tiền mệnh giá cao bỏ vào túi vải. Phát hiện chiếc điện thoại Samsung Galaxy J4, Phương cũng lấy trộm đút nhanh vào túi áo.

Phương khai nhận một lần sư thầy Thích Đàm Phương nhờ bê thùng kinh vào phòng nghỉ, nên đã nắm được đường đi vào và biết nơi sư thầy cất tiền. Tuy nhiên, bà Tăng Thị Tám cho biết, sư thầy không bao giờ cất kinh vào phòng... 

Sau khi trộm cắp được tiền, Phương về nhà nghỉ đón bạn gái đi mua nhẫn cưới. Khoảng 15h cùng ngày, cả hai người ra ga Hà Nội mua vé tàu đi Kon Tum thì bị Công an quận Bắc Từ Liêm phát hiện, bắt giữ.

Theo một điều tra viên Công an quận Bắc Từ Liêm, khi rà soát lịch trình của "cặp đôi" này, cơ quan công an phát hiện những nơi ghé thăm từ Nam ra Bắc đều là các đình, chùa. Phương dắt cô người yêu đi nhiều chùa đến nỗi vào ngày xảy ra vụ trộm tại chùa Bồ Đề, khi Phương rủ H. đi vãn cảnh chùa, H. đã tỏ ý chán nản, không muốn đi nữa.

Đối tượng Chu Văn An.

Chung "chí hướng" với Phương, đối tượng Chu Văn An (sinh năm 1999, trú tại xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội) cũng chỉ nhắm vào đình, chùa để trộm cắp. Chỉ trong một thời gian ngắn, An đã kịp gây ra đến gần 20 vụ.

Điển hình vào rạng sáng ngày 21/11/2019, An đột nhập vào nhà thờ Giáo xứ Vĩnh Lộc thuộc thôn 5, Phùng Xá (Thạch Thất) rồi dùng công cụ phá khóa hòm đựng tiền, lấy được khoảng 5,3 triệu đồng. Số tiền có được, An chơi điện tử và ăn tiêu hết. Hành tung của An không thoát khỏi cặp mắt điều tra nhà nghề của các trinh sát. Gã đã bị bắt không lâu sau đó. 

An khai đã gây ra khoảng 15 vụ trộm cắp tiền, tài sản tại nhiều đình, chùa, miếu, nhà thờ, nhà thờ họ trên địa bàn các xã của huyện Thạch Thất. Có địa điểm, An đột nhập 6 lần nẫng đi nhiều tiền, tài sản có giá trị. Đối tượng đã bị Cơ quan CSĐT Công an huyện Thạch Thất khởi tố điều tra về hành vi trộm cắp tài sản.

Dựng bạt, đột nhập cửa hàng

Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh, cho hay mới đây ông đã có buổi làm việc với bị can từng gây ra những vụ trộm xôn xao dư luận. Gã là Hán Anh Tuấn (sinh năm 1982, trú tại ngõ 689 Phạm Văn Đồng, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Đồng phạm của Tuấn là Nguyễn Quốc Dũng (sinh năm 1986, trú tổ dân phố Nhật Tảo 3, Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm).

Siêu trộm Hán Anh Tuấn (trái) và đồng bọn.

Trong ổ nhóm này Tuấn là kẻ chủ mưu cầm đầu gây ra hàng chục vụ đột nhập vào các cửa hàng cửa hiệu tại nhiều quận nội thành để thực hiện hành vi trộm cắp tài sản. Số tiền mà chúng trộm được lên tới hơn 700 triệu đồng.

Để có thể thực hiện trót lọt hàng loạt vụ, Hán Anh Tuấn đã nghĩ ra một màn kịch khá tinh vi. Cứ tầm 22 giờ đêm, Tuấn lên xe chở theo xà beng, kìm cộng lực, tuốc nơ vít, bao tải, vải bạt... mò đến địa chỉ đã tăm tia từ trước. Sau đó gã dùng vải bạt che cửa hàng để hàng xóm, người đi đường nhầm tưởng là nhà đang sửa chữa nên không can thiệp. 

Sau khi đã phá được các lớp cửa, Tuấn tha hồ lục lọi tài sản giá trị và cuỗm đi. Có những cửa hàng Tuấn phải làm 2-3 chuyến.

Một trong những vụ hoành tráng mà hai đối tượng đã thực hiện là tại cửa hàng số nhà 150 Trường Chinh (Đống Đa, Hà Nội). Sau nhiều ngày tăm tia nhóm này nắm bắt được quy luật hoạt động của chủ cửa hàng. Đồng thời cũng biết rằng ban đêm không có ai trông giữ. 

Gã liền giao cho đồng phạm ở ngoài cảnh giới, còn mình căng bạt che kín phía ngoài cửa hàng rồi dùng xà beng phá cửa cuốn và cửa kính để vào trong. Tuấn khuân đồ ra ngoài, Dũng cho vào bao tải có sẵn chất lên xe máy, sau đó cả hai mang đi bán.

Do cửa hàng còn rất nhiều đồ nên các đối tượng rủ thêm đối tượng tên Trung quay trở lại khuân tiếp, trong đó Trung có nhiệm vụ cảnh giới. Bao tải thứ hai đầy thì Trung chở xe máy về "địa điểm tập kết", Tuấn và Dũng tiếp tục ở lại lấy thêm một bao tải đồ thiết bị vệ sinh nữa mới ra về.

Trước khi ra về Tuấn không quên tháo luôn đầu thu camera và màn hình máy tính của cửa hàng. Tổng số tài sản của phi vụ này hơn 380 triệu đồng, gồm nhiều bộ sen vòi rửa bát, rửa mặt, sen cây, đèn sưởi và nhiều thiết bị vệ sinh...

Thấy việc trộm cắp tài sản của những cửa hàng này khá dễ dàng, không bị phát hiện nên nhóm đối tượng Tuấn, Dũng tiếp tục rủ nhau trộm cắp tại cửa hàng khoá Việt Tiệp tại 394 đường Láng (Đống Đa, Hà Nội). 

Cũng với thủ đoạn như trước, cả hai dựng bạt, dùng xà cầy phá cửa cuốn rồi vào trong dùng bao tải "thu dọn hiện trường". Bán hết tài sản trộm cắp trong "đợt 1" hai đối tượng cảm thấy "tiếc của giời" vì cửa hàng còn nhiều đồ nên làm tiếp "đợt 2". Lần này chúng mang hẳn xe bò quay trở lại để lấy cho nhiều!

Sau khi vơ vét đầy 6 bao tải toàn tô-vít, kìm, máy khoan, dao rọc giấy... tổng trị giá 20 triệu đồng thì các đối tượng mới kéo xe bò về. Tổng cộng nhóm này đã gây ra hàng chục vụ trộm cắp ở nhiều cửa hàng khác nhau trên địa bàn TP, số tiền chúng kiếm được lên tới khoảng 700 triệu đồng.

Cũng theo luật sư Thơm, khi trao đổi với luật sư, Tuấn bật mí rằng trước khi thực hiện việc trộm cắp, đối tượng đã theo dõi, quan sát quy luật hoạt động của cửa hàng. Bao gồm thời gian đóng - mở cửa hàng, cấu tạo cửa ra vào, mặt bằng thuê riêng biệt không có người trông coi hay chung với chủ nhà ngủ ở tầng trên...

Thông thường các cửa hàng sẽ có cửa cuốn bảo vệ bên ngoài và bên trong có thêm cửa kính. Song hai lớp cửa "chả là gì" đối với Tuấn. Việc phá khóa cửa cuốn rất đơn giản, kể cả cửa cuốn tự động điều khiển từ xa và cửa cuốn kéo tay. Thời gian thực hiện việc phá xong cả 2 lớp cửa khoảng từ 10 đến 15 phút. 

Bị can cũng cho biết nếu người dân đầu tư lắp đặt các loại khóa xịn, đắt tiền thì việc phá khóa sẽ gặp thêm chút khó khăn. Cá biệt, có vụ Tuấn không mở được cửa nên đã bỏ đi và tìm cửa hàng khác. Cũng theo siêu trộm này nếu cửa hàng có bố trí người ngủ buổi đêm thì sẽ không dám đột nhập.

Sau khi đột nhập vào trong cửa hàng, việc đầu tiên đối tượng sẽ tháo cục lưu trữ bộ nhớ camera an ninh vứt đi nhằm xóa hình ảnh trước đó đột nhập. Tiếp đó, bị can lấy hàng hóa cho vào bao tải đưa lên xe máy mang đi tiêu thụ. Bị can cho rằng tâm lý chung của người dân phố Thủ đô thường không quan tâm đến nhà người khác. 

Do đó, khi thấy bị can chăng bạt trước cửa nhà buổi đêm, dù có một số người đi qua nhưng chỉ nhìn rồi đi tiếp. Có thể họ cũng không quan tâm, để ý hoặc nghĩ đó là việc của gia đình đang sửa chữa nhà!

Yên Chi
.
.