Đâu là sự thật về vụ án gián điệp lớn nhất trong lịch sử Na Uy?

Thứ Tư, 29/11/2006, 08:30

Mặc dù vừa phải trải qua một căn bệnh nặng hồi đầu năm 2006 do nhiễm trùng máu, nhưng Arne Treholt vẫn tìm mọi cách xóa bỏ bản án mà mình đã phải nhận trước đây. Liệu Treholt có phải là một điệp viên Xôviết hay không? Câu hỏi này hiện vẫn chưa có lời giải đáp rõ ràng.

Sân bay Fornebu (Oslo) ngày 20/1/1984. Loa phát thanh thông báo đến giờ làm thủ tục cho một chiếc máy bay chở khách tới Vienna. Vào đúng lúc một hành khách cao lớn mặc chiếc áo bành tô cùng với chiếc vali xuất hiện tại quầy làm thủ tục, một người đàn ông lạ mặt bất ngờ xuất hiện ngay bên cạnh. "Thanh tra Tofte, chỉ huy Cơ quan Phản gián Na Uy" -  người này tự giới thiệu rồi tuyên bố: "Cục trưởng Treholt, ông đã bị bắt vì bị nghi ngờ hoạt động gián điệp cho Liên Xô". Chỉ vài phút sau, Treholt được áp giải tới một chiếc xe, sau đó xe phóng hết tốc độ tới trụ sở Cục Cảnh sát trung tâm...

Phiên toà xét xử đặc biệt

Chỉ một ngày sau đó, báo chí Na Uy đã cho đăng tải những dòng tít lớn: “Đã bắt giữ một gián điệp Liên Xô. Phát hiện trong người anh ta những tài liệu mật chuẩn bị chuyển giao cho một điệp viên KGB tại Vienna”. Vụ việc này ngay sau đó cũng được báo chí trên khắp thế giới đưa tin lại. Trong lúc đó, các nhân viên Cơ quan Phản gián Na Uy đã tập trung vào việc thẩm vấn hàng giờ liền, mặc dù người bị bắt giữ vẫn cương quyết phủ nhận những lời buộc tội.

 Ngày 25/2/1985, đã diễn ra một phiên tòa xét xử kín trong điều kiện đảm bảo an ninh chưa từng có tại quốc gia nhỏ bé Na Uy. Treholt bị dẫn giải vào phòng xử với đôi tay vẫn bị còng. Ông bị cáo buộc đã bán cho tình báo Xôviết rất nhiều thông tin bí mật về chính trị và quân sự liên quan đến Lực lượng vũ trang Na Uy và NATO để nhận được những khoản tiền lớn. Tư lệnh Lực lượng vũ trang Na Uy khi đó - tướng Fredrik Bull-Hansen - đã đánh giá thiệt hại mà Treholt đã gây ra cho đất nước là gấp... 5 lần ngân sách quốc phòng.

Bản cáo trạng cho biết, trong số những đại diện của Ủy ban An ninh quốc gia Liên Xô mà Treholt từng gặp gỡ đáng chú ý có tướng Gennadij Titov (cựu điệp viên của Tổng cục I KGB tại Oslo, về sau là chỉ huy bộ phận phản gián của KGB), tướng Vladimir Zizin (nhân viên đại diện thường trực của Liên Xô tại LHQ, hồi cuối những năm 80 là Phó chỉ huy Cơ quan Tình báo đối ngoại Xôviết), cùng một số sĩ quan cao cấp khác của KGB như Leonid Makarov, Evgheny Beliaev và Aleksander Lopatin.

Những lời khai nhân chứng buộc tội Treholt trong phiên tòa này là của một số tên phản bội như Stanislav Lecchenko, Oleg Liapin và Oleg Gordievski, có điều tất cả đều không ra mặt. Tên phản bội Gordievski khi đó còn chưa bị vạch mặt, thậm chí còn được đánh giá là “một nguồn tin tin cậy của KGB đã móc nối được với một nhân viên của tình báo Na Uy”. Sau khi bắt tay với MI-5 của Anh, Gordievski - cựu điệp viên tình báo Xôviết này đã gọi Treholt là một trong 10 điệp viên thành công nhất trong lịch sử KGB. Treholt thậm chí còn bị buộc tội có liên hệ với điệp viên Radzi Muhammed của tình báo Iraq để chuyển giao nhiều thông tin mật cho chế độ của Saddam Hussein.

Bản án cuối cùng được tuyên vào ngày 20/6/1985, theo đó Treholt phải nhận mức án 20 năm tù giam theo chế độ nghiêm ngặt nhất.

Những bất cẩn trong quan hệ

Cũng cần phải nhắc tới vài nét trong cuộc đời của nhân vật chính Arne Treholt trong vụ bê bối gián điệp lớn nhất tại Na Uy. Là một nhà báo tài năng, một nhà hoạt động xã hội và là một nhà ngoại giao, Treholt từ lâu đã nổi tiếng với những quan điểm cánh tả không khoan nhượng của mình. Bản thân ông cũng không bao giờ giấu giếm quan điểm của mình, ngay cả khi phát biểu trên báo chí của phe Dân chủ xã hội hay trong các cơ quan nhà nước, nơi Treholt từng được thăng tiến rất nhanh.

Ông từng là trợ lý riêng của Bộ trưởng Thương mại và Thủy vận, là Thứ trưởng Bộ Pháp luật vùng biển (từng tham gia trong các cuộc hội đàm Liên Xô - Na Uy về việc phân chia thềm lục địa biển Barensev), là cố vấn Cơ quan đại diện Na Uy tại LHQ, còn vào thời điểm bị bắt là Giám đốc Cục Báo chí và Thông tin của Bộ Ngoại giao Na Uy, cũng đồng nghĩa là phát ngôn viên chính thức của chính phủ.

Bằng chứng duy nhất trước toà là bức ảnh bí mật ghi lại cuộc gặp giữa Arne Treholt (trái) với hai sĩ quan KGB là Gennadij và Aleksander Lopatin trên đường phố Vienna.

Treholt từng phê phán rất gay gắt nhiều nội dung trong chính sách đối ngoại của Na Uy liên quan đến sự tham gia của nước này trong NATO, cũng như về nhiều hành động khác của Mỹ trên phạm vi toàn cầu. Chính vì những quan điểm tiến bộ của mình, mà ngay từ khi còn là một nhà báo và nhà hoạt động xã hội, Treholt đã bị lọt vào tầm ngắm của Cơ quan Phản gián Na Uy. Vào thời điểm đó, hoạt động theo dõi được coi là rất phổ biến đối với các cơ quan mật vụ Na Uy - không chỉ đối với những người có quan điểm cánh tả, mà thậm chí cả những thành viên chính phủ và những nhà hoạt động chính trị nổi tiếng khác.

Những nghi ngờ liên quan đến khả năng Treholt hợp tác với tình báo Xôviết đã nảy sinh vào tháng 2/1977, sau vụ bắt giữ nữ nhân viên Bộ Ngoại giao Na Uy là Gunvor Galtung Hovik từng làm việc tại Đại sứ quán Na Uy ở Moskva. Trên thực tế, Hovik là một điệp viên Xôviết (có mật danh “Greta”), từng được Moskva thưởng huân chương “Tình hữu nghị giữa các dân tộc”. Tuy nhiên, Hovik đã mất trong tù tại Na Uy vào năm 1977, tức là trước cả khi bị đưa ra tòa xét xử. Chân dung của bà vẫn được treo trang trọng tại một phòng bảo tàng bí mật của tình báo Xôviết ở Yshenevo. Nhân sự kiện này, tên phản bội Gordievski đã thông báo cho các chủ nhân mới của mình (và sau đó thông tin được chuyển cho phía Na Uy) về việc trong Bộ Ngoại giao Na Uy đang có một quan chức cao cấp làm gián điệp cho Liên Xô. Vòng vây nghi ngờ ngay lập tức nhằm vào Treholt. Cơ quan Phản gián Na Uy đã đặc biệt đẩy mạnh việc theo dõi Treholt từ năm 1979, khi ông được bổ nhiệm làm đại diện của Chính phủ Na Uy tại LHQ.--PageBreak--

Chiến dịch theo dõi có mật danh “Foxstrot” này được tiến hành với sự trợ giúp của người Mỹ. Hai điệp viên của FBI giả dạng làm một cặp vợ chồng đã tới ở gần nhà Treholt. Trong khi chỉ một năm sau khi Treholt tới New York, Vladimir Zizin cũng được cử tới đây làm đại diện của Chính phủ Xôviết (những cuộc tiếp xúc với nhân vật này về sau cũng được nhắc tới trong phiên tòa xét xử Treholt). Khi trở về Oslo, Treholt được cử đi học một khóa tại Trường Quân sự cao cấp của Bộ Quốc phòng. Giai đoạn này cũng là một trong những thời điểm quan trọng để buộc tội trong phiên tòa. Theo khẳng định của các điều tra viên, Treholt đã trao nhiều thông tin mật về Lực lượng vũ trang Na Uy cho Gennadij Titov. Trong khi bằng chứng đưa ra chỉ là nội dung một bài giảng thông thường tại Học viện quân sự này.

Các cuộc gặp gỡ tiếp theo của Treholt với tình báo Xôviết, theo giả thuyết điều tra, vẫn tiếp tục diễn ra khi ông chuyển sang làm tại Bộ Ngoại giao, nhưng lần này là ở ngoài biên giới Na Uy. Trong một cuộc gặp vào tháng 8/1983, Treholt đã trò chuyện rất vui vẻ với Titov và Aleksander Lopatin, người trước đó cũng từng có chuyến công tác tới Oslo dưới vỏ bọc tùy viên báo chí. Cuộc gặp này đã được ghi lại bởi một chiếc máy ảnh bí mật giấu trong một chiếc xe nôi trẻ em. Tấm ảnh chụp cuộc gặp của cả 3 người sau đó đã được đưa ra trước tòa dưới dạng “bằng chứng trực tiếp”, về sau được báo chí khắp thế giới đăng tải lại. Cơ quan điều tra còn khẳng định về một cuộc trò chuyện nữa của Treholt với Titov tại một nhà hàng ở Helsinki (Phần Lan), tuy không xác định được nội dung. Cuộc gặp gỡ tiếp theo (cũng theo nhà chức trách Na Uy) đã được ấn định vào tháng 2/1984 tại Vienna, nhưng vụ bắt giữ Treholt tại sân bay đã ngăn cản nó diễn ra.

Trong phiên tòa xét xử ông Treholt  đã không hề phủ nhận những cuộc gặp gỡ này. Tuy nhiên, ông khẳng định đó chỉ là việc tiếp tục phát triển những mối quan hệ thân quen trước đó với các nhân viên đại diện Xôviết, chứ không hề trao bất cứ thông tin mật nào cho KGB. Treholt quả quyết trong thời gian làm việc tại Bộ Ngoại giao, ông không có bất cứ điều kiện nào để tiếp cận với các tài liệu mật của chính phủ. Treholt chỉ thừa nhận đã thiếu cẩn trọng trong tiếp xúc, mặc dù đã biết một số người ông quen biết có quan hệ với Cơ quan Mật vụ Xôviết.

Nghi vấn chưa có lời giải

Tới năm 2004, nghĩa là hơn 2 thập niên sau khi phiên tòa xét xử Treholt diễn ra, hầu như tất cả những trang hồ sơ mật về vụ này (dày tổng cộng 256 trang) mới chính thức được công bố, ngoại trừ 5 trang đã được đóng dấu “tuyệt mật”. Nếu dựa vào những tài liệu trên, rõ ràng là bản án chỉ được căn cứ vào những bằng chứng gián tiếp, khi không có một chứng cứ cụ thể nào được nêu ra trước tòa.  Đó là chưa kể tới các tài liệu điều tra có nhiều đoạn bị tẩy xóa hay gạch bỏ.

Sau khi phải ngồi tù tới 8 năm (trong đó có 2 năm biệt giam), Treholt mới được nhà vua Na Uy ân xá vào tháng 7/1992. Khi đó Treholt 49 tuổi. Bà Chelly kết hôn với Treholt khi còn ở tù đã qua đời không lâu trước khi ông được trả tự do. Tại Na Uy, ông buộc phải sống với khoản tiền trợ cấp thất nghiệp nhỏ nhoi 500 cron mỗi tháng. Thế là, Treholt quyết định rời khỏi đất nước này để ra nước ngoài sinh sống.

Ban đầu Treholt tới Hy Lạp và sau đó là Nga, cố gắng thiết lập một số quan hệ làm ăn riêng, làm cố vấn cho một số hãng và cả một vài thành viên chính phủ. Tiếp đó, Treholt cùng với một số đối tác người Nga tới đảo Síp để thành lập quỹ đầu tư RIM Investment Management. Năm 2004, Treholt bán cổ phần của mình trong quỹ này cho Công ty FMC Securities, nhưng vẫn nắm vai trò giám đốc điều hành của một hãng với tổng số vốn đầu tư của Nga lên tới 2,7 tỉ cron tiền Na Uy (khoảng 440 triệu USD).

Mặc dù vừa phải trải qua một căn bệnh nặng hồi đầu năm 2006 do nhiễm trùng máu, nhưng Treholt vẫn tìm mọi cách xóa bỏ bản án mà mình đã phải nhận trước đây. Ông đã ủy thác việc này cho một ủy ban đặc biệt chuyên điều tra về những sai sót tại tòa án. Treholt cũng đã có vô số những bài trả lời phỏng vấn hay viết những cuốn sách về cuộc đời mình, trong đó đáng kể có cuốn hồi ký “Grasoner” được xuất bản năm 2005.

Liệu Arne Treholt có phải là một điệp viên Xôviết hay không? Câu hỏi này hiện vẫn chưa có lời giải đáp rõ ràng. Trong cuốn sách của mình, Treholt không loại trừ khả năng ông là một “đối tượng tuyển mộ” của KGB. Rất có thể trong lần dự định gặp gỡ sau đó (đã không thể diễn ra do Treholt bị bắt), Titov sẽ đưa ra lời đề nghị hợp tác. Nhưng theo lời Treholt, ông đã quyết định thẳng thừng từ chối nếu nhận được lời đề nghị này.

Điệp viên nổi tiếng Victor Grusko của Liên Xô - từng có thời gian hoạt động tại Oslo về sau là Phó chỉ huy Cơ quan Tình báo đối ngoại - trong cuốn hồi ký tựa đề “Số phận người điệp viên” của mình đã khẳng định rằng, Treholt chỉ là nạn nhân của một âm mưu chính trị tinh xảo, cụ thể là việc bắt giữ ông chỉ nhằm làm bài học cho các đại diện của phe chính trị cánh tả ở phương Tây. Trong khi ủy ban được Treholt ủy thác vẫn đang ráo riết điều tra, ngày càng có nhiều người dân tại Na Uy tin vào sự vô tội của Treholt

Thái Quân (theo Spy World)
.
.