Đấu trí với những nhóm côn đồ gây án

Thứ Tư, 02/01/2019, 14:32
Thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng Công an, hoạt động của các nhóm côn đồ gây án trên địa bàn cả nước đã được kiềm chế. tuy nhiên hoạt động tội phạm vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp.

Có thể nhận thấy, thủ đoạn hoạt động của các nhóm tội phạm ngày càng tinh vi. Các băng nhóm tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy có sự đan xen, chuyển hóa hoạt động và có sự gắn kết chặt chẽ với nhau về quyền lợi... Qua thực tiễn đấu tranh có thể nhận thấy sự trẻ hóa trong cơ cấu tổ chức hoạt động của các băng nhóm. Vì thế, việc đấu tranh, trấn áp với hoạt động của các nhóm đối tượng đòi hỏi tốn rất nhiều công sức.

Gây án vì tranh giành lãnh địa

Sau hơn 2 tháng tích cực điều tra, những ngày giữa tháng 12-2018, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Phú Thọ (Phú Thọ) đã bắt giữ đối tượng thứ 4 trong vụ án hình sự "Cố ý gây thương tích" đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại khu 7, xã Thanh Minh, thị xã Phú Thọ. Trong vụ án này, hung thủ và nạn nhân đều là những đối tượng từng nhiều lần "ra tù vào tội".

Chỉ vì muốn tranh giành địa bàn làm ăn, người bị hại với bản tính yêng hùng đã có những lời nói thách thức, coi thường đối phương. Nạn nhân không thể ngờ rằng sự ngạo mạn của anh ta lại là mầm mống cho một vụ trọng án, khiến anh ta từ người lành lặn trở thành kẻ tàn phế...

Vụ án xuất phát từ mâu thuẫn giữa hai đối tượng trong hai ổ nhóm côn đồ tại thị xã Phú Thọ. Quá trình điều tra xác định, trước đó, khoảng giữa tháng 9-2018, Vũ Mạnh Hùng, thường gọi là Hùng "tặc", đăng ký HKTT tại phố Lê Đồng, phường Âu Cơ, cùng Lê Văn Tùng, thường gọi là Tùng "lồi"; Trần Sơn Tùng, thường gọi là Tùng "đào" và Trần Ngọc Lâm, thường gọi là Lâm "đào",  đều đăng ký HKTT tại phường Âu Cơ, thị xã Phú Thọ đến quán Karaoke Phượng ở khu 3, xã Văn Lung, thị xã Phú Thọ do chị Nhâm Thị Lưu làm chủ.

Tại đây, Hùng yêu cầu chị Lưu phải cho anh ta 2 nhân viên nữ để Hùng sử dụng làm nhân viên phục vụ hát karaoke. Chị Lưu không đồng ý, đồng thời nói cho Hùng biết 2 nhân viên này là của Lê Mạnh Thắng, đăng ký HKTT tại khu 9, xã Hà Thạch, thị xã Phú Thọ, là đàn em của Nguyễn Hồng Quang, thường gọi là Quang "dưỡng", đăng ký HKTT tại khu 7, phường Trường Thịnh, thị xã Phú Thọ.

Các đối tượng trong vụ án.

Khi nghe chị Lưu nói vậy, Hùng với bản tính yêng hùng đã lớn tiếng chửi Quang và đe dọa nếu chị Lưu không làm theo ý của Hùng thì sẽ không để quán karaoke Phượng hoạt động bình thường. Sau khi sự việc trên xảy ra, chị Lưu đã thông báo nội dung trên cho Thắng. Bực tức với thái độ ngông nghênh của Hùng, Thắng nảy ý định đánh dằn mặt đối phương.

Ngay lúc đó, Thắng đã muốn ra tay với Hùng song anh ta cũng có chút e dè, lo âu vì Hùng cũng là đối tượng có máu mặt ở địa phương. Thắng sợ rằng nếu ra tay một mình rất có thể anh ta sẽ bị Hùng và đàn em phản đòn... Vì thế, Thắng tìm gặp Vũ Ngọc Linh, thường gọi là Linh "tô" và Trần Ngọc Dũng, thường gọi là Dũng "câm" , đều đăng ký HKTT tại phố Cao Du, phường Âu Cơ, thị xã Phú Thọ, nhờ Linh và Dũng đánh Hùng giúp Thắng.

Được Linh và Dũng đồng ý giúp, Thắng chuẩn bị công cụ và chờ thời điểm thích hợp để gây án. Khoảng 20h 30’ ngày 2-10, Thắng phát hiện Hùng ngồi ăn uống cùng bạn bè tại quán đồ nướng chân Cầu Trắng thuộc phường Hùng Vương, thị xã Phú Thọ đã thông báo cho Dũng và Linh biết... Sau đó, Thắng đi xe máy về nhà lấy các hung khí rồi đi đến điểm hẹn.

Tham gia vào vụ án này còn có Lê Huy Bình thường gọi là Bình "cẩu",  đăng ký HKTT tại khu 5, phường Thanh Vinh, thị xã Phú Thọ) và Nguyễn Tuấn Anh, thường gọi là "Định thổ", đăng ký HKTT tại phố Sa Đéc, phường Hùng Vương, thị xã Phú Thọ. Trong vụ án này, thương tích của người bị hại rất nghiêm trọng. Tại Bản kết luận giám định số 216 ngày 26-10 của Trung tâm pháp y tỉnh Phú Thọ kết luận: Tỷ lệ thương tích của Vũ Mạnh Hùng là 90%.

Đây chỉ là một trong những vụ án xảy ra trên địa bàn cả nước, đối tượng gây án là nhóm côn đồ, nguyên nhân bắt nguồn từ việc tranh chấp địa bàn làm ăn. Thực tế cho thấy, đối tượng trong các nhóm côn đồ gây án phần lớn là những kẻ có tiền án, tiền sự.

Khi xảy ra mâu thuẫn xuất phát từ nhiều nguyên nhân như tranh giành lãnh địa, vì một cái nhìn “đểu”... các đối tượng sẵn sàng dùng hung khí và vũ khí nóng để giải quyết mâu thuẫn. Sau khi sự việc xảy ra, chúng thỏa thuận, đe dọa hoặc mua chuộc người bị hại không trình báo sự việc đến cơ quan Công an. Trong khi đó, đối tượng phạm tội lại có mối quan hệ xã hội phức tạp, việc rà, dựng nguyên nhân gây án là một khó khăn.

Trở lại vụ trọng án xảy ra tại Phú Thọ, khó khăn lớn nhất đặt ra cho các trinh sát là việc xác định nguyên nhân, động cơ gây án. Vào thời điểm đó, nhiều giả thiết đã được Cơ quan CSĐT Công an thị xã Phú Thọ đặt ra như do mâu thuẫn tình ái,  nợ nần, tiền bạc... Nhưng qua thu thập tài liệu và rà soát thông tin, các nguyên nhân trên đã được loại trừ. Các trinh sát đã tập trung vào mâu thuẫn giữa các ổ nhóm tội phạm hình sự.

Theo lời khai của người bị hại thì anh ta có mâu thuẫn trực tiếp với Quang "dưỡng". Nạn nhân đã từng chửi Quang "dưỡng" trước mặt nhiều đối tượng xã hội khác. Sau đó, dùng gậy đánh gây thương tích cho đàn em Quang "dưỡng". Và trước khi xảy ra sự việc hơn 3 tháng, bị hại đã nhận được điện thoại đe dọa cắt gân từ đối tượng Trung "phở" - đàn em của Quang "dưỡng". Ngoài ra trong lúc mâu thuẫn, một trong số các đối tượng có nói "Mày nghênh ngang thì mày chết".

Dưới sự chỉ đạo của Ban giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ, đơn vị đã thành lập tổ công tác, giám sát bị hại 24/24h gồm 3 đồng chí do đồng chí Đội trưởng Đội thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an thị xã Phú Thọ làm tổ trưởng. Ngoài thân nhân chăm sóc, không có đối tượng xã hội nào đến thăm gặp nhằm đảm bảo an toàn cho người bị hại. Cùng với đó tiến hành rà soát các ổ nhóm tội phạm hình sự trên địa bàn, các camera an ninh, các tuyến đường từ khi bị hại ra khỏi nhà đến quán ăn đêm đến hiện trường vụ án, từ hiện trường vụ án đi các ngả đường khác nhau theo chiều ô tô đi; phát động quần chúng tố giác tội phạm...

Đơn vị đã phát phiếu thông tin tố giác tội phạm đến từng hộ dân trên toàn địa bàn. Ngoài ra, Công an thị xã Phú Thọ phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự nắm thông tin về các đối tượng nghi vấn. Căn cứ tài liệu điều tra, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Phú Thọ đã triệu tập Lê Mạnh Thắng, Vũ Ngọc Linh, Trần Ngọc Dũng, làm rõ nội dung sự việc như trên.

Quá trình bắt giữ Thắng, Linh và Dũng gặp không ít khó khăn. Với sự lưu manh của một đối tượng hình sự sau khi vụ án xảy ra, Lê Mạnh Thắng lập tức cao chạy xa bay một thời gian để nghe ngóng tình hình. Đối tượng đồng thời chuẩn bị để chống đối với cơ quan Công an.

Ngày 19-10, Thắng đã thuê luật sư đến làm việc với Công an thị xã Phú Thọ. Nhưng chính sự đề phòng của anh ta lại là chìa khóa giúp mở vụ án. Khi đấu tranh với Thắng, các trinh sát tập trung đấu tranh với đối tượng  về việc vì sao lại phải chuẩn bị thuê luật sư trước khi được triệu tập, dù ngày 28-10, anh ta mới được triệu tập. Biết không thể chối cãi, Thắng đã khai nhận hành vi phạm tội.

Cơ quan CSĐT Công an thị xã Phú Thọ đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Thắng về hành vi cố ý gây thương tích... Từ lời khai của Thắng, Công an thị xã Phú Thọ và Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh tiếp tục đấu tranh làm rõ hành vi phạm tội của Linh và Dũng. Ngoài ra còn xác định 2 đối tượng khác có mặt trên xe ô tô là Lê Huy Bình, trú tại khu 5, phường Thanh Vinh và Nguyễn Tuấn Anh, trú tại thị xã Phú Thọ.

Kinh nghiệm trong quá trình đấu tranh

Thực tế cho thấy, để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng, các nhóm côn đồ ngày càng hoạt động tinh vi. Trong các băng nhóm này, kẻ cầm đầu thường không "xuất đầu, lộ diện" mà chỉ đạo đàn em thực hiện. Trong khi đó, các chân rết trong vụ án thường là những con nghiện ma túy, sống phụ thuộc vào kẻ cầm đầu nên khi bị bắt rất trung thành. Một số đối tượng còn có thái độ thách thức, ương bướng, có nhiều trường hợp không hợp tác với cơ quan điều tra, viện lý do để không đến cơ quan Công an làm việc...

Đối tượng phạm tội có sự trẻ hóa nên hành động một cách liều lĩnh, manh động. Nhóm 8 kẻ côn đồ đâm 2 người thương vong bị lực lượng công an bắt giữ chỉ sau gần 4 giờ gây án tại TP Huế là một minh chứng. Khoảng 4h ngày 14-7, anh Lê Khắc Nhàn 23 tuổi, ngụ phường An Tây, TP Huế) cùng nhóm bạn đi nhậu tại quán nướng cay trên đường Lê Quý Đôn, phường Phú Hội, Huế thì xảy ra mâu thuẫn với nhóm thanh niên 7 người ngồi ở bàn bên cạnh. Sau đó, nhóm thanh niên có đông người đã bất ngờ đuổi đánh nhóm của Nhàn.

Nhàn cùng bạn ngồi chung bàn là Lê Quang Kiên, cũng mới 23 tuổi, quê Vĩnh Linh, Quảng Trị tháo chạy về hướng phường Xuân Phú nhưng bị nhóm thanh niên trên truy sát rồi dùng hung khí gây thương tích nghiêm trọng. Nạn nhân Nhàn đã tử vong tại bệnh viện do vết thương quá nặng, còn Kiên thì bị thương tích nghiêm trọng. Sau 4h nhận tin, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã xác định nhóm nghi can gây án gồm 8 người, hầu hết ở độ tuổi dưới 19 và đều trú tại TP Huế và thị xã Hương Thuỷ, Thừa Thiên - Huế.

Ngay lập tức, lực lượng thuộc Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với Công an TP Huế, Công an thị xã Hương Thuỷ và các đơn vị nghiệp vụ khác để truy bắt nhóm nghi can. Quá trình phân loại đã xác định hai nghi can chính trong vụ án kể trên là Trần Văn Vũ và Nguyễn Văn Vệ, cùng trú phường Thuỷ Phương, thị xã Hương Thuỷ.

Để đấu tranh có hiệu quả với hoạt động của các băng nhóm côn đồ, góp phần trả lại sự bình yên cho địa bàn, ngoài việc thực hiện tốt công tác quản lý địa bàn, cán bộ được giao nhiệm vụ phải là những người tận tâm, trách nhiệm với công việc. Kinh nghiệm cho thấy, ngay cả trong trường hợp khi các đối tượng trong ổ nhóm mới manh nha mâu thuẫn, hay có những lời nói thách thức nhau thì cán bộ phải xuống hiện trường nắm tình hình; tìm ra đối tượng chủ mưu, cầm đầu, đối tượng có liên quan để kịp thời ngăn chặn hoặc hạn chế thấp nhất hậu quả xảy ra.

Cùng với đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân dũng cảm tố giác tội phạm. Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, chú trọng cảnh báo,  tránh cung cấp thông tin về phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm hình sự để người dân nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa và tố giác tội phạm.

Cùng với đó, cần tăng cường trao đổi thông tin về hoạt động; phương thức và thủ đoạn hoạt động của các băng nhóm. Đẩy mạnh thực hiện các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm theo từng chuyên đề, qua đó phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị nghiệp vụ trong đấu tranh phòng, chống tội phạm giữa các lực lượng nghiệp vụ.

Bên cạnh công tác đấu tranh phòng chống tội phạm cần phải thường xuyên giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện phẩm chất cho cán bộ làm nhiệm vụ đấu tranh trên mặt trận này. Khi đối mặt với các nhóm côn đồ, cán bộ làm nhiệm vụ phải giữ được bản lĩnh, không để lộ, lọt thông tin hay bao che, bảo kê cho hoạt động phạm tội.

Quá trình đấu tranh cần tập trung công tác phòng ngừa xã hội để huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong phòng chống tội phạm; tổ chức thường xuyên và bằng nhiều hình thức tuyên truyền, các biện pháp phát động phong trào toàn dân tham gia tích cực trong phòng, chống tội phạm theo phương châm "mưa dầm thấm lâu" để làm sao chuyển hóa đối tượng có biểu hiện hoạt động phạm tội.

Xuân Mai
.
.