Đỗ Công Thành và những thủ đoạn chống phá nhà nước Việt Nam

Thứ Sáu, 15/06/2007, 11:00
Hành vi chống phá nhà nước Việt Nam của Đỗ Công Thành đã bị vạch mặt. Sau đây là toàn bộ quá trình phạm tội của Đỗ Công thành, kẻ cầm đầu cái gọi là "điện thư câu lạc bộ dân chủ" và "đảng dân chủ nhân dân"...

Hành vi phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam của Lê Nguyên Sang, Nguyễn Bắc Truyển, Huỳnh Nguyên Đạo... bị Tòa án nhân dân TP HCM đưa ra xét xử công khai vào ngày 10/5/2007, với mức án lần lượt là 5, 4, 3 năm tù giam cùng 2 năm quản chế sau khi mãn hạn.

Tất cả những hành vi vi phạm pháp luật ấy, đều nằm dưới sự giật dây của Đỗ Công Thành (tức Đỗ Thành Công, Trần Nam), kẻ cầm đầu cái gọi là "điện thư câu lạc bộ dân chủ" và "đảng dân chủ nhân dân"...

Sau khi cùng Bùi Thị Ngân Tiên (Bùi Tiên) vượt biên năm 1982, rồi được cho đi định cư tại Mỹ, Đỗ Công Thành và Bùi Tiên lấy nhau. Là kỹ sư làm việc cho Hãng Applies Marterial, trụ sở tại bang California, nhưng vợ chồng Đỗ Công Thành thay vì chí thú làm ăn, thì lại quan hệ với các tổ chức phản động của thiểu số người Việt, mà mục đích không ngoài việc chống lại quê hương, đất nước.

Thông qua những quan hệ ấy, Đỗ Công Thành và Bùi Tiên gia nhập “phong trào phục hưng Việt Nam” mà trong đó, Thành có bí danh Trần Nam, giữ vai trò "tổng thư ký" còn vợ thì được gọi là Chín Hoàng. Mặt khác, Thành còn là thành viên cốt cán của “chính phủ Việt Nam tự do” do trùm khủng bố Nguyễn Hữu Chánh thành lập.

Vợ chồng Đỗ Công Thành rất khôn khéo. Trong suốt thời gian tham gia tổ chức “phục hưng Việt Nam”, tham gia “chính phủ” của Nguyễn Hữu Chánh, Thành và Bùi Tiên hầu như chẳng bao giờ ra mặt công khai nên khi những trò bịp bợm của nhóm “phục hưng” của Nguyễn Hữu Chánh bị vạch trần, thì trên các phương tiện truyền thông đại chúng người Việt hải ngoại, ít thấy nhắc đến tên vợ chồng gã.

Chính vì lẽ đó, năm 2002, Đỗ Công Thành – dưới cái tên Trần Nam, tung ra một chiêu mới, gọi là “điện thư câu lạc bộ dân chủ”.

“Điện thư câu lạc bộ dân chủ” là một trang web trên mạng Internet, nội dung bao gồm những bài viết tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chính sách, chủ trương của Nhà nước Việt Nam, đòi xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đòi đa nguyên chính trị.

Tháng 4/2003, “điện thư” ra số đầu tiên với những cái tên như Trần Nam, Nguyễn Hải Sơn, Ngu Mạc Kha, Tuệ Minh, Thuận An... Đây còn là nơi Đỗ Công Thành dùng để tuyển mộ lực lượng.

Hễ thấy ai gửi đến địa chỉ “điện thư” những bài viết có nội dung bất mãn, chống đối, Thành sẽ chủ động liên hệ với họ qua e-mail, rồi dần dà lôi kéo bằng nhiều hình thức.

Với cách đó, gã đã rủ rê được Lê Nguyên Sang, Huỳnh Nguyên Đạo, Nguyễn Bắc Truyển và một số người khác tham gia viết bài cho “điện thư”. Trước vành móng ngựa trong phiên tòa sơ thẩm ngày 10/5, cả Lê Nguyên Sang, Huỳnh Nguyên Đạo, Nguyễn Bắc Truyển đều thừa nhận điều này.

Bùi Thị Ngân Tiên.

Năm 2004, lợi dụng Nhà nước kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân, không phân biệt thành phần, giai cấp, tôn giáo tham gia các diễn đàn, góp ý về các mặt kinh tế, xã hội, văn hóa...

Qua mạng Internet, Đỗ Công Thành bàn bạc với một số phần tử cơ hội, bất mãn trong nước tung lên diễn đàn những bài viết kêu gọi xóa bỏ điều 4 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam (điều xác định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản).

Tuy nhiên, âm mưu thâm độc ấy bị phát hiện, và bị ngăn chặn kịp thời. Thất bại, Thành vớt vát bằng cách đưa những bài viết này lên trang web “điện thư”, và tuyên truyền ầm ĩ rằng đây là “tiếng nói của những nhà dân chủ” trong nước.

Bước sang năm 2005, sau khi “điện thư” ra được khoảng hơn 20 số, Đỗ Công Thành cùng những “nhà dân chủ” nhận định rằng, cần phải có một đảng chính trị, hoạt động cả ở trong và ngoài nước, với tên gọi là “đảng dân chủ nhân dân”. Có thể thấy âm mưu thâm độc của Đỗ Công Thành trong việc lập “đảng dân chủ nhân dân” vì rằng nếu mọi việc êm xuôi, tên tuổi của Thành sẽ được đánh bóng, được biết đến như một người sáng lập và lãnh đạo!--PageBreak--

Còn nếu thất bại, kẻ “ôm đầu chịu báng” sẽ là những “nhà dân chủ” kia. Trước vành móng ngựa trong phiên tòa sơ thẩm ngày 10/5/2007, Lê Nguyên Sang cay đắng: “Sau khi bị bắt, tôi mới biết là tôi sai. Tôi vô cùng hối hận vì đã nghe theo lời dụ dỗ của Đỗ Công Thành”.

Riêng Nguyễn Bắc Truyển vừa khóc vừa nói: “Tôi xin lỗi gia đình, xin lỗi cán bộ, công nhân viên làm việc trong công ty tôi. Vì nghe Đỗ Công Thành nên tôi đã vi phạm luật pháp”.

Đặc biệt hơn nữa, Huỳnh Nguyên Đạo trong quá trình bị tạm giam để điều tra, Đạo đã tự tay viết một bản “tự bạch”, trong đó nói rõ sự bịp bợm của Đỗ Công Thành.

Tháng 5/2005, Đỗ Công Thành gửi qua e-mail bản "dự thảo cương lĩnh, điều lệ" của “đảng dân chủ nhân dân” cho Lê Nguyên Sang để Sang chuyển đến  những người khác xem, chỉnh sửa.

Tháng 6/2005, Đỗ Công Thành tuyên bố sự ra đời của “đảng dân chủ nhân dân” trong “điện thư” số 59, và phong cho Lê Nguyên Sang chức “ủy viên thường vụ, phụ trách đối ngoại”, phong cho Nguyễn Bắc Truyển là “bí thư thành bộ Sài Gòn”.

Tháng 8/2006, tin chắc là đã xây dựng được lực lượng cốt cán trong nước, và lực lượng này hoạt động có hiệu quả,  Đỗ Công Thành báo cho Lê Nguyên Sang biết, rằng gã sẽ về Việt Nam để kiểm tra cơ sở, đồng thời tổ chức “đại hội” bao gồm các thành viên của “đảng” và những “nhà dân chủ” ở Hà Nội, TP HCM.

Thành đề nghị Lê Nguyên Sang chọn sẵn những địa điểm an toàn, để tiếp xúc với Sang, với Huỳnh Nguyên Đạo cùng Nguyễn Bắc Truyển. Thành dặn Sang khi gặp gỡ, Thành sẽ mang tên là Khoa và nếu bị phát hiện, thì cùng thống nhất khai rằng chỉ quen biết nhau qua chuyện đầu tư, làm ăn trên mạng Internet.

Ngày 19/7/2006, Đỗ Công Thành cùng vợ là Bùi Tiên nhập cảnh qua cửa khẩu Tân Sơn Nhất với lý do thăm thân nhân. Sau đó, Thành cùng vợ về Phan Thiết, nơi gia đình gã đang sinh sống.

Trong vai một Việt kiều nhàn hạ, Đỗ Công Thành cùng Bùi Tiên thuê khách sạn, ngày ngày dạo chơi, thăm thú, trưa, chiều về ăn cơm với gia đình. Đến sáng 29/7, cho rằng các cơ quan chức năng Việt Nam không biết gì về mình, Thành thuê xe taxi từ Phan Thiết vào TP HCM.

Khi xe ra khỏi thành phố Phan Thiết một đoạn, Đỗ Công Thành đề nghị người lái xe tháo chiếc hộp đèn taxi trên mui xe xuống, đồng thời đưa cho lái xe hai tấm biển số xe (một tấm ở trước mũi xe và một tấm ở sau đuôi xe) mà Thành  đã chuẩn bị trước, với lời dặn khi nào được yêu cầu thì thay vào.

Trong suốt 5 ngày ở TP HCM, Đỗ Công Thành khi thì đi bộ, lúc đi taxi, đảo qua đảo lại số 4 đường Lê Duẩn, là trụ sở Tổng lãnh sự quán Mỹ. Bên cạnh đó, sau khi tiếp xúc Lê Nguyên Sang, Thành bỏ khách sạn cũ, chuyển đến ở một khách sạn mới.

Với Huỳnh Nguyên Đạo cũng vậy, gặp Đạo xong, Thành thay đổi khách sạn và tổng cộng trong 5 ngày ở TP HCM, Đỗ Công Thành thay khách sạn 4 lần. Tất cả hành vi ấy đã lọt vào tầm ngắm của Cơ quan Chống khủng bố Việt Nam.

Nhất là khi Cơ quan Chống khủng bố Việt Nam nhận được một lá đơn tố giác Đỗ Công Thành đang âm mưu tiến hành một vụ khủng bố, và khả năng chai rượu mà Đỗ Công Thành cho Lê Nguyên Sang là chất nổ.

Ngày 4/8, Đỗ Công Thành bay ra Hà Nội để tiếp xúc với những “nhà dân chủ”, nhằm mục đích bàn bạc thời gian, tổ chức “đại hội”. Tuy nhiên, do không móc nối được nên ngay tối hôm đó, Thành quay về TP HCM. Trong suốt thời gian này, Bùi Tiên hệ thống hóa các hoạt động của Thành để khi quay về Mỹ, sẽ viết bài trên “điện thư”, đánh bóng tên tuổi cho chồng.

Ngày 17/8/2006, Đỗ Công Thành bị bắt tại Phan Thiết với các chứng cứ phạm tội quả tang. Ngay ngày đầu tiên trong trại tạm giam, Đỗ Công Thành tuyên bố “tuyệt thực để phản đối Nhà nước Việt Nam vi phạm nhân quyền”, và chỉ... uống nước lã. “Tuyệt thực” đến ngày thứ năm, đói quá, Thành xin được ăn cơm để có sức mà... khai báo tiếp.

Trong hơn 1 tháng ở trại tạm giam, qua quá trình trả lời cán bộ điều tra, Đỗ Công Thành khai tất tần tật, từ việc sáng lập “đảng dân chủ nhân dân”, soạn thảo tuyên ngôn, cương lĩnh, điều lệ, đến việc rủ rê, lôi kéo Lê Nguyên Sang, Huỳnh Nguyên Đạo, Nguyễn Bắc Truyển và một số người khác tham gia.

Sau đó, Đỗ Công Thành viết đơn thể hiện sự ăn năn hối cải, xin được khoan hồng để Thành sớm được về đoàn tụ với vợ con, vì Thành mang trong mình nhiều bệnh nặng.

Ngày 21/9/2006, thể hiện chính sách nhân đạo, Nhà nước Việt Nam trả tự do và trục xuất Đỗ Công Thành. Ấy vậy mà lúc về đến Mỹ, Đỗ Công Thành như một con thò lò, không ngượng mồm khoác lác rằng, Việt Nam phải trả tự do cho Thành vì không tìm ra bằng chứng nào.

Rằng Thành cương quyết “tuyệt thực” nhưng vì các chiến hữu trong “đảng” khẩn thiết yêu cầu  chấm dứt để bảo toàn sức khỏe nên gã mới ăn. Thâm độc hơn, Thành xui Trần Quốc Hiền ở TP HCM (vừa bị đưa ra xét xử vì tội tuyên truyền chống Nhà nước Việt Nam và phá rối an ninh), cùng Đoàn Văn Diên ở Đồng Nai, tham gia vào cái gọi là “hiệp hội đoàn kết công nông Việt Nam" cũng do Thành lập ra ở Mỹ.

Khi Diên bị bắt, Thành lại xui Trần Quốc Hiền viết bài tán phát trên mạng Internet với những lời lẽ rất hằn học. Vợ Thành, Bùi Tiên cũng chẳng kém cạnh: Trên đất Mỹ, Bùi Tiên đẻ ra cái quái thai là “hội nhân quyền phụ nữ Việt Nam”, với những lời tuyên bố nghe kêu như sấm mà thực chất, suy cho cùng thì cũng vẫn chỉ là những lời bịp bợm

V.C.
.
.