Đoàn thanh tra đã qua mặt Bộ Xây dựng và địa phương như thế nào?

Thứ Năm, 23/07/2020, 16:35
Các cựu thanh tra của Đoàn thanh tra Bộ Xây dựng đã dùng thủ đoạn qua mặt Bộ Xây dựng, qua mặt chính quyền địa phương, dùng sức ép yêu cầu nhà thầu tư vấn, nhà thầu thi công phải chung chi tiền để bỏ qua sai phạm.

Các cựu cán bộ thanh tra đã sử dụng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình như một phương tiện ép buộc để chiếm đoạt tài sản của nhiều đơn vị với số tiền lớn. Hành vi của các thành viên Đoàn thanh tra đã bị vạch trần, 4 cán bộ thanh tra phải đối diện với mức án bị truy tố lên tới chung thân.

Thanh tra vượt thẩm quyền, phạm vi

Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc vừa ban hành cáo trạng truy tố các bị can: Nguyễn Thị Kim Anh (Phó trưởng phòng Phòng chống tham nhũng thanh tra Bộ Xây dựng); Nguyễn Thị Kim Liên (cán bộ phòng Thanh tra xây dựng 3); Đặng Hải Anh (chuyên viên phòng Thanh tra xây dựng 2) và Nguyễn Thị Thùy Linh (thành viên đoàn thanh tra) về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản". Trong đó, Nguyễn Thị Kim Anh được xác định có vai trò chủ mưu, đối diện mức án từ 20 năm tù đến chung thân.

Trưởng đoàn thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Thị Kim Anh bị bắt quả tang nhận hối lộ.

Theo cáo trạng, tháng 3/2019, Nguyễn Thị Kim Anh được điều động, luân chuyển làm Phó trưởng phòng chống tham nhũng - Thanh tra Bộ Xây dựng và được giao làm Trưởng đoàn thanh tra tại huyện Vĩnh Tường. Kim Anh có trách nhiệm soạn thảo quyết định và kế hoạch thanh tra trình Chánh thanh tra Bộ Xây dựng duyệt.

Quyết định số 1369/QĐ-BXD ký ngày 24/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng là thanh tra tại UBND huyện Vĩnh Tường, không phải là UBND các xã, thị trấn và không được thanh tra đối với các dự án công trình do UBND cấp xã làm chủ đầu tư.

Theo quy định tại Điều 24, Thông tư số 05 của Thanh ra Chính phủ về tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác của Đoàn thanh tra và trình tự tiến hành của một cuộc thanh tra, thì UBND cấp xã, thị trấn chỉ là đơn vị liên quan, Đoàn thanh tra chỉ tiến hành làm việc, kiểm tra, xác minh với các đơn vị liên quan, người liên quan khi cần thiết làm rõ vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra của đối tượng thanh tra là UBND huyện Vĩnh Tường.

Tuy nhiên, trước khi về thanh tra tại huyện Vĩnh Tường, Kim Anh đã điện thoại cho một số cán bộ phòng Kinh tế hạ tầng của huyện yêu cầu tổng hợp, báo cáo toàn bộ các dự án công trình xây dựng do 29 xã, thị trấn làm chủ đầu tư từ 2013-2018. Sau khi nhận được báo cáo từ địa phương gửi lên, Kim Anh đã trực tiếp chỉnh sửa lại quyết định và kế hoạch thanh tra.

Cáo trạng của VKSND tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh, Kim Anh không nói rõ đối tượng thanh tra mà chỉ nêu chung chung về nội dung phạm vi thanh tra, nhằm mục đích che giấu việc thanh tra vượt thẩm quyền, phạm vi (ngoài công vụ) để thanh tra trực tiếp đến các dự án, công trình xây dựng do UBND 29/29 xã, thị trấn thuộc huyện Vĩnh Tường làm chủ đầu tư để trục lợi.

Đặc biệt, theo nội dung nơi nhận của Quyết định thanh tra do Kim Anh soạn chỉ gửi cho UBND huyện Vĩnh Tường (để thực hiện), gửi cho UBND tỉnh Vĩnh Phúc (để chỉ đạo), gửi cho Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc (để phối hợp), nhưng Kim Anh đã không gửi Quyết định này cho Sở Xây dựng và UBND tỉnh Vĩnh Phúc.

Tìm sai phạm để đổi lấy… tiền

Khi dự thảo các biên bản kết quả làm việc, bà Kim Anh và những người trong đoàn đã nêu ra nhiều vi phạm của các chủ đầu tư và doanh nghiệp. Sau khi nhận được dự thảo biên bản làm việc, các nhà thầu đã tìm gặp đoàn thanh tra để bổ sung hồ sơ, giải trình về các lỗi vi phạm nhưng không được chấp nhận. Bị can Kim Anh và Hải Anh còn đưa ra các lý do để gây khó khăn cho doanh nghiệp, dọa nếu không thừa nhận vi phạm sẽ yêu cầu nhà thầu về Hà Nội để giải trình.

Do đó, một số nhà thầu, chủ đầu tư đã đề nghị trưởng đoàn thanh tra tạo điều kiện bỏ qua hoặc giảm nhẹ các lỗi vi phạm. Cả bị can Kim Anh và Hải Anh đã  yêu cầu những nhà thầu này phải đưa tiền cho đoàn thanh tra để bỏ qua lỗi vi phạm. Khi trao đổi, yêu cầu về số tiền phải đưa, hai người này đều viết ra giấy hoặc đánh số trên máy tính đưa cho họ xem rồi xóa, rất ít khi nói bằng lời để tránh việc bị ghi âm.

Cũng theo cáo trạng, bị can Kim Anh đã gặp, bàn bạc riêng với một số thành viên trong đoàn thanh tra, thống nhất việc thu tiền và ăn chia số tiền thu được của các đơn vị bị kiểm tra. Theo đó, đối với những nhà thầu do Hải Anh phụ trách kiểm tra thì bị can này sẽ tự quyết định số tiền họ phải nộp theo tỉ lệ % số tiền trên hợp đồng.

Còn với những nhà thầu do Thùy Linh và Kim Anh phụ trách sẽ yêu cầu phải nộp 5% trên giá trị hợp đồng đối với nhà thầu tư vấn và 0,15% giá trị hợp đồng đối với nhà thầu thi công kiểm tra về điều kiện năng lực. Các bị can Hải Anh; Thùy Linh được chia 1/3 tổng số tiền thu được, còn lại Kim Anh được hưởng một nửa và một nửa để chi phí chung cho đoàn thanh tra.

Với thủ đoạn như trên, từ cuối tháng 5/2019 đến 12/6/2019, các bị can Kim Anh, Hải Anh đã thu tiền của rất nhiều cá nhân, đơn vị liên quan đến hoạt động thanh tra. Do bức xúc với việc làm này, nhiều chủ doanh nghiệp, kế toán UBND xã đã tố cáo hành vi của đoàn thanh tra đến Cơ quan công an.

Quá trình điều tra, các bị can khai nhận tổng số tiền thu từ đại diện các doanh nghiệp, chủ đầu tư từ hoạt động thanh tra tại huyện Vĩnh Tường là hơn 2,153 tỉ đồng. Cơ quan điều tra đã chứng minh làm rõ số tiền những người này chiếm đoạt thu lợi bất chính là 2,057 tỉ đồng, trong đó riêng bị can Kim Anh, người được xác định là người chủ mưu chỉ đạo điều hành và trực tiếp thực hiện, chiếm đoạt hơn 1,3 tỉ đồng.

Trần Tâm
.
.