Đoạn trường tủi nhục của một cô gái đi làm dâu xứ người

Thứ Ba, 17/04/2007, 15:00
Đúng lúc gia đình tan vỡ, H. được mấy người môi giới rỉ tai lấy chồng ngoại sẽ đổi đời. Sau nhiều đêm trăn trở, H. quyết định “nhắm mắt đưa chân” lấy chồng ngoại. H. đâu biết rằng cô đang dấn thân vào một cuộc phiêu lưu nguy hiểm...

Luồn qua những con đường nhỏ ngoằn nghèo giữa rừng cao su bạt ngàn, tôi mới tìm gặp được Nguyễn Thị Ngọc H. 24 tuổi, ở xã Thịnh Đức, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh. H. may mắn vừa được giải cứu và trở về nhà. Với cô, những ngày tháng vừa trải qua thực sự là chuỗi ngày kinh hoàng.

Mới mười bảy tuổi, H. đã lấy chồng. Làm nông lam lũ cũng chỉ đủ ăn, lại làm vợ, làm mẹ quá sớm nên cuộc sống đôi vợ chồng trẻ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”.

Đứa con thứ hai ra đời cũng là lúc vết nứt hạnh phúc không thể cứu vãn. Hai vợ chồng chia tay, đứa bé theo mẹ, đứa lớn theo cha. H. ra thành phố học nghề, rồi đi làm. Làm công ăn lương, ráo mồ hôi là hết tiền.

Đúng lúc ấy, H. được mấy người môi giới rỉ tai lấy chồng ngoại sẽ đổi đời. Sau nhiều đêm trăn trở, H. quyết định “nhắm mắt đưa chân” lấy chồng ngoại để có cơ hội dành dụm, chắt bóp tiền mong cứu giúp gia đình, giúp mẹ kiếm được mảnh đất cắm dùi.

Cô nghe theo bà mối đi học tiếng Hoa cấp tốc để “đi du lịch tìm chồng”. Cùng chuyến đi với cô còn có hàng chục cô gái khác. Theo lời hứa của bà mối thì viễn cảnh lấy chồng ngoại thực sự là "thiên đường", cứu cánh đối với cô.

Chi phí rẻ, không mất tiền vé, chỉ mất 2 triệu đồng lệ phí tân trang nhan sắc, lại tha hồ chọn chồng, nếu không ưng ý sẽ thoải mái trở về chẳng ai bắt ép nên H. hăm hở lên đường. Tuy nhiên, để “nắm đằng chuôi”, bà mối yêu cầu các cô phải ký hợp đồng tìm chồng với những điều khoản  thỏa thuận.

Trước khi lên máy bay, toàn bộ giấy tờ của các cô đã bị tịch thu. Vừa đặt chân tới xứ người, ngày 30/11/2005, nhóm các cô đã bị xé lẻ, theo các ông chủ tập kết ở các điểm khác nhau. H. được ông chủ tên là Bambu chở thẳng về thành phố Colombo, Malaysia.

Suốt 4 tiếng đồng hồ vượt qua quãng đường điệp trùng rừng núi, tâm trạng lo âu, bỡ ngỡ luôn đè nặng. Tại “động” tìm chồng, đã có hàng chục cô gái đợi đến lượt. Các cô bị ông chủ nhốt trong một căn nhà cài chặt cửa, không được giao tiếp với ai.

Một tuần sau, H. được ông chủ dắt mối kết hôn với một người đàn ông Malaysia hơn cô 20 tuổi. Qua lời giới thiệu của phiên dịch, cô chỉ biết sơ qua về người chồng không biết chữ, hiện đang sống cùng với mẹ là giáo viên.

Với vốn tiếng Hoa bập bẹ ít ỏi, cô cố gắng nói vài câu với chồng, nói không hiểu lại ra hiệu nhưng chồng cô cũng khó có thể hiểu được tâm tư của một phụ nữ vốn đa sầu đa cảm như cô.

Nhưng khủng khiếp nhất là người cô định trao thân gửi phận lại mắc chứng thần kinh. Mặc dù mẹ chồng đã không hề giấu giếm với chủ môi giới về tình cảnh con trai, mong có con dâu cho khuây khỏa, còn trước khi đi, H. đã thỏa thuận trong hợp đồng là không lấy chồng tật nguyền, khùng dại.

Tuy nhiên, tất cả điều cô phòng xa đã trở thành sự thật. “Đi thì mắc núi, trở lại mắc sông”, thời hạn du lịch đã hết buộc cô phải cắn răng chịu đựng. Trước tình thế nguy nan đó, cô đã giao kèo “sống thử” một thời gian ngắn với người chồng thần kinh.

Chuỗi ngày căng thẳng dồn dập đến khi chồng cô lên cơn điên la hét, đập phá. Bà mẹ chồng phải giấu luôn tất cả dao kéo, sợ con trai làm càn sẽ sinh họa. Khi nghe hàng xóm kể lại chồng cô khi khùng đã từng dùng dao sát hại anh chồng và bố chồng, cô thực sự bạt vía kinh hồn, không dám ngủ chung phòng với chồng mà bám riết mẹ chồng không rời nửa bước.

Mỗi khi bà đi vắng, cô càng hoảng loạn hơn, trốn ra phía ngoài nhà để bảo toàn tính mạng, phòng  lúc chồng lên cơn. Để giải tỏa nỗi sợ hãi, cả ngày H. chẳng biết làm gì ngoài phụ mẹ chồng và khóc ròng thương cho thân phận mình.

Người cô gầy rộc vì bỏ ăn và đêm đêm lo âu thức trắng. Là nhà giáo, cùng cảnh phụ nữ, mẹ chồng thấu hiểu và cảm thông nỗi lòng của cô. Bà lựa lời động viên cô ở lại nhưng cuộc sống như địa ngục trần gian, H. một mực xin trở về nước.

Trước cảnh ngộ của cô, vừa mất tiền môi giới lại bị môi giới bội ước nên bà mẹ chồng nhân từ đã gọi điện cho ông chủ, yêu cầu cho cô hồi hương.

Vừa ra khỏi nhà, ông chủ đã lục soát valy và người lấy toàn bộ giấy tờ, ảnh, sổ điện thoại gia đình, hộ chiếu và chút tiền mẹ chồng dúi cho cô hòng cắt đứt mọi sự liên lạc với gia đình, khống chế buộc phải nghe lời ông ta.

Ông ta thẳng thừng ra giá: nếu ở nhà không hoàn đủ 20 triệu đồng, cô sẽ không thể trở về. Mặc dù cô đã van xin và hứa về nước sẽ hoàn trả nhưng không được chấp nhận.

Khi cô kháng cự, ông ta hùng hổ tuyên bố: “Đất của mày ở Việt Nam chứ không phải Malaysia. Nếu không nghe lời, tao sẽ mướn người lôi vào rừng giết chết”.

Đề phòng các cô gái khác ở cùng sẽ học tập chống đối, ông chủ đã gửi cô sang nhà một chủ khác để hành hạ cho bõ tức. Thân hình mềm yếu, mảnh khảnh của cô càng thâm tím trước những cơn mưa đòn tới tấp, những nhát giày oan nghiệt.

Tra tấn mãi không đạt mục đích, cuối cùng ông ta phải thả cô. Từ Malaysia, ông ta lái xe qua biên giới, bỏ cô ở đó. Phát hiện cô nhập cảnh trái phép, Cảnh sát Thái Lan ập tới bắt giữ mặc cô khản cổ kêu la: “Tôi là người Việt Nam” nhưng không ai hiểu.

Tại đồn cảnh sát, cô phải trả lời hàng loạt câu hỏi như làm sao vào được Thái Lan, vào với mục đích gì. Sau khi được đưa vào trại tị nạn Tamo, cô đã thuật lại toàn bộ sự việc.

Ba tháng ở trại, với điều kiện khắc nghiệt, món ăn không phù hợp, lại phải bị giam cầm; cô đã phải ra hầu tòa về tội nhập cảnh trái phép. May mắn thay, cô được Đại sứ quán nước ta ở Thái Lan giúp đỡ và minh oan.

Họ đã thẩm tra toàn bộ thông tin cô trình báo và khẳng định cô thực sự là nạn nhân. Cuối cùng, phiên tòa xét xử đã tuyên bố cô vô tội và cô được chuyển từ Tamo sang nơi khác chờ đợi ngày về nước.

Mẹ cô ở nhà nghe tin dữ về con gần như phát điên, cạo trọc đầu, ngày nào cũng tụng kinh niệm Phật mong cô trở về. Cũng trong thời gian này, những thông tin cô trình báo đã được gửi về lực lượng chức năng trong nước.

Căn cứ vào thông tin qua bản tường trình của H., cùng với hàng loạt tài liệu thu thập được qua thời gian trinh sát, những bộ mặt phạm tội lộ dần. Chuyên án 106P được Ban Giám đốc Công an Tiền Giang xác lập phối hợp với Công an Tây Ninh, Công an TP HCM, Cục CSĐTTP về TTXH (Bộ CA).

Tại sân bay Tân Sơn Nhất, tú bà Trần Thị Mỹ Phượng đang cùng ông chồng Đài Loan Tsai I Hsien làm thủ tục xuất cảnh đã bị bắt khẩn cấp về hành vi mua bán phụ nữ.

Ngay sau đó, 6 đối tượng còn lại trong đường dây cũng đã sập bẫy, cùng toàn bộ vật chứng là 48 hộ chiếu, 77 sổ hộ khẩu, 27 giấy CMND. Bước điều tra mở rộng vụ án đã làm rõ đây là bọn buôn người đã lừa 161 cô gái nhẹ dạ như H. sang các nước, đẩy họ vào phục vụ trong các động mại dâm.

Về đến quê hương, ký ức về những chuỗi ngày ở với “người chồng” điên và bị hành hạ ở nước ngoài luôn đeo đẳng trong cô. Rất may, trong lúc bí bách nhất, cô được các chị trong Hội Phụ nữ xã và Hội Phụ nữ tỉnh Tây Ninh kịp thời động viên, an ủi giúp nguôi ngoai phần nào.

H. đã tham gia lớp học nghề do Hội Phụ nữ tỉnh mở, mong kiếm được nghề nghiệp ổn định kiếm kế sinh nhai. Và điều cô vui mừng là những kẻ rắp tâm hãm hại cô đã bị bắt giữ.

Nhưng H. không phải là trường hợp cá biệt. Theo điều tra ban đầu, hiện nay cả nước có 33 tuyến, 139 địa bàn trọng điểm vẫn còn hiện tượng buôn bán phụ nữ trẻ em ra nước ngoài với khoảng 235 đường dây, 654 đối tượng. Khoảng 7.940 phụ nữ trẻ em vắng mặt lâu ngày tại địa phương nghi bị bán, khoảng 136.000 phụ nữ kết hôn với người nước ngoài.

Hai năm qua, đã có 1.280 nạn nhân là phụ nữ trẻ em từ nước ngoài được tiếp nhận trở về, và 122 nạn nhân được giải cứu và đưa về nước. Mong rằng, bài viết này là lời cảnh tỉnh cho các cô gái nhẹ dạ, cả tin, đừng ảo tưởng lấy chồng ở nước ngoài sẽ đổi đời để bọn tội phạm buôn người lừa phỉnh rồi phải đắm chìm trong tủi nhục ở xứ người

Ngọc Khánh
.
.