Dòng chữ kỳ lạ tố cáo thủ phạm

Thứ Ba, 20/06/2017, 17:24
Sáng 12-6 vừa qua, dư luận xã hội xôn xao trước thông tin cháu bé 33 ngày tuổi ở Thạch Thất (Hà Nội) bị sát hại trong chậu nước. Thủ phạm còn để lại dòng chữ hàm ý việc sát hại cháu bé là để trả thù ông nội của cháu. Việc giải mã dòng chữ kỳ lạ trên là một thách thức đối với các giám định viên kỹ thuật hình sự góp phần xác định thủ phạm, tìm lại công bằng cho cháu bé vô tội...

Cái chết tức tưởi của bé trai 33 ngày tuổi

Vụ án đau lòng được phát hiện vào sáng 12-6. Khoảng 5h30, ông Vũ Đình Lăng (69 tuổi, ở thôn Đình, xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội) phát hiện cháu nội là Vũ V.A. (33 ngày tuổi) nằm úp sấp mặt trong chậu nước tắm gần cầu thang. Ông hốt hoảng bế cháu lên nhưng cháu đã tử vong.

Ông Lăng vội vàng gọi bố cháu là anh Vũ Hoàng Hải và mẹ cháu là Phan Thị Trinh dậy rồi hô hoán hàng xóm. Lúc này, cánh cổng vẫn đóng, cài then phía trong. Hàng xóm phải đẩy cửa, gạt then cài mới vào được nhà. Khi vào, mọi người phát hiện trên bậc cầu thang có dòng chữ viết bằng than hoa có nội dung: “Tao sẽ giết cháu mày Lăng”.

Thông tin về cái chết tức tưởi của cháu bé mới 33 ngày tuổi và dòng chữ để lại đã gây bàng hoàng, xôn xao dư luận bởi sự độc ác của hung thủ - sát hại một cháu bé vô tội để trả thù mâu thuẫn với người lớn.

Công tác giám định chữ viết góp phần truy nguyên thủ phạm trong các vụ án hình sự.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Phòng Kỹ thuật hình sự (PC54) Công an Hà Nội đã khẩn trương phối hợp Phòng Cảnh sát hình sự (PC45), Viện kiểm sát và Công an huyện Thạch Thất tiến hành khám nghiệm hiện trường, pháp y tử thi, xác định bé trai tử vong do bị ngạt nước, trên người không phát hiện dấu vết tác động ngoại lực. Cùng với việc thu thập các dấu vết tại hiện trường, bộ phận kỹ thuật hình sự đã ghi nhận dòng chữ viết trên cầu thang và tiến hành nghiên cứu.

Đại úy Lê Thị Kim Tuyến, Đội trưởng Đội giám định tài liệu (Phòng PC54 Công an Hà Nội), người trực tiếp giám định mẫu chữ viết thu tại hiện trường cho biết: Thông thường, những vụ án mà thủ phạm để lại chữ viết tại hiện trường rất hiếm khi xảy ra.

Trong vụ án thương tâm này, dòng chữ “Tao sẽ giết cháu mày Lăng” được viết trên bậc cầu thang bằng chất liệu than củi, dạng chữ in hoa. Với “địa hình” là bậc cầu thang, liên quan đến tư thế của người viết nên chữ viết sẽ không tự nhiên như trong điều kiện viết thông thường. Nội dung dòng chữ khiến mọi người sẽ nghĩ nhiều đến khả năng thủ phạm có mâu thuẫn với những người trong gia đình, đặc biệt là ông Lăng - ông nội của cháu bé.

Tuy nhiên, điều này lại mâu thuẫn với hiện trường không có dấu vết của người lạ đột nhập vào. Hơn nữa, liệu người lạ nào có thể vào tận giường bế cháu bé ra ngoài trong khi cháu bé nằm ngủ cùng với cả bố và mẹ? Mặt khác, theo lời khai của các  thành viên trong gia đình thì họ không có mâu thuẫn, thù oán với ai.

Do thủ phạm để lại chữ viết tại hiện trường nên song song với công tác khám nghiệm hiện trường, Phòng Kỹ thuật hình sự phối hợp CQĐT tiến hành thu mẫu chữ viết của các đối tượng nghi vấn. Ông Vũ Đình Lăng, người đầu tiên tiếp cận hiện trường, phát hiện sự việc được lấy mẫu trước. Giám định nhanh mẫu chữ viết của ông Lăng, giám định viên loại trừ ngay do không cùng một người viết. CQĐT tiếp tục thu mẫu chữ của những người trong diện nghi vấn, trong đó có bố mẹ cháu bé.

Khẩn trương nghiên cứu, giám định viên Lê Thị Kim Tuyến định hướng tập trung khai thác mẫu chữ viết của Phan Thị Trinh (SN 1997, mẹ đẻ cháu bé) do có nhiều đặc điểm giống nhau. Nghi can đã lộ diện, song do số lượng chữ mẫu ít, chữ viết lại là dạng chữ in nên để có kết quả chính xác nhất, giám định viên đề nghị CQĐT thu mẫu thực nghiệm của Trinh viết trên các điều kiện gần tương tự.

Thận trọng, tỉ mỉ nghiên cứu các mẫu thực nghiệm này, Phòng Kỹ thuật hình sự kết luận, Phan Thị Trinh chính là “tác giả” đã viết dòng chữ lên bậc cầu thang. Kết hợp các tài liệu điều tra khác của CQĐT, cuối cùng Trinh khai nhận chính là thủ phạm sát hại con đẻ của cô ta.

Theo khai nhận của Phan Thị Trinh thì khoảng 2 giờ sáng, Trinh tỉnh giấc vì nghe tiếng con khóc. Trinh cho con bú khoảng 5 phút thì cháu bé ngủ. Trinh đặt con xuống giường ngủ tiếp. Tuy nhiên sau đó, Trinh tỉnh dậy và bế con từ phòng ngủ ra gần cầu thang lối lên tầng 2. Thấy có chậu nước tắm hằng ngày cho con đầy nước, Trinh liền thả cháu bé vào chậu trong tư thế úp mặt xuống rồi đi xuống nhà vệ sinh tầng 1, sau đó lên phòng ngủ ở tầng 2.

Trong lúc đi lên tầng 2, Trinh lấy cục than hoa viết dòng chữ “Tao sẽ giết cháu mày Lăng” rồi lên giường đi ngủ cho đến khi ông Lăng  phát hiện sự việc gọi hai vợ chồng dậy. Bước đầu, theo thông tin từ CQĐT, nguyên nhân dẫn đến vụ án thương tâm này là do Phan Thị Trinh mắc chứng trầm cảm sau sinh nên xuất hiện những suy nghĩ tiêu cực.

Sau khi Trinh khai nhận hành vi phạm tội, CQĐT đã tổ chức thực nghiệm hiện trường. Phan Thị Trinh được yêu cầu viết lại dòng chữ trên cầu thang với nội dung tương tự. Giám định mẫu chữ của Phan Thị Trinh viết trong buổi thực nghiệm hiện trường với chữ viết sao chụp trên cầu thang tại thời điểm phát hiện vụ án kết luận là chữ viết của cùng một người.

“Ngay từ đầu khi giám định chữ viết của Phan Thị Trinh, những đặc điểm trùng khớp  khiến chúng tôi giật mình vì người ta bảo “hổ dữ còn không nỡ ăn thịt con”. Nhưng sự thật đau lòng lại đúng là như vậy” - Đại úy Lê Thị Kim Tuyến không giấu được nỗi buồn khi kể lại quá trình giám định.

Giám định chữ viết góp phần truy nguyên thủ phạm

Theo Đại úy Lê Thị Kim Tuyến, trong khoa học hình sự, chữ viết cũng giống như vân tay, có giá trị truy nguyên cá thể để lại (người viết chữ).  Giám định chữ viết, chữ ký dựa trên tự dạng, cơ sở khoa học của chữ viết gồm tính cá biệt và tính ổn định tương đối. Tính cá biệt là sự biến dạng so với mẫu chữ phổ thông và chỉ xuất hiện ở một người hoặc một nhóm người, có giá trị truy nguyên ra cá thể đó. Tính ổn định tương đối ở chỗ dù đối tượng có cố tình thay đổi chữ viết nhưng vẫn có đặc điểm cá biệt lặp đi lặp lại.

Khi xem xét, giám định chữ viết, chữ ký, bắt buộc phải có cả 2 thuộc tính trên mới kết luận đồng nhất hay không đồng nhất. Cơ sở khoa học là như vậy nhưng việc kết luận phụ thuộc vào khả năng và kinh nghiệm của giám định viên để có thể chọn ra những đặc điểm đó.

Đối với những vụ việc phức tạp, việc giám định liên quan đến chữ viết càng phải thận trọng hơn, thành lập hội đồng giám định, trong đó các thành viên trong hội đồng giám định độc lập và đưa ra kết luận, đảm bảo khách quan, khoa học.

Cái khó trong giám định chữ viết, chữ ký - theo chia sẻ của các giám định viên tài liệu - mỗi người có thể viết được nhiều dạng chữ như chữ thường, chữ in, chữ in hoa... Chưa kể những vụ việc đối tượng chủ động đối phó với CQĐT bằng cách thay đổi kiểu chữ, trục chữ, viết bằng chữ in...

Chữ viết của con người cũng có thể thay đổi theo thời gian do trình độ, tuổi tác, sức khỏe, tâm lý... Tuy nhiên những thói quen chữ viết khó có thể thay đổi mà chỉ những giám định viên giàu kinh nghiệm mới nhận biết được và nhiều vụ việc, chỉ cần 1 đặc điểm cá biệt của chữ viết thôi, giám định viên có thể kết luận đúng đối tượng viết.

Ngoài ra, trong quá trình giám định các tài liệu chữ viết, các đặc điểm chung như văn phong, cách trình bày, lỗi chính tả... đôi  khi  tưởng như rất đơn giản ấy sẽ giúp giám định viên tìm ra những mối liên hệ của người viết giữa tài liệu này với tài liệu khác. Thậm chí có thể đưa ra nhận định về trình độ, nhận thức, giới tính... của đối tượng. Đây là những định hướng rất có giá trị cho công tác điều tra.

Trung bình mỗi năm, PC54 Công an Hà Nội giám định khoảng 1.600 vụ việc các loại liên quan đến tài liệu, trong đó 50% vụ giám định chữ viết, chữ ký. Qua công tác giám định, rất nhiều vụ việc kết luận giám định là căn cứ quan trọng giúp CQĐT khởi tố vụ án, khởi tố bị can, xử lý đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.

Điển hình là vụ giám định chữ viết đã xác định chính xác đối tượng đập phá hơn 300 bát hương trong nghĩa trang nhân dân Ỷ La, phường Dương Nội, quận Hà Đông (Hà Nội). Theo đó, sáng 30-4-2015, Công an quận Hà Đông nhận được tin báo của nhân dân về việc kẻ xấu đập vỡ nhiều bát hương và viết những dòng chữ thô tục tại nghĩa trang. Thiệt hại kinh tế không lớn nhưng vụ việc gây bức xúc và phẫn nộ trong dư luận vì đã động chạm đến vấn đề tâm linh của hàng trăm gia đình.

Từ những dòng chữ để lại trên nhà tang lễ Nghĩa trang nhân dân Ỷ La, giám định viên đã kết luận chính xác thủ phạm đập phá hơn 300 bát hương.

Kết quả khám nghiệm hiện trường xác định có 334 ngôi mộ bị đập vỡ bát hương, 2 bát hương tại nhà tang lễ cũng bị đập vỡ. Đặc biệt, tại tường nhà tang lễ, thủ phạm dùng bút dạ viết rất nhiều dòng chữ bậy bạ, trong đó có nội dung đối tượng tự nhận là hiệu phó trường quốc tế O. trên địa bàn, do mâu thuẫn giữa nhà trường và chính quyền địa phương nên đập bát hương cho “cả làng chết”.

Ngoài việc “hướng” CQĐT đến mâu thuẫn trên, đối tượng còn cố tình viết bằng chữ in và chữ in hoa. Do dấu vết của đối tượng để lại trên cánh đồng đã bị xáo trộn nên căn cứ để truy tìm thủ phạm chỉ dựa vào những dòng chữ để lại trên.

Sau 3 ngày tập trung điều tra, giám định các mẫu chữ thu thập từ những đối tượng nghi vấn, giám định viên kỹ thuật hình sự đã kết luận thủ phạm gây ra vụ đập phá hàng trăm bát hương trên là Nguyễn Trung Kiên (SN 1983, trú tại phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Căn cứ vào kết luận giám định, CQĐT đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Trung Kiên về tội “xâm phạm mồ mả”.

Theo tài liệu điều tra, Kiên có vợ là giáo viên trường quốc tế O. thuộc quận Nam Từ Liêm (gần nghĩa trang Ỷ La). Do mâu thuẫn trong cuộc sống vợ chồng, vợ Kiên gửi đơn ly hôn ra tòa. Kiên không đồng ý với việc này nên viện ra nhiều lý do trì hoãn, kéo dài việc ly hôn. Không chịu nổi người chồng đối xử thô bạo, ích kỷ, vợ Kiên đã mang con bỏ đi. Níu kéo không được, trong lòng Kiên sinh ra thù hận, cho rằng đã có người ở trường xúi giục vợ anh ta ly hôn nên tìm cách trả thù.

Tối 29-4, khi đi qua nghĩa trang nhân dân Ỷ La, Kiên nảy sinh ý định vào nghĩa trang đập phá bát hương, ghi lại chữ viết xưng danh hiệu phó trường O. nơi vợ Kiên đang làm việc để gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của nhà trường, đồng thời đánh lạc hướng điều tra nhằm  vào người mà Kiên mạo danh.

Ngoài ra, trong các vụ chết người để lại thư từ, chữ viết, việc giám định chữ viết còn giúp CQĐT xác định tính chất vụ việc là án mạng hay tự sát, góp phần giải tỏa những nghi ngờ của dư luận, “minh oan” cho những người liên quan. Gần đây nhất là vụ việc người giúp việc tự tử  trong nhà chủ tại huyện Thanh Oai (Hà Nội).

Khoảng 15 giờ ngày 23-10-2016, chị Nguyễn Thị T. (ở xã Bích Hòa, Thanh Oai) về nhà, phát hiện người giúp việc là bà Nguyễn Thị M. (SN 1958, ở xã Thanh Mai, Thanh Oai) chết tại phòng thờ tầng 5, xung quanh có nhiều máu. Khám nghiệm xác định nạn nhân có thương tích tại vùng cổ tay như vết cắt.

Ngoài ra, CQĐT thu được 2 tờ giấy có nội dung: “Cô T. Hôm 2 chị em tôi và cô cùng tâm sự, tôi bảo tôi đi ăn mày cửa phật vì cứ u mê, cô khuyên tôi cửa nhà chùa không ai cho ăn và chôn cất đâu, chị cứ ở một năm có 40 triệu...” và “Cuộc đời đi ở đâu...”.

Ban đầu, vụ việc đã khiến dư luận đồn thổi về khả năng người giúp việc bị trộm đột nhập sát hại, hoặc do mâu thuẫn với chủ nhà... Để xác định ai là người đã viết những dòng chữ trong 2 tờ giấy trên, CQĐT đã tiến hành thu mẫu chữ của các thành viên trong gia đình chị T., mẫu chữ của bà Nguyễn Thị M. Kết quả xác định đó là chữ viết của bà Nguyễn Thị M.

Thông thường, những người tự tử trước khi chết thường có sự giằng xé, đấu tranh tư tưởng và viết thư tuyệt mệnh. 2 tờ giấy thu được chính là “thư tuyệt mệnh” do bà M. viết trước  khi tự sát bằng cách cắt cổ tay. Tìm hiểu hoàn cảnh của bà M., được biết bà không có chồng con, không có nhà riêng dẫn đến tâm trạng luôn u uất, buồn chán.

Trong thời gian giúp việc cho chị T., bà M. nhiều lần tâm sự về việc muốn đến chùa nương náu cửa Phật. Thương hoàn cảnh bà M., chị T. động viên bà ở cùng gia đình, vừa có chỗ ăn, chỗ ngủ, lại có một khoản tiền tích cóp. Tuy nhiên, do nghĩ quẩn nên bà M. đã tìm đến cái chết.

Kết luận giám định về “lá thư tuyệt mệnh” do bà M. viết đã góp phần làm sáng tỏ vụ việc, xóa tan những đồn thổi về mối quan hệ giữa chủ nhà và người giúp việc.

Hương Vũ
.
.