Xét xử 2 cựu Chủ tịch Đà Nẵng cùng đồng phạm:

Động cơ cá nhân và "lỗ hổng" giám sát

Chủ Nhật, 12/01/2020, 10:54
Hai cựu Chủ tịch Đà Nẵng: ông Trần Văn Minh, ông Văn Hữu Chiến cùng đồng phạm trong vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" tại Đà Nẵng hầu tòa. 21 bị cáo được đưa ra xét xử, trong đó có 14 bị cáo là cựu cán bộ, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã "giúp sức" cho Phan Văn Anh Vũ thâu tóm nhà đất công, các dự án đất, gây thiệt hại của nhà nước 22 nghìn tỉ đồng.

Trong quá trình diễn ra phiên xét xử, từ lời khai của các bị cáo, những "phe cánh" quyền lực tại Đà Nẵng dần "phát lộ", động cơ, vụ lợi cá nhân của từng bị cáo rõ ràng. Để sai phạm kéo dài, phải chăng đang tồn tại "lỗ hổng" trong việc thanh kiểm tra, giám sát quyền lực, mà lẽ ra quyền lực càng cao càng phải được giám sát chặt chẽ.

Các bị cáo nguyên là cán bộ giữ vị trí quan trọng của TP Đà Nẵng.

Từ động cơ cá nhân đến cấu kết tư lợi

Trong vụ án này, các bị cáo Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến là những người đứng đầu, giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt của UBND TP Đà Nẵng, tuy nhiên, các bị cáo này đã cố ý làm trái các quy định pháp luật, chỉ đạo cấp dưới thực hiện các thủ tục để làm quy trình bán nhà công sản, giao đất trái pháp luật. Hành vi này được thực hiện nhiều lần, liên tục, diễn ra trong thời gian dài đã thể hiện có sự câu kết giữa các bị cáo là cán bộ, lãnh đạo của UBND TP Đà Nẵng với bị cáo Phan Văn Anh Vũ để từ đó bị cáo này thâu tóm nhiều nhà, đất công sản, dự án đất có vị trí đắc địa trung tâm thành phố hoặc có giá trị sinh lời cao tại Đà Nẵng nhưng không qua đấu giá, mua rẻ hơn nhiều lần so với giá trị thực của tài sản, gây nên hậu quả thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước số tiền hơn 22.000 tỉ đồng.

Bị cáo Trần Văn Minh đã ký ban hành các văn bản, quyết định có nội dung thực hiện chủ trương khai thác quỹ đất và bán nhà công sản trên địa bàn TP Đà Nẵng trái quy định. Với chức trách được giao, bị cáo Trần Văn Minh đã có hành vi cố ý làm trái để cho các công ty của Vũ được nhận 18 nhà đất công sản trái quy định, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 2.100 tỉ đồng.

Tại 7 dự án bất động sản, bị cáo Minh đã chỉ đạo các đồng phạm thực hiện hành vi trái pháp luật về quản lý đất đai như giao đất cho cá nhân doanh nghiệp không qua đấu giá, áp giá không sát giá thị trường..., câu kết, tạo điều kiện cho Vũ, các doanh nghiệp của Vũ được nhận các nhà đất không qua đấu giá, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 19.000 tỉ đồng.

Đối với bị cáo Văn Hữu Chiến, hành vi của bị cáo Văn Hữu Chiến đã tạo điều kiện cho Vũ thâu tóm 15/22 nhà đất công sản. Hành vi của bị cáo Văn Hữu Chiến và các bị cáo đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 2.400 tỉ đồng và hơn 150 tỉ đồng. Trong vụ án này, bị cáo Văn Hữu Chiến phạm tội với vai trò trực tiếp cùng các bị cáo khác thực hiện hành vi vi phạm.

Tại phiên tòa, bị cáo Văn Hữu Chiến và bị cáo Trần Văn Minh tỏ ra băn khoăn về cách tính thiệt hại của cơ quan điều tra. Bị cáo cho rằng thời điểm xảy ra vụ án, nền kinh tế thế giới khủng hoảng, thị trường bất động sản đóng băng, giá chỉ có vài triệu đồng một mét vuông. Hiện giờ, giá nhà đất đã lên vài trăm triệu đồng. Việc cơ quan điều tra lấy giá trị hiện nay trừ đi giá của những năm 2004 để tính thiệt hại là không phù hợp(!?). Các bị cáo cho rằng mình không phải là đối tượng được Nhà nước giao quản lý nhà để vi phạm, làm thất thoát, lãng phí.

Tuy nhiên, tại Kết luận giám định ngày 10-6-2019 của Giám định viên tư pháp Bộ Xây dựng và Kết luận giám định ngày 28-9-2018 của Giám định viên tư pháp Bộ Tài chính đã kết luận: Việc UBND TP Đà Nẵng ban hành các văn bản áp dụng quy trình, thủ tục xác định giá bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với cơ sở nhà, đất là không phù hợp với các quy định của pháp luật.

Đại diện Viện Kiểm sát đọc bản luận tội.

"Thâu tóm" hay "mua bán"?

Từ những mối quan hệ giữa bị cáo Vũ với cán bộ, lãnh đạo TP Đà Nẵng, bị cáo Phan Văn Anh Vũ đã có những đề xuất với chính quyền Đà Nẵng trong việc xin mua nhà công sản và nhận giao đất dự án, những đề xuất này được bị cáo Trần Văn Minh và các đồng phạm tiếp nhận, để chỉ đạo tổ chức thực hiện quy trình, hoàn thiện thủ tục pháp lý trái với quy định Nhà nước.

Tại phiên xét xử, bị cáo Phan Văn Anh Vũ khai báo ngoan cố, không thừa nhận hành vi phạm tội và cho rằng, việc mua các nhà đất công sản là bình thường vì Vũ và các công ty của mình kinh doanh bất động sản nên làm các thủ tục xin mua, theo thỏa thuận còn việc quyết định thế nào là do UBND TP Đà Nẵng.

Bị cáo Phan Văn Anh Vũ cũng cho rằng mình thành lập nhiều công ty là để kinh doanh bất động sản, để thực hiện được nhiều dự án, chứ không phải để thâu tóm bất động sản. Việc mua nhà, dự án là do phù hợp với điều kiện kinh tế của bị cáo, còn chuyển đổi tên hay giảm 10% tiền sử dụng đất là chủ trương chung của TP Đà Nẵng đối với tất cả người dân.

Với các tài liệu, chứng cứ trong vụ án và quá trình xét hỏi các bị cáo tại tòa lại thể hiện, giữa Vũ và bị cáo Trần Văn Minh, các bị cáo khác phải có sự thống nhất thực hiện hành vi trái pháp luật. Bởi bị cáo Vũ biết rõ bị cáo và các doanh nghiệp của bị cáo không thuộc diện mua nhà đất công sản nhưng bị cáo đã lợi dụng quan hệ với bị cáo Trần Văn Minh để đề nghị được mua chỉ định một số nhà công sản.

Ngoài ra, bị cáo Vũ còn liên hệ, bàn bạc, thống nhất với một số giám đốc công ty đủ điều kiện mua chỉ định đứng tên xin mua nhà công sản, xin giảm hệ số sinh lợi để ăn chia lợi ích với nhau, sau đó Vũ nộp tiền đặt cọc trước khi có các quyết định cho phép bán nhà, chuyển tiền cho các công ty này nộp tiền mua nhà đất và các công ty này có văn bản đề nghị thay đổi tên người nhận quyền sử dụng đất sang cho bị cáo Phan Văn Anh Vũ hoặc các doanh nghiệp của Vũ trái quy định của pháp luật.

Phan Văn Anh Vũ đã mua 18/22 nhà đất công sản có giá trị rẻ hơn rất nhiều, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 2,1 nghìn tỉ đồng. Đồng thời, Vũ và các công ty của Vũ mua 15/22 nhà đất, gây thiệt hại hơn 1,7 nghìn tỉ đồng. Phan Văn Anh Vũ trục lợi tại các dự án, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 18.000 tỉ đồng.

Trong phiên tòa này, có bị cáo đã rơi nước mắt cho rằng mình thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên.

Rơi nước mắt vì làm theo ý chỉ lãnh đạo

Bào chữa cho nhóm bị cáo là cấp dưới của lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng, nhiều luật sư cho rằng thân chủ của mình chỉ là người thừa hành nhiệm vụ, còn người chịu trách nhiệm là lãnh đạo UBND TP khi đó, bởi tất cả các chủ trương đều đã được Ban Thường vụ Thành ủy và Hội đồng nhân dân thông qua. Các bị cáo chỉ làm tròn trách nhiệm được giao.

Tại phiên tòa, trả lời hội đồng xét xử (HĐXX), bị cáo Nguyễn Công Lang, cựu Giám đốc Công ty quản lý nhà Đà Nẵng thừa nhận chỉ thực hiện theo chủ trương của TP chứ không được hưởng gì. Bị cáo Lang bị buộc đã tham mưu, đề xuất cho 2 cựu chủ tịch Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến cho phép chuyển nhượng 21 nhà đất công sản cho Vũ "nhôm" gây thiệt hại hơn 2.000 tỉ đồng.

Bị cáo Huỳnh Tấn Lộc (cựu Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ phẩm Đà Nẵng) khai trong phần xét hỏi, thừa nhận sai phạm khi bán 2 nhà đất cho Phan Văn Anh Vũ. Trong đó, lý do bán nhà đất số 37 Pasteur vì có người giới thiệu là ông Nguyễn Bá Thanh và Chủ tịch UBND là Trần Văn Minh.

Bào chữa trước tòa, bị cáo Văn Hữu Chiến nhắc đến bối cảnh của thành phố và cho rằng: "Nếu cơ quan cảnh sát điều tra, viện kiểm sát đặt trong bối cảnh thì cũng xem xét cho các bị cáo có tình, có lý. Bị cáo Chiến cho rằng, mong HĐXX xem xét vì thành phố thời gian đó, có những việc đồng chí Bí thư (ông Nguyễn Bá Thanh), Chủ tịch Hội đồng nhân dân tuyên bố cấp trên chỉ đạo, cấp dưới thực hiện, không có ý kiến gì thêm. Đó là áp lực và tôi nói như vậy chỉ mong muốn HĐXX xem xét".

Trong phần tự bào chữa, bị cáo Nguyễn Văn Cán, cựu Chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho rằng, việc soạn thảo Công văn 483 để giao 22 lô đất thuộc dự án An Cư 2 mở rộng cho ông Vũ là thực hiện theo lệnh của lãnh đạo thành phố, trực tiếp từ ông Trần Văn Minh chứ không trực tiếp tham mưu. Bị cáo này cho rằng, việc quyết định chuyển quyền khu đất đã được Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND quyết định rồi nên ông với cương vị Chánh Văn phòng chỉ có nghĩa vụ chấp hành.

Rơi nước mắt tại phiên xét xử, bị cáo Phan Xuân Ít (nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng) cho rằng bị cáo không tham mưu, đề xuất cho lãnh đạo mà chỉ thực hiện theo nhiệm vụ được phân công. Bị cáo Phan Xuân Ít phân trần lãnh đạo thành phố chỉ đạo miệng, chỉ đạo từ các cuộc họp giao ban, bị cáo và các cán bộ khác làm theo quy trình chứ bản thân bị cáo không tham mưu, đề xuất cụ thể sự việc. Bị cáo Ít cho rằng bản thân mình không thể là đồng phạm với tư cách người giúp sức, bị cáo chưa từng nghĩ đến mức án cao như viện kiểm sát đã đề nghị.

Quyền lợi bên thứ ba được đảm bảo

Trong vụ án này, thiệt hại của Nhà nước đã rõ, tuy nhiên, về các dự án, nhà đất công liên quan đến ông Phan Văn Anh Vũ, còn để lại hậu quả pháp lý liên quan đến bên thứ ba, những người đã mua lại các tài sản này của ông Phan Văn Anh Vũ. HĐXX xem xét giao cho UBND TP Đà Nẵng hủy bỏ các quyết định trái pháp luật; hợp đồng mua bán nhà và chuyển quyền sử dụng đất trái pháp luật; hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà để thu hồi, xử lý theo quy định pháp luật với những hợp đồng mua bán không ngay tình.

Tuy nhiên, các hướng xử lý dân sự cũng nhằm mục đích đảm bảo quyền lợi của bên thứ ba. Điển hình như dự án 29 ha thuộc dự án khu đô thị mới quốc tế Đa Phước, bị cáo Vũ đã ký hợp đồng chuyển nhượng cho ông Võ Ngọc Châu. Giá trị quyền sử dụng đất nêu trên là hơn 4.788 tỉ đồng, trong khi bị cáo Vũ chỉ phải nộp số tiền 87 tỉ đồng vào ngân sách TP Đà Nẵng.

HĐXX tuyên xem xét theo hướng hủy bỏ việc giao quyền sử dụng đất, bảo đảm thu hồi tài sản cho Nhà nước. Đồng thời, UBND TP Đà Nẵng có trách nhiệm giải quyết quyền và lợi ích hợp pháp của ông Võ Ngọc Châu và 189 khách hàng đã mua. Tại dự án An Cư 2 và An Cư 3 mở rộng, bị cáo Vũ đã bán chuyển nhượng toàn bộ cho các cá nhân khác, do vậy, không có căn cứ để thu hồi dự án.

Các nhà đất đã liên quan đến bên thứ ba, HĐXX sẽ tuyên buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường thiệt hại cho nhà nước. Các dự án và nhà đất liên quan khác, sẽ được HĐXX xem xét để thu hồi các quyết định giao đất trái pháp luật.

Các bị cáo bị đề nghị mức án tổng hợp 2 tội danh "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai": Trần Văn Minh 25-27 năm tù; Phan Văn Anh Vũ 25-27 năm; Văn Hữu Chiến từ 18-20 năm; Nguyễn Ngọc Tuấn từ 10-12 năm; Phan Xuân Ít từ 14-16 năm; Nguyễn Quang Thành từ 7-9 năm; Phan Minh Cương từ 7-9 năm.

Các bị cáo bị đề nghị mức án về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí": Nguyễn Thanh Sang 8-9 năm; Nguyễn Thị Thu Hà 7-8 năm; Nguyễn Công Lang: 9-10 năm; Huỳnh Tấn Lộc: 2-3 năm; Phan Ngọc Thạch: 2-3 năm; Trần Phi: 2-3 năm; Lê Anh Tuấn: 2-3 năm.

Các bị cáo bị đề nghị mức án về tội "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai": Nguyễn Điểu: 5-6 năm; Trần Văn Toán: 4-5 năm; Lê Cảnh Dương: 4-5 năm; Nguyễn Văn Cán: 3-4 năm; Đào Tấn Bằng: 3-4 năm; Nguyễn Viết Vĩnh: 3-4 năm; Nguyễn Đình Thống: 4-5 năm.

Trần Tâm
.
.