Đức: Nữ tỉ phú thừa kế và vụ án tống tiền

Thứ Sáu, 05/12/2008, 16:00
Vụ án tống tiền bằng băng hình sex  này gây ồn ào ở Italia trong tháng 6/2008. Ban đầu tên của nữ nạn nhân được giữ bí mật, nhưng bây giờ người đàn bà này mới chịu tiết lộ danh tính mình là nữ thừa kế của Tập đoàn BMW Susanne Klatten, người phụ nữ giàu nhất nước Đức. Còn Helg Sgarbi không chỉ là một kẻ tống tiền đơn thuần.

Sgarbi cho biết hắn, quyết chí báo thù vì những tội ác của BMW chống lại cha hắn trong Thế chiến II - một người  Ba Lan gốc Do Thái bị bắt làm công nhân nô lệ trong nhà xưởng của tập đoàn này.

Susanne Klatten, 46 tuổi, là cháu nhiều đời của Gunther Quandt (chết năm 1954), người sáng lập BMW và có người vợ đầu là Magda về sau làm vợ lãnh đạo cơ quan tuyên truyền của Đức Quốc xã - Joseph Goebbels. Nữ thừa kế Klatten tốt nghiệp ngành tiếp thị và quản lý Đại học Buckingham và làm việc cho ngân hàng Dresdner và McKinsey. Chào đời trong dòng họ tiếng tăm, từ nhỏ Klatten đã luôn phải sống khép kín cũng như thường sử dụng tên giả để tránh bị phát hiện và bắt cóc. Chồng của bà, Jan Klatten, một kỹ sư của BMW, cho biết lần đầu tiên khi hẹn hò với Klatten đã không biết đây là người phụ nữ sở hữu 12,5% cổ phần của Công ty BMW. Còn Helg Sgarbi gặp Klatten năm 2006 rồi nhanh chóng trở thành tình nhân của nhau. Họ hẹn gặp nhau ở Monte Carlo cùng với nhiều nơi khác để tình tự nhưng thật ra không chỉ có 2 người với nhau. Cứ mỗi lần Klatten và Sgarbi bước vào phòng khách sạn đều có Barretta theo dõi ở phòng bên cạnh để ghi hình những cảnh mùi mẫn và đến lúc họ bước ra phố thì người thứ ba giấu mặt này vẫn lẽo đẽo theo sát  với chiếc camera cầm tay.

Trong một lần hẹn hò, Sgarbi đã thổ lộ với Klatten câu chuyện "nặng nề": trong chuyến lưu trú ở Mỹ hắn không may gây tai nạn xe hơi làm chết một đứa bé mà sau này mới biết đó là con của cặp vợ chồng là thành viên của gia đình mafia Mỹ - Italia. Cha mẹ của đứa bé đe dọa sẽ lấy mạng Sgarbi nếu hắn không cống nạp tiền bồi thường nhân mạng. Sau khi nghe chuyện "đau lòng" Klatten đã nhanh chóng trao cho Sgarbi 7,5 triệu euro "để dàn xếp với mafia". Nhưng Sgarbi, cũng như bao tên đào mỏ khác trên thế giới, biết rõ Klatten có tiền nhiều hơn số đó. Thế là vào mùa thu năm 2007, Sgarbi lại hẹn gặp Klatten và vòi vĩnh 49 triệu euro. Bây giờ câu chuyện "đứa bé mafia" không còn là vấn đề nữa mà Sgarbi tiết lộ với Klatten rằng hắn có trong tay những đoạn phim video quay cảnh ái ân giữa hai người với nhau và yêu cầu phải đưa số tiền đó nếu không muốn những hình ảnh ghê gớm đó bị tung ra công khai.

Klatten mặc cả xuống 14 triệu euro, nhưng bà không có ý giao nộp nó mà báo với cảnh sát rồi sắp xếp một cuộc hẹn với Sgarbi. Khi đến nhận tiền, Sgarbi đã bị cảnh sát bắt giữ ngay tại trận. Điều tra cho biết, ngoài Sgarbi còn có một tòng phạm nữa là Barretta. Dần dần câu chuyện về khách sạn Valle Grande bắt đầu hé mở.

Barretta không ngại ngần kể cho giới báo chí nghe về cuộc đời từ lúc nghèo khổ đến lúc phất lên như thế nào.  Cảnh nghèo đưa đẩy Barretta lên đường sang nước Đức và những nơi khác để tìm việc làm và cuối cùng giàu lên nhờ kinh doanh khách sạn. Điều tra còn cho biết thêm Barretta có tài lợi dụng tôn giáo để lập ra một nhóm "tín đồ" trong đó phần đông phụ nữ địa phương chịu ngủ với hắn để được ở khách sạn miễn phí. Tuy nhiên, Barretta đã bác bỏ mọi cáo buộc này. Cơ quan điều tra tin rằng ít nhất 3 hay 4 phụ nữ Đức giàu có đã bị Sgarbi và Barretta tống tiền trong nhiều năm qua, nhưng chỉ có trường hợp của bà Klatten là được phát hiện. Tên thật của Sgarbi có lẽ là Helg Russak, và trong khi hắn khai mình là người Thụy Sĩ gốc Italia, thì cha của hắn (theo lời Barretta) là người gốc Do Thái. Trong Thế chiến II, người Do Thái này bị bắt làm công nhân nô lệ làm việc trong nhà xưởng BMW sản xuất thiết bị chiến tranh cho Đức Quốc Xã. Barretta cho biết chính tình cảnh của người đàn ông Do Thái này đã tạo nên lòng căm thù bất tận dẫn đến sự quyết tâm báo thù Tập đoàn BMW của Sgarbi.   

Những lời tuyên bố rằng BMW, cũng giống như nhiều công ty lớn khác của Đức, đã sử dụng nhân công nô lệ trong suốt Thế chiến II vốn đã tồn tại trong một thời gian dài và vẫn còn trong vòng tranh cãi nhiều. Mới đây nhất, tháng 10/2007, Đài Truyền hình Đức đã phát sóng một phim tài liệu về vấn đề này. Khi Magda Quandt ly dị người sáng lập BMW - Gunther Quandt - rồi thành hôn với Goebbels, con trai đầu của Gunther là Herbert được Goebbels nuôi dưỡng. Sau khi Magda kiểm soát BMW thì mối quan hệ giữa công ty này với Đức Quốc xã chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, người phát ngôn của BMW cho biết dòng họ Quandt chỉ là nạn nhân của Đức Quốc xã.

DPA, Hãng thông tấn của Đức, cho biết: "Khi Chương trình bồi thường nhân công bị cưỡng bức của Đức được thành lập thì gia đình Quandt đã từ chối không đóng góp tiền bạc và tuyên bố rằng họ không có lý do gì để làm điều đó". Một nguồn tin cho biết, BMW thừa nhận đã sử dụng khoảng 25.000 đến 30.000 nhân công nô lệ, tù binh chiến tranh và tù nhân từ các trại tập trung của Đức Quốc xã và số tiền lương ít ỏi của số người này đều bị chuyển vào ngân khố của SS "để cung ứng tiền cho việc xây dựng hệ thống hủy diệt" của chúng. Tuy nhiên, hiện nay những lời khai của Barretta nhằm làm giảm nhẹ tội trạng hay chỉ là sự bịa đặt vẫn còn chưa thể kết luận bởi vì cuộc điều tra còn tiếp tục

T.T. Phong (tổng hợp)
.
.