FBI phải trả giá đắt vì nhận dạng sai hung thủ

Chủ Nhật, 04/07/2021, 22:55
Ngày 11-3-2004, một vụ khủng bố đẫm máu đã xảy ra ở Madrid, Tây Ban Nha, gây ra cái chết của hàng trăm người, số bị thương cũng lên tới hàng ngàn. Các cuộc điều tra sâu rộng đã được cảnh sát Tây Ban Nha và nhiều nước khác tiến hành. FBI cũng tham gia vào việc nhận dạng vân tay hung thủ bằng những kỹ thuật tiên tiến nhất (cấp độ 3), nhưng các phòng thí nghiệm của FBI đã phạm một sai lầm không thể tin nổi khi họ đã gán dấu vấn tay của hung thủ thu được tại hiện trường cho một công dân Mỹ vô tội là Brandon Mayfield.

Điều tra và nhận dạng hung thủ

Ngày 11-3-2004, vào lúc 7 giờ 30 sáng, các chuyến tàu ở ngoại ô Madrid đã đông nghịt người. Trên 4 chuyến tàu đang đi về những hướng khác nhau, mười chiếc ba lô chứa đầy thuốc nổ đồng loạt phát nổ, giết chết tại chỗ 191 người và làm 2.000 người bị thương.

Brandon Mayfield trước ống kính của các nhà báo.

Rất nhanh chóng, một lực lượng cứu hộ hùng hậu ngay lập tức có mặt tại hiện trường. Một nhân viên cứu hộ nhặt được một chiếc túi thể thao màu xanh lam và cất nó cùng với những đồ vật khác. Giống như nhiều vật dụng cá nhân khác thu nhặt được sau vụ tấn công, chiếc túi được đặt tại một văn phòng cảnh sát địa phương. Vào lúc 19h40 tối, tức là gần 12h sau vụ nổ bom, có tiếng chuông điện thoại vang lên trong chiếc túi thể thao màu xanh lam. Một cảnh sát quyết định mở túi để lấy điện thoại và phát hiện ra... 10 kg thuốc nổ. Một chiếc điện thoại di động được nối bằng hai sợi dây đồng với một khối chất nổ có tên là Goma 2 Eco. Chiếc túi chứa đầy bu lông, đinh vít và các phần tử kim loại được cho là để làm tăng độ sát thương của bom. Dây xanh hay dây đỏ? Viên cảnh sát quyết định gọi các nhân viên rà phá bom mìn…

Trong quá trình điều tra, cảnh sát Tây Ban Nha đã tìm ra một chiếc Renault Kangoo,  bị đánh cắp và bị bỏ lại gần nhà ga mà ba trong số bốn chuyến tàu bị gài bom đã khởi hành từ đó. Những đoạn video giám sát được lưu lại cho thấy có ba cá nhân khả nghi lúi húi sắp xếp các ba lô trước khi vào phòng chờ của nhà ga. Các cuộc rà soát chiếc xe thực hiện ngay sau đó đã tìm thấy một túi nilông màu xanh chứa đầy kíp nổ và thuốc nổ bị bỏ lại. Kíp nổ và vật liệu nổ bị vứt lại giống hệt những dấu vết được tìm thấy tại hiện trường vụ nổ và trong túi chưa nổ. Hai dấu tay được lưu lại trên chiếc túi màu xanh có chất lượng đủ tốt để so sánh với các dấu vân tay đã lưu lại tại cơ sở dữ liệu các quốc gia khác nhau. Vào ngày 13-3-2004, 14 dấu vết đã được cảnh sát Tây Ban Nha gửi tới Interpol. Các dấu vết sau đó được chuyển cho nhiều cơ quan thực thi pháp luật nước ngoài, bao gồm cả FBI.

Các dấu vân tay thu được đã được đưa ra so sánh với hàng triệu dấu vân tay có trong hồ sơ dấu vân tay tự động AFIS của Mỹ (Hệ thống nhận dạng dấu vân tay tự động). Ngày 16-3, một chuyên gia nổi tiếng của FBI bắt đầu tiến hành so sánh dấu vân tay thu tại hiện trường với 20 “ứng cử viên” hàng đầu do hệ thống cơ sở dữ liệu về tội phạm đề xuất. Ở lần so sánh thứ tư, chuyên gia này xác định được một cá nhân (lúc này anh ta không hề biết đến tên của ứng viên). Kết quả nhận dạng này sau đó được xác nhận lại bởi một chuyên gia khác và cuối cùng thì danh tính của cá nhân đó cũng đã được thông báo (bởi một bộ phận khác của FBI): đó là Brandon Mayfield, người có mặt trong hồ sơ của cảnh sát vì tội trộm xe trong thời niên thiếu và sau đó dấu vân tay của anh ta một lần nữa đã được quân đội lưu lại vào năm 1989 khi anh này gia nhập quân đội. Không có dấu vết nào khác do Interpol gửi về được FBI xác nhận. Cơ quan giám định dấu vân tay của FBI xác nhận việc nhận dạng đã được xác định căn cứ vào dấu vân tay được tham chiếu đánh số LFP 17.

Ngày 13-4, các chuyên gia pháp y Tây Ban Nha đã thông báo cho FBI về sự bất đồng của họ về sự đồng nhất giữa dấu vân tay hung thủ để lại ở hiện trường và dấu vân tay của Brandon Mayfield. Rất tin tưởng vào chất lượng của các chuyên gia FBI, phòng thí nghiệm FBI gửi lại một báo cáo khẳng định rằng họ hoàn toàn chắc chắn về kết quả nhận dạng. Ngày 21-4-2004, người đứng đầu bộ phận dấu vân tay của FBI đã gặp các quan chức Tây Ban Nha để thảo luận về việc nhận dạng Brandon Mayfield. Tại cuộc họp này, FBI giải thích rằng họ đã sử dụng các đặc điểm cấp độ 3 để xác định danh tính. Các chuyên gia Tây Ban Nha không đồng ý với kết luận của FBI, bởi ngoài 8 điểm đặc trưng phù hợp, họ lại tìm thấy có 7 điểm khác biệt.

Giám đốc FBI Michael Wieners đã tìm cách giải thích lý do nảy sinh những mâu thuẫn đó. Ông cho rằng phần trên của dấu vết lưu lại không tương ứng với dấu tay của Brandon Mayfield bởi đó là của vết vân tay thứ hai chồng lên vết vân tay thứ nhất. Wieners cũng giải thích sự khác biệt khác là do có sự chênh lệch áp suất giữa dấu vết hình ảnh trên nhựa và dấu tay thực của Brandon Mayfield. Những người tham dự cuộc họp rất ấn tượng với kiến thức và cách trình diễn thuyết phục của Wieners, nhưng họ vẫn không đồng ý xác nhận danh tính hung thủ. Cảnh sát Tây Ban Nha quyết định tự mình kiểm tra lại từ đầu các dấu vết và dấu vân tay của nghi phạm chính. Nhưng cuộc họp này cũng không làm thay đổi quan điểm của FBI, họ tiếp tục chính thức xác định rằng thủ phạm là Brandon Mayfield.

Hung thủ thực sự của vụ án, Ouhnane Daoud.

Bắt giữ Brandon Mayfield

Brandon Mayfield, 37 tuổi, có ba con và hành nghề luật sư ở Oregon. Cựu binh sĩ này đã cải sang đạo Hồi kể từ khi kết hôn với một phụ nữ Ai Cập. Trong quá khứ, Mayfield từng có "mối liên hệ" với Taliban. Sự tham gia này của Mayfield đã củng cố thêm những nghi ngờ của FBI về sự dính líu của Mayfield trong các cuộc tấn công ở Madrid.

Ngày 6-5-2004, Mayfield bị bắt tại văn phòng của mình. Mayfield không tin vào tai mình và không thể tưởng tượng nổi việc các thẩm phán có thể đã ký lệnh khám xét đối với anh ta. Nhà riêng, văn phòng của anh bị khám xét. Các nhân viên FBI truy xuất nhiều hồ sơ khách hàng, hóa đơn điện thoại, ổ cứng máy tính, điện thoại, đĩa CD, đĩa mềm máy tính, hóa đơn và biên lai thẻ tín dụng. Vào chiều ngày 6-5, thẩm phán đã gặp Mayfield và thông báo cho anh ta lý do bắt giữ, bao gồm cả việc tìm thấy dấu vân tay của anh ta trên một túi chất nổ. Mayfield phản đối, giải thích rằng trong mọi trường hợp đó không thể là dấu vân tay của anh ta và anh ta không hiểu làm thế nào mà các chuyên gia lại có thể nhầm lẫn dấu vân tay thu được tại hiện trường là của anh ta. Mayfield bị giam trong một khu vực được bảo vệ cực kỳ nghiêm ngặt và không được có bất kỳ tiếp xúc nào với bên ngoài. Anh ta bị theo dõi 24/24 giờ và phải ở trong phòng 22 giờ một ngày.

Trong khi Mayfield bị tạm giữ, Sở Cảnh sát Tây Ban Nha đã kiểm tra lại những kết luận của  FBI. Việc kiểm tra lại càng chứng tỏ FBI đã sai lầm, nhưng phía Tây Ban Nha không gửi văn bản chính thức đến FBI.

Vào ngày 17-5, các luật sư của Mayfield đã phản đối tính chính xác của việc xác định vân tay của FBI và yêu cầu trưng dụng các chuyên gia pháp y để tiến hành giám định dấu vân tay lần nữa. Ông Moses, một chuyên gia về dấu vân tay tại Dịch vụ Nhận dạng Pháp y ở San Francisco đã được chỉ định làm việc này. Nhận được các dấu vân tay vào ngày 18-5, chuyên gia này đã thông báo kết luận của mình qua điện thoại vào ngày 19-5 rằng dấu vân tay thu được tại hiện trường chính là dấu vân tay của ngón trỏ trái của ông Mayfield.

Nghi phạm mới trong vụ Mayfield: Ouhnane Daoud

Trong quá trình điều tra, các sĩ quan cảnh sát Tây Ban Nha đã xác định một căn hộ ở ngoại ô Madrid, có thể được những kẻ khủng bố sử dụng trong vụ tấn công ngày 11-3. Nhưng trong quá trình bắt giữ, những người ở trong căn hộ đã nổ bom tự sát, đồng thời cũng giết chết một cảnh sát Tây Ban Nha. Thẻ căn cước của một người Algeria tên là Ouhnane Daoud được tìm thấy trong căn hộ. Cảnh sát cũng phát hiện ra rằng dấu vân tay của Daoud đã được lưu giữ trong hồ sơ cảnh sát trước đó bởi những vi phạm liên quan đến luật nhập cư.

Ngày 15-5, cảnh sát Tây Ban Nha đã so sánh dấu vân tay thu giữ tại hiện trường khủng bố ngày 11-3 với dấu vân tay của Ouhnane Daoud. Họ xác định chính xác ngón giữa bên phải của Daoud hoàn toàn trùng khớp với những dấu vết. Kết luận này được khẳng định dựa vào sự trùng hợp hoàn toàn của 14 chi tiết, ngoài ra họ cũng nhận thấy ngón tay cái bên phải của Daoud trùng khớp với dấu vết cũng được lưu lại trên túi nhựa màu xanh đó.

Dấu vân tay ngón giữa bàn tay trái của Mayfield và dấu vân tay hung thủ thu được tại hiện trường (LFP 17).

Ngày 20-5, Mayfield đã được trả tự do kèm theo những điều kiện nghiêm ngặt. FBI yêu cầu cảnh sát Tây Ban Nha cung cấp thêm những hình ảnh mới về dấu vết với độ phân giải tốt hơn. Trước sự ngạc nhiên của Wieners (người đã nói rằng anh ta chưa bao giờ nhìn thấy điều tương tự thế này trong sự nghiệp 25 năm của mình), vân tay giữa bên phải của Daoud dường như khớp với dấu LFP17. Vẫn còn nghi ngại, FBI yêu cầu gặp trực tiếp các chuyên gia hình sự Tây Ban Nha để thảo luận về vụ việc. Họ đã đến Madrid vào ngày 22-5 để thu thập lại những hình ảnh ban đầu của những dấu vết được thu được trên chiếc túi nhựa màu xanh và về dấu vân tay của Daoud. Trở lại Washington, FBI đã thành lập một nhóm kiểm tra dấu vết LFP17 và so sánh nó với các dấu tay của Mayfield và Daoud.

Lãnh đạo nhóm là Meagher, người không tham gia đợt nhận dạng đầu tiên và sẽ có sự khách quan khi xem xét vụ việc. Sau một đêm làm việc, ông kết luận rằng không thể xác định được vì có sự khác biệt trong hai trường hợp. Theo ông, FBI vẫn phải thận trọng vì bức ảnh chụp dấu vết không đủ chất lượng. Tuy nhiên, vẫn có một số thành viên của đội đặc nhiệm mới này tin rằng đây là một dấu tay của Brandon Mayfield. Cuối cùng Meagher nộp những kết luận của mình cho cấp trên và sau đó phòng thí nghiệm FBI kết luận rằng dấu vết LFP 17 không thể nhận dạng rằng đó là dấu vân tay của Mayfield. Ngày 24-5, Bộ phận Truyền thông FBI chính thức gửi lời xin lỗi tới Mayfield và gia đình vì nhận dạng sai.

Cuối tháng 11-2006, Chính phủ Mỹ bị tòa án tuyên phạt phải trả cho Brandon Mayfield 2 triệu USD cho 14 ngày bị giam cầm.

Dương Quốc Tuệ
.
.