Nữ sinh viên bị khởi tố vì tát CSGT:

Giá đắt cho một phút ngông cuồng

Chủ Nhật, 31/07/2011, 23:45

Trao đổi với phóng viên Chuyên đề ANTG, Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm, Cục trưởng Cục C45 - Bộ Công an cho rằng nhiều người vi phạm chống người thi hành công vụ, ngay bản thân họ khi phạm tội cũng không ý thức được hành vi của mình là chống lại cơ quan thực thi pháp luật mà chỉ là hành động bột phát, tức thì.

Vụ một thiếu nữ tại TP HCM lao vào hành hung, tát CSGT để giải cứu cho người mẹ vi phạm Luật Giao thông gây phẫn nộ trong dư luận nhân dân chưa kịp lắng xuống thì mới đây, tại Hà Nội tiếp tục xảy ra vụ việc tương tự. Một nữ sinh viên vì bênh người yêu bị xử lý vi phạm cũng đã lao vào giằng co, giật mũ và tát một chiến sĩ CSGT-TT. Chỉ đến khi bị bắt giữ, xử lý về hành vi chống người thi hành công vụ, nữ sinh này mới ăn năn, hối hận về một phút ngông cuồng, thiếu suy nghĩ của bản thân. Nhưng sám hối muộn màng đã không thể cứu được cô sinh viên này khi cái giá phải trả là quá đắt…

Trước khi gặp bị can Trương Thị Cẩm Ly, tôi đã đọc hồ sơ vụ án "Chống người thi hành công vụ" liên quan đến cô gái này. Theo kết quả điều tra của Công an huyện Từ Liêm, khoảng 16h ngày 8/7/2011, Phạm Đình Tùng (23 tuổi) quê Thái Bình, sinh viên Trường cao đẳng Thiết bị y tế Hà Nội điều khiển xe máy phía sau chở 3 người gồm Trương Thị Cẩm Ly (21 tuổi), quê  Quảng Ninh, sinh viên Trường cao đẳng Kinh tế kỹ thuật thương mại Hà Nội; Hồ Thị Quỳnh An (19 tuổi) quê Hà Tĩnh; Chu Văn Nam (18 tuổi) quê Quảng Ninh. Cả 4 người trên đều không đội mũ bảo hiểm, đi vào đường ưu tiên dành cho xe buýt trên đường Nguyễn Trãi hướng về Hà Đông.

Khi nhóm của Tùng đi đến đầu đường Phùng Khoang thuộc địa phận xã Trung Văn, huyện Từ Liêm thì bị hai đồng chí Đỗ Đức Thiện, Trần Văn Ba - CSTT Trạm Cảnh sát Trung Văn ra hiệu lệnh dừng xe. Tùng dừng xe, xuất trình giấy tờ. Đồng chí Ba cầm giấy tờ xe của Tùng và lập biên bản vi phạm giao thông. Tùng xin tha và lấy tay che không cho đồng chí Ba viết biên bản. Đồng chí Ba yêu cầu Tùng ra chỗ khác thì Tùng chửi bậy rồi giật biên bản, giấy tờ xe của mình trên tay đồng chí Ba. Thấy Tùng và đồng chí Ba giằng co, đồng chí Thiện chạy lại hỗ trợ giữ Tùng thì Trương Thị Cẩm Ly lao vào ôm đồng chí Thiện, dùng một tay kéo quai mũ  xuống, tay còn lại tát vào mặt đồng chí Thiện. Đồng chí Thiện giữ tay Ly thì cô này quay sang cào cấu xước da tay cảnh sát.

Được người dân hỗ trợ, đồng chí Ba và Thiện đã đưa Ly về trụ sở Trạm Cảnh sát Trung Văn. Còn Tùng chạy thoát, đến 19 giờ cùng ngày đến Cơ quan Công an đầu thú. Xét hành vi của các đối tượng, Cơ quan CSĐT Công an huyện Từ Liêm đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và tạm giam đối với Phạm Đình Tùng, Trương Thị Cẩm Ly về hành vi "Chống người thi hành công vụ" theo Điều 257 Bộ luật Hình sự.

Phút ân hận muộn màng của Trương Thị Cẩm Ly tại Cơ quan Công an.

Đọc hồ sơ, tôi băn khoăn tự hỏi tại sao một cô gái phận liễu yếu đào tơ lại có thể hành xử một cách côn đồ, bạo lực như thế. Chính vì vậy, trước khi gặp Trương Thị Cẩm Ly, tôi hình dung đó là một cô gái ngang tàng. Nhưng khi Cẩm Ly bước ra từ phòng tạm giữ Công an huyện Từ Liêm, tôi không khỏi ngạc nhiên bởi sự xuất hiện của một cô gái mảnh dẻ, gương mặt trái xoan thanh tú, nước da trắng trẻo, mái tóc đen nhánh chứ không nhuộm nâu, nhuộm vàng như nhiều thiếu nữ thời hiện đại. Ly tỏ thái độ khá lễ phép, chào hỏi rồi rụt rè ngồi xuống ghế. Những băn khoăn về cô gái này lần lượt được "giải mã" trong buổi gặp gỡ trước khi Ly được chuyển vào Trại tạm giam.

- Ly và Tùng quen nhau như thế nào?

- Dạ, chúng em mới yêu nhau ạ. Hai đứa ở cùng khu trọ tại ngõ Trần Hưng Đạo, phường Phú Lãm, Hà Đông. Em là sinh viên năm thứ 3, còn anh Tùng là sinh viên năm thứ nhất do trước đó anh ấy đi bộ đội.

- Còn hai người đi cùng xe máy hôm bị bắt giữ?

- Đó là hai đứa em họ của em. Hai em vừa thi đại học xong, qua khu trọ của em chơi. Hôm đó mát trời, hai em ấy muốn em cho đi chơi Công viên Thủ Lệ.

- Em nghĩ sao khi 4 người đi trên 1 xe máy, lại không có mũ bảo hiểm?

- Trước khi đi chơi, em có bảo anh Tùng chuyển sang đi xe buýt vì không có mũ bảo hiểm, hơn nữa chỉ có 1 xe máy nhưng hai đứa em nói không thích đi xe buýt vì say xe. Chắc anh Tùng vì yêu em, muốn chiều cả em họ của em nên đã đồng ý lấy xe máy đưa bọn em đi chơi.

- Trên đường đi, em có lo lắng sẽ bị Công an xử lý vi phạm không?

- Có ạ, em rất lo. Chắc anh Tùng cũng lo nhưng không nói ra. Sau khi đến Công viên Thủ Lệ chơi xong, lúc về em lại bảo anh Tùng hay là để cho hai đứa em đi xe buýt vì sợ dọc đường về sẽ bị xử lý vi phạm. Nhưng anh Tùng nói cứ đi, không sao. Anh ấy còn đùa bảo mỗi người chuẩn bị sẵn tiền để nộp phạt vì không đội mũ bảo hiểm.

- Vậy vì sao khi các đồng chí công an lập biên bản xử lý đối với Tùng, em lại có hành vi chống đối như vậy?

- Bây giờ bình tĩnh lại, em cũng không biết tại sao lúc đó em lại hành động như vậy. Thấy anh Tùng giằng co với một anh công an,  em nghĩ phải can ngăn nên lao vào. Em thấy thương Tùng, anh ấy vì chiều bọn em nên bị phạt nên em phải "cứu" anh ấy.

- Em có nghĩ với cách "cứu" như vậy đã mang lại hậu quả không tốt cho cả em và Tùng không?

- Nếu nghĩ được như vậy thì em đã không làm gì. Giờ bình tĩnh lại, em hối hận vô cùng và thấy tiếc… Em tiếc cho tương lai của cả em và Tùng. Giá như lúc đó em đừng hung hăng như vậy thì đâu đến nỗi…

Nói đến đây, Cẩm Ly ôm mặt khóc nức nở. Cô tâm sự những ngày trong nhà tạm giữ, cảm giác có lỗi và hối hận giày vò khiến cô không ngủ được. Người ta bảo chỉ có thời gian mới làm cho người ta tỉnh ngộ. Với Cẩm Ly cũng vậy. Những đêm mất ngủ, Ly nghĩ về bố mẹ, nghĩ về người bạn trai Phạm Đình Tùng, nghĩ và xót xa, tiếc nuối khi những dự định cho tương lai tốt đẹp, giờ đã tan vỡ như bong bóng.

Ly bảo trong 3 năm học cao đẳng, cô đã cố gắng luôn giành vị trí nằm trong tốp đầu của lớp. Với kết quả học khá, cô đạt tiêu chuẩn để thi tiếp liên thông lên hệ đại học. Ước mơ của Ly là được học tại Trường đại học Kinh tế quốc dân. "Anh Tùng muốn bọn em phải có bằng đại học nên anh ấy cũng đang làm hồ sơ để thi vào Đại học Kinh tế quốc dân hệ tại chức. Chúng em dự định tìm lớp học buổi tối để cùng nhau đi học. Buổi sáng hôm xảy ra vụ việc, em ngồi cắt ảnh cho Tùng dán vào hồ sơ. Còn em, ngày 6/8 tới đây sẽ thi tốt nghiệp cao đẳng. Em đợi kết quả thi sẽ làm hồ sơ học liên thông. Với điểm trung bình năm vừa qua trên 8,0 thì kỳ thi tốt nghiệp này, em chỉ cần đạt 6 điểm là đủ tiêu chuẩn xét hồ sơ. Giờ thì hết rồi chị ạ. Cả em và Tùng đều không thể thực hiện giấc mơ đại học nữa. Em ân hận lắm, nhưng lúc nhận ra mình có lỗi thì đã muộn rồi…".

"Bố mẹ đã quá thương yêu và kỳ vọng ở em. Mẹ bảo dù có khó khăn đến mấy, bố mẹ sẽ cố gắng nuôi em ăn học, cho đến khi nào em không học được nữa thì thôi. Vậy mà giờ đây em lại thế này, em không biết phải ăn nói thế nào nữa…". Trước khi vào buồng tạm giữ, Cẩm Ly nhìn khoảng trời đầy nắng một cách nuối tiếc. Cô quay đi lau vội những giọt nước mắt rồi bảo: "Em đã phải trả cái giá quá đắt cho một phút hành động bột phát, thiếu suy nghĩ. Vì vậy em mong mọi người, nhất là các bạn trẻ trước khi làm một việc gì đó hãy suy nghĩ kỹ để sau này không hối hận".

Không chỉ Cẩm Ly mà bản thân tôi và các điều tra viên Công an huyện Từ Liêm đều tiếc cho tương lai của cô gái trẻ này. Thượng tá Nguyễn Văn Lân, Phó trưởng Công an huyện trầm ngâm bảo, anh đã nhiều lần trực tiếp hỏi chuyện cô sinh viên này, bởi các vụ chống người thi hành công vụ, đối tượng vi phạm thường là nam giới.

Sau khi bị bắt giữ, Ly rất thành khẩn khai báo và ý thức được hành vi phạm tội của mình. "Một cô gái sinh ra trong một gia đình cơ bản, bản thân có ý thức phấn đấu học tập tốt, chỉ vì bênh người yêu mà vi phạm pháp luật như vậy, là điều hết sức đáng tiếc. Chúng tôi mong rằng đây là bài học đau xót để các bạn trẻ khác không mắc phải".

* Trao đổi với phóng viên Chuyên đề ANTG, Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm, Cục trưởng Cục C45 - Bộ Công an cho rằng nhiều người vi phạm chống người thi hành công vụ, ngay bản thân họ khi phạm tội cũng không ý thức được hành vi của mình là chống lại cơ quan thực thi pháp luật mà chỉ là hành động bột phát, tức thì.

* Chiều 19/7, Cơ quan CSĐT Công an Q.12, TP HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, cho tại ngoại đối với Phạm Thị Mỹ Linh (18 tuổi, ở Q.12) về hành vi “Chống người thi hành công vụ”. Trước đó vào khoảng 16h 30' ngày 2/7, khi 2 CSGT là Thượng sĩ Nguyễn Đức Ánh và tập sự Vũ Quang Long đang làm nhiệm vụ trên đường Lê Văn Khương (phường An Thới, Q.12)  phát hiện bà Trương Thị Hạnh (37 tuổi, ở  Q.12) điều khiển xe máy chở 2 con là Phạm Thị Mỹ Linh (18 tuổi) và Phạm Minh Quang (16 tuổi) đi ngược chiều, cả 3 không đội mũ bảo hiểm. Khi yêu cầu dừng xe để kiểm tra giấy tờ, bà Hạnh chỉ xuất trình được giấy đăng ký xe nên bị CSGT lập biên bản vi phạm và tạm giữ xe. Ngay khi đó Phạm Thị Mỹ Linh đã phản ứng quyết liệt, tay xua đẩy 2 chiến sĩ CSGT, miệng gào to "tránh ra", không cho đụng vào xe.

Chưa dừng lại, cô này còn buông lời xỉ vả, xô đẩy, tát vào mặt học viên CSGT Vũ Quang Long. Tuy nhiên, cả 2 chiến sĩ CSGT vẫn tỏ ra khá bình tĩnh, không hề phản ứng lại trước hành vi thô bạo của cô gái mà tiếp tục yêu cầu bà Hạnh dắt xe vào lề đường để xử lý. Vụ việc xảy ra khiến nhiều người đi đường chứng kiến vô cùng bức xúc, một số người đã quay lại clip trên và tải lên youtube vào ngày 3/7. 

Ngay sau khi vụ việc được đưa ra công luận, bà Hạnh đã thay mặt con tự giác đến trụ sở Đội CSGT Q.12 để xin lỗi 2 chiến sĩ Ánh và Long. Bà Hạnh phân trần rằng con gái bà bị bệnh tim, có dấu hiệu của thần kinh.Tuy nhiên do bà Hạnh không xuất trình được các giấy tờ liên quan, nên cơ quan chức năng đã lập biên bản xử lý bà Hạnh 4 lỗi vi phạm: Điều khiển xe gắn máy chở quá số người quy định, không xuất trình được CMND, không xuất trình được giấy phép lái xe, cản trở người thi hành công vụ. Do đó bà Hạnh bị tạm giữ xe 10 ngày và phải nộp phạt tổng số tiền 2,9 triệu đồng.

H.Vũ
.
.