Thủ đoạn lừa đảo tinh vi trong giao dịch nhà đất:

Giả mạo chữ viết, chữ ký để “đổi trắng thay đen”

Thứ Ba, 23/01/2018, 15:59
Làm giả giấy tờ, giả mạo chữ viết, chữ ký... là một trong những thủ đoạn tinh vi của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đặc biệt trong các giao dịch kinh tế có giá trị lớn như mua bán nhà đất, các đối tượng xấu có rất nhiều chiêu trò tinh quái nhằm “cướp không” tài sản của người khác...

Giả chữ ký để “cướp đất”

Sau khi bán một phần đất và cho người mua đất mượn sổ đỏ để làm thủ tục tách sổ, người bán đất không ngờ rằng người mua bằng thủ đoạn làm giả giấy tờ đã chiếm đoạt toàn bộ phần đất còn lại. Đó là trường hợp của gia đình ông Nguyễn Văn A, ở một huyện ngoại thành Hà Nội.

Theo đó, gia đình ông Nguyễn Văn A có mảnh đất thổ cư diện tích trên 350m2. Cuối năm 2003, do cần tiền xây nhà nên gia đình ông A quyết định chuyển nhượng 120m2 đất trong thửa đất 350m2 của gia đình cho bà Trần Thị H. Hai bên đã tới cơ quan chức năng để làm hợp đồng chuyển nhượng. 3 người đồng sở hữu mảnh đất trong gia đình ông Nguyễn Văn A. đã ký xác nhận vào các giấy tờ cần thiết như hợp đồng chuyển nhượng, biên bản kiểm tra và sơ đồ trích lục...

Giám định viên kỹ thuật hình sự Công an Hà Nội giám định một vụ làm giả sổ đỏ.

Đến đầu năm 2017, bà Trần Thị H. đề nghị ông Nguyễn Văn A. cho mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng thửa đất 350m2 (sổ đỏ) để làm thủ tục tách sổ đối với diện tích đất mà bà H. đã mua. Ông A. đồng ý, giao sổ đỏ cho bà H. và hai bên viết giấy biên nhận. Thế nhưng sau đó, khi ông A. đòi lại sổ đỏ, bà H. nhất định không trả.

Choáng váng hơn, bà H. tuyên bố cuốn sổ đỏ thuộc sở hữu của mình bởi gia đình ông Nguyễn Văn A. đã bán cho bà toàn bộ mảnh đất diện tích 350m2. Để chứng minh, bà Trần Thị H. chìa ra 3 bộ hợp đồng chuyển nhượng  nhà ở, đất vườn liền kề thể hiện việc sau khi bán đất lần thứ nhất, gia đình ông A. đã 3 lần chuyển nhượng nốt phần đất còn lại  trong thời gian từ năm 2004 đến 2005.

Trong các giấy tờ này đều thể hiện có chữ ký của 3 thành viên sở hữu thửa đất của gia đình ông Nguyễn Văn A. trên hợp đồng chuyển nhượng cũng như một số giấy tờ khác như tờ khai nộp thuế đất, biên bản kiểm tra và sơ đồ thửa đất... Đặc biệt, tất cả các hợp đồng mua bán này đều đã được cơ quan chức năng xác nhận, đóng dấu.

Giám định phát hiện chữ ký có dấu hiệu tô đồ.

Bỗng dưng... mất đất, gia đình ông Nguyễn Văn A. chỉ còn biết làm đơn trình báo cơ quan Công an. Trong đơn, ông A. khẳng định gia đình ông chỉ 1 lần duy nhất chuyển nhượng mảnh đất 120m2 vào năm 2003 cho bà Trần Thị H. 3 hợp đồng chuyển nhượng sau này là giả mạo.

Để làm rõ vụ việc, Cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định tới Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an TP Hà Nội. Qua giám định, sơ bộ các giám định viên đã kết luận các chữ ký của 3 thành viên trong gia đình ông Nguyễn Văn A. trên các giấy tờ liên quan trong 3 bộ hợp đồng chuyển nhượng sau đều là giả mạo. Dựa vào bản mẫu các chữ viết, chữ ký thật của các thành viên trong gia đình ông Nguyễn Văn A. trong hợp đồng chuyển nhượng 120m2 đất vào cuối năm 2003, đối tượng đã sử dụng thủ đoạn tô đồ để làm giả chữ viết, chữ ký  của gia đình ông A. trong 3 bản hợp đồng chuyển nhượng sau nhằm chiếm đoạt 230m2 đất còn lại.

Đây chỉ là một trong những vụ việc điển hình về thủ đoạn giả mạo chữ ký, chữ viết nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản đã được Đội Giám định tài liệu - Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an TP Hà Nội) giải mã. Theo giám định viên, thông qua các vụ việc giám định cho thấy,  không ít trường hợp có dấu hiệu vi phạm của công chứng viên thông qua việc chứng thực các giao dịch, hợp đồng có yếu tố gian dối giúp cho việc hợp thức hóa tài sản chiếm đoạt.

Thủ đoạn tô đồ chữ ký qua ánh sáng ngược.

Điển hình như vụ việc của chị Nguyễn Thị Hoa ở quận Cầu Giấy. Đầu năm 2016, chị Hoa dựng chiếc xe máy SH trước cửa nhà, bị kẻ trộm phá khóa trộm cắp xe cùng toàn bộ giấy tờ trong cốp. Một năm sau, đầu năm 2017, chị Hoa đi trên đường tình cờ thấy một người đàn ông đang điều khiển chiếc xe máy SH có biển kiểm soát và đặc điểm xe trùng với chiếc xe bị mất trộm. Chị Hoa đã yêu cầu người đàn ông trên đưa xe đến trụ sở cơ quan Công an để làm rõ.

Tại đây, người điều khiển xe cho biết mua lại chiếc xe trên có đầy đủ giấy tờ hợp pháp, trong đó có giấy “bán, cho, tặng xe” đứng tên chị Nguyễn Thị Hoa được lập tại một văn phòng công chứng. Tuy nhiên, tiến hành giám định, Phòng Kỹ thuật hình sự đã kết luận chữ viết, chữ ký đứng tên chị Nguyễn Thị Hoa trên giấy bán, cho, tặng xe này là giả mạo.

Như vậy, đã có kẻ xấu mạo danh chị Hoa để hợp thức chiếc xe là tang vật vụ trộm tài sản bằng giấy cho, tặng tài sản, và không hiểu vì lý do gì giấy tờ gian dối này đã được công chứng viên xác nhận.

Tại TP Hồ Chí Minh, trong năm 2016 nổi lên thủ đoạn các nhóm đối tượng giả vờ thuê nhà hoặc mua nhà, lợi dụng sự sơ hở của chủ nhà đã đánh tráo “sổ đỏ”, sau đó đóng giả chủ nhà để làm thủ tục chuyển nhượng tại các văn phòng công chứng, chiếm đoạt tài sản.

Theo phản ánh của người bị hại, sau khi rao bán nhà, có một số đối tượng đến hỏi mua rồi mượn bản photo sổ đỏ, CMND, hộ khẩu và các giấy tờ liên quan khác của chủ nhà với lý do chuyển cho công chứng để soạn thảo trước hợp đồng chuyển nhượng hoặc đi kiểm tra tính pháp lý và hẹn ngày đặt cọc. Đến ngày hẹn, đối tượng quay lại yêu cầu được xem bản gốc sổ đỏ trước khi giao tiền, viết giấy đặt cọc. Nhân lúc chủ nhà không để ý, đối tượng sẽ đánh tráo lấy sổ đỏ thật, trả lại sổ đỏ giả cho chủ nhà rồi tìm cớ thoái thác. Nếu không kiểm tra kỹ lại sổ đỏ, chủ nhà sẽ không biết việc đánh tráo này.

Giám định chữ viết, chữ ký tại Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an Hà Nội.

Về phía kẻ gian sau khi đánh tráo, lấy được sổ đỏ thật sẽ giả làm chủ nhà, công khai thực hiện giao dịch chuyển nhượng nhà đất tại các văn phòng công chứng. Có công chứng viên phát hiện sự giả mạo này đã báo Cơ quan công an. Nhưng cũng có văn phòng công chứng đã chứng thực cho các giao dịch giả mạo, “giúp” kẻ xấu chiếm đoạt được tiền của người mua. Dù vô tình hay cố ý thì trong các trường hợp này, công chứng viên do không kiểm tra kỹ nhân thân, dấu vân tay của người bán nên đã dẫn tới sai phạm.

Giả mạo chữ ký, chữ viết cũng xảy ra nhiều ở các giao dịch liên quan đến ngân hàng như CMND, hồ sơ nhà đất, di chúc, sổ tiết kiệm... Các đối tượng trà trộn giấy tờ giả mạo trong hồ sơ để lừa đảo cầm cố, thế chấp vay tiền, rút tiền với số lượng lớn.

Cảnh giác trước các thủ đoạn giả mạo tinh vi

Theo giám định viên Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an TP Hà Nội, thông qua các vụ việc giám định cho thấy giả mạo chữ viết, chữ ký trong các giao dịch tài sản có giá trị là một trong những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong thời gian qua. Phần lớn các đối tượng có ý thức và chủ động chuẩn bị phương thức giả mạo nhằm gây khó khăn cho cơ quan giám định.

Các đối tượng sử dụng nhiều phương pháp giả mạo chữ ký, chữ viết, như: Ký giả theo trí nhớ (quan sát trước chữ ký thật của người bị làm giả, sau đó nhớ lại các đặc điểm để ký theo); Cố ý thay đổi chữ ký của mình (cố tình ký khác chữ ký của mình một phần hoặc toàn phần nhằm mục đích không thừa nhận chữ ký đó); Tự tạo ra chữ ký của người khác (tự sáng tác ra chữ ký của người khác theo ý chủ quan của mình) và tô đồ lại chữ ký.

Trong các thủ đoạn giả mạo chữ viết, chữ ký trên thì nổi lên trong thời gian gần đây là thủ đoạn tô đồ, thường gắn với những vụ làm giả tài liệu hoặc lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản với nhiều hình thức đa dạng như: tô đồ theo nét hằn, tô đồ theo nét chì, giấy than; tô đồ qua ánh sáng ngược, sử dụng dung dịch làm trong giấy sau đó đặt lên bản mẫu rồi tô lại.

Để xác định yếu tố thật - giả trong các vụ việc liên quan đến giả mạo chữ viết, chữ ký, ngoài sự hỗ trợ của các thiết bị khoa học thì điều quan trọng nhất là giám định viên phải tỉ mỉ, thận trọng, chính xác và khách quan trong công tác giám định để tìm ra các đặc điểm khác biệt trên tài liệu cần giám định. Trong các vụ việc khó thì chỉ có những giám định viên giàu kinh nghiệm nghiên cứu mới có thể chỉ ra được những đặc điểm thật - giả vô cùng tinh vi này.

Giám định viên Lê Thị Kim Tuyến, Đội trưởng Đội Giám định tài liệu (Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an TP Hà Nội) phân tích, chữ viết, chữ ký được hình thành qua một quá trình luyện tập lâu dài, não bộ và các cơ phối hợp nhịp nhàng để tạo ra chuyển động viết như một phản xạ có điều kiện. Đa số các chuyển động viết đều không được điều khiển một cách chủ ý mà não bộ tự động hóa bằng phản xạ.

Khi tạo ra chữ viết, chữ ký bằng phương pháp tô đồ, phản xạ tự nhiên sẽ không được sử dụng mà thay vào đó là hành động có chủ ý của con người. Vì vậy, chữ viết, chữ ký tô đồ sẽ có biểu hiện của chữ viết của người mới tập viết như tốc độ viết chậm, có nhiều điểm dừng bút, độ điêu luyện thấp...

Đối với thủ đoạn tô đồ có để lại dấu vết trên tài liệu cần giám định, việc giám định thường thuận lợi hơn bởi những dấu vết để lại có thể quan sát được. Như tô đồ trên các chi tiết in mờ như in laser, in phun màu... sẽ để lại các dấu vết của mực in; tô đồ qua vết hằn, vết bút bi, vết giấy than... đều để lại các dấu vết tương ứng như vết hằn không mực lệch khỏi nét chữ viết, chữ ký, vết bẩn của giấy than...

Tuy nhiên, đối với trường hợp tô đồ qua ánh sáng ngược, mà điển hình là thủ đoạn làm trong giấy bằng dung dịch để đặt lên bản mẫu rồi tô đồ chữ viết, chữ ký thì việc giám định chữ viết, chữ ký đó có phải được tạo ra bằng phương pháp tô đồ hay không gặp khó khăn hơn bởi thủ đoạn này không để lại dấu vết tô đồ trên tài liệu cần giám định.

Sau khi thực hiện tô đồ, đối tượng sấy khô làm bay hơi hết dung dịch, trả lại nguyên trạng giấy ban đầu, gây khó khăn cho công tác giám định. Phải là giám định viên giàu kinh nghiệm mới có thể phân biệt được thủ đoạn tô đồ loại này với hành vi cố ý thay đổi chữ viết, chữ ký hoặc thủ đoạn làm giả chữ viết, chữ ký theo phương pháp nhìn theo để viết, ký...

Cơ quan Công an khuyến cáo, người dân cần cảnh giác, phòng ngừa thủ đoạn giả mạo chữ viết, chữ ký nhằm chiếm đoạt tài sản trong các giao dịch dân sự về nhà đất và các tài sản có giá trị khác. Trong mọi trường hợp, giao dịch nên được lập ít nhất 2 bản để lưu làm đối chứng khi cần, hoặc có thể gạch chéo các phần trống, đề phòng việc đối tượng xấu có thể điền thêm chữ trên văn bản.

Để hạn chế rủi ro vì giấy tờ bị giả mạo, những người có nhu cầu chuyển nhượng nhà, đất chỉ nên cung cấp bản photo sổ đỏ cho người có nhu cầu tìm hiểu; hạn chế cung cấp quá nhiều giấy tờ liên quan đến thông tin cá nhân, tạo điều kiện cho đối tượng có ý đồ xấu lợi dụng làm giả. Đối với người bị mất sổ đỏ thì cần trình báo ngay cho cơ quan Công an và cơ quan chức năng để kịp thời nắm bắt thông tin, ngăn chặn hành vi giả mạo chủ nhà để giao dịch nếu có.

Đối với người mua nhà, đất thì cần tìm hiểu kỹ về nhân thân của chủ đất, đến tận nơi tìm hiểu chứ không nên chủ quan mua bán trên giấy, thậm chí cần đến văn phòng đăng ký đất đai tại các quận, huyện để tìm hiểu tình trạng thửa đất chuẩn bị giao dịch...

Duy Trần
.
.