Xung quanh vụ "ly hôn nghìn tỉ": Gương vỡ khó lành

Thứ Tư, 04/12/2019, 20:14
Ngày 2-12, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh mở phiên xử phúc thẩm vụ án ly hôn giữa nguyên đơn là bà Lê Hoàng Diệp Thảo và chồng, ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên).

Đây là lần thứ 4 họ ra tòa để giải quyết ly hôn. Tuy nhiên, cả hai vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

Năm 2015, bà Thảo đơn phương xin ly hôn. Cuối tháng 3-2019, TAND TP. Hồ Chí Minh đã tuyên họ ly hôn. Tòa cũng ghi nhận sự thỏa thuận của hai bên về việc chia bất động sản. Bà Thảo nuôi dưỡng, chăm sóc con cái, ông Vũ chu cấp cho các con 10 tỉ đồng mỗi năm. 

Đối với tài sản còn lại, Tòa tuyên ông Vũ được sở hữu 60%, nắm quyền điều hành Trung Nguyên và có nghĩa vụ trả lại bà Thảo số tiền tương ứng với số cổ phần bà sở hữu. Theo Tòa, ông Vũ "có công lớn hơn" và việc giao công ty cho ông Vũ điều hành là có tính đến lợi ích lâu dài của doanh nghiệp.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ tại tòa.

Bản án này không được các bên liên quan chấp thuận. Cho là mình bị xử ép, bà Thảo kháng cáo toàn bộ bản án, đề nghị tòa phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm. Theo bà Thảo, quá trình xét xử bà đã nhiều lần đồng ý rút đơn nhưng tòa vẫn tiếp tục xử và cho vợ chồng bà ly hôn… 

Việc tòa xử vợ chồng bà ly hôn và buộc bà phải giao toàn bộ cổ phần mình sở hữu cho ông Vũ và nhận lại bằng tiền là... "cưỡng ép", là "tước đoạt quyền sở hữu của một cổ đông lớn đối với số cổ phần và phần vốn góp trong tập đoàn". Phía ông Vũ yêu cầu cấp phúc thẩm chia cho mình 70% tài sản. Viện kiểm sát kháng nghị chỉ ra nhiều vi phạm của tòa sơ thẩm.

Phiên phúc thẩm đã được mở nhiều lần, nhưng những lần trước đều phải tạm hoãn vì có đơn xin hoãn của bà Thảo với lý do sức khỏe. 

Ngày 18-11, bà Thảo lần thứ ba vắng mặt do sức khỏe yếu, phải vào bệnh viện cấp cứu. Không thể dây dưa, Tòa Cấp cao khẳng định dù lần  này nguyên đơn vắng mặt, tòa vẫn xử. Vụ việc kéo dài khiến ông Vũ không khỏi bức xúc. Ông Vũ cho rằng đã rất mệt mỏi vì vụ án kéo dài, muốn vụ án sớm kết thúc để tránh ảnh hưởng đến người thân, Tập đoàn Trung Nguyên, đến 5.000 nhân viên...

Lần này bà Thảo có mặt, trông bà có vẻ mệt mỏi.  Trước phiên tòa, không xin tạm hoãn nhưng bà Thảo lại có đơn gửi Chánh án TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh thay đổi HĐXX. 

Theo bà Thảo, trong HĐXX phúc thẩm có hai thẩm phán từng tham gia HĐXX vụ ly hôn những phiên trước đó giữa bà và ông Vũ. Hai thành viên trong HĐXX này là thẩm phán Phan Đức Phương và thẩm phán Nguyễn Hữu Ba đều đã tham gia HĐXX phiên sơ thẩm và tuyên xử bất lợi cho bà. Đó cũng là một phần nguyên nhân bà kháng án. Ngoài ra, bà Thảo còn đề nghị tòa trưng cầu giám định tâm thần đối với ông Vũ. Tuy nhiên, Tòa đã bác cả hai yêu cầu của bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo đang chia sẻ với truyền thông.

Đáng chú ý, tại phiên tòa phúc thẩm lần này, HĐXX quyết định cho các bên hòa giải lại một lần nữa. Bà Thảo ngỏ ý muốn rút đơn ly hôn, thay đổi quyền cấp dưỡng nuôi con cũng như rút các yêu cầu khác. "Bản thân tôi mong muốn đoàn tụ cùng gia đình, sát cánh cùng anh Vũ để tiếp tục phát triển Tập đoàn cà phê Trung Nguyên. Là một người vợ, người mẹ thấy anh Vũ sức khỏe đang có vấn đề nên mong muốn được chăm sóc anh. Nếu bây giờ, anh Vũ đồng ý thì các bên sẽ rút đơn ly hôn và vụ án sẽ được đình chỉ", bà Thảo trình bày.

Tuy nhiên, ông chủ của Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên lại không muốn hàn gắn. Ông Vũ cho rằng vụ việc kéo dài quá lâu, mọi việc đã đi quá xa không thể còn điểm dừng. Ông Vũ cũng mong muốn chấm dứt sự việc để không phải chịu nỗi đau gia đình ông đang phải gánh chịu. 

Quá trình chung sống bà Thảo có nhiều hành vi không phải với ông cũng như gia đình ông, buộc ông phải chọn giải pháp là ly hôn. "Vợ chồng sống với nhau phải bằng cái tâm, thật lòng chứ không phải bằng một thứ gì khác, bây giờ, bà ấy muốn hàn gắn cũng không được nữa", ông Vũ tuyên bố.

Về vấn đề tài sản, tại phiên tòa luật sư bảo vệ quyền lợi cũng như bà Thảo đều cho rằng HĐXX chưa làm rõ được người giữ vai trò quan trọng trong quá trình tạo lập, hình thành và đưa Trung Nguyên ngày càng phát triển đi lên, bà Thảo luôn có sự đóng góp ngang bằng với ông Vũ…

"Của chồng công vợ", vì vậy khi phân chia tài sản cũng phải chia theo tỉ lệ ngang nhau thì mới phù hợp với những gì bà đã đóng góp cho Trung Nguyên.

"Bát nước đổ đi không thể hốt lại". Điều mong muốn là vụ việc được giải quyết thấu tình, đạt lý, tránh đi những hệ quả không mong muốn tiếp tục xảy ra.

Đức Hà
.
.