Hà Lan: Vì sao lãnh đạo đảng Leefbaar Nederland bị ám sát?

Thứ Bảy, 29/04/2006, 08:30
Ngày 6/5/2002, ông Pim Fortuyn lãnh đạo đảng Leefbaar Nederland đã bị trúng 6 viên đạn ở cự ly gần và chết ngay tại chỗ. Hung thủ bị bắt ngay sau đó và khai rằng hắn làm như vậy là để cứu đất nước Hà Lan khỏi bị khủng bố bởi những người Hồi giáo. Sở dĩ có chuyện như vậy vì ông Pim Fortuyn từng lên tiếng công kích Hồi giáo.

Cách đây 3 năm, ngày 15/4/2003, Tòa án Hà Lan đã ra lời phán quyết đối với Volkert van der Graaf, kẻ ám sát ông Pim Fortuyn, lãnh đạo đảng Leefbaar Nederland. Theo đó hắn phải chấp hành bản án 18 năm tù. Mặc dù đã thuê luật sư kháng án lên Tòa án tối cao, nhưng ngày 19/7/2003, Tòa án tối cao vẫn chuẩn y bản án đã tuyên trước đó. Theo luật của Hà Lan, Volkert van der Graaf sẽ được xem xét để phóng thích trước thời hạn sau khi đã thụ án được 2/3 thời gian. Mặc dù bị ám sát từ ngày 6/5/2002 nhưng mãi tới ngày 20/7/2002, ông Pim Fortuyn mới được an táng tại Provesano di San Giorgio della Richinvelda, nơi ông có một căn nhà riêng ở đó.

Hầu như cả châu Âu, Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới đều cảm thấy bị sốc trước cái chết của ông Pim Fortuyn bởi đây là vụ ám sát chính trị đầu tiên trong lịch sử hiện đại Hà Lan. Phát biểu trên kênh truyền hình NOS, Thủ tướng Wim Kok nói, thật khó có thể tưởng tượng điều tồi tệ này lại xảy ra tại Hà Lan.

Ban đầu nhiều người cho rằng, động cơ giết người của Volkert van der Graaf rất giản đơn, vì bất bình trước việc ông Pim Fortuyn kêu gọi bãi bỏ luật cấm sử dụng lông thú bởi hắn là một nhà hoạt động vì quyền động vật. Nhưng sau đó chính hung thủ đã tuyên bố tại tòa rằng, hắn làm như vậy là để cứu đất nước Hà Lan khỏi bị khủng bố bởi những người Hồi giáo. Sở dĩ có chuyện như vậy vì ông Pim Fortuyn từng lên tiếng công kích Hồi giáo.

Theo hồ sơ cảnh sát, Volkert van der Graaf đã bị bắt ngay sau khi án mạng xảy ra (bị bắt với khẩu súng ngắn trên tay); còn nạn nhân bị trúng 6 viên đạn ở cự ly gần và toàn vào vị trí hiểm: đầu, cổ, ngực nên đã chết ngay tại chỗ. Sự việc diễn ra quá nhanh khiến cho 4 vệ sĩ của ông Pim Fortuyn trở tay không kịp. Điều này chứng tỏ kẻ ám sát đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng cho vụ việc này.

Ngay sau khi án mạng xảy ra, toàn bộ khu vực xung quanh hiện trường đã bị phong tỏa nghiêm ngặt. Cảnh sát cho biết, ông Pim Fortuyn bị bắn ngay sau khi vừa kết thúc bài trả lời phỏng vấn, rời khỏi Đài phát thanh của thành phố Hilversum.

Ban đầu cảnh sát cho rằng, hung thủ có thể là một kẻ tâm thần, bởi theo người phát ngôn của ông Pim Fortuyn cho biết, trước đó, ông thường xuyên bị ai đó gọi điện thoại, gửi e-mail, thư tới đe dọa ám sát. Trước hôm bị ám sát (6/5/2002), ông Pim Fortuyn từng bị những người quá khích tấn công bằng bom kem, nhằm bày tỏ thái độ của họ trước tư tưởng cực hữu.

Thượng tuần tháng 5/2002, ông Pim Fortuyn đã bày tỏ sự lo ngại về khả năng bị ám sát trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình. Theo giới chuyên môn, việc ông Pim Fortuyn có tới 4 vệ sĩ, một hiện tượng trái ngược với xu thế chung bởi hầu hết chính trị gia Hà Lan đều tới công sở bằng phương tiện giao thông công cộng, không có vệ sĩ, điều đó cho thấy bản thân ông Pim Fortuyn luôn cảm thấy bất ổn trước những tư tưởng cực hữu của mình nên phải đề phòng, song không thoát nạn.

Sinh ngày 19/2/1948 tại Velsen, một thành phố ở phía bắc Hà Lan và tên đầy đủ của ông Pim Fortuyn là Wilhelmus Simon Petrus Fortuijn. Có tin nói rằng, ông Pim Fortuyn là một người đồng tính. Ông Pim Fortuyn từng tham gia giảng dạy tại Học viện Nijenrode, Trường đại học Groningen và Đại học Erasmus. Ông Pim Fortuyn còn là một nhà bình luận, một nhà báo, một nhà hoạt động chính trị. Ngày 26/11/2001, ông được giao trọng trách lãnh đạo đảng Leefbaar Nederland. Nhưng ngày 11/2/2002, ông Pim Fortuyn lại đứng ra thành lập một đảng riêng với tên gọi Lijst Pim Fortuyn.

Kể từ khi tư tưởng cực hữu được truyền bá, tên tuổi của ông Pim Fortuyn cũng như đảng Leefbaar Nederland đã nổi như cồn. Người ta biết tới một Pim Fortuyn tràn đầy tự tin, kiêu hãnh, vui vẻ và khá thất thường cùng cái đầu trọc. Điều ấn tượng nhất ở ông có lẽ là tuyên bố: không nhận bất cứ chức vụ nào trong nội các, trừ chiếc ghế thủ tướng, bởi ông không chấp nhận bị người khác sai khiến!

Leefbaar Nederland là một đảng theo chủ nghĩa hữu khuynh, có tư tưởng chống nhập cư, yêu cầu đóng cửa biên giới Hà Lan đối với người nước ngoài, thậm chí còn đòi cắt giảm trợ cấp xã hội đối với người thất nghiệp; đòi xóa bỏ điều luật bổ sung trong Hiến pháp: cấm phân biệt đối xử.

Ngay sau khi vụ ám sát xảy ra, Chính phủ Hà Lan đã phải triệu tập phiên họp bất thường để đi đến quyết định cuối cùng: cuộc bầu cử Quốc hội vẫn diễn ra theo đúng lịch trình cho dù trước đó, hai Phó thủ tướng Annemarie Jorritsma và Els Borst đều ủng hộ việc hoãn cuộc bầu cử. Tại thời điểm đó nhiều người cho rằng, đảng Leefbaar Nederland sẽ “ngư ông đắc lợi”, bởi thông qua cái chết của ông Pim Fortuyn, họ sẽ tranh thủ được tối đa sự ủng hộ của quần chúng (nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra). Thậm chí có người còn nhận định, cái chết của ông Pim Fortuyn đang làm thay đổi đời sống chính trị ở Hà Lan. Điều đáng nói là trước đó (16/4/2002), Chính phủ Hà Lan cũng bị rơi vào một cuộc khủng hoảng hết sức nghiêm trọng - nội các đồng loạt từ chức sau khi Viện Tư liệu quân sự Hà Lan công bố 7.500 trang tài liệu liên quan tới một vụ thảm sát diễn ra 7 năm trước tại Sebrenica, một thị trấn của Bosnia. Khi đó người ta đã cảnh báo, người thu lợi nhiều nhất trong việc này sẽ là ông Pim Fortyun, người vừa chiến thắng trong cuộc bầu cử vào Tòa thị chính Rotterdam hồi tháng 3/2002

N.T.L (Tổng hợp)
.
.