Hai mảng án kinh tế "đậm màu" năm 2020

Thứ Bảy, 09/01/2021, 11:48
Kinh tế năm 2020 là một bức tranh ảm đạm, nhưng ở TP Hồ Chí Minh nổi lên hai mảng màu tối. Thứ nhất là hàng loạt giám đốc các sàn môi giới, công ty đầu tư bất động sản vướng lao lý vì hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản (CĐTS) thông qua kinh doanh bất động sản. Thứ hai là những vụ án sản xuất, buôn bán hàng giả liên quan đến lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19...


Gian thương cơ hội trong thời dịch bệnh

Năm 2020, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh đã phát hiện, tiếp nhận thụ lý 31 vụ lừa đảo, sản xuất, buôn bán hàng giả liên quan đến khẩu trang, găng tay y tế, với số tiền chiếm đoạt trên 321 tỷ đồng. Công an đã khởi tố 5 vụ án, 7 bị can về các tội "Lừa đảo CĐTS", "Sản xuất, buôn bán hàng giả" và "Buôn lậu". 

Nổi cộm là vụ "Sản xuất, buôn bán hàng giả" là găng tay y tế giả các loại xảy ra tại Công ty Đầu tư và phát triển Y tế Trường Thọ do đối tượng Ngô Minh Danh cầm đầu. Tháng 8-2020, cơ quan điều tra đã khởi tố hai bị can là Ngô Minh Danh và Nguyễn Văn Mịch để điều tra về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả". Số hàng gian, hàng giả bị thu giữ đặc biệt lớn gồm: hơn 14.000 thùng găng tay y tế giả thành phẩm, 110 tấn găng tay giả chưa phân loại, 3,7 tấn găng tay y tế giả đã phân loại và số lượng rất lớn vỏ thùng phục vụ đóng gói tiêu thụ ra thị trường. Tổng trị giá hàng hóa ước tính khoảng 20 tỷ đồng. Nếu số lượng hàng hóa này lọt ra ngoài thị trường thì sẽ được tiêu thụ trên nhiều tỉnh thành, nguy cơ lây lan mầm bệnh rất lớn, vì đều là hàng giả, đã qua sử dụng.

Bị can Nguyễn Văn Mịch trong vụ sản xuất, buôn bán găng tay y tế giả.

Cũng trong tháng 8-2020, Phòng Cảnh sát Kinh tế còn phát hiện, khám phá vụ "Sản xuất, buôn bán hàng giả" xảy ra tại Công ty TNHH SX TM TTH, do đối tượng Thạch Thị Hoa cầm đầu. Trong vụ án này, cơ quan điều tra đã khởi tố 5 bị can, thu giữ 2.300 thùng găng tay giả nhãn hiệu Vglove, 700 kg găng tay y tế kém chất lượng, 6.800 vỏ hộp nhãn hiệu Vglove. Trị giá hàng hóa tổng cộng trên 3 tỷ đồng.

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản phát sinh đột biến 

Tính đến hết tháng 11-2020, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh đã thụ lý 98 vụ việc, khởi tố 26 vụ án, 50 bị can về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. COVID-19 làm ngưng trệ các hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng không ngăn được các hành vi lừa đảo. Trong lĩnh vực này, bọn tội phạm đã  chiếm đoạt hơn 4.108 tỷ đồng của 5.329 bị hại. Công an đã kê biên, thu hồi tiền, tài sản được khoảng hơn 1.888 tỷ đồng. Tất nhiên, đó chỉ là những con số đã được khám phá. Thực tế còn lớn hơn nhiều.

Thủ đoạn không mới, vẫn là  lập các dự án "ma" để dụ dỗ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng. Từ giữa năm 2020 đến nay, "vấn nạn" này lại bùng phát.

Ngày 18-11-2020, Phòng Cảnh sát Kinh tế đã có kết luận điều tra vụ án, đề nghị truy tố 23 bị can trong vụ án Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm can tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền, xảy ra tại Công ty CP Địa ốc Alibaba. Vụ án chấn động dư luận kéo dài từ năm 2019.

Kết luận điều tra xác định Nguyễn Thái Luyện - Giám đốc Công ty CP Địa ốc Alibaba là đối tượng cầm đầu. Luyện và đồng phạm lập ra 22 công ty khác nhau, mua 58 khu đất nông nghiệp ở các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận. Các khu đất này dù chưa được chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, chưa lập hồ sơ dự án... chúng đã tự lập ra các bản vẽ, phân lô nền, tự đặt tên dự án, tự ý xây dựng cơ sở hạ tầng trái phép... để ký "Hợp đồng đặt cọc" với khách hàng nhận tiền nhằm chiếm đoạt.

Vụ án chấn động dư luận liên quan đến Nguyễn Thái Luyện xảy ra tại Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba.

Đặc biệt, các đối tượng đã sử dụng phương thức kinh doanh đa cấp trong lĩnh vực bất động sản, cam kết lợi nhuận, đưa ra các cam kết ưu đãi, chiết khấu nếu giới thiệu được khách hàng mới; cam kết mua lại nền đất với giá cao hơn từ 30% (sau 12 tháng), 38% (sau 15 tháng)… Ngoài ra, các đối tượng còn thực hiện thủ đoạn mua bán lòng vòng giữa các nhân viên trong công ty, giữa các pháp nhân trong nội bộ Alibaba nhằm tạo nhu cầu ảo, thanh khoản ảo, trong đó giá chuyển nhượng sau đều cao hơn nhằm đánh vào lòng tham của khách hàng.

Chỉ trong thời gian ngắn, hơn 3.900 bị hại tham gia đặt cọc mua nền. Đám tội phạm ung dung chiếm đoạt trên 2.373 tỷ đồng. Đến nay cơ quan chức năng đã kê biên, thu hồi, phong tỏa tiền, tài sản trị giá hơn 1.550 tỷ đồng.

Có cả dự án "ma" ở khu vực nội thành, cộm nhất là vụ "Trần Thị Hồng Hạnh cùng đồng bọn lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty Hoàng Kim Land. Cơ quan điều tra đã khởi tố 5 bị can.

Hoàng Mạnh Cường, Tổng giám đốc Công ty Phát An Gia, bị bắt giữ vì bán dự án "ma".

Hạnh đã chỉ đạo mua gom đất với diện tích lớn tại các khu vực được quy hoạch là đất ở nông thôn tại vùng ven của thành phố như Bình Chánh, Bình Tân, quận 12, Hóc Môn. Việc mua bán chỉ bằng giấy tờ viết tay, không đăng ký chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại cơ quan chức năng... Sau đó dù chưa làm thủ tục sang tên, chưa thanh toán hết tiền cho bên chuyển nhượng, không làm hồ sơ xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tách thửa, lập dự án, Hạnh và đồng phạm vẫn tự lập bản vẽ, phân lô nền và thông qua hai pháp nhân Công ty Đất Vàng Hoàng Gia, Công ty Hoàng Kim Land để ký "Hợp đồng đặt cọc" với khách hàng nhằm chiếm đoạt số tiền đặt cọc. Hạnh và đồng phạm đã chiếm đoạt số tiền trên 251 tỷ đồng của 163 bị hại.

Tương tự, Hoàng Mạnh Cường, 35 tuổi, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư bất động sản Phát An Gia (trụ sở tại phường Long Trường, quận 9) cũng bị bắt để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Từ năm 2018 - 2019, Cường và Công ty Phát An Gia không nộp hồ sơ xin phép đầu tư xây dựng dự án, cũng không được cơ quan chức năng nào phê duyệt chấp thuận chủ trương và cấp phép đầu tư xây dựng các dự án khu dân cư Central House đường 4, khu dân cư đường 8, khu dân cư Trường Lưu.

Tuy nhiên, Cường đã tự đặt tên dự án, lập bảng quảng cáo, bản vẽ phân thành 193 nền đất để lừa bán và đã thu tiền của hàng chục khách hàng hơn 97 tỷ đồng. Sau khi đã ký hợp đồng và thu tiền của khách hàng, Cường lại ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ các thửa đất tại các dự án này cho nhiều cá nhân khác.

Nhiều địa phương ở TP Hồ Chí Minh đã trưng bảng cảnh báo người dân về thực trạng rao bán bất động sản trái phép.

Trong các vụ án liên quan đến hành vi bán một căn hộ cho nhiều người thì vụ án "Vũ Bảo Trinh và đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản", xảy ra tại Công ty TNHH BĐS Nam Thị có số bị hại và thiệt hại có thể nói là lớn nhất. Công ty TNHH BĐS Nam Thị là chủ đầu tư dự án chung cư La Bonita tại quận Bình Thạnh. Sau khi đã bán hết các căn hộ, sàn thương mại cho khách hàng, Trinh và đồng phạm đã sử dụng thủ đoạn thay đổi mã số căn hộ, mã sàn thương mại, thay đổi cách đánh số, tạo ra các căn hộ mới (không có thật) để ký bán cho người dân, chiếm đoạt số tiền hơn 100 tỷ đồng của 72 bị hại…

Hiện nay, nhu cầu nhà ở giá thấp hoặc trung bình của đông đảo người dân rất lớn. Nhưng các chủ đầu tư lớn và các địa phương lại chú trọng phát triển dự án nhà ở trung cấp, cao cấp, thiếu sản phẩm BĐS giá thành hợp lý (trên dưới 1 tỷ đồng) dẫn đến cầu vượt xa cung. 

Nắm được tâm lý trên và thực tế tăng trưởng nóng tại một số địa bàn tập trung nhiều dự án trọng điểm về phát triển hạ tầng kỹ thuật giao thông, sân bay, bến cảng, khu đô thị như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu..., các đối tượng đã tiến hành thu gom đất nông nghiệp, lập ra dự án "ma", phân lô trên giấy bán cho người dân với giá rẻ để lừa đảo.

Trong 26 vụ án (với 50 bị can) do Phòng Cảnh sát kinh tế thụ lý đã có hơn 5.300 bị hại. Số nạn nhân quá lớn luôn gây sức ép về tiến độ điều tra, xác minh. Và do đó, nguy cơ tái diễn vẫn còn lơ lửng.

Thụ lý 28,6% tổng số vụ án kinh tế toàn quốc

Năm 2020, tình hình tội phạm tham nhũng, kinh tế buôn lậu trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã được ngăn chặn, kéo giảm đáng kể, với 1.251 vụ, 1.270 đối tượng được phát hiện xảy ra, giảm 21,7% về số vụ và giảm 18,2% về số đối tượng so với cùng kỳ năm 2019. 

Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố mới 77 vụ án, 134 bị can; nâng tổng số thụ lý trong năm của cả lực lượng lên 1.420 vụ án, 411 bị can, chiếm tỷ lệ 28,6% tổng số vụ án của lực lượng Cảnh sát Kinh tế toàn quốc, trong khi quân số chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 8% lực lượng Cảnh sát Kinh tế toàn quốc.

Phú Lữ
.
.