Hàn Quốc: Mở lại hồ sơ vụ án bí ẩn Burger King

Chủ Nhật, 31/01/2010, 10:40
Đây là một trong những hồ sơ án mạng bí ẩn nhất của Hàn Quốc, một vụ giết người gây xúc động mạnh mẽ dư luận xứ sở Kim chi và làm bùng nổ làn sóng chống đối dữ dội các căn cứ quân sự của Mỹ đặt tại nước này trong gần một thập niên.

Ngày 3/4/1997, một sinh viên Hàn Quốc tên là Cho Chong-pil, 22 tuổi, được tìm thấy nằm chết trên sàn phòng tắm trong nhà hàng Burger King ở Itaewon, một trong những khu vui chơi dành cho người ngoại quốc nổi tiếng nhất ở trung tâm thành phố Seoul. Anh bị đâm nhiều nhát dao vào cổ - bằng chứng mà sau đó các công tố viên Hàn Quốc gọi là một vụ giết người theo kiểu “gangster Mỹ".

Vài ngày sau, họ công bố tên hai kẻ tình nghi từng ăn tối chung trong nhà hàng ăn nhanh Burger King đúng vào đêm xảy ra án mạng. Đó là Arthur Patterson, 17 tuổi, con trai của một nhà thầu quân đội Mỹ và Edward Lee, 18 tuổi, người Mỹ gốc Hàn. Cả hai nghi phạm thừa nhận có chứng kiến vụ giết người, đồng thời người này tố cáo người kia là hung thủ.

Năm 1998,  phiên tòa xét xử Arthur Patterson kết thúc và người này chỉ lĩnh án tù giam 18 tháng vì tội sở hữu vũ khí bất hợp pháp và phá hủy bằng chứng. Patterson được trả tự do vào đầu năm 1999 trong chương trình ân xá của Chính phủ Hàn Quốc dành cho 2.000 tù nhân. Tòa án kết luận Edward Lee có tội giết người và tuyên án tù chung thân, nhưng sau đó được giảm án xuống còn 20 năm tù giam.

Năm 1999, Edward Lee được Tòa án Tối cao tha bổng vì lý do thiếu chứng cứ, sau đó cả hai đã về nước. Và hơn 10 năm đã trôi qua kể từ khi vụ án được đưa ra xét xử tại tòa án, vụ việc lại được nhắc tới. Mới đây, Hàn Quốc quyết định mở lại hồ sơ vụ án phức tạp chưa được xử lý rốt ráo này. Tháng 12/2009, các công tố viên bắt đầu cho mở lại hồ sơ sau khi vụ án mạng Burger King trở thành đề tài của một cuốn phim Hàn Quốc, gây xôn xao dư luận vào mùa thu năm 2009.

Năm 2006, một tòa án ở Seoul đề nghị chính quyền bồi thường cho gia đình nạn nhân số tiền 34.000USD. Vụ án chính thức khép lại cho đến tháng 12/2009 và ngày 5/1/2010, Ngoại trưởng Hàn Quốc tuyên bố đã gửi văn kiện yêu cầu dẫn độ Arthur Patterson từ quê nhà người này ở Sunnyvale, bang California. Nếu chính quyền Mỹ đồng ý hợp tác thì Patterson sẽ bị áp giải trở về Seoul để đối mặt với một phiên tòa xét xử mới, và thậm chí có thể bị kết tội nặng hơn.

Edward Lee, một bị cáo khác trong phiên tòa (người luôn khẳng định là mình vô tội), nói anh ta hoan nghênh quyết định của Tòa án Seoul. Lee nói với Dong-A Ilbo, tờ báo tiếng Hàn ở Seoul, trong tháng 12/2009: "Nếu chính quyền Mỹ chuyển giao Patterson và Viện Công tố mở cuộc điều tra lại, tôi sẵn sàng hợp tác". Đối với một số người dân Hàn Quốc, đây là một bước tiến quan trọng trong cuộc chiến chống lại một loạt những tội ác do quân nhân Mỹ và người thân của họ gây ra trong suốt 40 năm qua ở Hàn Quốc và một nền luật pháp đã tỏ ra quá dễ dãi đối với họ.

Park Kyung-soo, nhà hoạt động xã hội của Tổ chức Chiến dịch quốc gia tiêu trừ tội ác của quân đội Mỹ ở Hàn Quốc, một tổ chức phi lợi nhuận ở Seoul, nói: "Trong vụ án này, chúng tôi nhìn thấy quyền bảo vệ của SOFA (Hiệp ước song phương về quân sự giữa Mỹ và Hàn Quốc) là quá rộng lớn. Nó hạn chế quyền tiếp tục giam giữ trước khi bị truy tố và bất cứ khi nào một người được SOFA bảo vệ ra trước tòa, một đại diện người Mỹ được phép đi kèm theo anh ta".

Trong vụ án Burger King, các nhà hoạt động xã hội Hàn Quốc cũng than phiền nhiều về việc SOFA đã cản trở tòa án nước này có quyết định đòi ra hầu tòa con cái của những quân nhân Mỹ để lấy bằng chứng quan trọng có thể giúp chứng minh những nghi phạm là có tội hay không có tội.  Bất chấp mối quan hệ tốt đẹp của Chính phủ Hàn Quốc với Washington, một bộ phận lớn trong xã hội Hàn Quốc từ lâu vẫn tỏ ra hoài nghi sự chiếm đóng của lực lượng ngoại bang trong thế kỷ qua ở nước này.

Năm 2002, làn sóng biểu tình phản đối đã lan rộng khắp nước Hàn Quốc sau vụ việc hai binh sĩ Mỹ lái xe bọc thép cán chết 2 cô gái ở tuổi thiếu niên ở khu vực bắc Seoul,nhưng sau đó được một tòa án quân sự Mỹ tha bổng! Một lần nữa SOFA bị chế nhạo vì đã giúp cho binh sĩ Mỹ không bị hệ thống tòa án Hàn Quốc xét xử. Năm 2008, những cuộc biểu tình càng nóng thêm lên ở Seoul sau khi chính quyền nước này cho phép nhập khẩu thịt bò Mỹ bị nghi ngờ mắc bệnh bò điên! Những người biểu tình tố cáo chính quyền Tổng thống Lee Myung-bak đang bảo vệ  liên minh của ông ta với Mỹ mà bỏ mặc sức khỏe của người dân Hàn Quốc.

Tuy nhiên, những người khác cho rằng, Hiệp ước SOFA không gây cản trở những cuộc điều tra như những nhà hoạt động xã hội và giới truyền thông Hàn Quốc tố cáo.

Ông Oh Se-in, người phát ngôn của Viện Công tố, nói: "Chúng tôi luôn có thẩm quyền xét xử những loại tội phạm này, khi mà nạn nhân là người Hàn Quốc. Chúng tôi chỉ gặp một vài giới hạn về thủ tục mà đó không là vấn đề lớn". Những người ủng hộ nói, Hiệp ước SOFA tạo thuận lợi cho Hàn Quốc nhiều hơn nếu so với hiệp ước tương tự mà Nhật Bản ký kết với Mỹ. Ở Nhật Bản, quân đội Mỹ có quyền giữ lại những quân nhân tình nghi gây án cho đến khi một tòa án Nhật Bản chính thức kết tội họ, một điều khoản mà những người chỉ trích cho là gây cản trở cho những cuộc điều tra.

Nhiều người cho rằng, chính quyền đã đi một bước sai lầm tệ hại khi cho mở lại hồ sơ vụ án Burger King, bởi vì việc này có thể khơi dậy mối quan hệ rạn nứt giữa các  căn cứ quân sự Mỹ và những người dân Hàn Quốc sống quanh đó. Nhưng, Park Kyung-soo khẳng định, một phiên tòa mới sẽ chỉ là bước đầu tiên trong cuộc đấu tranh đòi xem xét lại Hiệp ước SOFA đã tồn tại từ nhiều thập niên

T.T.Phong (tổng hợp)
.
.